Vở diễn Shen Yun: “Thuyền cỏ mượn tên”

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Năm 2015, vở vũ kịch “Thuyền cỏ mượn tên” của Đoàn Nghệ thuật Shen Yun đã tái hiện khung cảnh tráng quan trên sông Dương Tử, qua đó thể hiện mưu trí thần cơ diệu toán của Khổng Minh Gia Cát Lượng.

Thuyền cỏ mượn tên

Khi bức màn sân khấu mở ra cũng là lúc tiếng kèn hùng hồn vang lên, tạo nên bầu không khí trang nghiêm thần thánh. Giữa sông nước mênh mông, một con thuyền chiến xuyên qua màn sương mù dày đặc và băng băng tiến về phía trước. Đứng trên thuyền là quân sư Gia Cát Lượng trong bộ y phục Đạo sĩ màu trắng, trên tay phe phẩy chiếc quạt lông vũ. Ông đối mặt với màn đêm sâu thẳm nhưng đôi mắt vẫn tự tin, dường như ông đã dự liệu hết thảy mọi tình huống sắp xảy ra.

Trong khí thế hào sảng ấy các binh sĩ vẫn ra sức tay chèo, đưa con thuyền thẳng tiến đến gần thủy trại quân Tào. Gia Cát Lượng ra hiệu cho binh sĩ đánh trống reo hò, “cổ vũ” quân Tào bắn ra hàng vạn mũi tên trúng vào những người rơm trên thuyền. Rất nhanh, Khổng Minh đã thu được hơn mười vạn mũi tên, ung dung quay thuyền chở đầy chiến lợi phẩm trở về.

Vở vũ kịch kéo dài chưa đầy bốn phút nhưng lại kể trọn vẹn câu chuyện với những tình tiết rất cô đọng, súc tích. Nghệ thuật biên đạo và dàn dựng vô cùng xuất sắc, kết hợp với âm nhạc đầy biểu cảm. Tiếng kèn đồng, tiếng đàn violon xen kẽ với đàn nhị hồ và tỳ bà, giai điệu ngắn và tiết tấu nhanh thể hiện tình hình quân sự rất căng thẳng, đẩy câu chuyện từng bước, từng bước lên cao trào. Các động tác vũ đạo phối hợp nhịp nhàng với chuyển động trên phông nền 3D, tạo hiệu ứng đặc biệt khiến cả vũ đài và sông nước hòa thành một thể, tạo cho người xem cảm giác sống động y như thật. Động tác múa uyển chuyển và bước nhảy phiêu dật đầy khí thế của các vũ công mang đến cho khán giả sự ngạc nhiên thích thú.

“Tam Quốc Diễn Nghĩa” hồi thứ 46 kể rằng, trước khi xảy ra trận Xích Bích năm 208, Gia Cát Lượng đã ký quân lệnh với Chu Du theo nội dung: Trong vòng 3 ngày sẽ chuẩn bị xong 100.000 mũi tên. Ba ngày rất nhanh sắp trôi qua, thời hạn đã cận kề mà vẫn chưa thấy mũi tên nào hoàn thành, bạn ông là Lỗ Túc lòng như lửa đốt. Nhưng Gia Cát Lượng vẫn ung dung bình thản, ông cười vang một tiếng và mời Lỗ Túc lên thuyền để “cùng đi lấy tên”. Trong màn sương mù giăng giăng hôm ấy, Lỗ Túc đã được chứng kiến khung cảnh tráng quan mãn nhãn khi làn mưa tên vun vút bay đến, cắm vào hàng người rơm trên thuyền. Lỗ Túc không khỏi thán phục trước tài trí thần cơ diệu toán của Khổng Minh Gia Cát Lượng.

Trong nguyên tác viết:

Khổng Minh quay thuyền về nói với Lỗ Túc rằng: “Mỗi thuyền được ước chừng năm sáu nghìn mũi tên mà không hề tốn chút công sức nào của Đông Ngô cả. Thế là đã được hơn mười vạn mũi tên, nay mai lại đem tên bắn lại quân Tào, chẳng tiện lắm ư?”.

Túc nói: “Tiên sinh thực là Thần Thánh. Làm sao lại biết đêm nay có sương mù lớn thế?”.

Khổng Minh nói: “Làm tướng mà không biết thiên văn, không tường địa lý, không biết được thuật pháp, không hiểu được âm dương, không tính trận đồ, không giỏi binh thế, đó là tướng xoàng. Từ ba hôm trước, ta đã tính biết hôm nay có sương mù lớn, nên mới dám nhận thời hạn ba hôm. Công Cẩn hạn cho ta mười ngày, mà thuyền thợ, đồ dùng không có gì đủ, chực đem một tội lỗi nhỏ để hại ta; nhưng số mệnh ta đã có Trời, hại làm sao nổi!”.

Tài trí uyên bác

Gia Cát Lượng là chính trị gia, nhà quân sự, đồng thời cũng là nhà phát minh trứ danh trong lịch sử Trung Hoa. Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, ông được khắc họa như một hình mẫu về lòng trung nghĩa và trí huệ phi phàm, phẩm cách cao thượng cũng như những thành tựu quân sự của ông đã được truyền tụng qua nhiều thế hệ.

Về phương diện quân sự, Gia Cát Lượng dựa trên cơ sở Bát trận cổ xưa để suy diễn ra “Bát trận đồ”, đến nay vẫn còn lưu lại di tích thạch trận năm ấy. “Tấn Thư - Đế kỷ đệ nhất” chép rằng, sau khi Gia Cát Lượng quy tiên, Tư Mã Ý đã quan sát cách bày binh bố trận trong dinh lũy Thục Hán mà thấy được Gia Cát tiên sinh là “bậc kỳ tài trong thiên hạ”. “Tấn Thư” và các sử sách Nam Bắc triều có nhiều ghi chép về Bát trận đồ, đa phần đều nhận xét rằng Bát trận có ảnh hưởng lớn đối với các tướng lĩnh sau này.

Với tài trí và học thức uyên bác, Gia Cát Lượng đã có rất nhiều phát minh quan trọng, ví dụ như đèn Khổng Minh, liên nỗ, mộc ngưu lưu mã, v.v. Khi Gia Cát Lượng mắc kẹt ở thành Bình Dương, vì không thể phái binh đi cầu viện nên ông đã dựa vào hướng gió để chế tạo ra chiếc đèn lồng có thể bay lên, trên mặt đèn treo thông điệp cầu cứu, nhờ đó ông đã được giải cứu ra khỏi chốn hiểm nguy. Đây chính là “đèn Khổng Minh” nổi tiếng, được coi là khởi nguyên của khinh khí cầu sau này.

Cung nỏ là vũ khí không thể thiếu trên sa trường, mỗi cung nỏ thường chỉ bắn được một mũi tên mỗi lần, nhưng qua tay Gia Cát Lượng cải tiến lại có thể bắn liên tiếp mười mũi tên với hỏa lực mạnh mẽ. Bên cạnh đó, ông còn chế tạo công cụ vận chuyển đắc lực gọi là “mộc ngưu lưu mã”. Phương tiện vận chuyển này bề ngoài trông giống như trâu gỗ ngựa gỗ, có tải trọng lên đến 400 cân, mỗi ngày có thể đi được hàng chục dặm đường, cung cấp lương thực cho doanh trại quân Thục. Mộc ngưu lưu mã không ăn không uống, chỉ cần xoay đầu lưỡi liền có thể đi lại. Có thể nói đây là robot ra đời sớm nhất trên thế giới.

Tranh vẽ “Khổng Minh xuất sơn đồ” thời Minh(Ảnh: Khu vực công cộng)

Ngoài tài năng quân sự và kỹ thuật, Gia Cát Lượng còn giỏi về thư pháp, hội họa, văn chương và thi ca. Trong đó, “Xuất sư biểu” đã trở thành bài văn lưu danh thiên cổ với lời lẽ chất phác, chân thành, từng câu từng chữ đều dạt dào cảm xúc, tận hiển lòng trung quân ái quốc. Trong bài văn có nhiều câu đối ngẫu vừa đẹp về kết cấu văn tự, lại vừa phản ánh phẩm chất và tinh thần của một bậc trung thần, “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”. Trong đó có những câu làm ấm lòng người:

“Trong triều, các quan vẫn chăm làm việc, ngoài ải, các tướng không tiếc đến thân”.

“Gần người hiền, xa kẻ tiểu nhân, vì thế mà nhà Hán hưng thịnh. Gần kẻ tiểu nhân, xa người hiền, vì thế mà nhà Hán về sau suy kém”.

“Nay phương nam đã yên, quân cụ đã đủ, chính là lúc gióng giả ba quân lên mặt bắc lấy lại Trung Nguyên, kẻ trên người dưới đều hết sức, cố trừ cho hết giặc, để hưng phục lại nhà Hán, trở lại cựu đô. Có thế, tôi mới báo đền được tiên đế, mới hết phận trung với bệ hạ”.

Trong “Giới tử thư”, Gia Cát Lượng đã lưu lại một câu danh ngôn: “Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn”, nghĩa là: Trong tâm không thể đạm bạc thì không minh tỏ rõ chí hướng, thân tâm không thanh tịnh thì không thể thực hiện giấc mộng cao xa. Triết lý nhân sinh của ông đã thể hiện giá trị quan truyền thống của người Á Đông, có ảnh hưởng sâu sắc đối với hậu thế.

Một thi nhân trứ danh thời nhà Đường là Đỗ Phủ đã biểu đạt lòng kính phục và ngưỡng mộ Gia Cát Lượng qua bốn câu thơ:

Vì dân ba lượt tìm luôn
Hai triều giúp rập tấc son lão thần
Quân chưa thắng đã từ trần
Anh hùng nhớ đến lệ tràn thấm khăn
(Trích “Thục tướng”, bản dịch Trần Trọng Kim)

Trở lại với vở vũ kịch “Thuyền cỏ mượn tên”, với những tình tiết tinh tế và hàm súc, tác phẩm đã triển hiện cho chúng ta biết bao nhiêu tri thức lịch sử và nội hàm văn hóa giàu ý nghĩa. Đoàn Biểu diễn Nghệ thuật Shen Yun mang sứ mệnh phục hưng văn hóa truyền thống, đem đến cho người xem những giá trị tinh hoa qua biểu diễn vũ đạo và âm nhạc mỹ diệu, để mỗi chúng ta lĩnh hội được nền văn hóa ảo diệu 5000 năm Trung Hoa.

Mời quý độc giả đón xem toàn bộ video “Thuyền cỏ mượn tên” trên nền tảng Shen Yun Zuo Pin

Và lắng nghe âm nhạc nguyên tác “Thuyền cỏ mượn tên” của Shen Yun.

Theo Cao Thiên Vận - Epoch Times
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vở diễn Shen Yun: “Thuyền cỏ mượn tên”