Vụ khủng bố ký giả Lương Trân: nỗi sợ hãi của ĐCSTQ trước sự phục hưng của tinh thần sĩ phu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vụ khủng bố của ĐCSTQ đối với ký giả Lương Trân và tòa soạn báo The Epoch Times Hong Kong liệu có phải đơn thuần là hành động chống lại tự do báo chí, hay sâu xa đằng sau nó là một câu chuyện còn nghiêm trọng hơn nữa?

Một buổi trưa vắng vẻ, trên vỉa hè một con đường ở Hong Kong, một người đàn ông trung niên dạo bước thong thả sau bữa ăn trưa. Phía vỉa hè bên kia cũng vắng người, chỉ có một người phụ nữ trí thức mảnh dẻ đang bước đi.

Bỗng bên kia đường, một chiếc xe Mercedes-Benz đỗ xịch đến. Cửa xe mở tung, một người đàn ông to lớn lao ra ngoài, tay cầm cây gậy bóng chày. Rồi từ vỉa hè bên này, người đàn ông trung niên nghe thấy tiếng kêu cứu lớn: “Cứu với, tôi bị đánh” của người phụ nữ. Ông nhanh chân chạy sang bên kia đường. Người đàn ông cầm cây gậy bóng chày vội quay trở về chiếc xe hơi và lủi đi mất, chỉ còn lại người phụ nữ với đôi chân sưng vù, bầm tím, ngã trên vỉa hè.

Đó là hiện trường vụ án hành hung nữ phóng viên Lương Trân (Sarah Liang) của The Epoch Times Hong Kong vào trưa ngày 11/5/2021. Người đàn ông trung niên là nhân chứng được gọi là ông Lý đã mô tả lại việc trên. Ông Lý cho biết chiếc xe Mercedes-Benz của hung thủ mang biển số TV3851, ông cũng sẵn sàng ra làm chứng cho sự việc này.

Cuộc tấn công cô Lương là một kế hoạch được chuẩn bị kỹ càng từ trước đó. Cô Lương cho biết, cô đã bị một người đàn ông tới nhà quấy rối vào ngày 24/4. Đến ngày 26/4, cô bị một người đàn ông lạ mặt theo dõi và ông ta bỏ chạy khi cô hỏi liệu ông ta có phải là người của Đại Công Báo. Rồi đến ngày 8/5, đã có một vụ tấn công bằng gậy nhằm vào cô nhưng bất thành. Trước đó, vào ngày 3/5, cô Lương và đại diện các học viên Pháp Luân Công ở Hong Kong đã kháng nghị tại trụ sở chính của tờ Đại Công Báo (Ta Kung Pao) ở Aberdeen. Họ cực lực lên án tờ báo này vì đã xuất bản các bài báo phỉ báng Pháp Luân Công, họ yêu cầu gỡ bỏ các bài báo vu khống trên và xin lỗi công khai.

Đại Công Báo là một kênh truyền thông trực thuộc Văn phòng Liên lạc của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Hong Kong. Gần đây, tờ báo này đã đăng các bài báo công kích The Epoch Times và môn tu luyện Pháp Luân Công.

Cô Lương nói: "Ta Kung Pao là cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ"“Hoàn toàn có thể nhìn ra nó (Ta Kung Pao) là tổ chức gián điệp của ĐCSTQ, tất cả phóng viên của tờ báo đó đều là đặc vụ của ĐCSTQ".

Thực tế thì không chỉ Lương Trân bị tấn công, mà tòa soạn báo The Epoch Times chi nhánh Hong Kong của cô cũng đã bị phá hoại đến lần thứ 5 kể từ khi thành lập vào năm 2004. Trong cuộc tấn công ngày 12/4/2021 nhằm vào nhà in, những kẻ xâm nhập đã đập phá thiết bị bằng búa tạ, đổ các mảnh vỡ bê tông lên máy móc nhạy cảm và lấy cắp một ổ cứng máy tính. Sự việc khiến hoạt động báo chí gián đoạn trong một vài ngày.

Trước đó là một vụ phóng hỏa vào tháng 11/2009.

June Guo, giám đốc của The Epoch Times Hong Kong, nói rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang lợi dụng thế giới ngầm để tấn công tòa soạn.

Các hành động chống lại The Epoch Times là một phần của chiến dịch đe dọa, tấn công bạo lực, bắt giữ bất hợp pháp và bêu xấu do các quan chức ĐCSTQ phát động. Chiến dịch này cũng được thúc đẩy trên các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ nhằm chống lại tự do báo chí ở Hong Kong.

Vì lý do gì Lương Trân và tòa soạn The Epoch Times Hong Kong bị khủng bố?

Kể từ khi được thành lập bởi một nhóm người Mỹ gốc Hoa tại Hoa Kỳ, The Epoch Times luôn tập trung tin tức vạch trần cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với người dân Trung Quốc và các dân tộc thiểu số, bác bỏ chương trình nghị sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và phơi bày sự xâm nhập của chính quyền Trung Quốc vào Hoa Kỳ.

The Epoch Times Hong Kong là chi nhánh tại Hong Kong của tờ The Epoch Times - một tờ báo do các học viên Pháp Luân Công điều hành. The Epoch Times tự mô tả rằng tờ báo không đại diện cho tiếng nói của phong trào Pháp Luân Công, một phong trào tín ngưỡng bị ĐCSTQ và chính quyền Trung Quốc đàn áp khốc liệt từ năm 1999 đến nay. Tuy vậy, với tôn chỉ đưa tin trung thực và khách quan về tình hình Trung Quốc trong bối cảnh báo chí ở đại lục, thậm chí là cả nhiều tập đoàn truyền thông lớn của thế giới đều bị ĐCSTQ kiểm duyệt, The Epoch Times luôn là mục tiêu phá hoại của ĐCSTQ.

Chi nhánh Hong Kong lại là nơi nằm gần nhất trong sự kiểm soát của ĐCSTQ.

Với riêng Lương Trân, trong hai mươi năm qua, chương trình của cô mang tên “Cherished Words, True Words” (Những lời được trân trọng, những lời nói chân chính) đã thu hút một lượng khán giả trung thành và tôn trọng những thông báo trung thực ấy.

 

Những cuộc khủng bố phi pháp nhắm vào tòa soạn của The Epoch Times và phóng viên của họ càng chứng tỏ rằng: ĐCSTQ thừa nhận và hết sức sợ hãi trước những tin tức và thông báo trung thực của tờ báo này, và phải sử dụng đến những phương thức côn đồ và bất xứng với một chính quyền để đàn áp sự thật.

Song, các phóng viên của The Epoch Times hình như không phải là những người chịu chùn bước trước đàn áp của ĐCSTQ. Trong khía cạnh là một người tu luyện Pháp Luân Công, họ tuân thủ tôn chỉ “Chân - Thiện - Nhẫn” của môn tu luyện, trong đó “Chân” hàm nghĩa sự phản ánh trung thực. Với tư cách một nhà báo, họ tuân thủ đạo đức nghề nghiệp báo chí, cũng là nói lên sự thật. Và với tư cách một trí thức theo văn hóa truyền thống - giá trị mà pháp môn của họ luôn đề cao - thì vai trò của họ là ghi lại trung thực sự thật lịch sử như những gì giới sĩ phu Trung Hoa xưa vẫn thường làm - điều mà ĐCSTQ cố gắng xóa bỏ hay bôi nhọ - cũng là điều làm nó sợ hãi và căm ghét nhất.

Thôi Trữ giết vua - câu chuyện về tấm gương trung liệt của anh em sử quan Thái Sử Bá và giá trị quan về đạo đức của trí thức xưa

Trong sách Đông Chu Liệt Quốc của tác giả Phùng Mộng Long có chép câu chuyện sau đây. Thời Xuân Thu, đại thần Thôi Trữ nước Tề giết vua của mình là Tề Trang Công. Thôi Trữ truyền cho quan Thái Sử Bá chép sử rằng, cần phải chép là Tề Trang Công bị sốt rét mà chết. Thái sử Bá không nghe, chép vào thẻ rằng:

“Ngày Ất Hợi, tháng Năm, mùa hạ, Thôi Trữ giết vua là Quang”.

Thôi Trữ nổi giận, giết Thái sử Bá. Thái sử Bá có ba người em là Trọng, Thúc, Quý. Trọng thay anh, lại chép như cũ. Thôi Trữ lại giết. Đến Thúc cũng như vậy và lại bị giết. Cuối cùng đến Quý vẫn chép như trước. Thôi Trữ cầm lấy cái thẻ mà bảo Quý rằng:

“Ba anh mày đều chết cả, còn mày không sợ chết à? Nếu mày chịu chép khác đi thì ta tha chết cho”

Quý nói:

“Chép sự thực là chức phận của người làm sử, nếu trái chức phận mà sống thì chẳng thà chết còn hơn! Ngày xưa Triệu Xuyên giết Tần Linh Công, quan thái sử là Đổng Hồ cho rằng Triệu Thuẫn là chính khanh mà không biết trị tội quân giặc, bèn chép rằng: “Triệu Thuẫn giết vua là Di Cao”, thế mà Triệu Thuẫn không lấy làm quái. Thế thì biết chức phận của người làm sử không thể bỏ được! Nếu tôi không chép, trong thiên hạ tất cũng có người khác chép. Tôi không chép cũng không có thể che được sự xấu của quan tướng quốc, mà lại để cho thức giả chê cười, nên tôi liều chết mà chép, xin quan tướng quốc tùy ý định đoạt!”

Thôi Trữ đành từ bỏ ý định, ném trả cái thẻ cho Thái sử Quý chép như cũ. Quý cầm cái thẻ đi ra, sắp đến cửa sử quán lại gặp Nam Sử Thị. Quý hỏi đi đâu, Nam Sử Thị nói:

“Ta nghe nói anh em nhà ngươi đều chết cả, sợ bỏ mất cái việc ngày Ất Hợi, tháng Năm, mùa hạ mới rồi, vậy nên ta cầm thẻ đến để chép”.

Quý đưa cái thẻ mình chép cho Nam Sử Thị xem, lúc ấy Nam Sử Thị mới cáo từ mà về.

Thôi Trữ về sau bị giết cả họ bởi kẻ đồng mưu giết vua với mình là Khánh Phong, nên đành tự vẫn chết.

“Uy vũ bất năng khuất - quyền lực không khuất phục được”: cốt cách của giới sĩ phu trong văn hóa truyền thống

Câu chuyện trên để lại nhiều bài học cho chúng ta suy ngẫm. Trước hết là sự tiết tháo của giới sĩ phu - ngày nay tạm gọi là người trí thức, sau đó là sự báo ứng bất di bất dịch với kẻ thủ ác. Thời đại Xuân Thu, Chiến Quốc có rất nhiều xáo trộn lịch sử, trên vũ đài chính trị cũng có nhiều cảnh kẻ tranh người đoạt. Song, đó là câu chuyện của những cá nhân trong giới quyền quý, còn nền tảng đạo đức của xã hội vẫn tương đối vững vàng, chính tà vẫn phân minh, thiện ác là sáng tỏ. Do vậy người ta chia sẻ và đồng thuận với nhau những nguyên tắc đạo đức làm người và đạo đức nghề nghiệp, đó là lối sống trung thực và cương trực, là tinh thần không bẻ cong ngòi bút trước bất kỳ sức mạnh bạo chính nào.

Sự hào hùng thề chết để bảo vệ sự thực đã tạo nên một di sản văn hóa và đạo đức quý báu.
Anh em Thái sử Bá xứng đáng là những trí thức đúng nghĩa, những kẻ đại trượng phu vậy. (Epoch Times)

Như đức Mạnh tử sống trong thời ấy đã từng viết: “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu”, tạm hiểu là: “giàu sang mà không hoang dâm, nghèo túng mà không đổi chí, quyền lực cũng không khuất phục được, ai làm được mới xứng là đại trượng phu”.

Anh em Thái Sử Bá xứng đáng là những trí thức đúng nghĩa, là những kẻ đại trượng phu vậy.

"Mèo trắng" hay "mèo đen", miễn “ngoan” là được

Ngày nay, sau hơn 70 năm ĐCSTQ nắm quyền cai trị Trung Quốc, thông qua tuyên truyền giả dối xuyên tạc và đàn áp tàn bạo, ĐCSTQ đã gần như xóa sạch văn hóa truyền thống trên mảnh đất Thần Châu và thay thế vào đó là một bộ những thứ văn hóa đảng biến dị. Đồng thời ĐCSTQ mang lợi ích vật chất ra làm mồi nhử, khiến con người trở nên tham lam, đắm mình trong dục vọng và sa đọa.

Đặng Tiểu Bình, lãnh tụ ĐCSTQ nổi tiếng với câu nói: “mèo trắng hay mèo đen không phân biệt, miễn là bắt được chuột” - khuyến khích người dân làm giàu và tránh xa chính trị; nhưng đồng thời cũng có tuyên bố rùng rợn cho ngày tắm máu sinh viên ở Thiên An Môn: “Giết 200 nghìn người, giữ gìn ổn định cho 20 năm”... Đó là điển hình của chính sách “cây gậy và củ cà rốt”, nô dịch con người bằng hai chữ “tham” và “sợ”, khiến cho người dân Trung Quốc đánh mất tiết tháo, coi rẻ đạo đức, từ đó ĐCSTQ dễ dàng bẻ gãy sức mạnh tinh thần của thiên hạ Trung Hoa xưa, để dần biến thành một xã hội Trung Quốc như ngày nay.

Cảnh tượng tại Quảng trường Thiên An Môn cách đây 31 năm (Ảnh ghép bởi The Epoch Times)
Người trí thức tay không tấc sắt đối diện với binh đoàn sắt thép trong sự kiện Lục Tứ tại quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989 (Ảnh ghép bởi The Epoch Times)

Muốn làm được điều ấy, trước hết cần phải loại bỏ, hoặc làm cho hủ hóa những người nắm giữ tinh thần, đạo đức và khí cốt của xã hội - chính là giới sĩ phu hay trí thức theo văn hóa truyền thống.

Thái độ của ĐCSTQ đối với trí thức được thể hiện qua câu nói đầy hằn học của Mao Trạch Đông: “trí thức chỉ là cục phân”; qua những cuộc vận động “chống cánh hữu”, “tam phản”, “tân tam phản”, “ngũ phản”, “chống cánh hữu” hay “Trăm hoa đua nở”, “Đại Cách mạng Văn Hóa”… để đàn áp trí thức; gần đây nhất là qua sự kiện Lục Tứ ngày 4/6/1989 trên quảng trường Thiên An Môn - nấm mồ lớn chôn sinh viên trí thức.

ĐCSTQ đã cho thấy nó sợ hãi người trí thức truyền thống như thế nào và nó đã hăm hở ra sao để đè bẹp khí tiết của sĩ phu. Ngày nay ở Trung Quốc, hầu như không còn tinh thần sĩ phu, đa phần chỉ là những kẻ nắm được chuyên môn và ngoan ngoãn cúi đầu thần phục, hoặc tệ hơn - làm nanh vuốt cho ĐCSTQ để đàn áp nhân dân Trung Quốc, để đổi lại địa vị và lợi ích mà ĐCSTQ cướp của nhân dân và trao cho họ.

Hóa ra, điều ĐCSTQ cần nhất ở người dân Trung Quốc và đặc biệt là giới trí thức, đó là sự vâng lời hay tuân phục vô điều kiện với những đảo điên từ thái cực này sang thái cực khác của nó nhanh như tắc kè hoa biến sắc. Nói cách khác, cái mà ĐCSTQ cần ở giới trí thức, không phải là “mèo trắng” hay “mèo đen” - vì “trắng” hôm nay có thể là “đen” của ngày mai - thế nên phải là “mèo ngoan” với ĐCSTQ, dù là vờ vĩnh nhắm mắt cho xong. Nói cách khác, đó là một dạng của chủ nghĩa “khuyển nho” kiểu Trung Quốc.

Từ những văn nhân trong thời kỳ ĐCSTQ “mới lên ngôi” như Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Phùng Hữu Lan… cho đến Hà Tộ Hưu vài chục năm về trước, đến tầng lớp trí thức trẻ ngày nay, bản chất sự việc chưa hề thay đổi.

Những ngày gần đây, xã hội Trung Quốc dậy sóng vì câu chuyện tỷ phú Vương Hưng của tập đoàn Meituan - một trí thức từng học tại đại học Thanh Hoa danh giá - đã mất đến 2,5 tỷ USD vì đã đăng lên mạng xã hội một bài thơ Đường. Thi phẩm có tên Phần Thư Khanh của thi sĩ Chương Kiệt chỉ trích Tần Thủy Hoàng, lên án tội ác diệt trí thức của ông ta dẫn đến triều đại Tần sụp đổ.

Nội dung của nó như sau (bản dịch của Đông A):

Sách vở khói bay, nghiệp đế tan
Quan hà khôn bọc đất Tần hoàng
Hố tro chưa nguội, Sơn Đông loạn
Đốt sách Hạng, Lưu vốn chẳng màng

Thi phẩm khiến giới đầu tư nước này “ngửi” thấy mùi nguy hiểm vì cho rằng nó có tính chất ám chỉ bóng gió xa xôi tới giới lãnh đạo đương thời của ĐCSTQ. Vụ việc khiến họ nhớ tới tấm gương “tày liếp” của tỷ phú Jack Ma mới đây, nên nhiều nhà đầu tư đã vội vã từ bỏ cổ phiếu của Meituan. Sự việc đã khiến cho giá trị cổ phiếu của Meituan sụt 14%, bản thân Vương Hưng mất 2,5 tỷ USD và nằm trong tầm soi chiếu của các cơ quan quản lý, dù sau đó anh này đã rút bài thơ xuống và có lời giải thích ôn hòa.

Pháp Luân Công - nỗi sợ hãi, The Epoch Times - cái gai trong mắt… của ĐCSTQ

Một bài thơ có mối liên tưởng mờ nhạt chỉ như gió thổi cỏ lay đã làm ĐCSTQ cảm thấy “nhột nhạt” đến vậy, nói gì đến những sự thật kinh khiếp mà nó bị phơi bày suốt những năm qua bởi những phóng viên dũng cảm của tờ The Epoch Times. Và điều khiến ĐCSTQ còn lo ngại hơn nữa, đó chính là những người này đang làm sống dậy văn hóa truyền thống của Trung Hoa xưa cùng với tinh thần sĩ phu chân chính. Nó càng lo ngại hơn vì tôn chỉ “Chân - Thiện - Nhẫn” của phong trào Pháp Luân Công, mà The Epoch Times là một bộ phận, chính là hình ảnh tương phản với bản chất “Giả - Ác - Đấu” - con quái vật mà ĐCSTQ nuôi dưỡng cho xã hội Trung Quốc từ hơn 70 năm nay.

Nếu người ta có lòng tham, ĐCSTQ có thể đem quyền lợi, danh vọng, địa vị ra nhử. Nếu họ có nỗi sợ, ĐCSTQ có thể dùng bạo lực trấn áp, dùng tuyên truyền dối trá để bôi nhọ, vu khống. Nhưng nếu họ không tham, không sợ thì lấy gì để khống chế? Nói cách khác, cả “cây gậy” và “củ cà rốt” đều vô tác dụng.

Đó là lý do mà ĐCSTQ sợ hãi những người không ham muốn lợi ích thế tục, chỉ muốn tu dưỡng để làm người tốt và tốt hơn nữa... và trong suốt hơn hai mươi năm nay, nó đã dùng hết tất cả những biện pháp khủng bố tàn ác chưa từng có trong lịch sử nhân loại mà chưa từng đạt được mục đích “xóa sổ Pháp Luân Công trong vòng 3 tháng” như lời “đảng trưởng” Giang Trạch Dân.

Vụ hành hung ký giả Lương Trân và phá hoại tòa soạn của The Epoch Times Hong Kong chỉ là tiếp tục lối ứng xử vừa thô bạo vừa tuyệt vọng đó.

Gió đã đổi chiều

Kể từ cuộc tấn công, The Epoch Times ở Hong Kong đã nhận được sự ủng hộ đông đảo của người dân Hong Kong. Họ đã coi hãng tin là biểu tượng tự do và hy vọng của Hong Kong.

Và đến nay tiếng nói phản đối ĐCSTQ của cộng đồng thế giới cũng càng ngày càng mạnh.

“Cuộc tấn công này có khả năng là một ví dụ nghiêm trọng khác về việc ĐCSTQ sử dụng bạo lực để bịt miệng những người chỉ trích họ và những người tìm cách bắt họ phải chịu trách nhiệm về những vi phạm và áp bức nhân quyền ở Hong Kong”, Hạ nghị sĩ Đảng Cộng Hòa là Greg Steube nói trong một email gửi tới The Epoch Times.

Hạ nghị sĩ Greg Steube phát biểu trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện trên Đồi Capitol, ở Washington, vào ngày 4 tháng 12 năm 2019. (Hình ảnh Saul Loeb-Pool / Getty)

“Cuộc tấn công hèn nhát này nhằm vào nữ nhà báo Sarah Liang nên càng khiến chúng tôi quyết tâm bảo vệ những quyền tự do như trong Điều 19 của Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu,” chính trị gia người Anh là Lord Alton tuyên bố.

Ông Benedict Rogers - giám đốc điều hành và người sáng lập của Hong Kong Watch, là người đồng sáng lập Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo thủ ở Vương quốc Anh... cũng tuyên bố rằng vụ tấn công là "gây sốc và thái quá".

“Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng và yêu cầu đưa kẻ tấn công ra trước ánh sáng của công lý,” ông Rogers viết.

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo ngày 11/5 yêu cầu lực lượng cảnh sát Hong Kong tiến hành điều tra nhanh chóng và kỹ lưỡng về vụ tấn công và bắt giữ những kẻ chịu trách nhiệm.

Điều phối viên chương trình Châu Á của CPJ, Steven Butler, tại Washington DC, cho biết: “Cảnh sát Hong Kong không thể cho phép vụ tấn công trơ ​​trẽn và vô luật pháp nhắm vào nhà báo Sarah Liang của The Epoch Times, và phải đảm bảo an toàn cho tất cả các nhà báo làm việc tại Hong Kong”.

Đặc biệt mới đây Hoa Kỳ còn trừng phạt quan chức của ĐCSTQ, một cựu lãnh đạo của phòng 610 vì đóng vai trò trong cuộc bức hại tàn ác với Pháp Luân Công.

Còn The Epoch Times chính thức tuyên bố rằng: “họ sẽ không lùi bước và sẽ tiếp tục đưa tin trung thực để phục vụ cho lợi ích tốt đẹp nhất của Hong Kong”.

The Epoch Times kêu gọi các tổ chức tự do báo chí và nhân quyền, các chính phủ tự do và người dân tự do khắp nơi trên thế giới biểu tình để bảo vệ tự do báo chí ở Hong Kong.

Những anh em “Thái sử Bá” trong The Epoch Times, bằng sự trung thực và kiên định của mình, cuối cùng đã lay động được cảm tình và sự ủng hộ của nhân dân và chính giới nhiều nước.

Một khi nhân loại thức tỉnh, thì chính là lúc kẻ gây tội ác gấp vạn lần Thôi Trữ kia - chính là ĐCSTQ, phải chịu nhận hậu quả kinh khiếp của luật Trời báo ứng.

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm riêng của tác giả Nguyên Vũ, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Vũ

Tài liệu tham khảo: bài viết có sử dụng một phần nội dung tác phẩm "Đông Chu Liệt Quốc" của tác giả Phùng Mộng Long, bản dịch của dịch giả Nguyễn Đỗ Mục



BÀI CHỌN LỌC

Vụ khủng bố ký giả Lương Trân: nỗi sợ hãi của ĐCSTQ trước sự phục hưng của tinh thần sĩ phu