Cành đào báo tiệp và chiếc bánh Tét trong Đại thắng mùa xuân 1789 - Phần 1

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tương truyền sau khi truyền ba quân nấu chiếc bánh tét đem theo làm quân lương, ít ngày sau binh đoàn thần tốc Tây Sơn đã hoàn toàn làm chủ Thăng Long và tiêu diệt toàn bộ quân xâm lược. Ngay sau khi vào thành, vị vua uy dũng nhưng hào hoa - Quang Trung đã cho ngựa trạm đem ngay một cành đào từ Thăng Long về Phú Xuân tặng cho người vợ yêu xứ Bắc của mình để báo tin chiến thắng, tạo thêm một giai thoại đáng nhớ trong mùa xuân huy hoàng năm đó…

Vào thuở ấy, hoa đào xứ Bắc và bánh tét của Đàng Trong chắc ít khi nào có khả năng hội ngộ ở Thăng Long. Ấy vậy mà vào mùa xuân năm 1789, cả hai vật phẩm này đều trở thành giai thoại mỗi khi nhắc tới chiến thắng huy hoàng của quân Tây Sơn đánh bại quân Thanh trên đất kinh đô…

Quang Trung đại phá quân Thanh: Chiêu Thống cùng đường cầu Bắc Quốc; Danh tướng Thanh triều kíp xuôi Nam

Tháng 5 năm 1788, vua Lê Chiêu Thống bạc nhược, thế cùng lực kiệt chạy sang cầu cứu nhà Thanh. Triều đình nhà Thanh nhân cơ hội này liền thực hiện âm mưu xâm chiếm nước Việt để mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam.

Vua Càn Long phái Tôn Sĩ Nghị điều động quân chiến đấu cùng với hệ thống dân công tiếp vận binh lương từ 4 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Qúy Châu, Vân Nam, số quân tính cả dân binh phu phen khoảng 20 vạn quân kéo sang nước ta dưới danh nghĩa phù Lê. Bên cạnh đó Tôn Sĩ Nghị còn đặt các đài trạm (trạm lương thảo), dịch trạm (trạm truyền tin) từ các tỉnh nam Trung Hoa đến ải Nam Quan nối tới Thăng Long, tất cả đều được tổ chức thật chu đáo nhằm bảo đảm thành công tốt nhất cho chiến dịch.

Vua Càn Long phái Tôn Sĩ Nghị điều động quân chiến đấu cùng với hệ thống dân công tiếp vận binh lương
Vua Càn Long phái Tôn Sĩ Nghị điều động quân chiến đấu cùng với hệ thống dân công tiếp vận binh lương. (Ảnh: Wikipedia)

Đội quân viễn chinh tiến đánh nước Việt cũng toàn các tướng lãnh nổi tiếng đương thời như:

Tổng chỉ huy toàn quân Tôn Sĩ Nghị, tổng đốc Lưỡng Quảng, một danh nho người Hán, một thượng thư triều đình có nhiều công lao, đã được vẽ hình trưng ở Tử Quang Các.

Quân chia làm hai đường chính tiến vào nước ta. Đạo quân phía Đông gồm có các tướng lãnh:

Tổng chỉ huy: Đề đốc Quảng Tây Hứa Thế Hanh, võ tướng, võ trạng nguyên, đệ nhất dũng sĩ Mãn Châu tước hiệu Ba Đồ Lỗ. Đây là một mãnh tướng kỵ binh dày dạn kinh nghiệm trận mạc tại Kim Xuyên, Cam Túc, Đài Loan. Do có nhiều công trạng nên được ghi tên đứng trước 20 đại thần ở Tử Quang Các.

Phụ tá chỉ huy:Tổng binh Quảng Tây Thượng Duy Thăng và phó tướng Tôn Khánh Thành. Thượng Duy Thăng là tướng lãnh thuộc Tương Lam kỳ Hán quân, cháu 4 đời Bình Nam Vương Thượng Khả Hỷ, tổng binh Hữu Giang Trấn ở Quảng Tây.

Phụ tá chỉ huy: Tổng binh Quảng Đông Trương Triều Long và phó tướng Lý Hóa Long. Trương Triều Long vốn là danh tướng kỵ binh, tổng binh Phúc Kiến, công thần xếp thứ 31 có hình vẽ trưng ở Tử Quang Các.

Đạo quân phía Tây gồm có các tướng lãnh:

Tổng chỉ huy: đề đốc Vân Nam Ô Đại Kinh.

Phụ tá chỉ huy : Tổng binh Thọ Xuân Đinh Trụ và Tổng binh Khai Hóa Tôn Khởi Giao.

Ngoài ra còn có cánh thổ quân của Thái thú Điền Châu Sầm Nghi Đống, là một thổ quan ở Điền Châu, dẫn theo 1500 thổ binh quân người Miêu giỏi leo trèo, chạy trên núi, trên vách cao như đi đường phẳng cũng đến gia nhập đoàn quân Nam chinh.

Với hàng tướng lĩnh cao cấp tài giỏi như vậy, cùng lực lượng khoản 20 vạn quân và dân binh, trạm dịch đầy đủ, kể cả sự hỗ trợ sát biên giới của Phúc Khang An, mới thấy rõ khao khát muốn chiếm lấy nước Việt của vua tôi nhà Thanh lớn như thế nào.

Ngày 21/11/1788, quân Thanh chia làm 3 đạo tiến vào biên giới nước Việt, thẳng đến Thăng Long sau khi chiến thắng một số trận đánh nhỏ với quân Tây Sơn. Ngày 22/11 Tôn Sĩ Nghị vào thành Thăng Long làm lễ sắc phong cho Lê Chiêu Thống làm An Nam quốc vương.

Tôn Sĩ Nghị dự tính quân Tây Sơn có tiến ra Bắc cũng phải mất 15 ngày mới đến được Thăng Long, nên ông ta cho lập hệ thống phòng thủ kéo dài từ Gián Khẩu ở Ninh Bình (do Hoàng Phùng Tử của Lê Chiêu Thống lập đồn tiền tiêu chặn quân Tây Sơn), tiếp đến là đồn Nguyệt Quyết (Hà Nam), Nhật Tảo (Hà Nam), Hà Hồi (Hà Nội) và Ngọc Hồi (Hà Nội). Đồn Ngọc Hồi là đại bản doanh, nơi tập trung quân nhiều, công sự kiên cố đặt dưới sự chỉ huy của Hứa Thế Hanh.

Tôn Sĩ Nghị rất yên tâm vì các đồn có thể yểm trợ, thông tin cho nhau khi cần thiết. Dựa vào cách bố trí trên, Tôn Sĩ Nghị quyết định cho tướng lĩnh, quân sĩ ăn tết, vui chơi thoải mái qua Tết năm Kỷ Dậu 1789 sẽ tiến đánh quân Tây Sơn, bắt Nguyễn Huệ, sau đó tiến sâu vào phía nam nước Việt.

"Nghị nói rằng: Năm đã gần hết, việc gì phải vội vàng, không kíp đánh vội, giặc còn gầy, ta nên nuôi cho nó béo, để nó tự dẫn xác đến để làm thịt. Truyền lệnh cho các quân đóng trại yên nghỉ hẹn đến sang xuân ngày mồng sáu tháng giêng ra quân"

(Đại Nam liệt truyện).

Được chủ tướng cho phép, quân Thanh ở Thăng Long đi đứng nghênh ngang, hống hách tới khắp nẻo đường cướp giật của cải, đánh đập, hãm hiếp dân lành. Còn quân của Lê Chiêu Thống thì vơ vét lương thực của dân để cung cấp cho bọn xâm lược. Dân ta đã từng lầm than, đau khổ, mất mát dưới sự cai trị của vua Lê - chúa Trịnh, giờ đây thêm nạn giặc ngoại xâm. Thật không biết cầu cứu vào đâu, đau khổ lại thêm chồng chất.

quân Thanh ở Thăng Long đi đứng nghênh ngang, hống hách tới khắp nẻo đường cướp giật của cải, đánh đập, hãm hiếp dân lành.
Quân Thanh ở Thăng Long đi đứng nghênh ngang, hống hách tới khắp nẻo đường cướp giật của cải, đánh đập, hãm hiếp dân lành. (Ảnh: Wikipedia)

Sử chép:

“... Bấy giờ luôn năm mất mùa, đói kém, nhất là năm này lại càng quá lắm. Quân lính nhà Thanh đóng ở kinh thành rông rỡ cướp bóc; dân chúng lại càng chán ghét. Triều đình đốc thúc lương quân, các châu và các huyện đều không cung ứng. Nhà vua (Lê Duy Kỳ) bèn sai các quan chia nhau làm việc này. Dân chúng có người đến nỗi phải khóc lóc mà dâng nộp. Ðường tiếp tế lương thực quân Thanh thì xa, nên bao nhiêu lương và tiền mà triều đình thu được của dân đều đem cung đốn cho họ hết sạch. Còn vài vạn người vừa nghĩa binh các đạo vừa ưu binh Thanh Nghệ thì đều lòng không dạ trống đi theo việc binh nhung. Lòng người do đấy lại càng chia rẽ tan tác...”

(Trích: Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục).

Tân hoàng đăng cơ chính vị hiệu; Bánh tét làm lương, hẹn ngày xuất chinh

Tôn Sĩ Nghị đem quân sang nước ta dễ dàng chiến thắng và thẳng chiếm Thăng Long là do quân Tây Sơn theo chủ trương của Ngô Thì Nhậm rút về phòng tuyến Tam Điệp, Biện Sơn chờ lệnh, các tướng như Phan Văn Lân chiến đấu cũng chỉ để cầm chân quân giặc.

Sau khi nhận tin cấp báo, Bắc Bình vương quyết định lên ngôi để chính vị hiệu, tập trung quân lực đánh bại quân Thanh. Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22/12/1788), vua cho đắp đàn Nam Giao ở núi Bân (cạnh núi Ngự Bình) làm lễ tế cáo trời đất, tuyên bố lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung.

Nắm được tình hình quân Thanh chưa gấp rút xuôi Nam, vua Quang Trung bàn với các tướng lĩnh vạch kế hoạch hành quân thần tốc để tiến nhanh, đánh nhanh tạo yếu tố bất ngờ cho giặc. Về quân lương, vua Quang Trung đã có sáng tạo độc đáo: lấy theo mẫu bánh chưng truyền thống của dân tộc ta tạo thêm một loại bánh dạng hình trụ tròn, dài hơn một gang tay rưỡi, nặng 1,5kg đến 2kg, bánh có thể bảo quản trong khoảng 10 ngày. Một người lính trong quá trình hành quân dùng 1 đòn trong 2 ngày. Nó tiện lợi, dễ lột tét ăn, dễ cất khi không ăn hết. Nó giải quyết được sự gọn, nhẹ, nhanh, không cần thời gian dừng để nấu ăn. Vua cho người đưa mẫu bánh đã thiết kế cho người dân Thuận Hóa và người dân Huế gói.

Một không khí tấp nập, rộn ràng, đầy quyết tâm không chỉ người dân tại hai nơi ấy, mà còn có cả dân địa phương gần đó. Kẻ hái lá, người chẻ lạt; người không khéo tay thì đãi nếp, đãi đậu; các mẹ thái thịt ướp gia vị, cụ ông nhóm bếp bắc thùng nấu bánh lên; chị em phụ nữ khéo tay thì gói bánh. Từng đòn bánh tét thẳng tắp, xanh mượt ngày càng chồng lên cao. Sự đồng lòng, hiệp sức này làm ta nhớ đến cảnh đẵn gỗ, vót chông nhọn cắm xuống sông Bạch Đằng của dân làng Rừng trong ba cuộc kháng chiến chống ngoại xâm phương Bắc. Bánh nấu chín xong chuyển nhanh đến Tam Điệp. Gọi là bánh tét, vì khi ăn bánh ta dùng lạt tét từng phần ra, nên người Huế bấy giờ gọi là bánh Tết, sau đặt là bánh Tét.

Ngày 29/11 Mậu Thân (26/12/1788), vua Quang Trung ra lệnh xuất quân, tập kết tại Tam Điệp, Biện Sơn. Tại Nghệ An, vua tuyển thêm quân, quân số cả cũ lẫn mới lên đến 10 vạn. Trong dân gian vẫn còn lưu truyền bài ca:

"Thùng thùng trống đánh quân sang,
Chợ Già trước mặt, quán Mau bên đàng.
Qua Chiêng thì rẽ sang Giàng,
Qua quán Đông Thổ vào làng Đình Hương.
Anh đi theo chúa Tây Sơn,
Em về cày cuốc mà thương mẹ già"...

Minh Bảo
Nguồn tư liệu tham khảo:
Hoàng Lê Nhất Thống Chí; An Nam ký lược; Khâm định An Nam sử lược; Việt sử thông giám cương mục; Đại nam chính biên liệt truyện.



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Cành đào báo tiệp và chiếc bánh Tét trong Đại thắng mùa xuân 1789 - Phần 1