Vụ án chấn động: Nội viện hoàng cung, xương người chất đống 

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Người xưa có câu: “Diệp lạc quy căn, nhập thổ vi an" (lá rụng về cội, yên nghỉ dưới đất), sau trăm năm cát bụi lại trở về cát bụi, thân xác thịt về với đất mẹ mới có được chốn yên nghỉ vĩnh hằng. Do đó, người xưa rất chú trọng về mộ phần, xâm phạm đến mộ phần là việc làm đại kỵ. 

Cổ nhân nói về bốn việc làm thất đức, gọi chung là “tứ đại khuyết đức”, gồm có: Đánh người mù, mắng người câm, chà đạp quả phụ, và đào tận mộ phần. Bộ luật Đại Thanh cũng quy định: “Khai quật mồ mả của người thường, mở quan tài xem thi thể, trảm ngay kẻ cầm đầu. Những kẻ tòng phạm bất kể mức độ ra sao thì đều bị thắt cổ”, chính là nói: với kẻ cầm đầu thì xử cực hình (trảm đầu), với tòng phạm thì xử giảo hình (thắt cổ). Có thể thấy hành vi đào quật mộ phần là tội ác nghiêm trọng, là việc mà người người đều oán trách, nhà nhà đều căm hận.

Trong “Di Kiên Chí”, bậc danh thần thời Nam Tống là Hồng Mại từng ghi chép một câu chuyện chân thực như sau:

Vào năm Chính Hòa thứ tư (năm 1114) thời Bắc Tống, Tống Huy Tông hạ chỉ xây dựng nội viện của hoàng cung ở Lạc Dương, gọi tắt là “Tây Nội” và lệnh cho Chuyển vận ti ở Kinh Tây thực hiện công trình này. Vì quan Chuyển vận sứ lúc bấy giờ là Vương Mỗ đang bị bãi miễn nên triều đình bổ nhiệm Tống Mỗ lên thay.

Sau khi nhậm chức, Tống Mỗ tạm gác lại mọi công việc của Chuyển vận ti để chuyên tâm giám sát công trình xây dựng nội viện. Vì sốt sắng muốn lập công, ông liên tục dặn các quan viên dưới trướng rằng: “Chúng ta phải nhanh chóng hoàn thành việc này, được vậy thì triều đình nhất định sẽ trọng thưởng chúng ta”.


Tống Huy Tông ra lệnh xây dựng nội viên của hoàng cung (Ảnh: Zcm11,CC BY-SA 3.0)

Trong Chuyển vận ti có một vị quan tên là Tôn Huống. Tôn Huống cảm thấy công trình quá rộng lớn, không dễ hoàn thành trong một sớm một chiều, bèn nói đùa với Tống Mỗ: “Ngài đã nghe câu chuyện cáo chọn hổ làm con rể chưa? Truyện kể rằng cáo cha quyết định gả cáo con cho hổ, trong hôn lễ rất nhiều vị khách đến chúc phúc. Có vị khách nói: Chúc hai bạn trẻ sớm sinh hạ được năm trai hai gái!

Cáo cha nói: Ta không dám mong được năm trai hai gái, mà chỉ hy vọng sớm được thoát khỏi cái thân cáo này mà thôi”.

Tôn Huống kể câu chuyện vui mục đích là khuyên giải Tống Mỗ đừng vội vàng hấp tấp mà nên suy xét cẩn thận. Nhưng thấy Tống Mỗ không để tâm, Tôn Huống liền cáo bệnh xin từ chức về quê.

Nội viện hoàng cung rộng 16 dặm, bên trên xây dựng số lầu đài, điện các… tổng số kiến trúc lên tới 440 gian, trong quá trình xây dựng cần dùng các nguyên liệu như nước sơn màu đỏ và xương trâu bò. Nhưng công trình rộng lớn như vậy, tìm đâu ra đủ số lượng xương trâu bò đây?

Lúc ấy, cách thành Lạc Dương 20 dặm về phía bắc có khu đất cổ mộ bên dưới chôn hàng nghìn hài cốt. Một vị quan viên họ Hàn đưa ra ý kiến: “Những ngôi mộ cổ này đều là mồ vô chủ, chi bằng đào lên lấy xương rồi đem đi thiêu làm vật liệu xây dựng, như vậy sẽ giải quyết được vấn đề thiếu xương trâu bò. Hơn nữa, trước kia Chuyển vận sứ họ Vương cũng từng làm như vậy”.

Tống Mỗ cảm thấy ý kiến này không tệ, liền triệu tập một số quan viên đến bàn bạc. Mọi người thấy vấn đề đã được giải quyết, ai nấy đều rất đỗi vui mừng và chuẩn y theo kế hoạch. Nhờ vậy, nội viện hoàng cung rất nhanh chóng được hoàn thành.

Tống Huy Tông vô cùng hài lòng về tiến độ công trình, sau đó đã ban thưởng cho Tống Mỗ và thăng quan cho ông làm Hiển mô các học sĩ, sau này thăng lên chức Điện trung giám trước khi qua đời.

Đến những năm Tuyên Hòa (1119-1125), Tôn Huống đột nhiên mắc bệnh qua đời, sau đó lại bất ngờ sống dậy. Sau khi trở dậy, ông kể lại trải nghiệm kỳ lạ khi vào chốn U Minh. Tôn Huống nói, khi đến Thái Sơn Địa Phủ ông thấy bên ngoài đại môn có tấm hoành phi, trên đó đề bốn chữ “Thanh Di Chi Môn”. Sau đó quan coi ngục lại lôi ông đến trước đại điện, yêu cầu ông phải khai rõ nguyên nhân vì sao lại diệt cả gia tộc. Tôn Huống lắc đầu phủ nhận, trên đại điện liền có tiếng quát: “Khai quật cổ mộ Lạc Dương để được thăng quan tiến chức, chẳng lẽ lại không có phần của ngươi sao? Tội đã rành rành, vì sao không dám nói?”.

Tôn Huống vừa nghe nói liền hiểu ra mọi chuyện, bèn xin Diêm Vương cho đối chất với những người trong cuộc.

Lúc này, dưới hành lang xuất hiện hai tù nhân đeo gông cùm, bên cạnh mỗi người đều có một âm sai cầm chiếc quạt sắt lớn, không ngừng quạt, không ngừng quạt. Trên mặt quạt đâm ra đầy đinh tua tủa khiến cả hai tù nhân toàn thân bê bết máu. Khi cả hai bước đến trước mặt, Tôn Huống mới nhận ra là Tống Mỗ và Chuyển vận sứ tiền nhiệm Vương Mỗ. Tôn Huống liền kể lại chuyện cáo chọn hổ làm con rể, mọi người nghe xong đều ngả nghiêng cười nhưng không ai nghe lời khuyên giải của ông. Tôn Huống chính vì điều này mà quyết định cáo quan từ chức. Vì đã chứng minh bản thân vô tội nên ông cũng được phép trở lại dương gian.

Vài ngày sau, vị quan viên họ Hàn từng gợi ý cho Tống Mỗ đào mộ lấy xương cũng nằm mộng, những gì thấy trong mộng giống hệt như cảnh tượng khi Tôn Huống xuống cõi U Minh. Sau khi đối chất và chuẩn bị rời đi, họ Hàn ngẩng đầu lên nói: “Tôi là kẻ tội ác bất dung, nhưng tổ tiên của tôi là Ngụy Công vốn có công lớn với triều đình, xin đại vương minh xét, không nên vì tội của tử tôn mà liên lụy đến cả dòng tộc”.

Diêm Vương suy nghĩ một hồi lâu rồi đáp: “Tội của ngươi rất lớn, vậy như thế này đi, ta sẽ để gia đình ngươi gánh tội này!”.

Họ Hàn tỉnh dậy, vài tháng sau bỗng đột ngột qua đời, gần một năm sau, vợ và con của anh ta cũng mất, để lại gia nghiệp cho một người cháu trai trong họ tộc.


(Ảnh: Một phần trong bức tranh “Thập Vương Đồ” thời Nam Tống)

Tác giả “Di Kiên Chí” là Hồng Mại cho biết, câu chuyện trên do Hàn Tử Thương kể lại cho một người ở Lâm Xuyên (nay là Phủ Châu, Giang Tây) tên là Ngô Hổ Thần, họ Ngô lại kể cho Hồng Mại, sau đó ông đã ghi chép lại toàn bộ sự việc. Sau này, một người ở Thiệu Vũ, Phúc Kiến tên là Lý Úc, tự là Quang Tổ, cũng nói: “Trong triều đình còn có vị quan khác nhờ công trình nội viện hoàng cung mà được thăng chức. Sau này khi về sống ở Đặng Châu (nay là vùng phụ cận Nam Dương, Hà Nam), ông ta mắc một căn bệnh rất kỳ lạ: Trên mông mọc ra cái mụn độc rất lớn, bên trong có khúc xương cứng khiến ông ta không thể nằm hay ngồi được. Sau một thời gian dài uống thuốc, cục thịt thừa ấy rụng ra trông giống như cái đuôi lợn con. Nhưng chẳng bao lâu sau, từ vết thương ban đầu lại mọc ra cục thịt thừa khác, uống thuốc thì rụng, rụng rồi mọc, mọc rồi lại rụng, tổng cộng đã có 36 cái mụn, cuối cùng vị quan ấy cũng qua đời”.

Một người khác là Vương Nhật Nghiêm cho biết: “Ban đầu khi Tống Mỗ thương lượng cùng thuộc hạ, từng có người đưa ra ý kiến phản đối. Tống Mỗ trở về nhà suy xét một hồi lâu, sau đó vẫn kiên quyết làm như kế hoạch. Ông ta còn viết lại sự việc này ra giấy và cất trong các hồ sơ bộ môn của Khổng Mục Quan. Khi Khổng Mục Quan nhìn thấy tờ giấy, vì sợ sau này có kiện tụng nên đã dán tờ giấy của Tống Mỗ lên mặt bộ hồ sơ. Vài năm sau, Khổng Mục Quan cũng nằm mộng thấy mình bị đưa đến âm tào địa phủ để đối chất. Quỷ sai đầu trâu kéo ra một người trong lửa, đó là Tống Mỗ. Diêm Vương hỏi về bản án năm xưa, Khổng Mục Quan nói rằng hết thảy đều do Tống Mỗ quyết định, tờ giấy mà ông ta đích thân viết vẫn còn ở đó. Diêm Vương liền phái âm sai đi lấy, trong chớp mắt âm sai mang tờ giấy trở lại, Tống Mỗ vừa nhìn thấy liền nhận tội, Khổng Mục Quan cũng được trở lại dương gian”.

Khổng Mục Quan vì quá chấn động nên đã cáo bệnh từ quan, sau này ông xuất gia và tu hành cho đến lúc lìa đời.

Minh Hạnh
Theo Huệ Minh - Sound of Hope

Tài liệu tham khảo: “Di Kiên Chí”, Di Kiên Ất Chí, quyển 7, của Hồng Mại, thời Nam Tống

 

 



BÀI CHỌN LỌC

Vụ án chấn động: Nội viện hoàng cung, xương người chất đống