Viên kim cương lời nguyền diệt quốc trong ngàn năm, tháng 5/2023 liệu có người dám đeo nó?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một viên kim cương lấp lánh được truyền lại gần ngàn năm sẽ sớm xuất hiện trong lễ đăng quang sắp tới của quốc vương nước Anh. Nó đã từng hủy diệt các vị vua và các quốc gia. Trong lịch sử, nó đã liên tục gây ra những tranh chấp, nó quả thực là một phiên bản hiện thực của "Chúa tể của những chiếc nhẫn”. Liệu có ai dám đeo nó?

Vào tháng 5 năm 2023 tới, tại tu viện Westminster ở London, Anh, sẽ cử hành lễ đăng quang của Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla. Khi đó, Vua Charles sẽ đội lên chiếc Vương miện Hoàng gia kế thừa từ mẹ của mình, Nữ hoàng Elizabeth II. Đó là điều không có gì phải nghi ngờ.

Nhưng Hoàng hậu Camilla sẽ đội chiếc vương miện được thừa kế từ mẹ của Nữ hoàng Elizabeth? Đó mới là vấn đề. Bởi vì trên chiếc vương miện này được đính khảm một viên kim cương lời nguyền nổi tiếng - kim cương Koh-i-Noor.

Kim cương Koh-i-Noor

Trong tiếng Ba Tư, Koh-I-Noor có ý nghĩa là ngọn núi ánh sáng. Nó từng là viên kim cương lớn nhất thế giới. Hiện tại nó nặng 105 carat, khoảng 21,1 gram, vì nó đã được cắt gọt.

Dù viên kim cương rất rực rỡ, nhưng từ khi nó được trao vào tay hoàng gia Anh, hơn 100 năm qua, chưa có đấng nam vương của Anh nào dám đeo nó. Bởi vì đây là viên kim cương mang lại xui xẻo.

Ấn Độ có một cuốn cổ thư gọi là "Bhagavan Purana", nó chủ yếu kể câu chuyện về vị Thần vĩ đại Vishnu giáng thế để giải cứu thế giới. Trong sách viết rằng Ấn Độ có một trong những viên ngọc vĩ đại nhất được gọi là Syamantaka. Đây là viên ngọc mà Thần mặt trời Surya đeo trên chiếc vòng cổ của mình. Khi nó rơi xuống trái đất, sẽ biến thành một viên kim cương khổng lồ. Và điều kỳ lạ nhất là, nếu chủ nhân của nó là phụ nữ, mọi việc sẽ bình an vô sự. Nhưng nếu một người đàn ông sở hữu nó, sẽ gây ra tham lam, đố kỵ, thậm chí mang lại hỗn loạn và bạo lực.

Ấn Độ có một cuốn cổ thư gọi là "Bhagavan Purana", nó chủ yếu kể câu chuyện về vị Thần vĩ đại Vishnu giáng thế để giải cứu thế giới (Ảnh chụp màn hình)
Ấn Độ có một cuốn cổ thư gọi là "Bhagavan Purana", nó chủ yếu kể câu chuyện về vị Thần vĩ đại Vishnu giáng thế để giải cứu thế giới (Ảnh chụp màn hình)

Nhưng kể từ khi Bhagavan Purana được xuất bản, chưa có ai nhìn thấy viên kim cương này. Vì vậy, cũng không có ai quan tâm tới nó.

Cho đến năm 1310, vua Alauddin của Vương quốc Hồi giáo Delhi trên Tiểu lục địa Nam Á, đã ra lệnh cho tướng Kafur của mình lãnh đạo một đội quân để chinh phục đông nam Ấn Độ ngày nay - vương quốc Kakatiyas.

Sau khi giành chiến thắng ở Kakatiyas, Alauddin không lãng phí một giây phút nào, liền vội vàng đến đây. Ông vội vã đến một ngôi đền trên đỉnh đồi của Vương quốc Kakatiyas. Hiện nay ngôi đền tọa lạc tại đỉnh một ngọn đồi ở vùng Vargaran của Ấn Độ.

Ngôi đền thờ tượng đá nữ Thần Bhadrakali. Nữ Thần có tám tay, trên mỗi tay đều cầm vũ khí, trông không được hiền hoà. Vị nữ Thần này được cho là vị Thần bảo hộ của Vương quốc Kakatiyas. Tất nhiên Alauddin huy động người đến đây không phải để thờ cúng nữ Thần, mà vì con mắt trái của nữ Thần.

Tượng đá nữ Thần Bhadrakali (Ảnh chụp màn hình)
Tượng đá nữ Thần Bhadrakali (Ảnh chụp màn hình)

Hóa ra mắt trái của tượng nữ Thần là một viên kim cương khổng lồ. Nó được tìm thấy trên một bờ sông ở Qatar. Vào thời điểm đó nó nặng khoảng 191 carat (38.2 gram), và là viên kim cương lớn nhất được biết đến trên thế giới bấy giờ.

Trước khi phát hiện ra các mỏ kim cương ở Brazil và Nam Phi, tất cả kim cương trên thế giới đều đến từ Ấn Độ. Nhưng những viên kim cương này đều không phải là được khai thác, mà theo sự phun trào của núi lửa, chúng được nước sông rửa trôi đến bờ sông. Vì vậy, các nghệ nhân của Ấn Độ cổ đại đều đến bãi sông để truy tìm kho báu. Người Ấn Độ cổ đại cũng sử dụng một loại đậu dài để cân kim cương. Vì loại đậu này ở Ấn Độ, mỗi hạt phát triển có hình dạng rất chính xác, không hơn, không kém, trọng lượng là 0,2 gr. Tên của loại đậu này là “carob”. Vì vậy, sau này carat cũng trở thành đơn vị trọng lượng của kim cương.

Đậu carob ở Ấn Độ được dùng để cân kim cương, mỗi hạt phát triển có hình dạng rất chính xác, trọng lượng là 0,2 gr. Sau này carat cũng trở thành đơn vị trọng lượng của kim cương (Ảnh chụp màn hình)
Đậu carob ở Ấn Độ được dùng để cân kim cương, mỗi hạt phát triển có hình dạng rất chính xác, trọng lượng là 0,2 gr. Sau này carat cũng trở thành đơn vị trọng lượng của kim cương (Ảnh chụp màn hình)

Người ta nói rằng, sau khi vua Kakatiyas lấy được viên kim cương, đầu tiên đã để người thợ lành nghề cắt và đánh bóng, sau đó trân trọng đặt viên kim cương lên mắt trái của tượng nữ Thần bảo hộ. Viên kim cương đã trở thành nhãn cầu của tượng Thần. Khi Alauddin đến, ngay lập tức lấy chiếc thang dựng lên, để thuộc hạ lấy viên kim cương từ mắt trái của bức tượng. Alauddin vội vàng cầm lấy viên kim cương từ thuộc hạ, chỉ thấy dưới ánh mặt trời, viên kim cương khổng lồ này tỏa sáng rực rỡ.

Alauddin, người bị ánh sáng chói lòa chiếu vào, gần như không thể mở mắt. Lúc này ông bất giác nói to: “Bảo bối của ta”. Alauddin tiếp tục ca ngợi đây thật sự là một ngọn núi ánh sáng. Kể từ đó ngọn núi ánh sáng trở thành tên của viên kim cương này.

Alauddin rất hài lòng và đã biến viên kim cương thành một vật trang trí, đeo trên người, thể hiện địa vị tối cao - vua của các vua của mình. Và viên kim cương thần kỳ cũng bắt đầu phát huy sức mạnh kỳ bí của nó.

Xui xẻo bắt đầu đi theo Alauddin. Ông vốn là người có sức khỏe tốt, bắt đầu bị bệnh tật, đau yếu quấn thân. Vì vậy, ông phải bổ nhiệm trọng thần Malik Kafur làm nhiếp chính, để Kafur cai trị đất nước. Vào năm thứ sáu sau khi có được “ngọn núi ánh sáng”, Alauddin qua đời. Kafur trở thành vua, nhưng lời nguyền của viên kim cương giống như một cái bóng giáng xuống người kế vị. Chỉ đội vương miện lên được vài tháng, Kafur đã bị ám sát.

Để kiểm soát quyền lực, các quan lại triều đình đã sắp xếp cho con trai út của Alauddin mới 6 tuổi lên kế vị. “Ngọn núi ánh sáng” cũng được đeo lên người vị vua nhỏ. Nhưng vị vua trẻ tuổi này mới ngồi trên ngai vàng vài tháng, anh trai của cậu - cũng là một người con khác của Alauddin, đã phát động một cuộc đảo chính cung điện đẫm máu, giết vị vua trẻ tuổi, là chính em trai mình, rồi lên ngôi. “Ngọn núi ánh sáng” lại đổi chủ và được đeo trên cổ người anh trai. Lần này nó đã yên ắng trong 4 năm. Vào 4 năm sau, vị vua mới này bị một trong những tướng quân của mình sát hại. Vị tướng này tự xưng vương, nhưng chưa đầy hai tháng ông ta lại bị một tướng khác chặt đầu. Triều đại đã thay đổi một lần nữa. "Ngọn núi ánh sáng" cũng đổi chủ, rơi vào tay của triều đại mới.

Kể từ khi Koh-i-Noor đến Vương quốc Hồi giáo Delhi, đất nước này dính vào vòng xoáy đảo chính và trả thù. Vậy là người ta bắt đầu nghi ngờ liệu Koh-i-Noor có phải là Syamantaka trong truyền thuyết không? Nó là một viên kim cương lời nguyền, sẽ mang lại xung đột và bạo lực.

Vào đầu thế kỷ 16, Vương quốc Hồi giáo Delhi cuối cùng đã sụp đổ, nó bị thôn tính bởi Đế chế Mughal đang trỗi dậy ở Trung Á. Chìa khóa kho báu của vương thất đương nhiên đã được chuyển đến tay hoàng đế của Đế chế Mughal. Tất nhiên, viên kim cương Koh-i-Noor cũng bao gồm trong đó.

Sau đó, viên kim cương đã lưu lạc đến Iran. Nhưng qua hàng trăm năm, dù ở Đế chế Mughal hay ở Ba Tư, viên kim cương không lặp lại bi kịch như với hoàng tộc Alauddin. Lời nguyền của viên kim cương ma thuật dường như được cát bùn của lịch sử che lấp. Đợi tới khi “Ngọn núi ánh sáng” trở lại và viết thêm nhiều màu sắc vào đó, nó lại gây ra một cơn bão đẫm máu khác.

Vận mệnh của đế chế Sikh

Một ngày năm 1830, Ranjit Singh, quốc vương của Đế chế Sikh ở Nam Á đang dự tiệc tại cung điện ở thủ đô Lahore. Hôm đó là sinh nhật lần thứ 50 của ông. Singh là một vị vua kiệt xuất. Ông đã cùng cha tham chiến từ năm 10 tuổi. Ở tuổi 21, ông đã thiết lập thành công lãnh thổ của riêng mình, sau đó thành lập Đế chế Sikh. Lãnh thổ bao gồm phần phía bắc của Pakistan ngày nay và Tây Bắc Ấn Độ. Singh trở thành quốc vương đầu tiên của đế chế.

Một ngày năm 1830, Ranjit Singh, quốc vương của Đế chế Sikh ở Nam Á đang dự tiệc tại cung điện ở thủ đô Lahore (Ảnh chụp màn hình)
Một ngày năm 1830, Ranjit Singh, quốc vương của Đế chế Sikh ở Nam Á đang dự tiệc tại cung điện ở thủ đô Lahore (Ảnh chụp màn hình)

Trong gần 30 năm làm vua của Singh, vận mệnh của Đế chế Sikh ngày càng phát triển, trở thành quốc gia đáng gờm nhất ở tiểu lục địa Nam Á. Ngay cả Đế quốc Anh cai trị Ấn Độ trong 200 năm cũng phải rất cảnh giác với Đế chế Sikh. Để đối phó với mối đe dọa của Đế chế Sikh, người Anh đã sắp xếp gần 40.000 quân nhân chuyên nghiệp ở khu vực giáp với đế chế Sikh.

Vào lúc này, tại bữa tiệc sinh nhật lần thứ 50, ngắm điệu nhảy uyển chuyển của các vũ nữ múa, nghe tiếng hát du dương xung quanh, các triều thần nâng ly trên bàn tiệc, vua Singh rất hài lòng, nhưng mơ hồ cảm thấy thiếu một cái gì đó. Lúc này, một sứ thần ngoại quốc đột nhiên bước ra, tiến lên phía trước, cầm trên tay viên ngọc lấp lánh. Ông ta quỳ xuống trước vua Singh, nói rằng muốn tặng một kho báu quý hiếm cho bệ hạ.

Sứ thần này là được quốc vương cuối cùng của Vương triều Durrani ở Afghanistan - Sujasa Durrani phái tới. Triều đại Durrani, còn được gọi là Đế chế Afghanistan, được thành lập bởi Ahmad Shah Durrani ở Afghanistan ngày nay vào thế kỷ 18. Đế chế Hồi giáo đầu tiên kết thúc sau 95 năm ở đời cháu, khi đó Shah Durrani vừa bị anh trai mình tước mất quyền lực, để khôi phục lại ngai vàng, ông quyết định dùng viên kim cương “Ngọn núi ánh sáng” để đổi lấy hỗ trợ quân sự của Singh.

Triều đại Durrani, còn được gọi là Đế chế Afghanistan, được thành lập bởi Ahmad Shah Durrani ở Afghanistan ngày nay vào thế kỷ 18 (Ảnh chụp màn hình)
Triều đại Durrani, còn được gọi là Đế chế Afghanistan, được thành lập bởi Ahmad Shah Durrani ở Afghanistan ngày nay vào thế kỷ 18 (Ảnh chụp màn hình)

Vua Singh đã nghe nói về viên kim cương lớn nhất và rực rỡ nhất trên thế giới. Nhìn kho báu sáng lấp lánh trong tay sứ thần, vua Singh mất một lúc không thể phản ứng được gì. Ông tự nhủ: “Lẽ nào kho báu trong huyền thoại lại có thể dễ dàng xuất hiện trước mắt ta”.

Sứ giả lại nâng viên kim cương lên cao hơn một chút, tiếp tục nói lớn lên rằng: “Quốc vương vĩ đại, Koh-i-Noor sẽ mang lại cho ngài may mắn và vinh quang, sẽ làm cho ngài mạnh mẽ hơn đối thủ”.

Lúc này vua Singh như vừa tỉnh khỏi giấc mộng, nhận viên kim cương từ trên tay sứ giả, nhìn thấy dưới ánh sáng lấp lánh phát ra từ Koh-i-Noor, nó sáng như cầu vồng.

Vua Singh quá đỗi vui mừng, không nói nên lời. Lời nguyền của viên kim cương đã được hóa giải trong nhiều thế kỷ, nó đã không gây ra sự vụ gì lớn. Lúc này, danh tiếng của nó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một kho báu, đã làm lu mờ giai đoạn lịch sử bất hạnh đó.

Ánh sáng của những viên kim cương dường như có một sức mạnh kỳ diệu, khiến vua Singh cầm nó trên tay, không nghĩ gì khác ngoài việc liên tục lặp lại câu nói: “Bảo bối của ta!”.

Tất nhiên, việc nhận món quà hào phóng này sẽ đi kèm với việc phải đáp ứng một yêu cầu.

Vì sợ có kẻ sẽ trộm mất báu vật, vua Singh sai người đính viên kim cương trên vòng tay và ông đeo nó trên tay mọi lúc mọi nơi. Khi đi ngủ hay đi tắm, ông cũng không bỏ nó ra. Nó thực sự trở thành giống như Chúa tể của những chiếc nhẫn.

Thời gian tốt đẹp không kéo dài được lâu. Vào một ngày, sau 8 năm nhận được Koh-i-Noor, vua Singh đột nhiên bị trúng gió, mắt không nhìn thấy người, bị nằm liệt giường. Vào thời điểm này, trong Đế chế Singh, một số trưởng lão Hindu đức cao vọng trọng vội vã đến cung điện. Họ quỳ gối trước khi vua Singh, đề xuất một thỉnh cầu.

Các trưởng lão nói rằng: “Koh-i-Noor có lẽ là Syamantaka trong truyền thuyết. Viên kim cương này có thể mang lại xung đột và bạo lực. Sức mạnh của nó nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Vì vậy mong Bệ hạ chỉ lập tức quyên hiến viên kim cương cho ngôi đền Vishnu ở địa phương”.

Các trưởng lão khuyên vua lập tức quyên hiến viên kim cương cho ngôi đền Vishnu ở địa phương (Ảnh chụp màn hình)
Các trưởng lão khuyên vua lập tức quyên hiến viên kim cương cho ngôi đền Vishnu ở địa phương (Ảnh chụp màn hình)

Vishnu là vị thần bảo hộ vũ trụ và sự sống trong đạo Hindu, còn được gọi là thần bảo trì. Chỉ hào quang của vị Thần này mới có thể kiềm chế ánh sáng tà ác của Koh-i-Noor. Như vậy hy vọng có thể tránh được những tai họa mà viên kim cương này mang tới cho đế chế.

Vị vua già bị trúng gió đang hấp hối, nghe vậy đã chấp nhận và gật đầu đồng ý. Nhưng lần này, sức mạnh của viên kim cương đang hoạt động trở lại. Nó đã chọn đúng vị thái tử đứng bên giường bệnh. Thái tử đã thèm muốn bảo vật vô song này từ lâu, khi nghe những lời của các trưởng lão, thái tử rất không hài lòng. Viên kim cương này đã luôn ở bên người vua cha. Ta có thể nhìn thấy nhưng không thể chạm vào. Tám năm qua, trong lòng thái tử đã rất khó chịu. Thật không dễ mà có được ngày này. Vua cha sắp chết và bảo vật này sẽ thuộc về ta. Các ngươi lại bảo mang nó dâng lên đền?

Sau khi các trưởng lão rời đi, thái tử thì thầm vào tai vua cha đang nằm liệt, khuyên ông đừng nghe những lời hù dọa đó. Những vị vua sở hữu viên kim cương này trong 200-300 năm qua, chẳng phải họ đều không gặp phải vấn đề gì sao? Có thể thấy những sự việc trước đây đều là ngẫu nhiên, không có liên quan gì với viên kim cương này. Bên cạnh đó, không chừng, các trưởng lão có thể còn thèm muốn có được viên kim cương này.

Vị vua già nghe thấy cũng có lý. Nhưng ông đã hứa với các trưởng lão rồi nên không thể rút lời, và đã tìm lý do để trì hoãn. Nhưng không trì hoãn được bao lâu, một tháng sau đó vua Singh đã qua đời.

Hoàng tử lên ngôi vua, đường đường chính chính đeo viên kim cương lên cánh tay, và cũng không đề cập tới việc quyên tặng nó cho ngôi đền. Các trưởng lão lắc đầu thở dài nhưng cũng không thể làm gì khác.

Koh-i-Noor nằm trên tay vị vua mới, lấp lánh được 5 tháng thì tân vương bị đầu độc chết. Ngay sau đó con trai của ông lên ngôi kế vị. Viên kim cương lại lấp lánh chưa đầy một năm, vị vua trẻ lại chết trong một vụ mưu sát do thuộc hạ lên kế hoạch.

Sau đó, một người con trai khác của Singh lên ngôi vua, chưa tới ba năm thì lại bị ám sát. Và cuối cùng là con trai út của vua Singh là Duleep Singh chưa đầy 5 tuổi trở thành vị vua cuối cùng của Đế chế Sikh. Chưa đầy 4 năm kể từ khi vua Singh qua đời, người Anh ở bên cạnh lúc này rất vui mừng, nắm lấy cơ hội, lập tức khai chiến với Đế chế Sikh.

Chưa đầy 4 năm kể từ khi vua Singh qua đời, người Anh ở bên cạnh lúc này rất vui mừng, nắm lấy cơ hội, lập tức khai chiến với Đế chế Sikh (Ảnh chụp màn hình)
Chưa đầy 4 năm kể từ khi vua Singh qua đời, người Anh ở bên cạnh lúc này rất vui mừng, nắm lấy cơ hội, lập tức khai chiến với Đế chế Sikh (Ảnh chụp màn hình)

Cuối cùng người Anh đã chinh phục hoàn toàn Đế chế Sikh vào năm 1849. Lúc này, vị vua cuối cùng Duleep Singh mới 10 tuổi, chỉ có thể ngoan ngoãn giao Koh-i-Noor cho người Anh.

Koh-i-Noor rơi vào tay đế quốc Anh

Vào thời điểm đó, thống đốc người Anh ở Ấn Độ, Bá tước Dalhousie, sau khi lấy được viên kim cương, không dám lơ ​​là một giây, lập tức phái người đến nhận viên kim cương và lên thuyền trở về nước Anh. Bảo vật vô song như thế này chỉ xứng với quốc vương của Đế quốc Anh.

Việc dâng báu vật cũng là thể hiện cho lòng trung thành, điều đó cũng có nghĩa là bá tước đã có thành tích xuất sắc. Nhưng chẳng lẽ bá tước chưa nghe nói về lời nguyền của viên kim cương ma thuật Koh-i-Noor sao? Không, ông đã từng nghe, bởi ông đã ở Ấn Độ quá lâu. Chẳng lẽ ông rất dũng cảm, không tin ma quỷ? Cũng không phải. Vì người chủ mà ông muốn dâng viên kim cương là nữ vương - Nữ hoàng Victoria.

Bá tước Dalhousie (Ảnh chụp màn hình)
Bá tước Dalhousie (Ảnh chụp màn hình)

Nhưng ngay cả một nữ quân vương, khi nhận được viên kim cương này cũng đã phải trải qua một số thăng trầm.

Khi chiếc thuyền do Bá tước Dalhousie cử đến tiến vào lãnh hải Vương quốc Anh, Nữ hoàng Victoria vừa thăm viếng xong người bác đang ốm nặng, và bà chuẩn bị lên xe ngựa rời đi. Lúc này, một người giống như quý ông đến, ăn mặc đẹp. Ông ấy bước lên phía trước xe ngựa của Nữ hoàng, đột ngột giơ cao cây gậy có cán sắt hướng về phía đầu của nữ hoàng. "Bang", Nữ hoàng mất cảnh giác, không đề phòng, bị trúng gậy và ngay lập tức đầu đẫm máu. Thị vệ bên cạnh không chậm trễ, bắt lấy tên sát thủ.

Sau đó qua thẩm vấn, được biết người đàn ông này là một cựu chiến binh. không có động cơ giết người, cũng không chuẩn bị ám sát. Bản thân ông cũng không thể hiểu được tại sao lại tiến về phía Nữ hoàng. Nó giống như bị cử chỉ điên rồ đột ngột, giống như bị thứ gì đó chiếm hữu và sai khiến. Vì thủ phạm không có động cơ rõ ràng, chỉ có thể xử lý như với một kẻ mất trí, không thể tra cứu kỹ.

Vào thời điểm này, viên kim cương Koh-i-Noor đã lên bờ, vào đến nước Anh. Vì vậy Nữ hoàng đã có mặt tại buổi lễ trao tặng kho báu của Công ty Đông Ấn. Mọi người nhìn thấy Nữ hoàng xuất hiện với hai mắt thâm quần, lại đeo một cái túi lớn trên đầu, còn có cả vết thương.

Khi nhìn thấy Koh-i-Noor, Nữ hoàng Victoria chỉ liếc nhẹ, và nói một câu: “Bá tước Dalhousie lo lắng cho đất nước và trung thành, siêng năng, lòng ta rất vui”. Có thể nào Nữ hoàng là một người không quan tâm tới báu vật trước mắt? Lý do có vẻ đơn giản bởi lúc đó tâm trạng của Nữ hoàng không tốt. Một trọng thần của bà, Hiệp sĩ Pierre vừa qua đời, bác lại ốm nặng, còng bà vừa bị một kẻ tâm thần tấn công một cách khó hiểu. Thậm chí viên kim cương quý giá nổi tiếng cũng không khiến Nữ hoàng vui lên được.

Nữ hoàng Victoria (Ảnh chụp màn hình)
Nữ hoàng Victoria (Ảnh chụp màn hình)

Sau này để làm cho Nữ hoàng vui, chồng bà là Thân Vương Albert đã mời thợ kim hoàn xuất sắc nhất Hà Lan cắt Koh-i-Noor từ 191 carat khoảng 38,2 gam thành một viên ngọc rực rỡ với 66 mặt; nhưng trọng lượng của viên kim cương cũng giảm từ 191 carat xuống còn 105 carat.

Năm 1877, Nữ hoàng Victoria đăng quang Nữ hoàng Ấn Độ và đã cho khảm Koh-i-Noor lên vương miện. Viên kim cương ma thuật đã được cắt lại, điều đó có nghĩa là lời nguyền cũng đã bị phá vỡ?

Rõ ràng, Nữ hoàng Victoria đã nghe nói về những gì viên kim cương này đã làm trong quá khứ, và không muốn cho nó cơ hội chứng tỏ bản thân lần nữa. Bà không trao lại Koh-i-Noor cho con trai, mà là cho con dâu, vợ của Vua Edward VII.

Nữ hoàng Victoria không trao lại Koh-i-Noor cho con trai, mà là cho con dâu, vợ của Vua Edward VII (Ảnh chụp màn hình)
Nữ hoàng Victoria không trao lại Koh-i-Noor cho con trai, mà là cho con dâu, vợ của Vua Edward VII (Ảnh chụp màn hình)

Viên kim cương đã nằm trên vương miện của Nữ hoàng kể từ đó, nó chỉ truyền lại cho nữ, không phải cho nam. Koh-i-Noor cũng trở thành một phần trong đồ trang sức châu báu của hoàng gia Anh.

Hiện giờ Koh-i-Noor không còn được đặt trên vương miện vua, thay vào đó, nó được đặt trên vương miện hoàng hậu, và được cắt lại. Sau đó, lời nguyền sẽ biến mất.

Vậy liệu bà Camilla sẽ đội vương miện đính Koh-i-Noor? Điều này giờ vẫn còn là một bí ẩn, bởi vì hiện nay trên thế giới ngoại trừ Anh, có thêm ba quốc gia đang tranh giành quyền sở hữu viên kim cương này.

Năm 1947, chính phủ Ấn Độ mới độc lập, đã yêu cầu Vương quốc Anh trả lại viên kim cương. Vào tháng 8 năm 1976, trong đêm trước lễ kỷ niệm Ngày Độc lập của Pakistan, thủ tướng của Pakistan Ali Bhutto cũng đã viết thư cho Thủ tướng Anh James Callaghan để yêu cầu Anh trả lại Koh-i-Noor.

Chưa dừng ở đó. Vào tháng 11 năm 2000, chính quyền Taliban ở Afghanistan đã thực sự kêu gọi Nữ hoàng Elizabeth bàn giao Koh-i-Noor cho họ càng sớm càng tốt. Hiện tại ba nước là Ấn Độ, Pakistan và Afghanistan vẫn đang tranh giành Koh-i-Noor. Dường như viên kim cương thần bí này vẫn chưa dừng lại, nó vẫn tiếp tục tạo ra mâu thuẫn và xung đột.

Theo Wenzhaostudio

Minh An biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Viên kim cương lời nguyền diệt quốc trong ngàn năm, tháng 5/2023 liệu có người dám đeo nó?