Mùa xuân cày ruộng tịch điền - ước nguyện quốc thái dân an

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một quốc gia nếu không đảm bảo an ninh lương thực thì sẽ không bao giờ có cơ hội trở thành cường quốc. Trong thời phong kiến, một trong những nghi lễ quan trọng nhất vào mùa xuân là nghi thức cày ruộng tịch điền mỗi khi Tết đến xuân sang, nhằm thể hiện sự quan tâm đến nông nghiệp, thể hiện sự tôn kính với Trời đất, cầu cho mùa vụ bội thu, bách tính lo đủ...

Nghi thức tịch điền đã được thực hành từ hàng nghìn năm qua bởi những vị hoàng đế anh minh của các triều đại nước ta.

Nguồn gốc lễ tịch điền

Lễ tịch điền có nguồn gốc từ Trung Hoa, là ngày hội xuân được tổ chức trong tháng Giêng với khu ruộng cày thường nằm ở phía nam kinh đô. Vào những năm tổ chức lễ tịch điền thì vua quan lần lượt xuống ruộng cày một vài luống đất nhằm khích lệ nông dân phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp lúa nước. Sau khi đã làm lễ thái lao (giết thịt trâu bò) cúng Thần Nông, nhà vua đích thân xuống cày 3 luống, các vương công chư hầu cày 5 luống, công khanh đại phu cày 7 luống, sĩ phu cày 9 luống. Sau đó thửa ruộng này sẽ được chăm sóc và sản phẩm hoa lợi sẽ dùng trong tế lễ năm sau.

Lễ tịch điền qua các triều đại nước ta

Nước ta bắt đầu cử hành lễ tịch điền từ thời nhà Tiền Lê, vua Lê Đại Hành cày ruộng để khuyến khích dân chúng trồng trọt sản xuất. Đây được xem là lễ tịch điền đầu tiên từng được tổ chức ở Việt Nam có ghi trong sử sách. Sau đó đến thời nhà Lý, lễ này được tổ chức long trọng hơn và là một trong những ngày hội chính của triều đình vào mùa xuân.

Đến đời Trần, do nạn giặc nhà Nguyên và đến khi nhà Hồ mất nước thì hầu như không còn giữ được. Có thể thấy thời đại nào mà hoàng đế chăm lo nghi lễ tịch điền thì đó là thời thịnh trị thái bình vậy. Sử cũ chép:

“Đinh Hợi, Thiên Phúc năm thứ 8 [987], Tống Ung Hy năm thứ 4. Mùa xuân, vua lần đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi được một hũ nhỏ vàng. Lại cày ở núi Bàn Hải, được một hũ nhỏ bạc, nhân đó đặt tên là ruộng Kim Ngân”

Sau khi đã làm lễ thái lao (giết thịt trâu bò) cúng Thần Nông, nhà vua đích thân xuống cày 3 luống, các vương công chư hầu cày 5 luống, công khanh đại phu cày 7 luống, sĩ phu cày 9 luống.
Sau khi đã làm lễ thái lao (giết thịt trâu bò) cúng Thần Nông, nhà vua đích thân xuống cày 3 luống, các vương công chư hầu cày 5 luống, công khanh đại phu cày 7 luống, sĩ phu cày 9 luống. (Ảnh: Shutterstock)

"... Mùa đông, tháng 10, được mùa to. Ngày 14, vua thân ra ruộng ở Điểu Lộ xem gặt, nhân đổi tên cánh ruộng ấy gọi là ruộng Vĩnh Hưng. Ngày ấy, trở về cung..."

"Nhâm Thân, [Thiên Thành] năm thứ 5 [1032] Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 1, vua ngự đến Tín Hương ở Đỗ Động giang, cày ruộng tịch điền, có nhà nông dâng một cây lúa chiêm có 9 bông thóc. Xuống chiếu đổi gọi ruộng ấy là ruộng Ứng Thiên..."

"Nhâm Ngọ, [Càn Phù Hữu Đạo] năm thứ 4 [1042] Mùa xuân, tháng 3 vua ngự ra cửa biển Kha Lãm cày ruộng tịch điền rồi về Kinh sư..."

(Trích: Đại Việt sử ký toàn thư)

Cày ruộng có phải chỉ là chuyện của nông phu?

Lễ tịch điền là nghi thức quan trọng thể hiện sự tôn kính Trời đất và khuyến khích nông nghiệp trong suốt hàng nghìn năm. Ấy vậy mà cũng có lắm kẻ mũ cao áo dài lại cho rằng việc này của nhà nông không xứng cho hoàng đế phải làm.

“Mậu Dần, [Thông Thụy] năm thứ 5 [1038], (Tống Bảo Nguyên năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 2, vua ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng tịch điền. Sau Hữu ty dọn cỏ đắp đàn. Vua thân tế Thần Nông, tế xong tự cầm cày để làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có người can rằng: "Đó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế?" Vua nói: "Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lại lấy gì cho thiên hạ noi theo?"

Nói xong đẩy cày ba lần rồi thôi.”

(Đại Việt sử ký toàn thư - Lý Thái Tông - Kỷ nhà Lý)

Lời bàn:

Từ sau thời Lý Thái Tông, nền văn trị và võ công của văn minh Đại Việt dần đạt đến đỉnh cao với nhiều thành tựu lớn, những chiến tích phá Tống bình Chiêm và sự huy hoàng tráng lệ của Hoàng thành Thăng Long là điều mà nghìn năm sau vẫn còn phải thán phục. Với diện tích quốc gia không lớn, dân số không nhiều, quân đội khiêm tốn, vậy nguyên do nào đã làm cho nhà Lý thành công đến thế, ngày nay vẫn được coi là triều đại số 1 của Việt Nam như thế?

Với diện tích quốc gia không lớn, dân số không nhiều, quân đội khiêm tốn, vậy nguyên do nào đã làm cho nhà Lý thành công đến thế, ngày nay vẫn được coi là triều đại số 1 của Việt Nam như thế?
Với diện tích quốc gia không lớn, dân số không nhiều, quân đội khiêm tốn, vậy nguyên do nào đã làm cho nhà Lý thành công đến thế, ngày nay vẫn được coi là triều đại số 1 của Việt Nam như thế? (Ảnh: Báo Xây dựng)

Người xưa có câu: "Dân dĩ thực vi thiên" (tạm dịch: dân coi cái ăn là Trời), vậy hoàng đế được coi là thiên tử - con Trời, chiếu theo đạo làm con thì chẳng phải nên đem thân mình mà lo cho cái ăn của bách tính trước hay sao?

Đó là lòng hiếu kính của hoàng đế làm gương cho thiên hạ, cũng là sự tôn trọng đối với thần dân của mình, những người tuy thân phận thấp hèn nhưng lại là thành phần quan trọng nhất của quốc gia, đó cũng là một nội hàm của câu nói của Mạnh Tử: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, ý là người dân cần được xem trọng nhất, sau đó mới đến quốc gia, cuối cùng mới đến bậc quân chủ. Một quốc gia có người lãnh đạo là người con Trời hiếu thảo, chăm lo cái ăn cho dân, lo cho cái “gốc của quốc gia” thì lẽ dĩ nhiên phải hùng mạnh, phải danh truyền thiên cổ. Đó là điều tất yếu.

Nhìn khắp thế giới ngày nay, phải chăng những quốc gia giàu mạnh nhất cũng là những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển mạnh, đời sống người nông dân rất sung túc? Ví dụ như Mỹ, Nhật, Châu Âu, Châu Úc, v.v. Điều đó cũng chứng minh rằng chính sách “dĩ nông vi bản” của ông cha từ nghìn xưa quả là tầm nhìn trí huệ, chứ không phải là nguyên do làm cho nước nghèo hay tụt hậu như những tuyên truyền sai lệch trước nào đó.

Ấy vậy mà có những nơi hô hào “chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp”, tiến lên “công nghiệp hóa” “hiện đại hóa”, nơi mà người nông dân bị bần cùng phải vào nhà máy làm công nhân, nơi nền nông nghiệp bị tha hóa bởi những công ty phân bón và giống ngoại nhập, nơi họ đua nhau hủy hoại môi trường xây dựng nhà máy, khuếch trương tư tưởng đấu tranh, lớn tiếng hô hào: "chinh phục thiên nhiên", "đấu với Trời, đấu với đất, đấu với người"... nơi đó người ta cũng mơ về thời thái bình thịnh trị và ấm no hạnh phúc nhưng đâu biết rằng đang tự đi trên con đường hủy diệt chính mình. Quả thật càng bất kính với Trời đất, càng coi thường tiên tổ, càng rời xa truyền thống, thì càng nhanh tiến đến diệt vong vậy, thương thay!

Minh Bảo



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Mùa xuân cày ruộng tịch điền - ước nguyện quốc thái dân an