Vợ chồng bất hòa làm theo lời khuyên của ni cô này thì dễ dàng hòa thuận

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chẳng có cặp vợ chồng nào vô duyên vô cớ mà đến được với nhau. Đa phần vì ân tình mà nên vợ chồng, nhất định sẽ yêu thương nhau. Vì oán hận mà lấy nhau thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi oán giận nhau…

"Duyệt vi thảo đường bút ký" là tác phẩm nổi tiếng của danh sĩ Kỷ Hiểu Lam đời nhà Thanh. Tác phẩm gồm 25 cuốn kể lại những câu chuyện ly kỳ hấp dẫn, nhắc nhở người đời về đạo lý nhân sinh, quy luật thiện ác hữu báo. Trong đó có 2 câu chuyện như vậy:

Giải lời nguyền khuê phòng

Bà ngoại tôi Tào Thái Cung từng kể với cụ bà Thái phu nhân rằng: ở Thương Châu có vợ của viên quan nọ, không được chồng yêu thương, mối quan hệ giữa hai vợ chồng lạnh nhạt. Người vợ cảm thấy chán nản, tủi thân rồi dẫn tới tâm bệnh, tính tình trở nên quái gở, vợ chồng càng không thể hòa hợp. Đúng thời điểm đó, một ni cô tu hành cao thâm đi qua nhà, người vợ liền thỉnh giáo ni cô về nhân quả của sự bất hòa trong hôn nhân của mình.

Vị ni cô này nói: "Tôi không phải là quan viên nơi âm ty, không thể kiểm tra sổ ghi tên chồng bà. Tôi cũng không phải là Phật, Bồ Tát, không thể nhìn thấy quá khứ, hiện tại và tương lai của con người. Nhưng tôi biết về đạo lý nhân duyên.

Chẳng có cặp vợ chồng nào vô duyên vô cớ mà đến được với nhau. Đa phần vì ân tình mà nên vợ chồng, nhất định sẽ yêu thương nhau. Vì oán hận mà lấy nhau thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi oán giận nhau. Cũng có những cặp không ân không oán mà cũng đến với nhau lại ân lại oán. Tất nhiên, vợ chồng có nợ có hoàn mới qua cách này mà trả lại cho nhau. Vợ chồng bà chẳng phải vì oán hận mà đến với nhau sao? Điều này do Trời đã định, không phải do con người định. Nhưng ông Trời cũng dựa trên những gì con người làm mà định ra như thế.

Mặc dù nói Thiên định thắng nhân, và khó có thể đi ngược với Thiên mệnh, nhưng con người cũng có thể ảnh hưởng đến Thiên. Vì vậy, Đức Phật Thích Ca truyền Phật Pháp cho phép con người sám hối. Chỉ cần bà dẹp bỏ sự hiếu thắng, kiềm chế tính kiêu ngạo, biết ngậm bồ hòn làm ngọt, dùng tình cảm mà lay động thay vì dùng lý lẽ đi tranh luận; làm tròn bổn phận, trách nhiệm của người vợ, người con, hiếu thảo với cha mẹ chồng, đối xử hòa thuận các mối quan hệ chị em dâu, khoan dung đối đãi với các tì thiếp.

Chỉ cần chú ý đến việc mình nên làm, không cần quan tâm đến việc người khác như thế nào. Như thế, bà có thể khôi phục lại tình cảm vợ chồng. Còn chỉ một mực dò hỏi về nguyên nhân đời trước thì không có chỗ nào tốt".

Người vợ này đã làm theo lời khuyên của ni cô, ít lâu sau quả nhiên hai vợ chồng lại yêu thương, hòa thuận như thuở mới lấy nhau.

Thái phu nhân đã dùng cách này để khuyên các cô con dâu: "Đạo lý mà ni cô này nói ra thực sự là một thần chú để giải tỏa oán hận nơi khuê các. Cứ kiên trì thực hành sẽ linh nghiệm. Nếu không thì nhất định là do không kiên trì đến cùng".

vợ chồng bất hoà
Phòng phía tây là nơi con gái nhỏ của ta ở, xin đừng vào. (Ảnh: Pixabay)

Giọng nói đằng sau cái cây

Ông già Thân Thương Đỉnh kể rằng: Hai thư sinh ở Lưu Đỉnh Miếu (tên địa danh) đi thi, buổi tối vội đi bị lạc đường. Họ thấy một ngôi nhà hoang nên vội vào tá túc qua đêm. Tường ở sân của ngôi nhà này bị sập một nửa và không có cửa ra vào hay cửa sổ, hai thư sinh khi thấy phòng ở phía Tây vẫn còn nguyên nên muốn sang phòng phía Tây để nghỉ qua đêm.

Đột nhiên, tôi nghe có tiếng nói sau gốc cây: "Các người đều là thư sinh, ta không dám không cho các ngươi vào nghỉ ngơi. Phòng phía tây là nơi con gái nhỏ của ta ở, xin đừng vào. Phòng phía đông là nơi lão già này dạy học trò. Các cậu có thể vào nghỉ ngơi".

Hai thư sinh nghe vậy thì trong lòng biết âm thanh đó không là ma thì là hồ ly, nhưng họ đã quá mệt mỏi nên không còn sức để tiếp tục lên đường. Họ đành phải chắp tay hành lễ trước cái cây để tỏ lòng thành kính. Sau đó hai người sang phòng phía đông, ngồi đối diện nhau. Chợt chàng thư sinh nhớ ra nên hỏi cái giọng nói kia đường đi, liền đứng dậy hỏi nhưng không thấy có lời đáp lại .

Người thư sinh mò mẫm trong bóng tối, cảm giác tay vừa chạm vào thứ gì đó, lấy tay sờ thì hóa ra cạnh mỗi người có nửa quả dưa. Hai thư sinh bày tỏ lòng cảm ơn, nhưng không có âm thanh nào đáp lời. Khi trời chạng vạng sáng, hai thư sinh chuẩn bị lên đường, họ lại nghe thấy tiếng nói của cây: "Đi về phía đông hai dặm, là đến đường lớn. Lão phu có một câu tặng các cậu: 'không thể bỏ cách giải thích liên quan tới tương sinh của quẻ hào trong Chu Dịch'".

Hai thư sinh không hiểu ý nghĩa của câu nói và hỏi lại nhưng không nhận được câu trả lời. Tới lúc vào kỳ thi, phần câu hỏi trong bài thi thực sự hỏi về tương sinh. Các thí sinh đều dùng học thuyết Trình Chu để trả lời, chỉ có hai thư sinh theo lời cái cây dặn và dùng thuyết Chu Dịch để trả lời. Kết quả kỳ thi hai thư sinh đứng đầu bảng.

Hai thư sinh nhờ có thái độ kính lễ mới có được sự xem trọng và hồi báo.

Minh An
Theo SOH



BÀI CHỌN LỌC

Vợ chồng bất hòa làm theo lời khuyên của ni cô này thì dễ dàng hòa thuận