Vũ Huấn mở trường học: Phần 1 - Người ăn mày 'đệ nhất thiên cổ'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vũ Huấn được gọi là "Ăn xin đệ nhất thiên cổ" - Thiên cổ đệ nhất cái. Hàng mấy nghìn năm nay, nhân loại mới xuất hiện một người ăn xin được mọi người tôn xưng là 'Vũ Thánh nhân'. Khi ông còn sống, nửa tỉnh Sơn Đông đều gọi ông là Vũ Thánh nhân. Vậy rốt cục, câu chuyện về cuộc đời Vũ Huấn đã gợi mở cho chúng ta những điều gì?...

Bài viết của nhà giáo dục Đồng Hân:

Thánh nhân văn hóa độc nhất vô nhị trong lịch sử nhân loại

Nói đến Vũ Huấn tiên sinh, hơn 70 năm trước vào thời Dân Quốc, trong bài học lịch sử đã có một câu hỏi rằng: "Trong các nhân vật lịch sử thì em ngưỡng mộ người nào nhất?". Có hơn 400 học sinh trung học đã tham gia trả lời câu hỏi này, trong đó đại đa số đều nói về cùng một người: Vũ Huấn tiên sinh.

Ngày nay chúng tôi đưa ra bài kiểm tra cho 3000 học sinh, cũng với câu hỏi đó, nhưng không có một người nào chọn Vũ Huấn. Tôi cũng đã hỏi 3000 giáo viên, số giáo viên biết về Vũ Huấn chỉ lác đác có vài người. Chỉ mấy chục năm mà tư tưởng tình cảm con người đã thay đổi to lớn như vậy.

Các nước Á Đông có bề dày lịch sử và một nền văn hóa rộng lớn tinh thâm lâu đời, từng xuất hiện rất nhiều bậc Thánh hiền và nhiều kinh điển. Mọi người có lẽ cũng đã nghe những câu chuyện về họ, và tiếp thụ được những đạo lý, triết lý nhân sinh trong đó. Chỉ cần xem vài phút, nghe một đoạn thì cũng có lợi ích lớn trong cuộc đời rồi.

Các nước Á Đông có bề dày lịch sử và một nền văn hóa rộng lớn tinh thâm lâu đời, từng xuất hiện rất nhiều bậc Thánh hiền và nhiều kinh điển.
Các nước Á Đông có bề dày lịch sử và một nền văn hóa rộng lớn tinh thâm lâu đời, từng xuất hiện rất nhiều bậc Thánh hiền và nhiều kinh điển. (Ảnh: Tổng hợp)

Chúng ta học tập các kinh điển chân chính, vì nó đều giảng về đạo lý chứ không phải nói lên quan điểm cá nhân. Con người ai nấy đều có quan điểm cá nhân của riêng mình, nhất là ngày hôm nay thì vô cùng hỗn loạn, ai nấy đều khăng khăng quan điểm của mình. Nhưng người xưa không nhấn mạnh quan điểm cá nhân, họ nhấn mạng về Đạo: học Đạo, tu Đạo, truyền Đạo, nắm bắt được Đạo, thuận ứng theo Đạo, và đồng hóa với Đạo, thế thì sinh mệnh này sẽ vô cùng hạnh phúc. Bất kể họ làm gì, thì điều mà họ truyền đạt đều là tốt đẹp.

Kinh điển là những lý giải của Thánh hiền đối với Đạo. Rất nhiều Thánh hiền đã để lại kinh điển. Với Vũ Huấn, nhiều người coi ông là một Thánh nhân, nhưng ông không để lại kinh điển, bởi vì ngay cả cái tên ông cũng không có, ngay cả chữ ông cũng không biết, cho nên bộ "kinh điển" mà Vũ Huấn để lại cho hậu thế chính là cuộc đời ông. Đương thời đã có những người gọi Vũ Huấn là Vũ Thánh nhân, vĩ đại ngang bằng Khổng Tử. So với các bậc Thánh nhân khác thì vị Thánh nhân này quá đặc biệt, vô cùng đặc biệt. Khi ông còn sống đã được triều đình nhà Thanh khen thưởng. Sau khi ông qua đời, tất cả người nổi tiếng của Trung Hoa Dân Quốc, bao gồm các lãnh tụ giới chính trị như Tưởng Giới Thạch, Vu Hựu Nhiệm... và những người nổi tiếng các giới khác trong xã hội như: văn hóa, nghệ thuật, giáo dục... đều rất sùng bái ông. Nhưng thật là đáng tiếc, đến ngày nay thì về cơ bản là không còn mấy người biết đến ông nữa.

Vũ Huấn được gọi là "Ăn xin đệ nhất thiên cổ" - Thiên cổ đệ nhất cái. Hàng mấy nghìn năm nay, nhân loại mới xuất hiện một người ăn xin được mọi người tôn xưng là "Vũ Thánh nhân". Khi ông còn sống, nửa tỉnh Sơn Đông đều gọi ông là Vũ Thánh nhân. Vậy rốt cục, câu chuyện về cuộc đời Vũ Huấn đã gợi mở cho chúng ta những điều gì?...

Khi ông còn sống, nửa tỉnh Sơn Đông đều gọi ông là Vũ Thánh nhân.
Khi ông còn sống, nửa tỉnh Sơn Đông đều gọi ông là Vũ Thánh nhân. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Quá 'bình thường': Không có tên, không biết chữ, không có tài sản

Vũ Huấn sống vào cuối thời nhà Thanh, cách chúng ta hơn 100 năm, sinh năm 1838, mất năm 1896, sống chưa đầy 60 tuổi. Ông là người làng Vũ Trang, thị trấn Liễu Lâm, huyện Quan (xưa gọi là Đường Ấp), tỉnh Sơn Đông. Cuộc đời ông quá bình thường, còn có phần tầm thường, điều này thể hiện qua những phương diện sau:

Thứ nhất, ông là một người nghèo khổ không có tên: Cái tên Vũ Huấn là do triều đình ban cho. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình bần cùng, do đó không có tên. Bởi vì ông là con thứ nên mọi người gọi ông là Vũ Thất. Đến sau này khi ông có công mở trường học - khi đã ngoài 50 tuổi, triều đình mới ban cho ông một cái tên. Mở đầu Đệ tử quy (Phép tắc người con) có câu: "Đệ tử quy, Thánh nhân huấn" (Phép người con, Thánh nhân dạy). Đệ tử quy đều là Thánh nhân dạy bảo đệ tử. Huấn tức là dạy bảo, giáo huấn. Vũ Huấn với tấm thân nghèo rớt, hai bàn tay trắng mà lại mở được trường học, đã giáo dục được biết bao con em, do đó triều đình đã ban cho ông cái tên là "Huấn" để ca ngợi ông đã giáo dục được rất nhiều con em.

Thứ hai, ông là một vị Thánh nhân, nhà giáo dục không biết chữ: Vũ Huấn vô cùng nghèo khổ, lại không biết chữ. Mặc dù ông là một nhà giáo dục không biết chữ, nhưng lại trở thành tấm gương mà tất cả những nhà giáo dục trên toàn thế giới đều vô cùng sùng kính.

Thứ ba, Vũ Huấn 'nghèo kiết xác', cả đời làm ăn xin: Thế nhưng sau này ông lại xây dựng được 3 trường nghĩa học, có hơn 300 mẫu ruộng và hàng vạn quan tiền. Mặc dù về sau có gia sản vạn quan nhưng ông vẫn ngủ ở dưới mái hiên ngôi chùa nát, vẫn làm ăn xin, làm một người ăn xin suốt cả cuộc đời.

Thế nên mới nói rằng ông "quá bình thường". Từ điểm này mà xét thì mỗi người trong chúng ta đều hơn Vũ Huấn rất nhiều. Bởi tối thiểu thì chúng ta cũng có tên gọi, vẫn có một mái nhà, còn có vị trí nhỏ trong xã hội, có tri thức... tức là rất nhiều phương diện chúng ta đều "hơn" Vũ Huấn!

Cực kỳ vĩ đại: Cả đời nghèo rớt mồng tơi, xin ăn để xây 3 trường nghĩa học...

Tuy nhiên, Vũ Huấn lại cực kỳ vĩ đại. Ông dùng phương thức đi ăn xin, dùng thời gian 30 năm, chịu vô số nỗi khổ cực, trải qua vô số đắng cay, để rồi xây dựng nên 3 ngôi trường nghĩa học, để trẻ em nghèo được đi học miễn phí.

Cả đời nghèo rớt mồng tơi, xin ăn để xây 3 trường nghĩa học...
Cả đời nghèo rớt mồng tơi, xin ăn để xây 3 trường nghĩa học... (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Ông mua được hơn 300 mẫu ruộng học điền - làm học điền, chứ không phải gia sản của ông. Mục đích nhân sinh của Vũ Huấn vô cùng rõ ràng, đó là mở trường nghĩa học. Ông tích lũy vạn quan tiền mở trường học, nhưng bản thân lại vẫn tiếp tục nghèo rớt mồng tơi. Trong lịch sử giáo dục thế giới, chưa từng có người như Vũ Huấn, ông là độc nhất vô nhị.

Vũ Huấn còn là một người duy nhất trong lịch sử với thân phận là ăn xin được chính sử ghi chép lưu truyền. Sử ký Tư Mã Thiên là thể loại kỷ truyện: lịch sử về Hoàng đế gọi là bản kỷ; chư hầu gọi là liệt truyện. Vậy mà một người ăn xin như Vũ Huấn lại được ghi vào sử sách, một mình ông một chương, hiện tượng như thế này thì trong lịch sử chưa từng có. Cũng có người là ăn xin, nhưng sau này làm quan, có tiền, họ không phải là ăn xin nữa. Nhưng Vũ Huấn thì nghề nghiệp của ông chính là ăn xin, nhưng lại được ghi chép trong Thanh sử.

Trong chính sử có ngoại lệ như vậy - ghi chép về một người đặc biệt như vậy - thì cá nhân đó phải vô cùng xuất sắc. Bởi vậy Vũ Huấn được dân gian tôn xưng là: "Ăn xin đệ nhất thiên cổ"; "Xứng danh Cái Thánh (Thánh ăn xin)". Khi ông còn sống, mọi người gọi ông là Vũ Thánh nhân, đó là vì ông xứng danh ngang với Khổng Tử vậy.

Khổng Tử có học vấn uyên bác, ông trước tác kinh Xuân Thu, chỉnh lý luận thuật Lục Kinh, nhưng Vũ Huấn lại không biết chữ, chỉ biết xin ăn, thế mà vẫn được tôn xưng là Thánh nhân như Khổng Tử, do đó Vũ Huấn là người cực kỳ đặc biệt.

Vũ Huấn còn có một điều đặc biệt nữa: Trong hạo kiếp 10 năm của "Đại cách mạng Văn hóa", khi này văn hóa truyền thống Trung Quốc đã bị phá hoại, gần như là đã bị chặt đứt gốc rễ rồi. ĐCSTQ sau khi cướp được chính quyền liền dốc sức phê phán văn hóa truyền thống. Khởi đầu là vào năm 1951, chính quyền Trung Quốc ra sức phê phán bộ phim Vũ Huấn truyện.

Vũ Huấn - Người hùng có công lớn với nhân dân và nền giáo dục Trung Quốc, nhưng lại bị phê phán; và trong suốt 10 năm hạo kiếp của thời kỳ Cách mạng Văn hóa đó, ông bị những kẻ ác đào mộ, đánh hài cốt. Do đó ngày nay ít người biết đến ông.

Ông sống đã trải hết đắng cay, nhưng sau khi chết lại rất huy hoàng, được mọi người sùng kính, được thế giới công nhận là danh nhân vĩ đại. Thế nhưng ở Trung Quốc ngày nay, những người thầy, những nhà giáo dục, hầu hết ngay cả đến cái tên Vũ Huấn cũng không ai biết đến, hầu như không mấy người biết đến vị Thánh nhân vĩ đại này. Đây chính là tội ác của những người cầm quyền, cũng chính là nỗi sỉ nhục của giới giáo dục Trung Quốc, và cũng là bi kịch của người dân đại lục.

(Còn tiếp)

Thanh Hà

Theo Đồng Hân



BÀI CHỌN LỌC

Vũ Huấn mở trường học: Phần 1 - Người ăn mày 'đệ nhất thiên cổ'