Vụ Việt Á vô địch diệt quan tham: Làm thế nào mới trừ tận gốc nạn tham nhũng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Luật Phòng chống Tham nhũng ra đời từ năm 2018, các biện pháp trừng phạt đang tăng cường, nhưng tại sao tham nhũng vẫn chưa giảm, vẫn có chiều hướng gia tăng? Ngoài sự nghiêm minh của pháp luật, cần những biệt pháp gì thì mới trừ được quốc nạn tham nhũng này?

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Vụ Việt Á nhập kit test covid Trung Quốc giá khoảng trên 20.000 đồng và bán cho dân, bắt buộc phải test covid với giá trên dưới 500.000 đồng, trải rộng hầu như khắp các tỉnh thành trên toàn quốc.

Sau 6 tháng điều tra đã khởi tố 60 người liên quan (và vẫn đang tiếp tục quá trình điều tra, số lượng người liên quan còn có thể tăng thêm nữa), bao gồm cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; cựu chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh; thượng tá Hồ Anh Sơn - Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự, đại tá Nguyễn Văn Hiệu - Trưởng phòng Trang bị, Vật tư, cùng một số lãnh đạo cấp vụ thuộc Bộ Y tế và Bộ Khoa học Công nghệ; và 37 người là giám đốc CDC, lãnh đạo và cán bộ y tế 15 tỉnh thành.

Điều đáng nói là, trước khi bị cơ quan công an điều tra, khá nhiều người trong số này đã tuyên bố trước truyền thông về sự trong sạch của mình.

Ông Đỗ Đức Lưu - Giám đốc CDC Nam Định đã tuyên bố đấu thầu đúng pháp luật, và không nhận bất cứ đồng nào từ Việt Á.

Ông Hoàng Văn Đức - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên Huế cũng trả lời với báo chí rằng: "Tôi không bao giờ nhận một đồng nào từ Công ty Việt Á trong vụ việc này. Việc mua sắm kit xét nghiệm COVID-19 từ công ty này ở CDC Thừa Thiên Huế được thực hiện theo đúng quy trình, có thẩm định giá từ nhiều công ty khác nhau".

Ông Lâm Văn Tuấn - Giám đốc CDC Bắc Giang cũng từng nói với báo chí "không nhận đồng nào từ Công ty Việt Á và Công ty Phan Anh".

Ông Nguyễn Văn Định - Giám đốc CDC tỉnh Nghệ An còn khẳng định: “Hiện tại tôi cũng đang cho kiểm tra lại hệ thống cán bộ nội bộ của đơn vị xem có ai nhận tiền không. Công an tỉnh Nghệ An cũng đang rà soát hồ sơ để nắm bắt tình hình".

"Tôi hoàn toàn không nhận bất kỳ quà hay khoản hoa hồng nào từ Công ty Việt Á hay là bất kỳ ai. Tôi chưa từng làm việc, chưa từng gặp và không biết Phan Tôn Noel Thảo là ai".

Có thể thấy những quan tham này nói dối trắng trợn, và không có sự xấu hổ nào khi tuyên bố mạnh mẽ và dứt khoát về sự “trong sạch” của họ, khiến cho dư luận không biết, còn có thể tin vào miệng quan được nữa hay không.

Từ trái qua phải: Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Nam Liên và Trịnh Thanh Hùng. (Ảnh: BCA/baochinhphu.vn)

Ngày 20/1/2022, Ban Nội chính Trung ương họp báo thông báo kết quả Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Năm 2021, thi hành kỷ luật đối với 618 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 132 đảng viên so với năm 2020).

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao vi phạm liên quan đến tham nhũng, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm 2020).

Trong những năm qua, chiến dịch “đốt lò” của TBT Nguyễn Phú Trọng đã bắt giữ và trừng trị khá nhiều quan tham, nhưng rất lạ là các vụ tham nhũng vẫn cứ tăng, năm 2021 đã khá nhiều so với 2020, và năm 2022, mới chỉ có 1 vụ Việt Á mà đã 60 người rồi, cũng sẽ hứa hẹn một năm ‘bội thu’ quan tham sa lưới.

Khi tiếp xúc cử tri Hà Nội năm 2013, TBT Nguyễn Phú Trọng cũng đã thừa nhận rằng: “Giờ ở nhà đi ra thấy cái gì cũng phải có tiền, không tiền không trôi. Tham nhũng lớn cũng có, tham nhũng vặt cũng nhiều khiến người dân như bị ngứa ghẻ” .

Luật Phòng chống Tham nhũng ra đời từ năm 2018, các biện pháp trừng phạt đang tăng cường, nhưng tại sao tham nhũng vẫn chưa giảm, vẫn có chiều hướng gia tăng? Ngoài sự nghiêm minh của pháp luật, cần những biệt pháp gì thì mới trừ được quốc nạn tham nhũng này?

Để trả lời những câu hỏi trên, chúng ta cùng xem lại trong lịch sử xem các vua quan xưa chống tham nhũng như thế nào.

Thời toàn thịnh vua Lê Thánh Tông: Vua anh minh, quan liêm chính

Thời Vua Lê Thánh Tông đất nước vào giai đoạn hưng thịnh nhờ có vua anh minh và thẳng tay trừng trị tham nhũng. Vua cũng cho soạn bộ luật Hồng Đức, là hệ thống luật pháp hoàn thiện đầu tiên trong các triều đại phong kiến. Một trong những nội dung của luật là: Bảo vệ quyền sở hữu tài sản của muôn dân, chống tham nhũng triệt để, chống sự lạm quyền và ức hiếp dân chúng.

Bộ Luật Hồng Đức được ra đời, định rõ tội danh và hình phạt với các quan lại tham nhũng, từ đó, nạn tham nhũng dần dần bị đẩy lùi.

Vua Lê Thánh Tông cũng ra các sắc chỉ nhấn mạnh chống tham nhũng:

– Năm 1475, định lệnh cấm vơ vét xoay tiền trong các việc xây dựng sửa chữa, kẻ nào mượn cớ và vơ vét xoay tiền thì trị tội như luật xoay tiền.

– Năm 1478, trong sắc chỉ cho các địa phương xét quan lại trong địa hạt, người nào tham ô lười biếng thì tâu lệnh để định việc giáng chức.

– Năm 1487, xét quan lại thấy tham nhũng thì bãi chức sung quân ở Quảng Nam.

– Năm 1483, trong sắc chỉ ân xá của nhà vua những kẻ tham nhũng xếp cùng tội đại nghịch không được hưởng khoan hồng của nhà vua. Như vậy, Lê Thánh Tông đã coi nạn quan tham ngang hàng với tội đại nghịch. Những tội làm tổn hại đến nền móng nhà nước phong kiến.

Chủ trương chống tham nhũng và chỉ trọng hiền thần được nhà vua ban được thực hiện từ trên xuống dưới khiến các quan lại vốn chỉ lo tiến thân bằng nịnh bợ và hối lộ cũng dần không còn đất dụng võ nữa. Và nạn tham nhũng được dẹp bỏ.

Việc tư pháp xử án cũng được vua Lê Thánh Tông quan tâm.
Việc tư pháp xử án cũng được vua Lê Thánh Tông quan tâm. (Ảnh minh hoạ)

Nhờ vua anh minh, luật pháp rõ ràng, nên quan lại liêm khiết. Vua còn đích thân kiểm tra sự liêm khiết của các quan trong triều.

Thời đấy vua nghe nói có một vị quan tên là Vũ Tự làm quan rất thanh liêm, nhà vua vốn không tin nên quyết định thử xem tin đồn có thật hay không.

Vua biết có một người vừa được Vũ Tự xử cho thắng kiện liền bí mật gửi cho người này một mâm lễ vật quý, nói đưa lễ vật này cho Vũ Tự để cảm ơn vì đã xử cho thắng kiện. Vào đêm khuya người này mang lễ vật tới.

Sau khi người này cảm ơn vì được xử thắng kiện, Vũ Tự hỏi:

– Anh có biết ta là ai? Việc xét xử là theo luật vua ban, anh cho ta là người thế nào mà dám làm chuyện phi pháp này?

– Bẩm thượng quan, tập tục là thế, đây là tấm lòng thành tri ân…

– Ta há phải theo tập tục quái gở này để chịu ô danh như những kẻ tham lam khác hay sao?

Nói xong, Vũ Tự sai gia nhân đuổi người này ra khỏi tư dinh.

Vua Lê Thánh Tông sau đó đã cho người tặng Vũ Tự chữ “liêm tiết” đính vào cổ áo triều phục vào bàn việc quốc sự.

Vua Lê Thánh Tông chủ trương không dùng kẻ nịnh bợ, chỉ trọng người ngay thẳng, vì thế những kẻ luồn cúi nịnh bợ không có chỗ nơi chốn quan trường.

Vua nói: “Người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc dẫn đến họa loạn. Ta và các ngươi đã thề với trời đất dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chăm không lơi. Các ngươi chớ có quên đấy!”.

Vua chúa đặt chuông, trống, hòm thư để dân kêu oan, tố giác tham quan

Vua anh minh, quan liêm khiết vẫn chưa đủ, vì triều đình ở xa, các địa phương, vẫn có thể có những tham quan bóc lột ức hiếp dân chúng, câu kết với hoạn quan, quyền thần để bịt tai mắt của vua. Thế nên, để chống tham nhũng, để chống án oan sai, quan địa phương làm càn, ức hiếp dân chúng, vua chúa xưa còn đặt chuông, chống, hòm thư để người dân được kêu oan, tố giác tham quan.

- Năm 1052, Vua Lý Nhân Tông cho đặt một quả chuông lớn ở sân rồng, những người bị oan, hay tố giác quan tham đến đánh chuông, vua sẽ ra nhận đơn và xét xử.

- Năm 1158, Vua Lý Anh Tông cho đặt một cái hòm ở sân rồng để ai muốn bày tỏ việc gì, kêu oan hay tố cáo quan tham, thì bỏ thư vào hòm ấy, vua sẽ mở ra xem xử lý.

- Năm 1725, Chúa Trịnh Cương cho yết bảng ở các lỵ sở, ngã ba đường để dân chúng phản ánh điều hay dở, thiện ác của các quan trong địa hạt và nỗi oan của mình.

- Năm 1732, Chúa Trịnh Giang lại cho đặt hòm ở phủ chúa để nhận đơn kêu oan, tố giác của dân.

- Năm 1747, Chúa Trịnh Doanh cho đặt chuông, mõ ở cổng phủ đường để người nào thấy mình có tài, muốn tự tiến cử thì đánh chuông, và người bị oan ức, tố cáo thì đánh mõ kêu lên. Các khiếu nại phải được ghi thành văn bản và phong kín để chuyển lên phủ chúa xem xét.

- Năm 1751, Chúa Trịnh cho phép nhân dân cả nước được phép viết thư trình bày nỗi oan ức, dán kín dâng lên.

- 1788, Chúa Nguyễn Ánh cũng cho đặt một hòm ở cửa phủ chúa để ai có oan khuất hay bị người khác hãm hại thì viết đơn trình bày rõ sự việc, ghi rõ họ tên quê quán bỏ vào hòm để tiện tra xét.

- Năm 1803, Vua Gia Long cho dân từ các trấn Nghệ An ra Bắc ai có oan khuất thì đến công đường sở tại tâu bày. Đơn thư kêu oan, tố giác được chuyển lên vua và văn thần xét đoán.

Thời Vua Minh Mạng, vua cho đặt một trống ở Ty Tam Pháp, cho phép ai có oan ức được đến đánh trống kêu oan.

Vào tháng 3 năm 1463, trong một buổi thiết triều, nhà Vua nói: “Người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc dẫn đến họa loạn. Ta và các ngươi đã thề với trời đất dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chăm không lơi. Các ngươi chớ có quên đấy !”

Pháp luật hoàn thiện vẫn chưa đủ, điều này mới quan trọng nhất

Các triều đại xưa đã có khá nhiều thời kỳ thịnh trị, vua sáng tôi hiền, quan liêm chính, dân lương thiện, xã hội yên bình. Rõ ràng hệ thống pháp luật ngày nay nhiều hơn, hoàn thiện hơn thời các triều đại phong kiến, nhưng hiện nay, tham nhũng như tế bào ung thư, vẫn chưa có phương thuốc chữa trị. Mấu chốt nằm ở đâu?

Khổng Tử nói: “Dùng mệnh lệnh, pháp luật để dẫn dắt chỉ đạo dân, dùng hình phạt để quản lý dân, làm như vậy tuy có giảm được phạm pháp, nhưng người phạm pháp không biết xấu hổ, sỉ nhục.

Dùng đạo đức để hướng dẫn chỉ đạo dân, dùng lễ nghĩa để giáo hóa dân, làm như vậy chẳng những dân hiểu được thế nào là nhục nhã khi phạm tội, mà còn cam tâm tình nguyện sửa chữa sai lầm của mình tận gốc từ mặt tư tưởng”.

Trí tuệ Khổng Tử đã tiết lộ bí quyết, pháp luật cần nhưng chưa đủ, then chốt là dùng đạo đức giáo hóa dân chúng, khiến người dân thiện lương, có nền tảng tốt thì mới có nền chính trị trong sáng. Bởi vì vua quan, quan chức, lãnh đạo là thượng tầng xã hội, được xây dựng trên nền tảng dân chúng. Vì quan chức cũng từ dân chúng mà ra, học hành thi cử, đỗ đạt, hoặc có tài năng được tiến cử làm quan. Nếu hầu người dân không gian dối xảo trá, thì ắt sẽ không có quan tham, nếu hầu hết người dân đều lương thiện thì ắt sẽ chọn được quan liêm khiết.

Sau khi Đường Thái Tông lên ngôi, ông cho rằng việc coi trọng đức hạnh quan trọng hơn so với chế độ pháp luật hà khắc.

Một lần nọ ông hỏi đại thần Vương Khuê: “Vì sao những người trị quốc hiện giờ không giống với thời xưa?”

Vương Khuê nói: “Thời Hán tôn sùng học thuyết Nho gia, phong tục tập quán dân gian thuần hậu. Hiện nay xem nhẹ Nho học, coi trọng pháp luật nên quốc gia càng ngày càng suy bại.”

Tể tướng nổi tiếng Quản Trọng cho rằng: “Lễ nghĩa liêm sỉ là bốn điều duy trì quốc gia, bốn điều này không còn thì quốc gia sẽ diệt vong.”

Tề Hoàn Công nghe theo lời khuyên của Quản Trọng, tuân theo lễ nghĩa, giành được sự tín nhiệm của chư hầu và dân chúng, sau đó quả nhiên xưng bá thiên hạ.

Thời Hán Chiêu Đế, Hán Hiên Thọ nhậm chức thái thú Dĩnh Châu, thái thú Đông Quận. Ông chủ trương dùng lễ nghĩa giáo hóa nhân dân.

Một lần ông đến khảo sát dân tình huyện Cao Lăng, đúng lúc gặp hai anh em kiện cáo vì tranh nhau ruộng đất. Hán Diên Thọ thấy vậy vô cùng đau lòng nói: “Ta đứng đầu một quận lại không giáo hóa tốt cho bách tính, dẫn đến xảy ra kiện tụng giữa cốt nhục như thế này, khiến những người hiền đạt trong quận cũng bị sỉ nhục. Việc này hoàn toàn là lỗi của ta”.

Thế là ông ẩn mình trong quan phủ, phản tỉnh suy nghĩ lỗi lầm của mình. Hai anh em kiện tụng nhau kia sau khi biết được việc này vô cùng xấu hổ, cùng cạo trọc đầu, để vai trần đến chỗ Hán Diên Thọ tạ tội, thề sẽ không tranh chấp nữa.

Người đi nhường đường người cày nhường bờ, dạy con sáng đạo, minh đạo gia huấn
Người đi nhường đường người cày nhường bờ. (Tranh: NTDVN)

Thời kỳ cuối nhà Thương, có hai nước chư hầu là Ngu và Nhuế tranh chấp cánh đồng ở biên giới, thế là họ tới nước Chu để nhờ Văn Vương xem xét định đoạt giúp.

Hai vị vua vào đến nước Chu, thấy nông dân cày ruộng nhường bờ, người đi đường nhường đường. Đến ấp thì thấy nam nữ đi trên 2 con đường khác nhau, người có tuổi không phải mang vác nặng vì luôn được người trẻ tự nguyện giúp đỡ. Vào đến triều đình thì thấy quan lại nhường quan đại phu, quan đại phu nhường quan công khanh.

Tất cả mọi người ở nước Chu đều có tác phong cao thượng của người quân tử. Hai vị vua thấy thế thì tự so sánh với nước mình, trong lòng cảm thấy rất hổ thẹn. Họ nói với nhau rằng: “Tiểu nhân như chúng ta, mặt mũi nào dám lên điện diện kiến bậc quân tử để nhờ phân xử đây?”.

Thế là còn chưa gặp Văn Vương, họ đã chủ động nhường vùng đất vốn đang tranh giành ấy cho đối phương. Kết quả là hai bên đều nhường nhau không chịu giữ, vùng đất đó thế là để không, người đời sau gọi đó là “nhàn điền” tức "ruộng đất để không".

Chư hầu xung quanh nghe được chuyện này, đều lấy Văn Vương làm gương mẫu. Họ tấp nập kéo nhau tới xin quy thuận.

Ngày nay tham nhũng khó chống, vì chính những người nắm luật pháp lách luật, câu kết với nhau thành những nhóm lợi ích, bảo vệ lẫn nhau. Luật nhiều nhưng thực thi không nghiêm. Quan chức tham lam, không biết tín nghĩa, liêm sỉ là gì, nói dối không chớp mắt, giao dịch tiền - quyền, sùng bái đồng tiền, coi tiền có sức mạnh vạn năng, mua được tất cả.

Ngày nay lại càng không có những bậc quân vương, quan lại tu dưỡng đạo đức, lấy mình làm gương, dùng đức giáo hóa dân chúng, khiến người dân kính phục, biết liêm sỉ, biết hổ thẹn, biết tự ước thúc cái tâm mình, tự giác không làm việc xấu. Thế nên, chỉ khi xã hội coi trọng đạo đức, không sùng bái kim tiền, ai nấy đều tu đức, hướng thiện, thì lúc đó tham nhũng không cần chống cũng tự diệt.

Trung Hòa

Tham khảo: ntdvn, dkn, fb.Chú Tễu, vnexpress...



BÀI CHỌN LỌC

Vụ Việt Á vô địch diệt quan tham: Làm thế nào mới trừ tận gốc nạn tham nhũng?