Xây cầu từ thiện lại đột tử, mượn xác hoàn hồn hiển gia môn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quý độc giả thân mến, cha ông ta vẫn có câu: “Ở hiền thì sẽ gặp lành”. Ấy vậy mà, trong cuộc sống cũng có những trường hợp làm việc thiện nhưng không thấy quả phúc, khiến cho nhiều người sinh lòng ‘bán tín bán nghi’ về quy luật nhân quả, thiện ác hữu báo. Vậy nhân quả có hay không, tại sao lại như vậy?

Chuyện kể rằng vào thời nhà Thanh ở một làng quê nọ có một vị thư sinh tên Hồ Sinh, vốn là người hiền đức lại có tài văn chương nhưng lận đận trong thi cử, hơn ba mươi tuổi Hồ Sinh vẫn không thi đỗ nổi bậc tú tài.

Xây cầu từ thiện lại đột tử

Bên cạnh nhà họ Hồ có một cây cầu lớn nối liền hai bên bờ sông với đường giao thông chính. Ngày ngày người qua kẻ lại không ngớt, dưới sông cũng có rất nhiều thuyền bè xuôi ngược. Cây cầu lâu ngày không sửa sang nên có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Hồ Sinh cảm thấy rằng nên tu sửa lại nó, vì vậy anh đã lập một cuốn sổ sách quyên góp bên cạnh cây cầu để kêu gọi mọi người quyên tiền sửa cầu.

Nhưng hơn một năm đã trôi qua, không một ai sẵn sàng quyên góp. Hồ Sinh thất vọng nói: “Nếu cây cầu này không được sửa chữa, sau này nguy cơ mất an toàn lớn. Mình đã đưa ra đề xuất rồi, không thể từ bỏ chỉ vì lý do không có ai hưởng ứng. Mình vẫn còn mấy chục mẫu ruộng, có thể bán để sửa cầu và hoàn thành tâm nguyện bản thân”.

Nghĩ là làm, anh liền bán ruộng, gom góp tiền, tìm thợ thủ công, mua đá và bắt đầu tu tạo lại cây cầu. Cuối cùng, khi cầu được xây xong, gia đình anh cũng khuynh gia bại sản. Vợ chồng Hồ Sinh lúc đầu còn có thể sống tạm qua ngày, nhưng sau đó họ rơi vào tình cảnh ăn bữa sáng lo bữa tối.

Một đêm nọ, trời mùa hè nóng bức, Hồ Sinh mang chiếu nằm trên cầu hóng mát và không khỏi băn khoăn nghĩ ngợi: “Đạo trời lẽ nào không công bằng. Mình đã đem tâm từ thiện mà xây dựng cây cầu này, kết quả là cả nhà bị đói kém, còn những kẻ độc ác keo kiệt lại được hưởng tiện nghi. Luật nhân quả không lý nào lại sai chệch đến thế chăng?”

Nghĩ tới nghĩ lui, chàng thư sinh mơ hồ ngủ quên mất. Thình lình trong mộng Hồ Sinh thấy một người đàn ông xuất hiện cùng với một tấm thiệp mời, bên cạnh ông ta còn có thêm mấy người mang theo một cái kiệu.

Hồ Sinh lập tức ngồi lên kiệu và được đưa đến một nha môn. Một người đàn ông đội mũ ô sa và mặc quần áo màu đỏ từ trong đi ra chào đón anh, vái chào rồi dẫn anh vào phủ.

Hồ Sinh đi theo ông ta đến hàng hiên phía đông, người đàn ông đội mũ ô sa đẩy cửa phòng, vỗ vai anh và nói: “Trong lòng anh tự biết là được rồi, chớ ăn nói bậy bạ lung tung”.

Trong thoáng chốc, Hồ Sinh thấy linh hồn của mình bỗng dưng nhập vào xác người bệnh đang nằm trên giường ở trong nhà. Anh nhìn thấy có hai người phụ nữ: một người ngồi bên cạnh giường, và một người ngồi trên giường, đang rất quan tâm lo lắng cho mình, nhưng anh lại không biết mình đang ở đâu, cũng không biết thân thể mà linh hồn mình đang tiến nhập vào là ai. Tuy nhiên nhớ tới lời người đội mũ ô sa vừa nói, anh tạm thời lặng lẽ chờ đợi và không nói gì.

Một lúc sau, có người báo lão phu nhân đến và hỏi: “Thiếu gia đã đỡ hơn chưa?”

Rồi lại có người báo lão thái gia cũng đến và hỏi: “Cháu ta có đỡ hơn không?” Lúc này linh hồ Hồ Sinh đã nhập vào thân thể thiếu gia, nên anh cũng không trả lời. Sau đó, lão phu nhân sờ đầu người thiếu gia đang nằm trên giường, nhìn kỹ khuôn mặt của công tử và hỏi những người xung quanh đêm qua tình hình bệnh tình của công tử như thế nào?

Đúng lúc này, bên ngoài có người báo rằng: “Lão gia đã đưa thầy thuốc tới chẩn bệnh, phu nhân hãy tránh ra một chút”.

Sau khi những người phụ nữ rời khỏi phòng, thầy thuốc đi vào, ngồi bên giường bắt mạch và nói: “Mạch của thiếu gia hôm nay đã khá hơn, xin chúc mừng đại nhân”.

Lúc này Hồ Sinh mới biết rằng linh hồn của mình đã nhập vào cơ thể của con trai của vị lão gia này, và ở bên kia, cơ thể mất linh hồn của Hồ Sinh cũng đã chết.

Mượn xác hoàn hồn hiển gia môn

Lại nói về người vợ của Hồ Sinh. Chị thấy chồng mình cả đêm không về nên sáng sớm hôm sau hớt hải chạy lên cầu tìm chồng thì phát hiện xác chồng đã cứng đờ. Người vợ vô cùng bi thương, cố gắng gom tiền mua một chiếc quan tài và đưa chồng đi an táng. Những việc này Hồ Sinh không hề hay biết.

Vào đêm thứ hai, Hồ Sinh giả vờ mơ hồ không rõ và hỏi hai người phụ nữ bên cạnh: “Các cô là ai? Sao một người lại ngồi bên giường, một người thì ngồi trên giường của ta?”

Người phụ nữ ngồi trên giường nói: “Thiếp là vợ chàng”.

Cô lại chỉ vào người phụ nữ đang ngồi bên cạnh giường và nói: “Cô ấy là vợ lẽ của chàng”.

Cả hai đều nghĩ rằng chồng bị bệnh nặng tới thậm chí không thể nhận ra vợ, nên nước mắt không ngừng tuôn rơi.

Biết hai người phụ nữ bên cạnh mình là vợ và thiếp, Hồ Sinh cảm thấy nhẹ nhõm, nhắm mắt lại và chìm vào giấc ngủ. Đến canh ba, anh ta cảm thấy đói và muốn ăn. Hai cô vợ liền sai người giúp việc mang cháo vào.

Trong nhiều ngày sau đó, thầy thuốc đến khám và đều nói rằng bệnh tình của anh đã ổn. Hồ Sinh hỏi liệu có thể ăn gì. Thầy thuốc nói rằng anh mới tỉnh dậy sau khi mắc bệnh nặng, tốt hơn hết là nên ăn đồ thanh đạm, đồ ăn nhiều dầu mỡ sẽ khó tiêu hóa.

Sau khi khỏi bệnh, Hồ Sinh ra ngoài tản bộ, nhìn tấm bảng trên cổng dinh thự mà mình đang ở, anh phát hiện hóa ra đây là nha môn quan phủ, sau đó anh mới biết thân xác mà linh hồn mình nhập vào chính là công tử của quan Thái thú. Bởi vậy anh thầm nghĩ: “Đây có lẽ là phúc báo của việc mình tu sửa cầu, để mình được hưởng phúc và an nhàn. Người trước đây đưa mình vào cửa và bảo mình ‘trong lòng tự biết là được rồi, chớ nói lung tung’, có lẽ là Táo quân rồi. Bây giờ mình sống rất yên ổn, nhưng không biết vợ con ở nhà ra sao?...”

Vì lo lắng cho vợ con nên kể từ dạo ấy, thần sắc của Hồ Sinh thường tỏ vẻ buồn rầu lo âu. Mọi người trong phủ đều nói, sau khi anh ta khỏi bệnh, dường như có tâm sự trong lòng. Thái thú và phu nhân thường khuyên giải an ủi anh. Thái thú nói: “Ta chỉ sinh được một người con trai là con, ta làm quan ở đây, muốn gì được nấy, nghĩ gì có nấy, rốt cuộc có chuyện gì làm con buồn rầu lo lắng vậy? Có bệnh gì trong người con chưa khỏi sao?”

Hồ Sinh không thể tiết lộ sự thật, chỉ có thể im lặng.

Một hôm, Hồ Sinh hỏi gia nhân: “Tại sao trong phủ không có thư phòng?”

Người hầu trả lời: “Vì trước đây thiếu gia không chịu đọc sách, nên lão gia tức giận và phá bỏ thư phòng rồi”.

Thấy rằng thiếu chủ đã quên mất nhiều chuyện lúc trước, người hầu trong nhà lo anh bị bệnh dẫn tới như vậy nên đều cho rằng anh phải chú trọng an dưỡng. Nhưng Hồ Sinh lại đi tìm Thái thú và nói với ông: “Cha, con muốn đọc sách”.

Thái thú nghe vậy mừng rỡ lắm, lập tức sai người sửa sang lại thư phòng, thuê thầy dạy học truyền thụ kiến thức cho Hồ Sinh. Sau khi thầy dạy đến, vì muốn kiểm tra trình độ của Hồ Sinh nên lập tức ra đề và yêu cầu cậu làm một bài luận.

Đối với một người có khả năng văn chương khá tốt như Hồ Sinh, chủ đề này quả thực hết sức đơn giản nên anh nhanh chóng hoàn thành. Thầy giáo thấy bài văn là một kiệt tác, liền nói với Thái thú: “Công tử quả là một người tài ba. Tài năng của tôi không thể đủ để giảng dạy công tử, hy vọng đạn nhân sẽ tìm được một danh sư nổi tiếng hơn”.

Thái thú cảm thấy sự việc này hết sức kỳ quái, thầm nghĩ con trai mình chưa từng chí thú học hành, sao chỉ trong một đêm lại đột nhiên thông suốt như vậy? Ông nghi ngờ có thể con mình đã chép bài của ai nên đã yêu cầu con làm bài luận trước mặt mình. Kết quả là, bài văn lần này của Hồ Sinh thậm chí còn hay hơn, với một phong cách văn chương phi thường khác biệt. Vị gia sư thấy thế càng kiên quyết từ chối dạy Hồ Sinh. Thái thú hỏi thăm và định nhờ một vị danh sư nổi tiếng khác, nhưng Hồ Sinh bảo ông là không cần: “Con sẽ tự đọc thông và hiểu thi thư”.

Cứ một thời gian, Thái thú lại đích thân ra đề và yêu cầu con trai làm bài luận ngay trước mặt mình, và các tác phẩm của Hồ Sinh viết ra đều là những bài văn xuất sắc. Thế là ông cho con trai lên tỉnh thành dự thi. Hồ Sinh quả nhiên đậu Tú tài, sau đó đỗ Cử nhân.

Thái thú hay tin vô cùng mừng rỡ, đợi con trai về tới phủ liền cho con nghìn lượng bạc làm tiền lộ phí vào kinh ứng thí. Hồ Sinh xin cha cho mình hai nghìn lượng bạc và được cha đồng ý.

Hồ Sinh quả nhiên đậu Tú tài, sau đó đỗ Cử nhân. (Tranh DKN tổng hợp)

Hồ Sinh mang hành lý trên vai vội vàng hướng tới kinh thành. Trên đường đi anh vòng về lại nhà cũ. Anh vào nhà, nhưng không ai nhận ra. Anh ta nói với đứa con trai mình: “Ta là cha của con”.

Khi vợ anh nghe thấy có người nói vậy, liền nhìn qua khe cửa và nói: “Vẻ bề ngoài của anh không giống chồng tôi, nhưng tại sao tiếng nói lại giống chồng tôi vậy?”.

Hồ Sinh bèn kể lại những gì đã xảy ra trước đó. Vợ anh vẫn bán tín bán nghi và hơi có chút do dự. Hồ Sinh nói: “Trong tủ ở thư phòng của ta có một bản thảo của một cuốn sách. Trong bản thảo có bài thơ tên thế này, nếu không tin nàng có thể lấy nó và xem. Nếu những gì ta nói là chính xác, có nghĩa là ta là chồng của nàng; nếu không đúng thì là không phải”.

Vợ của Hồ Sinh mở tủ kiểm tra và thấy sự tình hoàn toàn trùng hợp. Hai người nhận ra nhau, mừng mừng tủi tủi. Hồ Sinh nói: “Ta giờ đây đã không thể trở lại ngôi nhà này nữa. Vậy nay đưa cho nàng một nghìn lượng bạc để chi tiêu lo lắng cho gia đình. Nếu ta có thể thi đỗ và có được công danh, nhất định sẽ tương trợ, bao bọc cho hai mẹ con nàng”.

Sau đó, Hồ Sinh liên tiếp đỗ đạt trong các kỳ thi, sau khi thi đỗ tiến sĩ anh được bổ nhiệm làm quan ở một huyện gần nhà. Mỗi năm anh đều gửi tiền giúp đỡ hai mẹ con người vợ cũ, cũng kể từ đó, gia đình họ Hồ dần trở nên giàu có.

Đối với thiện báo mà Hồ Sinh có được, Dung Nột cư sĩ, tác giả của cuốn sách “Chỉ văn lục” tin rằng, những vấn đề liên quan tới Thiên Đạo và nhân quả báo ứng hay luân hồi chuyển thế đều là có thật. Chỉ có điều con người không thể hiểu được tường tận nên mới sinh lòng bán tín bán nghi. Thiên thượng muốn báo đáp cho hành động thiện lương của Hồ Sinh, nhưng tại sao không để anh ta phát đạt từ chính gia đình mình mà lại dựa vào nhà quan Thái thú để vươn lên? Một mặt, bởi vì Thái thú cũng là người lương thiện, tuổi tác đã cao, con trai bệnh nặng không thể sống lại, cho nên sẽ không có người kế tự. Mặt khác, Hồ Sinh chỉ có thể kiếm sống qua ngày bằng cách dựa vào những học thức và sách vở mà anh ấy đã đọc trước đây, vậy thì làm sao anh ấy có thể một chốc lập nên sự nghiệp? Vì vậy, nên sắp xếp để linh hồn của anh ta nhập vào thân xác của con trai Thái thú, theo cách này, Thái thú có người kế tự hương hỏa còn Hồ Sinh có thể trở về nhà. Sự sắp xếp này quả là huyền diệu và kỳ lạ tới mức người thường chúng ta không thể hình dung cho được.

Vô danh cư sĩ cũng có mấy câu thơ rằng:

Chỉ cần ta lương thiện
Trời xanh sẽ an bài
Luật nhân quả không sai
Thường diễn ra vi diệu…

Đường Phong

(Biên tập và tổng hợp từ Epochtimes - nguồn “Chỉ văn lục”).



BÀI CHỌN LỌC

Xây cầu từ thiện lại đột tử, mượn xác hoàn hồn hiển gia môn