Vở diễn Shen Yun “Cung thủ ở không gian khác” 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một chàng trai bình thường thời nay vốn không biết bắn cung, nhờ kỳ duyên mà trở nên tay thiện xạ bách phát bách trúng.

Nghe có vẻ như một motif kiếm hiệp quen thuộc: nhân vật chính vốn căn cơ ngộ tính bình thường, trải qua biến cố bất ngờ, rơi xuống một hang sâu, gặp được kỳ nhân dị sĩ, được bồi bổ kỳ hoa dị thảo, được truyền bí kíp võ thuật vạn người khát khao… nhờ đó mà trở nên võ nghệ siêu quần, độc bộ võ lâm, vang danh thiên hạ.

Mới xem thì tưởng vậy. Nhưng câu chuyện này thú vị và hàm ý sâu sắc hơn thế.

“Cung thủ ở không gian khác”

Có hai người bạn thi thố bắn cung với nhau, họ đều bắn trúng hồng tâm, vì thế cảm thấy thỏa mãn và tự hào. Khi ấy, chàng trai của chúng ta xuất hiện, tỏ ý khâm phục và mời các bạn mình nghỉ tay uống nước. Một người bạn đưa cho anh cây cung và bảo anh bắn thử. Thay vì bắn trúng bia, thì anh bắn vọt lên cây khiến chim bay dáo dác. Hai người bạn cười ngất, bỏ đi, sau khi dặn anh ở lại phải luyện tập cho kỹ.

Vào thời cổ đại, bắn cung là một trong “Lục nghệ” mà người quân tử phải học, bao gồm: lễ nghi, âm nhạc, bắn cung, cưỡi ngựa, thư pháp, làm toán (Lễ, Nhạc, Xạ, Ngự, Thư, Số).

Bắn cung thời ấy là một môn học tốn nhiều công phu. Những bậc thiện xạ như Dưỡng Do Cơ nước Sở, Lý Quảng đời Hán… ngoài sức mạnh hơn người, cảm giác tay thuần thục, bộ pháp vững vàng, đôi mắt sắc bén… còn phải luyện được cái tâm bất động vững như núi. “Bách bộ xuyên dương” – đi xa trăm bước bắn trúng lá dương mảnh mai – là điển tích văn học bắt nguồn từ sự việc có thật.

Những Samurai Nhật Bản đối mặt với các cung thủ Mông Cổ. (Miền công cộng)

Ngày nay, khi tâm pháp đã mai một, học bắn cung càng khó hơn. Bắn được giỏi như hai anh bạn kia đã không hề đơn giản, thời gian luyện tập khó mà tính bằng một vài năm.

Quay lại câu chuyện. Chàng trai cầm cây cung loay hoay không biết dùng ra sao, thì chợt một chú nai vàng ngơ ngác xuất hiện. Anh đặt cây cung xuống đuổi theo nó, ai dè trượt chân rơi xuống vực. Cạnh chỗ anh ngã xuống có một đường hầm dài tối đen. Nhưng hình như phía bên kia đường hầm có một luồng sáng lấp lánh kỳ diệu.

Chàng trai cứ lần theo đó mà ra đến một thung lũng vô cùng tươi đẹp. Trên cao trời nhẹ thênh thênh, mây trắng bồng bềnh; dưới thấp sương khói huyền ảo, cổ thụ uy nghi; vây quanh là những rặng núi cao ngất chập trùng sáng bừng lên; từ trên núi, những thác nước dài đổ xuống thung sâu như những con rồng ngọc uốn khúc; có tiếng chuông văng vẳng ngân nga từ một Đạo quán ở lưng chừng núi. Chẳng hiểu đây là nhân gian hay Tiên cảnh?

Một đám trai trẻ xuất hiện, họ mặc trang phục thời cổ đại màu xanh lá cây, vai đeo cung tên, thân thủ linh hoạt xông xáo đi trước, sư phụ của họ thong thả đi sau. Đó là một Đạo sĩ mặc Đạo bào sắc trắng, râu dài, dáng tùng vóc hạc. Ông làm mẫu các động tác cho học trò rồi đi đâu đó, mặc cho chàng trai gọi với theo để mong được cầu kiến.

Không nản lòng, chàng trai học theo các động tác của đám trai trẻ, tinh thần dần đi đến chỗ say mê, động tác dần dần mượt mà, dần dần hòa điệu với nhịp di chuyển của họ.

Đạo sĩ thực ra vẫn ngầm quan sát kẻ tập sự - vị khách không mời mà đến này. Ông quay lại nơi luyện tập. Chàng trai chào ông theo lối người thế tục hiện đại ngày nay, và tỏ bày ý nguyện muốn học bắn cung, nhưng Đạo sĩ dường như hoàn toàn không để ý đến. Phải đến khi anh cung kính quỳ gối dập đầu hành lễ như một đệ tử thời cổ đại, thì mới được ông đồng ý truyền thụ thủ pháp.

Chàng trai miệt mài học tập các động tác, không để ý rằng xung quanh mình, mùa với mùa đã nối tiếp trôi đi.

Nhưng học bắn cung đâu chỉ cần rèn luyện cơ bắp, hay động tác, mà còn yêu cầu một cái tâm rất tĩnh, không mừng, không giận, không sợ, không lo, lòng dạ sáng trong, không chứa tạp niệm. Sau khi đã luyện thành thục thủ pháp rồi, cung thủ còn phải luyện nhắm bắn bằng tâm, chứ đâu chỉ dùng mắt. Tâm có tĩnh, trí mới sáng, hơi thở mới điều hòa, sức lực mới sinh ra, thân thể mới hoàn toàn chịu sự điều khiển của tâm trí. Lúc ấy, cung thủ không nhìn thấy bất kỳ điều gì khác ngoài mục tiêu của mình.

Vậy thì phải được truyền thụ tâm pháp, học cách tôi rèn tâm tính. Chàng trai ngồi xuống thiền định, đi vào cảnh giới tâm định thần nhàn.

Rồi một cây cung được đưa đến, chàng trai cung kính đón nhận. Anh nhảy vút lên đồi, trổ thần oai bắn rụng một mỏm đá trên đỉnh núi.

Khóa học thế là kết thúc, chàng trai trở về chốn cũ, gặp lại hai người bạn. Họ khoe với anh chiến tích đi săn, chàng trai khen ngợi họ, nhưng từ chối khi được yêu cầu thể hiện bắn cung. Sau khi hai bạn yêu cầu mãi, cuối cùng anh cũng cầm lấy cung tên, bắn một lúc ra 3 mũi tên đều cắm trúng 3 hồng tâm trước những cặp mắt sững sờ của hai người bạn.

Động tác xoay vòng mà anh học được trong thung lũng, đôi tay nắm cây cung chắp lại thành quyền hướng về phương xa tạ ơn sư phụ…

Vở diễn đã kết thúc vở diễn tuyệt vời với độ dài chỉ hơn 6 phút.

Cảm nghĩ sau khi xem vở diễn

Câu chuyện để lại cho chúng ta nhiều suy niệm sâu sắc, chẳng hạn như thế nào là học tập? Điều gì dẫn đến thành công? Phải chăng mọi sự là ngẫu nhiên hay trong cõi mênh mang quả là có sự an bài sắp đặt?... Và những nội hàm khác nữa.

Chàng trai xuất hiện không nổi trội, thậm chí thua kém, nhưng anh có những phẩm chất tinh thần quý báu: Bắn hỏng bị chê mà không nản; Bắn giỏi được khen mà không kiêu… tâm thái điềm tĩnh, “thắng không kiêu, bại không nản”.

Có tài mà không khoe khoang, có thành tựu không vơ hết vào mình, mà quy về công lao dạy dỗ của sư phụ. Đó là tâm khiêm tốn và lòng biết ơn.

Tay cầm cung mà thấy vật không bắn, đó là tâm từ thiện không sát hại sinh linh. Giả sử anh bắn con nai, thì chưa chắc đã có việc đuổi theo, rơi xuống vực, rồi gặp được sư phụ, học được tuyệt nghệ… việc này dẫn đến việc khác như thể được an bài sắp xếp. Chẳng phải anh được ơn trên lựa chọn bắt đầu từ cái tâm từ thiện là gì?

Đạo gia xưa nay chọn đồ đệ rất nghiêm, không phải người có đức dày, căn cơ cao, ngộ tính tốt thì không lựa làm đệ tử chân truyền.

Một lòng bái sư, khắc khổ cần cù tu luyện, là cái tâm kiên định, nhẫn nại dẫn anh đến thành công.

Sự học là gì, nếu không phải là những điều căn bản ấy? Vì sao người xưa trước khi học bất cứ điều gì, đều phải rèn cái tâm trở nên thuần thục? Vì sao đều phải chú trọng đả tọa, tư thế đoan chính ngay ngắn, hơi thở điều hòa để đạt đến tâm định thần nhàn?

Rồi thì thái độ đối với thành công và thất bại thế nào? Đạo lý uống nước nhớ nguồn ra sao? v.v. Xem vở diễn thì rõ.

Đó là nội hàm văn học. Còn về chất lượng nghệ thuật - công cụ truyền tải những thông điệp này – cũng cực kỳ xuất sắc.

Hình ảnh tuyệt đẹp, công nghệ hình ảnh 3D được phối hợp với động tác diễn xuất liền lạc tự nhiên và vô cùng sinh động. Vũ đạo điêu luyện, những động tác bay cao, xoay vòng phức tạp được các vũ công thể hiện dễ dàng, nhẹ nhàng như không, kết hợp với biểu cảm gương mặt và thân hình xuất sắc… tất cả khiến cho khán giả như được tiến nhập vào khung cảnh câu chuyện. Đặc biệt ấn tượng là cảnh thung lũng diễm lệ Thần Tiên như thể người xưa vẫn ví von: "như lạc vào chốn Bồng Lai Tiên cảnh"… Không rõ nếu được xem trực tiếp sẽ đến mức nào?

Âm nhạc của dàn nhạc giao hưởng Shen Yun khiến người xem không thể tưởng tượng được rằng đó là âm nhạc của dàn nhạc sống, vì nó cực kỳ ăn khớp, nhịp nhàng với các màn diễn, như thể được thu âm sẵn rồi phát lại.

Hết thảy những trạng thái biểu cảm của nhân vật và tình tiết đều được âm nhạc phối hợp tài tình, đem lại cộng hưởng tích cực:

Âm nhạc dồn dập trên sân tập với đám trai trẻ hừng hực;

Tiếng tỳ bà tịch tang trầm tĩnh khoan thai khi sư phụ truyền thụ động tác, liên tưởng đến phong cách Đạo gia thanh tĩnh vô vi, được tô điểm bằng cảnh lá rụng hoàng hôn, tuyết bay buổi sớm;

Âm nhạc dồn dập mê say như tâm trạng hớn hở của chàng trai khi được trao tặng cây cung - một sự thừa nhận của sư môn đối với thành tựu anh đạt được v.v.

Tùy theo nhịp chuyện, âm nhạc lúc khoan thai khi dồn dập, vui tươi mà không phóng túng, lên cao trào nhưng không hề thái quá mất thăng bằng, nghe nhiều không mệt… Nên gọi “đức âm nhã nhạc” là chính xác.

(Bài viết được sự đồng ý của tác giả gốc, có chỉnh lý)

Tùng Vân



BÀI CHỌN LỌC

Vở diễn Shen Yun “Cung thủ ở không gian khác”