Vị tướng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam từng xuất binh chinh phạt Trung Quốc - Kỳ 2

Giúp NTDVN sửa lỗi

'Quân Đại Việt tấn công vào thành trì của nhà Tống như nước vỡ bờ, thế không ai địch nổi. Tướng triều Tống là Tô Giám vẫn liều chết lãnh đạo quân và dân chúng thành Ung Châu chống cự, khi thấy không còn hy vọng, y bèn quay về nhà giết hết người nhà - tổng cộng 36 người, chôn xác xuống hố rồi tự vẫn chết'…

Xem lại Kỳ 1

Đánh “văn” trước, đánh “võ” sau

Lại nói về cánh quân chủ lực của triều đình Đại Việt, Lý Thường Kiệt kéo quân tiến sâu vào nội địa. Phía Tống không còn quân cản đường, quân Lý kéo đến thành Ung Châu. Nhưng Lý Thường Kiệt vẫn lo ngại dân Tống sẽ cản đường về và gây khó dễ cho quân Lý, do đó nhằm phô trương danh nghĩa của cuộc Bắc phạt, Lý Thường Kiệt viết “Phạt Tống lộ bố văn” và sai yết ở dọc đường để kể tội nhà Tống, đại ý lời văn công bố như sau:

Lý Thường Kiệt kéo quân tiến sâu vào nội địa. Phía Tống không còn quân cản đường, quân Lý kéo đến thành Ung Châu.
Lý Thường Kiệt kéo quân tiến sâu vào nội địa. Phía Tống không còn quân cản đường, quân Lý kéo đến thành Ung Châu. (Ảnh qua gamek.vn)

“Trời sinh ra dân chúng, Vua hiền ắt hoà mục. Đạo làm chủ dân, cốt ở nuôi dân. Nay nghe vua Tống ngu hèn, chẳng tuân theo khuôn phép thánh nhân, lại tin kế tham tà của Vương An Thạch, bày những phép “thanh miêu”, “trợ dịch”, khiến trăm họ mệt nhọc lầm than mà riêng thoả cái mưu nuôi mình béo mập.

Bởi tính mệnh muôn dân đều phú bẩm tự trời, thế mà bỗng sa vào cảnh éo le độc hại. Lượng kẻ ở trên cố nhiên phải xót. Những việc từ trước, thôi nói làm gì!

Nay bản chức vâng mệnh quốc vương chỉ đường tiến quân lên Bắc, muốn dẹp yên làn sóng yêu nghiệt, chỉ có ý phân biệt quốc thổ, không phân biệt chúng dân. Phải quét sạch nhơ bẩn hôi tanh để đến thuở ca ngày Nghiêu, hưởng tháng Thuấn thanh bình!

Ta nay ra quân, cốt để cứu vớt muôn dân khỏi nơi chìm đắm. Hịch văn truyền tới để mọi người cùng nghe. Ai nấy hãy tự đắn đo, chớ có mang lòng sợ hãi!”.

(Phạt Tống lộ bố văn – Lý Thường Kiệt).

Hịch văn truyền tới để mọi người cùng nghe. Ai nấy hãy tự đắn đo, chớ có mang lòng sợ hãi!”.
"Hịch văn truyền tới để mọi người cùng nghe. Ai nấy hãy tự đắn đo, chớ có mang lòng sợ hãi!”. (Ảnh qua wechat.kanfb.com)

Dân Tống thấy lời tuyên cáo đều mừng vui đồng tình, mang rượu thịt ra khao quân của Lý Thường Kiệt. Từ đó mỗi khi dân Tống thấy cờ hiệu Lý Thường Kiệt từ xa đều nói đó là quân của cha họ Lý người nước Nam và cùng nhau bày án bái phục trên đường. Do đó uy danh quân Lý lan rất xa và không bị người dân nước Tống cản đường gây khó dễ.

Dù bị bất ngờ và tổn thất nặng nề ở vùng biên thùy phía nam bởi cuộc tấn công của Lý Thường Kiệt, nước Tống vẫn còn tiềm lực rất mạnh. Vua Tống và Vương An Thạch bàn nhau dựa vào sự kiên cố của thành Ung Châu để cầm chân quân Đại Việt, rồi cho một đạo quân lớn đi đường khác đánh thẳng vào lãnh thổ nước ta. Vương An Thạch thay vua Tống soạn tờ thư chiêu hàng gọi là: “Thảo Giao Chỉ chiếu” để dùng cho việc khuất phục tinh thần quân dân Đại Việt, cũng là đối đáp lại những lời lẽ trong bản “Phạt Tống lộ bố văn” mà Lý Thường Kiệt đã cho dán khắp dọc đường tiến quân. “Thảo Giao Chỉ Chiếu” có những lời lẽ thể hiện rõ tư tưởng của nước lớn, ra vẻ bề trên vừa xoa dịu dụ dỗ, vừa đe dọa vũ lực đối với quân dân Đại Việt. Lời chiếu như sau :

“Xét lại nước An Nam đời đời hưởng vương tước, các triều trước đối đãi khoan hậu, khi nào cũng bao dung tha thứ, mãi đến ngày nay. Nay lại xâm phạm thành ấp, sát hại quân dân, đã phạm pháp kỷ thì không thể tha thứ được. Vâng mệnh trời mà chinh phạt, tức là có danh nghĩa. Vậy sai Triệu Tiết sung làm chức An Nam Đạo hành dinh, Mã bộ quân Đô tổng quản sung làm Kinh lược chiêu thảo sứ, Lý Hiến sung làm chức Phó sứ, Yên Đạt sung làm chức Mã bộ Phó sứ Đô tổng quản, thuận theo thời lệnh mà dấy binh đường thuỷ và đường bộ tiến quân. Ý trời tỏ ra giúp thuận, hiện ra những điểm chỉ vẽ rõ ràng. Người nào biết hối hận, đều giữ khí khái đối địch quân thù, những nơi nào quân vua tới sẽ không tổn hại đến thường dân và tàn sát kẻ bại trận.

Hỡi nhân dân đã lâu ngày sống trong cảnh lầm than, nếu biết khuyên dụ chủ mình nội phụ, xuất chúng quy phục, bắt giặc hiến cống, đem mình hiếu thuận, thì sẽ được thưởng tứ tước lộc, vinh hiển bội phần, những tội lỗi trước đây đều được ân xá. Càn Đức đương còn ấu trĩ, chính lệnh không do y mà ra, khi nào lai triều cũng sẽ được tiếp đãi trọng hậu như trước. Lời ta không sai, chớ có nghe lầm. Gần đây, ta nghe nhân dân bị bóc lột cực khổ, ta đã căn dặn sứ thần truyền đạt ân chiếu của ta, sự tàn bạo và thuế nặng đều được tẩy trừ. Mong rằng một nước chư hầu của ta luôn được yên vui”.

Vương An Thạch thay vua Tống soạn tờ thư chiêu hàng gọi là: “Thảo Giao Chỉ chiếu” để dùng cho việc khuất phục tinh thần quân dân Đại Việt
Vương An Thạch thay vua Tống soạn tờ thư chiêu hàng gọi là: “Thảo Giao Chỉ chiếu” để dùng cho việc khuất phục tinh thần quân dân Đại Việt. (Ảnh: Wikipedia)

Thành Ung Châu kiên cố và có nhiều quân lương, khí giới. Do đây là nơi tập kết của cải của nước Tống để đánh Đại Việt. Tô Giám lại là một tướng lão luyện của triều Tống. Y dùng tài sản phân phát cho dân chúng trong thành, dùng lời khích lệ tinh thần khiến cho cả thành đồng lòng cố thủ. Lý Thường Kiệt vây thành ngót hơn một tháng mà không thể hạ nổi. Quân Đại Việt nghĩ cách đào hầm xuyên qua hào sâu và tường thành để đột nhập vào trong thành. Quân Ung Châu phát hiện được hầm, Tô Giám cho phóng hỏa đốt ngay miệng hầm khiến quân Đại Việt lại bị thương vong. Quân Đại Việt bèn dùng hỏa công, bắn các loại đạn gây cháy từ máy bắn đá và hỏa tiễn vào trong thành gây nhiều thương vong cho dân chúng và binh lính Tống. Thành Ung Châu bị cháy nhiều nơi, không đủ nước dập lửa.

Trong thành lại bị thiếu nước uống, dân chúng phải uống nước dơ bẩn, dịch bệnh do đó mà bùng phát khiến rất nhiều dân chúng bị chết. Dù vậy tường thành vẫn không hạ được. Đạn từ máy bắn đá thời kỳ này tỏ ra không đủ sức đánh thủng tường thành Ung Châu. Cuối cùng, Lý Thường Kiệt dùng kế thổ công. Ông sai quân lấy đất xúc vào bao, làm đến hàng vạn bao đất rồi bắt tù binh người Tống liều mạng vượt qua mưa tên, khiêng bao đất xếp dưới chân thành để tạo thành bậc thềm. Chẳng mấy chốc đã làm được một đường dốc cao tới mặt thành.

Quân Đại Việt theo đó tràn vào thành như nước vỡ bờ, thế không ai địch nổi. Tô Giám vẫn liều chết lãnh đạo quân và dân chúng thành Ung Châu chống cự, khi thấy không còn hy vọng bèn quay về nhà giết hết người nhà - tổng cộng 36 người, chôn xác xuống hố rồi tự vẫn chết. Tô Giám liều mình như vậy khiến dân chúng thành Ung Châu cảm kích mà không chịu đầu hàng, họ đã chiến đấu đến cùng trong tuyệt vọng. Tai ương đã ập lên tất cả dân Tống trong thành, một cuộc thảm sát đã diễn ra:

Lý Thường Kiệt để hoàn thành cuộc chiến và tiêu hao sinh lực đối phương đã hạ lệnh giết tất cả người trong thành. Ngày mùng 1 tháng 3 năm 1076, thành Ung Châu bị quân Lý triệt hạ sau 42 ngày cố thủ. Số người trong thành Ung Châu bị giết lên đến 58.000 người. Về phía quân Đại Việt cũng có tổng thiệt hại đến hơn vạn người cùng nhiều voi chiến trong chiến cuộc Ung Châu.

Ngày mùng 1 tháng 3 năm 1076, thành Ung Châu bị quân Lý triệt hạ sau 42 ngày cố thủ. Số người trong thành Ung Châu bị giết lên đến 58.000 người.
Ngày mùng 1 tháng 3 năm 1076, thành Ung Châu bị quân Lý triệt hạ sau 42 ngày cố thủ. Số người trong thành Ung Châu bị giết lên đến 58.000 người. (Tranh vẽ- dẫn qua vinhphuc.gov.vn)

Trước đây, Tô Giám là người đã từng khuyên Lưu Di, Thẩm Khởi không nên khiêu khích Đại Việt vì sợ quân Đại Việt sẽ tràn sang đánh Tống trước nhưng bị gạt bỏ ngoài tai, lại còn bị khiển trách. Nay quả thật quân của Lý Tường Kiệt đã chủ động tấn công trước, căn cứ chiến lược dùng cho việc xâm lăng của nhà Tống là thành Ung Châu phút chốc bị đập tan, hàng vạn quân dân Tống bị giết. Với việc thành Ung Châu bị hạ, mọi toan tính chiến lược của nước Tống về sau đều bị đảo lộn.

Dù cuộc tấn công này đối với quân Đại Việt mang mục đích tự vệ chính đáng, cũng phải nói rằng trong số những người nước Tống bị giết có nhiều người mất mạng oan uổng. Họ cũng như quân dân Đại Việt, là nạn nhân trong tham vọng bá quyền của Tống triều.

Lý Thường Kiệt hay tin quân Tống sắp đưa quân sang đánh Đại Việt, liền chuẩn bị một kế hoạch rút quân hoàn hảo. Ông sai lấy đá lấp sông Ung Giang, một tuyến đường thủy huyết mạch ở phía nam nước Tống. Để đánh lạc hướng quân Tống trước khi rút về nước, Lý Thường Kiệt phao tin là sắp đem quân đánh Tân Châu. Quan giữ thành Tân Châu là Cổ Cắn Lặc nghe tin bỏ cả ấn tín mà chạy trốn. Quân Đại Việt chủ động rút lui về nước lo chuẩn bị để phòng thủ một cách nhanh gọn.

Một số thám tử Đại Việt được phái cải trang thành nhà sư, nạn dân, lái buôn người Tống, đi khắp nơi do thám. Quân Đại Việt đốt trại, thiêu hủy lương thực, phá thành, phá các đồn lũy, mang theo nhiều của cải và tù binh rút về nước. Không một đội quân Tống nào dám đuổi đánh do trúng kế của Lý Thường Kiệt và vì lo quân ta tiếp tục đánh Tân Châu nên các đội quân chính quy của nhà Tống vẫn ở trong thế thủ.

Một số thám tử Đại Việt được phái cải trang thành nhà sư, nạn dân, lái buôn người Tống, đi khắp nơi do thám.
Một số thám tử Đại Việt được phái cải trang thành nhà sư, nạn dân, lái buôn người Tống, đi khắp nơi do thám. (Ảnh: Pixabay)

Sau trận Bắc phạt, những của cải không đem theo hết được đều bị quân Đại Việt thiêu hủy. Những tù binh không đem theo được cũng bị giết. Đó cốt là để tàn phá bàn đạp mà nước Tống định dùng cho cuộc xâm lược Đại Việt. Cả một vùng rộng lớn thuộc lộ Quảng Tây tiêu điều xơ xác. Tổng cộng trong toàn bộ chiến dịch đánh Tống, quân Đại Việt đã giết hơn 10 vạn quân và dân nước này.

Khoảng cuối tháng 3 năm 1076 Lý Thường Kiệt đã an toàn rút hết quân về nước. Đội quân thiện chiến đã theo ông Bắc phạt không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi hay mừng chiến thắng. Bởi mọi người hiểu rằng cuộc chiến sắp tới sẽ còn rất cam go. Triều đình nhà Lý bắt tay ngay vào việc điều động quân dân Đại Việt chuẩn bị bước vào giai đoạn chiến đấu mới mang ý nghĩa quyết định tới vận mệnh của dân tộc – đón đánh đội quân viễn chinh nhà Tống trên lãnh thổ Đại Việt.

Ý nghĩa lịch sử của cuộc tấn công chiến lược “Tiên phát chế nhân”

Nhà Tống chủ trương tập trung căn cứ hậu cần tại các cứ điểm phía nam để chuẩn bị đánh Đại Việt, nhưng Nhà Lý dưới sự lãnh binh tài tình của Lý Thường Kiệt đã đánh phá các Châu: Liêm, Khâm và Ung, đốt hết các trại Vĩnh Bình, Thái Bình, Thiên Long, Cổ Vạn đã đạt được mục tiêu ra quân trước, chặn đánh thế mạnh của bên Tống.

Sau thất bại này, cả Tống Thần Tông và Vương An Thạch đều quy lỗi cho các tướng dưới quyền. Thẩm Khởi và Lưu Di bị truy xét tội trạng. Về việc này, Vương An Thạch có viết trong "Tư kỷ":

“Vua sai Khởi Kinh Chế giữ kín việc đánh Giao Chỉ, các đại thần không hay, phàm Khởi tâu xin gì vua cũng nghe”.

Nhưng Tống Thần Tông thì lại từ chối việc từng sai Thẩm Khởi chuẩn bị đánh Đại Việt, tự tay viết chiếu, trong ấy có đoạn nói:

“Trước Thẩm Khởi ở Quảng Tây nói dối là nhận được mật chỉ của triều đình bảo soạn đánh Giao Chỉ”.

cuộc chiến Việt tống
Chân dung Tống Thần Tông. (Wikipedia)

Cả Tống Thần Tông và Vương An Thạch đều hối tiếc vì không đánh Đại Việt sớm - ngay từ khi vua Lý Nhân Tông bên Đại Việt mới lên ngôi. Sau khi Ung Châu thất thủ, phía nhà Tống thừa nhận không còn cơ hội “đánh úp Giao Chỉ” nữa, nhưng vẫn chuẩn bị kế hoạch phục thù.

Sau này, nhà nghiên cứu lịch sử Hoàng Xuân Hãn có nhận xét rằng:

"Nhà Tống tiếc rẻ không đánh Đại Việt trước, nhưng không biết rằng sở dĩ Tống bị đánh trước vì dự định đánh Đại Việt. Trong cuộc chiến này, phía Đại Việt nhờ có Lý Thường Kiệt chủ động đi một bước trước nên đã giành thắng lợi hoàn toàn và tránh khỏi được thất bại về sau".

Đường Tân

- Tài liệu tham khảo: Wikipedia và một số nguồn tư liệu lịch sử khác.



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Vị tướng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam từng xuất binh chinh phạt Trung Quốc - Kỳ 2