Vũ Huấn mở trường học: (Phần 3, Kỳ 1) - Trải đủ muôn vàn khổ cực, vui vẻ đi ăn xin xây trường học

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vũ Huấn khởi đầu không có một xu, mà lại muốn xây dựng trường nghĩa học, thì quả là việc chưa từng có trong lịch sử cổ kim Đông Tây…

Xem lại Phần 1, Phần 2

Vũ Huấn là một người ăn xin, cuộc sống hàng ngày của gia đình còn khó bảo đảm, lấy ra một chút tiền của để dựng trường nghĩa học, đó là ông coi trọng giáo dục, là thiện cử, là một cảnh giới cao.

Xây dựng trường học là một việc rất khó khăn, theo thông lệ, các trường học thường được xây dựng dưới những hình thức sau:

Thứ nhất: Chính quyền mở trường học, tức là trường công.

Thứ hai: Cá nhân mở trường, tức là trường tư. Thường là những người rất giàu có mới làm nổi.

1. Người thực sự lấy khổ làm vui

Khởi đầu vào năm 21 tuổi cho đến tận cuối đời, Vũ Huấn đã không ngừng nỗ lực vì mục tiêu vĩ đại này. Ngày ngày ông vui vẻ hát những câu hát nửa thơ nửa nói của mình, chịu nỗi khổ cực nhất, chịu tội đói khát nhất, nhưng vẫn vui vẻ hát rằng:

"Tôi ăn xin, tôi gom tiền

Xây trường nghĩa học cho trẻ nghèo!"...

Vũ Huấn không có văn hoá, những ông lại biết hát những lời ca như thế, toàn lời vần vè, không giống thơ nhưng rất xuôi tai. Ông cứ ngày ngày vui vẻ vừa hát vừa đi hành khất.

Khi đó có người nói: "Ăn mày mà còn muốn xây trường nghĩa học, chẳng phải là kẻ ngốc nói mộng đó sao". Ý định của Vũ Huấn muốn xây trường nghĩa học không phải ông để ở trong lòng, mà đi đến đâu cũng đều nói sự việc này, dùng lời ca để nói ra.

Rất nhiều người nghe được đều nghĩ: "Kẻ ăn mày một xu không có mà lại muốn xây trường nghĩa học, đúng là kẻ thần kinh"... không ai tin ông có thể xây dựng được trường học.

Tuy nhiên, từ khi quyết chí kiếm tiền xây trường, Vũ Huấn đã bắt đầu một cuộc đời hoàn toàn mới, là người thực sự lấy khổ làm vui. Ngày ngày vui vẻ, gặp sự việc gì cũng hát ca, lời ca phát xuất từ đáy lòng, có thanh có sắc, nội dung đều là tâm nguyện mở trường nghĩa học, trong các bài ca ông thuận miệng hát ra đều có chứa từ "Nghĩa học". Ai hỏi gì thì trong câu trả lời của ông cũng có từ "Nghĩa học".

Vũ Huấn chịu rất nhiều khổ, và nỗi khổ cũng rất lớn, nhưng đều nhanh chóng vượt qua, thực sự là lấy khổ làm vui. Để làm được vậy thì đầu tiên phải không sợ khổ - có được cảnh giới không sợ khổ này thì ông Trời sẽ tác thành. Lấy khổ làm vui không phải là cố gắng nhẫn chịu. Bị người khác mắng chửi, cố nhẫn không nói, trong tâm tức giận nhưng không có biểu hiện ra - đó chỉ là gắng gượng nhẫn chịu; cuối cùng sẽ có ngày chịu hết nổi mà bộc phát ra.

Người thực sự lấy khổ làm vui sẽ không như thế, họ chịu khổ mà trong tâm vẫn vui vẻ. Các bậc Thánh hiền khi xưa như Khuất Nguyên, Lý Bạch, Đỗ Phủ... trong cuộc sống họ gặp rất nhiều hoàn cảnh éo le nhưng nội tâm lại luôn an nhiên hạnh phúc. Vũ Huấn cũng vậy, khi gặp chuyện đau khổ trái ngang ông thường hát:

"Làm việc bị người ức hiếp

Chi bằng ăn xin tự tại

Chớ cười tôi đi xin ăn

Sớm muộn xây trường nghĩa học"...

Có thể thấy trong tâm ông luôn canh cánh một ước nguyện là xây trường nghĩa học. Nhưng cũng bởi tâm nguyện và cách biểu hiện ra như thế mà người ta thấy ông - một người ăn mày, hễ cứ mở miệng là nói đến xây trường nghĩa học, thì cho rằng ông là kẻ gàn nói dở, là "kẻ thần kinh".

hễ cứ mở miệng là nói đến xây trường nghĩa học, thì cho rằng ông là kẻ gàn nói dở, là "kẻ thần kinh".
hễ cứ mở miệng là nói đến xây trường nghĩa học, thì cho rằng ông là kẻ gàn nói dở, là "kẻ thần kinh". (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

2. Món tiền quỹ đầu tiên

Món tiền quỹ đầu tiên của Vũ Huấn có được như thế nào? Mọi người có lẽ khó mà đoán được, đó chính là số tiền ông bán tóc. Ông cắt trọc một bên đầu, để tóc một bên, cứ thế lần lượt bán lấy tiền gây quỹ xây trường. Mặc dù làm như thế trông giống tên hề, nhưng ông lại vui vẻ hát:

"Bên này cắt trọc bên kia để tóc

Xây trường nghĩa học chẳng chút ưu sầu

Bên này để tóc bên kia cạo đầu

Xây trường nghĩa học chẳng cầu oán than!

Xoa chút dầu thơm đầu bóng nhoáng

Chẳng vì ăn cũng chẳng vì tiêu

Xây trường nghĩa học giúp cho trẻ nghèo!"...

3. Việc khổ, việc bẩn, việc nặng nhọc... đều làm hết

Lấy phân hay cuốc cỏ

Dắt lừa mệt đứt hơi

Việc nặng cứ tìm tôi

Tối ngày thân bao quản

Thuê tôi tiền cày ruộng

Khổ nhục có ngại đâu

Lại làm lừa, lại làm trâu

Quyết chí chẳng ưu sầu

Mong xây trường nghĩa học!"...

Bất kể việc nặng nhọc, cực khổ, dơ bẩn... Vũ Huấn cũng chẳng quản sớm tối đêm ngày. Ông còn kéo cày thay trâu, kéo cối xay thay lừa để được người ta trả chút tiền công, tất cả số tiền ấy cũng đều được dốc hết vào việc xây trường nghĩa học.

Bất kể việc nặng nhọc, cực khổ, dơ bẩn... Vũ Huấn cũng chẳng quản sớm tối đêm ngày.
Bất kể việc nặng nhọc, cực khổ, dơ bẩn... Vũ Huấn cũng chẳng quản sớm tối đêm ngày. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Vũ Huấn cũng không cảm thấy phiền lòng dù bị người ta mắng: "Đồ gàn, đồ thần kinh!"... Cũng chỉ bởi vì ông luôn miệng nói: "xây trường nghĩa học" nên mọi người đặt thêm cho ông cái tên mới: Nghĩa Học Chứng (hội chứng nghĩa học). Mọi người cho rằng: "Ông này bị điên rồi, miệng lúc nào cũng nói: nghĩa học nghĩa học, nghèo quá, không có tiền phát điên rồi!". Trên phố, trên đường đi ăn xin thường nhật, lúc nào cũng có những người kiểu như thế, họ không những chẳng giúp ông mà còn đả kích, chê cười: "Nghĩa Học Chứng". Người ta đều nói: "Ông này bị bệnh nặng rồi", nhưng Vũ Huấn chẳng hề bận tâm, trái lại ông còn thừa nhận:

"Nghĩa Học Chứng, không tức giận

Gặp người khác liền kính chào

Thưởng cho tiền, nuôi sống mạng

Xây trường nghĩa học chẳng chút động tâm!"

4. Số tiền tích cóp năm đầu tiên bị lừa mất

Năm đầu tiên, Vũ Huấn tích cóp được một số tiền, nhưng lại bị anh rể lừa mất. Ông giận đến mức không nuốt nổi cơm, miệng thổ ra bọt trắng. Mấy ngày sau, trong tâm ông liền nghĩ thoáng ra: "Không có tiền nữa thì mình vẫn tiếp tục đi ăn xin, mình vốn không có tiền mà". Chẳng bao lâu sau, lại vui vẻ hát:

"Chỉ thấy người tốt xây nhà cao

Không thấy kẻ ác đi đến cuối cùng!"...

Vũ Huấn luôn tin thiện có thiện báo, ác có ác báo, không có kẻ ác nào đi đến cuối cùng được.

5. Kính Trời hiểu mệnh, thực sự có thể nhẫn

Vũ Huấn thực sự là người kính Trời hiểu mệnh, thực sự là người đại nhẫn. Trong lịch sử cũng có những người có tâm đại nhẫn, ví dụ như Hàn Tín - một đại tướng quân, công thần khai quốc của nhà Hán. Một hôm Hàn Tín đi trên đường thì có một kẻ lưu manh chống nạnh chặn đường nói: "Ngươi có dám giết ta không? Ngươi đeo bảo kiếm làm gì, dám giết thì hãy chặt đầu ta coi? Nếu ngươi không dám giết ta thì hãy chui qua háng ta".

Hàn Tín bèn chui qua háng tên vô lại. Nếu Hàn Tín chém hắn thì quan phủ ắt sẽ bắt và giết ông vì tội "giết người", và phải "đền mạng" - theo luật thời bấy giờ. Nếu như thế thì đã không có một đại tướng quân Hàn Tín uy chấn thiên hạ, đánh bại Hạng Vũ - người có sức mạnh bạt sơn cử đỉnh - giúp Lưu Bang dựng lập nên nhà Hán.

Những bậc Thánh hiền đều là người có tâm đại nhẫn.
Những bậc Thánh hiền đều là người có tâm đại nhẫn. (Ảnh tổng hợp từ phim Tam Tự Kinh)

Hàn Tín được gọi là Binh Tiên, Chiến Thần. Một lần Lưu Bang hỏi Hàn Tín rằng: "Ta có thể chỉ huy được bao nhiêu quân?"

Hàn Tín nói: "Đại vương có thể chỉ huy được 10 vạn quân".

Lưu Bang hỏi: "Tướng quân có thể chỉ huy được bao nhiêu quân?"

Hàn Tín trả lời: "Càng nhiều càng tốt!"

Lưu Bang nói: "Ta là hoàng thượng mới chỉ huy được 10 vạn quân, tướng quân thì càng nhiều càng tốt. Thế thì ta sao có thể làm hoàng thượng, tướng quân vẫn phải nghe theo chỉ huy của ta?"

Hàn Tín trả lời rằng: "Thần giỏi chỉ huy quân, còn hoàng thượng giỏi chỉ huy tướng".

Một vị tướng quân đệ nhất lịch sử, lưu truyền những kỳ công như "trận Bối Thủy", "Ám độ Trần Thương", "Từ bề Sở ca"... thế mà lại chui háng một tên lưu manh vô lại. Đó có nghĩa là những bậc Thánh hiền đều là người có tâm đại nhẫn. Thế nên khi Vũ Huấn xin cơm, xin tiền, có người mắng chửi ông, đuổi ông đi, ông chỉ hát rằng:

"Không cho tôi, tôi không oán

Tự có người tốt cho tôi cơm

Thưa ông, thưa cậu đừng tức giận

Khi nào ông không tức giận

Khi đó tôi sẽ đi liền!"...

Chúng ta đều có cơm ăn, Vũ Huấn không có, phải đi xin, người ta không những không cho mà còn mắng chửi, nhưng ông vẫn thản nhiên, không bực tức, cũng chẳng lo lắng, vì biết sẽ có người tốt cho ông cơm ăn, đó là kính Trời hiểu mệnh, cũng là tâm thái thiện lương.

Vũ Huấn đi xin ăn, khi người ta cho đồ ăn ngon - như bánh bao chẳng hạn, thì ông lại không ăn mà đem bán lại cho người khác lấy tiền để dành xây trường nghĩa học. Hễ cứ có thứ gì ngon một chút là ông đều không ăn, đều đổi lấy tiền, vậy ông ăn gì? Ông ăn rễ rau. Bộ sách người xưa dùng để giáo dục hậu thế là Thái căn đàm có một câu rằng: "Người ăn được rễ rau thì trăm việc đều có thể làm được". Một người mà chịu được khổ, ăn rễ rau, thế thì nỗi khổ nào họ cũng chịu được. Vũ Huấn vì để xây trường nghĩa học, cả đời chỉ ăn rễ rau và thức ăn thiu mốc. Ông hát rằng:

"Ăn đồ tạp thay cho cơm

Dành tiền để xây trường nghĩa học

Ăn ngon không hẳn đã là tốt

Xây trường nghĩa học còn tốt hơn!"...

Vũ Huấn làm việc khổ nhất, bẩn nhất, mệt nhất, những việc mà không có ai muốn làm: mùa hè nắng chang chang ông ra ngoài đồng gặt lúa, mồ hôi ướt đẫm lưng. Ông còn nhặt phân, phơi phân, những việc mà mọi người đều dè bỉu, né tránh thì ông làm, chỉ vì để xây dựng trường nghĩa học. Năm Vũ Huấn 29 tuổi, ông đã lao động nặng nhọc gần 10 năm như thế để tích cóp tiền, mua được 45 mẫu ruộng đất phèn, cát, trũng đây là loại đất rẻ tiền, nhưng ông lại hát rằng:

"Chỉ cần trường nghĩa học phát

Mua đất không sợ phèn, trũng, cát

Phèn rửa trôi, cát nạo vét

Sau ba năm chẳng phèn chẳng cát

Chỉ cần trường nghĩa học phát!"...

Có thể thấy Vũ Huấn sống rất vui vẻ, vì ông có tấm lòng rộng lớn, mua đất trũng, lại nhiễm mặn, bạc màu... thì rất khó mà cày cấy canh tác được, nhưng ông vẫn mua vì Vũ Huấn tin rằng: Trời cao luôn bảo hộ người lương thiện.

(Còn tiếp...)

Thanh Hà

Theo Đồng Hân



BÀI CHỌN LỌC

Vũ Huấn mở trường học: (Phần 3, Kỳ 1) - Trải đủ muôn vàn khổ cực, vui vẻ đi ăn xin xây trường học