Vụ kỳ án: Lật lại vụ án trước khi khai đao vào giờ Ngọ 3 khắc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại sao vụ án này có thể lật lại, tại sao có thể vào đúng thời điểm khai đao ‘giờ Ngọ 3 khắc’ mà giữ lại mệnh người?

Thời Đường Hi Tông, vào những năm Quang Khải, Đại Thuận, tại huyện Bao Trung (nay là thị trấn Bao Thành, thành phố Hán Trung, tỉnh Thiểm Tây) xảy ra vụ án trộm mộ, quan lại trong huyện khẩn trương phá án. Một hôm có tin đã bắt được tội phạm, nhưng bị giam cả năm vẫn không nhận tội. Dưới sự tra khảo đánh đập của cai ngục, tội nhân đã thú nhận, còn giao ra tang vật hắn lấy từ trước, quan huyện nhận định thẩm phán không có sai sót, nên khép tội xử trảm. Ai hay, vào ‘Giờ Ngọ 3 khắc’ trước khi khai đao hành hình, bỗng nhiên sấm nổ rền trời, mây đen cuồn cuộn, rồi mưa trút không ngừng.

Quan hành án đành hạ lệnh tránh mưa, mang phạm nhân giam vào một căn phòng. Dân chúng đến xem cũng chen chúc tránh mưa dưới mái hiên ven đường. Người ta vừa lau nước trên thân vừa bàn luận: ‘Ông Trời làm mưa lớn trước lúc hành hình, e là có oan ức chi đây?

Ừ nhỉ, người họ Triệu kia là người trong gia đình nhiều đời sách đèn, hòa nhã thiện lương với mọi người, gia cảnh đủ đầy, sao lại đi trộm mộ nhỉ?

‘Sao có thể mang người vô tội kết án tử như vậy?’

‘Chà, kỳ lạ ở chỗ ông ta lại đưa ra tang vật...’

Lúc này, trong đám đông tự nhiên có một phụ nữ ngã xuống, hai mắt nhắm nghiền, mặt xám như tro. Tỳ nữ bên cạnh cuống cuồng lay gọi: ‘Phu nhân, mau tỉnh lại, tỉnh lại!’

Mọi người xúm lại, có người nhận ra đó là vợ ông Triệu, vội vàng nói: ‘Mau cứu bà ấy tỉnh lại, để bà ấy đến pháp trường nhìn mặt chồng lần cuối!

Mưa đã tạnh, quan binh lại đẩy tội nhân lên đài hành hình, giám quan cho phép vợ con phạm nhân lên cáo biệt. Phụ nữ kia quỳ sụp trước đài, rập đầu kêu oan: ‘Ông Huyện ơi, phu quân nhà con oan uổng quá! Đều là do con hại ông ấy, cầu xin quan lớn tha cho ông ấy!

Đúng lúc ấy, trong đám đông có một đại hán lưng hùm eo gấu bước ra, đi thẳng lên đài, sai dịch hai bên sợ tròn mắt. Chỉ thấy đại hán vung ống tay áo nói lớn, thanh âm chấn động pháp trường: ‘Việc đào mộ là do chính ta làm, vương pháp không dung việc lạm sát người vô tội, các người không bắt ta lại đi giết nhầm người tốt!’.

Đột nhiên lại có người đến thế mạng, bản án này lập tức thành kỳ án. Người vợ do thương chồng mà đi vào chỗ chết thì còn có thể, chứ kẻ xa lạ không quen chẳng biết mà đứng ra nhận tội là vì điều gì đây? Có lẽ đây chính là ‘Nhân mệnh quan Thiên’ (sinh mệnh con người liên quan tới Thiên thượng). Do tình tiết vụ án có biến số, nên giám quan cho dừng thi hành, trình báo tình tiết vụ án lên quan trên.

Kỳ án mở phiên phúc thẩm. Tranh thời nhà Thanh, nha môn đại đường của Tổng binh trấn Kim Môn (Tăng Yến Quân/ Epoch Times)

Bản án đưa lên quan trên phúc thẩm. Quang hỏi bà Triệu: ‘Người đó là ai? Sao bà lại muốn nhận tội chết thay?’

Bà Triệu khai: ‘Con là mỗ thị, người bị tội chết kia là chồng của con, ông ấy là người theo nghiệp sách đèn, ở nhà ngoài việc làm thơ vẽ tranh, trồng hoa nhặt cỏ, còn thích chơi đồ cổ. Ông sưu tầm các loại đồ cổ, nhiều nhà buôn đồ cổ biết đến ông, thường mời ông đi xem và đánh giá đồ cổ. Hàng xóm láng giềng cho đến trẻ con gần đó, nếu có nhặt được viên đá mảnh ngói có chút cổ quái, đều mang tới cho ông xem. Họ gọi ông là ‘’Mê Đồ Cổ’.

‘Năm trước có vài vị quan sai đến, lớn tiếng bảo ông đã đào mộ cổ, rồi bắt ông đi… Thời gian đã một năm, con nóng ruột quá, cuối cùng tới nhà ngục tìm gặp. Ông ấy đã bị đánh đến biến dạng, toàn thân là vết thương, cả mông bét be máu thịt. Ông ấy nói với con rằng, do bị đánh đau quá không chịu nổi, nên đành khai liều là tất cả đồ cổ cất giữ trong nhà đều là do trộm mộ mà có. Ông ấy bảo con mang hết tới phủ nộp làm ‘tang vật’.

Oan uổng quá thôi! Thấy ông ấy bị đánh biến dạng thương tích khắp mình, trông không ra hình người nữa, con có thể không nghe theo lời ông ấy sao? Đành nuốt oan trái làm theo. Ai ngờ đâu lại trở thành ‘đủ cả nhân chứng vật chứng’, không những chẳng cứu được chồng mà còn làm ông ấy bị khép vào tội chết. Biết thế con không làm theo lời chồng còn hơn. Đại nhân, xin cho con được chết thay chồng, chứ ông ấy chết rồi con biết sống sao đây...’

Quan nghe xong lời cung của bà Triệu, cho gọi tiếp hảo hán kia vào, hỏi: ‘Ông là ai? Sao lại đến nhận tội?’

Hảo hán đáp: ‘Thưa đại nhân, tôi tên là Đinh Hán, mộ cổ là do tôi đào, không sai chút nào. Đại trượng phu dám làm dám chịu, đổ oan cho người, để người ta chịu tội thì sẽ bị Trời cao giáng sét đánh chết. Hỏi tại sao tôi lại đi trộm mộ? Bởi ruộng thuê cấy trồng bị nước ngập băng, không trả được tô nên đành phải bỏ nhà. Tôi đi khắp nơi tìm việc, nhưng không có việc làm, sức dài vai rộng mà không kế sinh nhai.

Sống thế nào đây? Tôi nghĩ đi nghĩ lại: nếu làm giặc cướp, thì thương Thiên hại lý, tôi không thể làm. Đào tường khoét vách, thì người mất trộm sẽ rất đau khổ. Làm hành khất, thì đường đường là nam nhi thân cao bảy thước, tôi chịu không nổi sự khinh rẻ của người ta. Chẳng còn cách nào, tôi mới nghĩ đến cách đào trộm mộ. Tôi can đảm, làm việc này là hợp. Tôi không đào mộ của người tốt, trước khi ra tay phải nghe ngóng kỹ, chuyên tìm mộ của những kẻ có tiền, lại làm điều ác. Bọn họ khi sống đã làm nhưng việc thương Thiên hại lý, hưởng tận vinh hoa phú quý một đời, chết rồi không ăn được không dùng được, mang theo lắm thứ tùy táng thế làm gì, lấy đi cũng chẳng mang tội. Thế là tôi làm trộm mộ.

Tôi đã ở cảnh khốn cùng, nên hiểu được nỗi cơ cực của anh em, đào được tài vật bất nghĩa đó tôi đều chia cho họ, có tiền cùng hưởng, có nạn cùng gánh! Gần đây tôi đi ra ngoài, có người nói ông Triệu bị bắt đi hành hình do tội đào mộ trộm đồ cổ. Tôi biết đó là án oan, ngôi mộ ấy là do tôi đào trộm, bảo vật trong đó cũng là tôi lấy, oan cho người tốt quá! Tôi vội vàng quay lại nhận tội trước khi hành quyết, hãy chém đầu tôi, không thể chém đầu ông ấy. Vẫn còn rất nhiều đồ cổ còn để ở nhà tôi, trộm ở nơi nào tôi có thể nhớ đại khái, các ông đến mà tra xét! Hãy chém tôi đây! Hãy thả người tốt về nhà!

Quan cho truyền gọi tội nhân họ Triệu tới, hỏi: ‘Mộ không phải ông đào, không phải ông trộm lấy, vậy tại sao nhận tội chịu chết?’

Ông Triệu trả lời: ‘Tiểu dân bị tra tấn hơn một năm, thân tâm tàn tạ khổ đau không muốn sống, nên bảo người nhà mang nộp hết đồ cổ nhận tội’.

Quan cho tra xét nhà Đinh Hán, quả nhiên phù hợp với vật đã mất. Vụ án đã sáng tỏ, rõ ràng do dùng nhục hình ép cung, ông liền trị tội các các ngục liên quan, thả người vô tội và hoàn trả ‘tang vật giả’ cho ông Triệu, đồng thời miễn tội cho Đinh Hán - người đã thẳng thắn nhận tội, còn nhận Đinh Hán vào nha môn làm nha dịch, để ông có thể phát huy sở trường, vừa giải quyết khó khăn cuộc sống.

Tại sao vụ án này có thể lật lại, tại sao có thể vào đúng thời điểm khai đao ‘giờ Ngọ 3 khắc’ mà giữ lại mệnh người? Điều mấu chốt ở đây là đạo đức lương tâm. Đinh Hán tuy bị vào cùng đường mới đi trộm mộ, nhưng lương tri vẫn còn trong tâm, vẫn minh bạch phân biệt thiện ác, ông kính sợ Thần linh, cho dù pháp luật không trị được ông, nhưng ông không thể hại người vô tội, không để người khác chịu tội cho mình. Quan tòa khen ông quả cảm thẳng thắn nhận tội, trộm mộ không phải do lòng tham, nên tha tội cho ông, đồng thời giúp ông vượt qua cảnh khốn cùng. Đó chẳng phải chính là do đạo đức lương tri của Đinh Hán đã mang đến hảo vận này hay sao?! Mà xã hội ngày nay hỗn loạn là do đạo đức trượt dốc băng hoại, chỉ dùng pháp luật thì không thể quản được những cá nhân đã đánh mất lương tri, không thể cứu được cục diện hiểm nguy khi đánh mất đi đạo đức.

(Nguồn tư liệu: Ngọc Đường nhàn thoại)

Thái Nguyên - Epoch Times
Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vụ kỳ án: Lật lại vụ án trước khi khai đao vào giờ Ngọ 3 khắc