Viên quan điều tra phá án như Thần, hậu duệ làm hoàng đế trên 300 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào giữa thời Tây Hán, có vị quan làm chức Kinh triệu doãn (chức quan giữ nhiệm vụ quản lý hành chính và trị an ở kinh đô) rất giỏi trị lý, không sợ cường hào ác bá. Ông thường điều tra phá án như Thần, tên là Triệu Quảng Hán.

Triệu Quảng Hán, tự Tử Đô, người huyện Lễ Ngô, Trác Quận (nay là Bác Dã, Hà Bắc). Lúc ông còn trẻ, đã giúp việc ở quận và châu, nổi tiếng liêm khiết chí công, thông minh mẫn tiệp, trọng đãi người tài. Thời Hán Vũ Đế thì được đề cử Tú tài, đảm nhiệm qua các chức Bình Hoài lệnh, Dương Địch lệnh, vì thành tích xuất sắc nên được chọn vào kinh, đảm nhiệm chức trưởng quan quản lý hành chính khu vực Kinh sư, xưa nay nổi tiếng phức tạp khó trị lý, rồi lần lượt được thăng làm Đô úy Kinh kỳ và Kinh triệu doãn.

Không sợ cường quyền, xét xử quyền thần

Lúc đó, đúng lúc Chiêu Đế qua đời, Đỗ Kiến người huyện Tân Phong nhậm chức Kinh triệu duyện, trợ lý xây dựng lăng mộ Chiêu Đế. Đỗ Kiến là người hung hãn ích kỷ, ức hiếp dân chúng. Đương thời, Đỗ Kiến sử dụng môn khách, làm việc phi pháp kiếm lời lớn.

Sau khi Triệu Quảng Hán biết được, trước là lấy lời nhẹ nhàng khuyên nhủ, nhưng thấy Đỗ Kiến không hối cải, liền bắt ông ta xử theo pháp luật. Lúc đó có rất nhiều thái giám quyền thế và thân hào nổi danh đều biện hộ cho Đỗ Kiến, nhưng Triệu Quảng Hán không vì thế mà lay động. Người nhà và môn khách họ Đỗ liền mưu đồ cướp ngục. Nhưng Triệu Quảng Hán tinh tường, sớm đã điều tra người chủ mưu cũng như tình hình hành động, lại phái người cảnh cáo bọn họ: "Nếu như các ngươi dự định làm như vậy, ta sẽ tịch thu tài sản và đem chém cả nhà!"

Thế rồi, Triệu Quảng Hán lệnh cho quan coi ngục, đem Đỗ Kiến bêu ngoài chợ rồi chém đầu thị chúng. Người nhà của Đỗ Kiến đều không dám sinh sự. Người trong kinh thành đều khen ngợi án xử đúng, dân chúng thở phào nhẹ nhõm.

Phương pháp phá án có một không hai

Triệu Quảng Hán thông minh tháo vát mà có dũng lực, có năng khiếu xử lý công vụ, thường trắng đêm không ngủ để tiếp đãi thuộc hạ, dân chúng, cũng như xử lý các hạng công vụ. Ông đặc biệt giỏi về dùng "Câu cự pháp" để tìm ra đầu mối, điều tra rõ sự thực, tra ra gian dối. "Câu cự pháp" này, là chỉ việc che giấu mục đích của mình, xét hỏi vòng vèo, lúc đông lúc tây, khiến đối phương bất tri bất giác mà thổ lộ tình hình thực tế.

Đại khái phương pháp che giấu thì gọi là “cự”, mà phương pháp khiến đối phương mất cảnh giác rơi vào lưới thì gọi là “câu”. Bởi vì tội phạm che giấu rất kín, khó mà điều tra rõ, cho nên phải dùng “câu”. Sử chép "Duy có Quảng Hán tinh minh mới có thể dùng được, người khác không có khả năng”. Triệu Quảng Hán vận dụng "Câu cự pháp" tra án, khiến cho "gian không giấu được", quả thực làm cho người ta thán phục.

Thực ra, "Câu cự pháp" chẳng qua là một loại kỹ xảo thẩm án, loại kỹ xảo này tuy rằng cao minh, để nắm vững cũng không khó, nhưng tại sao chỉ có Triệu Quảng Hán mới làm được? Nguyên nhân căn bản nhất, là dân chúng và thuộc hạ đều hiểu rằng: Triệu Quảng Hán một lòng vị công, chủ trương chính nghĩa. Từ trong tâm họ ủng hộ ông, trợ giúp ông!

Nắm bắt thông tin nhanh nhạy từng chân tơ kẽ tóc

Triệu Quảng Hán giỏi về thám thính đạo tặc, ông nắm rõ như lòng bàn tay về sào huyệt, hành tung của đạo tặc trong quận và đám lưu manh ở hương thôn, cũng như việc ăn hối lộ nhỏ dù chỉ một đồng một hào của quan lại thuộc hạ - vậy nên có thể "phòng ngừa họa chưa xảy ra". Có một lần, trong thành Trường An có một đám thanh niên yêng hùng, tụ tập ở trong nhà hoang phố vắng, bày mưu tiến hành cướp bóc, lời còn chưa dứt, Triệu Quảng Hán đã phái người đến đem bọn họ về thẩm vấn, tất cả đều nhận tội.

Có người tên là Tô Hồi, làm chức quan lang, bị hai người bắt cóc. Một lát sau, Triệu Quảng Hán liền dẫn người chạy tới. Ông đứng ở trong sân, sai quan Trường An thừa tên là Cung Xa gõ cửa, thông báo cho những kẻ bắt cóc: "Triệu Kinh triệu (Triệu Quảng Hán) đặc biệt đến thông báo với nhị vị, không được giết con tin, người đó là quan thị vệ hoàng cung. Các vị nếu như thả con tin ra, thúc thủ chịu trói, sẽ được đối xử tử tế, nếu may mắn hoàng thượng đại xá, nói không chừng còn có cơ hội miễn tội giải thoát".

Hai kẻ bắt cóc thấy đội lùng bắt tìm tới tận cửa một cách nhanh chóng như vậy, nhất thời kinh hãi, lại nghe nói tới uy danh của Triệu Quảng Hán, liền lập tức mở cửa đi ra, dập đầu tạ tội. Triệu Quảng Hán cũng quỳ xuống cảm ơn rằng: "May mà các ngươi không giết chết quan lang, ta nhất định dùng lễ hậu đối đãi các ngươi!"

Sau khi đưa hai kẻ đó vào ngục giam, Triệu Quảng Hán dặn quan coi ngục cho họ rượu thịt, dùng lễ mà khoản đãi. Mùa đông năm đó, hai người kia bị quan trên xử tử hình, Triệu Quảng Hán vì họ mà đặt mua quan tài, cấp đồ an táng, trấn an gia thuộc. Lại đem tình hình nói cho họ biết. Hai kẻ tội phạm cảm kích nói: "Chúng tôi tội đáng như vậy, chết không có gì oán hận."

Còn có một lần, Triệu Quảng Hán gửi công văn cho đòi Đô đình trưởng huyện Hồ vào kinh. Đô đình trưởng đi về phía Tây, lúc đi qua Giới Thượng, Đình trưởng Giới Thượng nói đùa: "Đến phủ Kinh triệu, ông thay tôi ân cần thăm hỏi Triệu Kinh triệu nhé!"

Sau khi Đô đình trưởng đến phủ Kinh triệu, Triệu Quảng Hán cùng ông ta trao đổi, đợi hỏi đáp xong chuyện công vụ, mới nói với ông ta: "Đình trưởng Giới Thượng, phó thác ngươi ân cần thăm hỏi ta, ngươi tại sao không thay hắn thăm hỏi ta vậy?"

Đô đình trưởng nghe xong bội phục vô cùng, vội vã dập đầu tạ lỗi, nói quả thật có việc này. Triệu Quảng Hán nói: "Trở lại đi ngang qua Giới Thượng, lại nhờ ngươi thay ta chuyển lời cho Đình trưởng Giới Thượng, mong hắn nỗ lực lo lắng chức trách, tận tâm làm việc, làm ra thành tích báo đáp quốc gia. Như vậy Triệu Kinh triệu sẽ không quên hậu ý của hắn.”

Triệu Quảng Hán tinh tường các loại tình huống bí mật, mà đối đãi với người khác có lễ, có tình. Ông vạch trần và xử lý các loại gian tà và chuyện xấu bí mật, đều liệu sự như Thần.

Triệu Quảng Hán phá án như Thần. (Chụp video)

Tổ tiên tức đại đức, con cháu làm hoàng đế hơn 300 năm

Thời Triệu Quảng Hán trị lý khu vực Kinh triệu, đều phá án với thái độ "Dân chúng có tố tụng, như mình có tố tụng; dân chúng bị lưu vong, như mình lưu vong; dân chúng chịu oan, chịu khổ, chính như mình chịu oan, chịu khổ. Tất cả khổ ai của dân chúng, chính là khổ ải của mình!"

Tình hình khu vực Kinh triệu được yên ổn, quan chức dưới quyền và dân chúng đều khen ngợi Triệu Quảng Hán không dứt. Ban Cố khi biên soạn “Hán Thư”, cho rằng: Từ Hán triều bắt đầu kiến lập tới nay, không có quan viên nào trị lý kinh thành mà có thể so được với Triệu Quảng Hán!

Triệu Quảng Hán cũng là thủy tổ của hoàng tộc nhà Tống. Hậu duệ Triệu Quảng Hán có Triệu Thiểu, từng làm huyện lệnh thời Đường. Triệu Thiểu có con trai độc nhất là Triệu Đĩnh làm quan tới Ngự Sử trung thừa. Con trai Triệu Đĩnh là Triệu Kính làm Thứ sử ba châu Doanh, Kế, Trác thời Hậu Lương. Hậu Lương bị Hậu Đường diệt, Triệu Kính tuẫn nạn, con ông là Triệu Hoằng Ân (cha của Triệu Khuông Dận), chạy nạn đến Giáp Mã Doanh (ngoại thành Lạc Dương ngày nay) được một vị thân hào là Đỗ Sảng gả con gái cho, nên định cư ở đó. Về sau Triệu Khuông Dận xưng đế, lập nên nhà Tống, kéo dài hơn 300 năm.

Theo Cát Quang Vũ - Epochtimes

Hữu Đức biên dịch

Tài liệu tham khảo

[1] Hán Thư

[2] Dòng họ Triệu ở Trác Quận - https://zh.wikipedia.org/zh-my/涿郡赵氏

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Viên quan điều tra phá án như Thần, hậu duệ làm hoàng đế trên 300 năm