Xuất Ai Cập hiển Thần tích: 10 tai họa thời Ai Cập cổ đại đối ứng với ngày nay?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thần tích người Israel vượt qua Biển Đỏ để đến miền đất hứa Canaan được chép trong sách Xuất Ai Cập ký trong Kinh Thánh, trong đó có kể đến 10 tai họa giáng xuống người Ai Cập. Phải chăng thiên tai nhân họa ngày nay cũng tương đồng?

Một đoàn người có cả nam nữ già trẻ, quần áo rách rưới, mệt mỏi rã rời đi đến cuối đường. Trước mặt họ là biển cả sóng to gió lớn, sau lưng là đoàn quân đang đuổi theo tới. Trong mắt mọi người ánh lên ngọn lửa sợ hãi và bất an, sức nóng dường như có thể làm nóng chảy cả đá. Chính lúc này, Môsê giơ thần trượng ra trên Biển Đỏ. Nước biển lập tức rẽ đôi, xuất hiện một con đường lớn.

Giữa bức tường nước dựng hai bên, hàng trăm nghìn người Israel như đi trên đất liền, vượt qua Biển Đỏ với những cơn sóng dữ đang gầm thét, và đến được bờ bên kia. Ở phía sau, tiếng vó ngựa rầm rầm, tiếng bánh xe ào ào lăn tới. Lúc này, Môsê lại cầm thần trượng giơ ra trên Biển Đỏ, các bức tường bằng nước bắt đầu đổ ập xuống trở lại, nhấn chìm tất cả đoàn quân trong dòng nước dữ.

Đây là câu chuyện mà ở phương Tây mọi người đều biết. Trong câu chuyện này, Thần đã thông qua việc giáng mười tai họa để cảnh tỉnh người Ai Cập. Câu chuyện này có lẽ cũng có thể giúp chúng ta tìm được phương pháp vượt qua những thiên tai nhân họa không ngừng xảy ra ngày nay.

Bốn mươi năm làm hoàng tử Ai Cập

Cách đây rất lâu, quê hương của người Israel là Canaan gặp phải mất mùa đói kém. Họ đành phải đưa gia đình chạy đến biên giới Ai Cập, tiếp tục trải qua cuộc sống trồng trọt canh tác, chăn nuôi gia súc ở đây. Khi đó, người Ai Cập gọi họ là dân Do Thái. Dân Do Thái sinh ra rất nhiều con cái. Trải qua mấy đời, ở Ai Cập đâu đâu cũng có thể thấy người Do Thái. Điều này làm cho người Ai Cập không hài lòng. Họ bắt người Do Thái làm nô lệ, bắt họ làm lao động khổ sai, và dùng roi da để trừng phạt. Chính vì vậy, người Do Thái (Israel) rất sợ hãi, phải làm trâu làm ngựa ở Ai Cập. Họ trải qua cuộc sống khổ ải cực nhọc không nói nên lời.

Vào khoảng thế kỷ thứ 15 trước công nguyên, khi đó Pha-ra-ôn Ai Cập bị thù hận làm mờ tâm trí, ra lệnh cho những bà mụ đỡ đẻ giết chết những bé trai Israel mới sinh, chỉ giữ lại những bé gái. Nhưng đối diện với những sinh mệnh bé nhỏ đầy sức sống, phần lớn những bà mụ đỡ đẻ đều không nỡ xuống tay. Sau khi Pha-ra-ôn biết được liền nổi giận lôi đình, hạ lệnh mang tất cả những bé trai Israel ném xuống sông, giết không cần suy nghĩ, một đứa cũng không được giữ lại.

Chính lúc này, Môsê được sinh ra trong một gia đình Israel. Cậu bé vừa chào đời đã gặp lệnh hạ sát của Pha-ra-ôn, phải đối diện với cái chết. Nhìn cặp má trắng hồng mềm mại, bố mẹ của Môsê buồn bã. Sau khi thương lượng, hai người mang đứa trẻ giấu đi. Mọi người trong nhà cả ngày đều phải vây quanh cậu bé để chơi đùa với cậu, sợ rằng nếu phát ra một tiếng khóc sẽ dẫn những binh sĩ Ai Cập đang tuần tra bên ngoài đến.

Cứ như vậy họ giấu được Môsê trong ba tháng. Bố mẹ của cậu cũng biết rằng, đây không phải là kế sách lâu dài. Khi đứa trẻ lớn lên cũng không thể giấu được nữa, đến lúc đó Môsê vẫn phải chết. Thế là mẹ mang Môsê đặt vào một cái giỏ mây. Ở bốn bên bà quét dầu và một lớp sơn chống nước, sau đó đặt giỏ mây trong đám lau sậy bên bờ sông, muốn để cậu bé trôi theo dòng nước. Trong lòng bố mẹ đều không nỡ: “Con trai à, chỉ có thể xem số phận của con như thế nào, tất cả chỉ có thể nghe theo mệnh Trời”

Chiếc giỏ mây trong đám lau sậy chầm chậm trôi đi. Trôi tới trôi lui, lại trôi đến trước mắt con gái của Pha-ra-ôn đang tắm. Khi đó, Môsê đang nằm thoải mái trong chiếc giỏ mây, cũng vừa tỉnh giấc. Đôi mắt to, đen láy nhìn chằm chằm công chúa Ai Cập cũng đang nhìn cậu bé. Khi ánh mắt của hai người chạm nhau, trong lòng công chúa chợt chấn động.

Một mặt, đứa trẻ trước mắt, cô vừa nhìn trong lòng đã cảm thấy yêu thích. Mặt khác, cô ý thức được đứa trẻ này là con cháu của người Israel, phải làm sao đây. Một người có tấm lòng lương thiện như công chúa nảy sinh lòng trắc ẩn, liền nói với nữ hầu bên cạnh: “Ngươi xem đứa trẻ này xinh đẹp biết bao, ta muốn nhận nó làm con nuôi, hãy gọi nó là Môsê vậy”.

Công chúa Ai Cập cứu cậu bé Moses, tranh của Konstantin Flavitsky. (Miền công cộng)

Môsê có nghĩa là “vớt từ dưới nước lên”. Chị của Môsê đứng ở đằng xa nhìn thấy cảnh này, mau chóng chạy lại hỏi: “Thưa Công chúa, người cần giúp gì không ạ? Có cần tìm cho tiểu hoàng tử đáng yêu một vú nuôi không ạ?”.

Thế là sau khi đi một vòng, Môsê trở về trong vòng tay của mẹ, được uống dòng sữa tươi mát của mẹ mà lớn lên. Công chúa Ai Cập xem Môsê như con đẻ. Môsê trong phút chốc chuyển mình, đã trở thành hoàng tử Ai Cập cao quý.

Ở trong hoàng cung, Môsê nhận được sự giáo dục tốt nhất. Ông cố gắng tiếp thu tất cả tri thức của Ai Cập. Học thức của ông uyên bác, tài năng siêu việt. Cho đến năm 40 tuổi, ông vẫn sống cuộc sống của một hoàng tử Ai Cập.

Nhưng từ tận đáy lòng, Môsê không dám quên thân phận thật sự của mình, là người Israel – dân tộc của Thần. Một ngày nọ, Môsê thấy một binh sĩ Ai Cập đang đang đánh một người Israel. Bỗng chốc trong phút xung động, ông lỡ tay đánh chết binh sĩ Ai Cập kia. Sau đó chuyện này truyền đến tai Pha-ra-ôn. Môsê thấy tình hình không ổn, đành phải trốn đi.

Chăn cừu trên đồng cỏ trong 40 năm

Môsê chạy thật xa tới xứ Ma-đi-an, và sống cuộc sống của dân du mục ở đó. Môsê không còn lựa chọn nào khác, đành phải ở lại nơi này, cưới vợ sinh con. Ban ngày ông giúp cha vợ, một thầy tế lễ, chăn cừu trên đồng cỏ. Ông chăn cừu như vậy, trải qua 40 năm. Trong 40 năm sóng gió, Môsê đã học được đức tính nhẫn nại, lòng thương xót và cả sự khiêm tốn. Đừng quên rằng trước đây Môsê là hoàng tử của Ai Cập, ông vốn kiêu ngạo, không sợ một ai, nếu không đã không đánh chết binh sĩ Ai Cập. Tâm huyết của ông, sự kiêu ngạo của ông, tự ngã của ông đã bị năm tháng bào mòn từng chút một từng chút một.

Môsê dần hiểu ra, ở trong trời đất này, nếu không có sự giúp đỡ của Thượng Đế, chỉ dựa vào cơ thể máu thịt của con người, cho dù là anh hùng hào kiệt, cũng không làm được việc gì. Đúng vào lúc ông không còn ôm hoài bão, không mong muốn làm vua nơi người thường, khi ông không còn dựa vào sự thông minh tài trí để tự cho mình là đúng, thì cũng là lúc Thượng Đế an bài, truyền sứ mệnh cho ông.

Người được Thượng Đế chọn

Một ngày nọ, khi Môsê đã 80 tuổi, ông chăn cừu gần núi Hô-rếp. Tương truyền là đó một ngọn núi thần. Môsê chợt thấy một bụi gai lớn đang cháy hừng hực, trong lòng bối rối: “Trong thời tiết khô cằn thế này, một bụi gai cháy sẽ lập tức biến thành tro bụi, làm sao có thể cháy lâu như vậy, ta phải đến xem xem”.

“Đừng đến gần nữa. Hãy cởi giày ra, vì nơi con đang đứng là đất Thánh”. - Thượng Đế đứng trong đám lửa của bụi gai, hiện ra ánh sáng chói lòa, Môsê phải che mặt lại. Thượng Đế nói với Môsê: “Ta thật đã thấy hết nỗi khổ nhục của dân ta tại xứ Ai-cập. Ta đã nghe tiếng ta thán của họ. Vì vậy Ta xuống để giải cứu họ ra khỏi tay người Ai-cập, và đem họ vào xứ tốt đẹp rộng rãi, xứ tuôn tràn sữa và mật ong. Vậy, con hãy đi. Ta sai con đến với Pha-ra-ôn để đem dân ta ra khỏi Ai-cập”.

Môsê nghe xong, nửa tin nửa ngờ hỏi: “Con là ai mà dám đến với Pha-ra-ôn để đem dân Israel ra khỏi Ai-cập?”

Thượng Đế nói với ông: “Ta sẽ ở với con”.

Một cây gỗ bình thường Môsê dùng để chăn cừu, thông qua sự gia trì của Thượng Đế, đã trở thành một Pháp khí không gì không thể làm được. Môsê là người được Thượng Đế chọn. Thượng Đế cũng cần ban cho ông thần lực để giúp ông hoàn thành sứ mệnh. Sau khi Môsê chuẩn bị xong, trong tâm ông khởi lên lòng chính tín đối với Thượng Đế. Vì vậy, Môsê rời khỏi đồng cỏ, đến cung điện gặp Pha-ra-ôn.

Mười tai họa của Ai Cập

Môsê xin Pha-ra-ôn cho dân tộc của Thượng Đế được rời khỏi Ai Cập. Nhưng Pha-ra-ôn hoàn toàn không nghe, cũng không tin rằng đó là ý chỉ của Thượng Đế, nên không để dân Israel rời đi. Thế là dưới sự giúp đỡ của Thượng Đế, Môsê đã thể hiện mười Thần tích. Đối với người Ai Cập mà nói, đây đều là những tai họa, hơn nữa lần sau còn tàn khốc hơn lần trước.

Môsê cầm cây gậy đập vào nước sông Nile, nước sông liền biến thành máu, cá chết và sông bắt đầu hôi thối, khiến người Ai Cập không thể uống nước sông. Ông còn khiến ếch nhái dưới sông Nile nhảy lên. Chúng nhảy đi khắp nơi, vào cả hoàng cung, vào phòng ngủ, lên giường và nhảy lên người của Pha-ra-ôn. Ông đập cây gậy xuống đất, bụi đất biến thành muỗi bu lại và cắn đau, làm người Ai Cập thích sạch sẽ, khó chịu đựng được. Ông còn làm cho bầy ruồi mòng lớn bay vào cung điện của Pha-ra-ôn và khắp các nhà của dân Ai Cập. Có người cảm giác chết không được, có người thì cảm giác khó chịu, buồn nôn.

Ông giơ gậy lên trời, trên trời liền có sét đánh mưa đá, đánh vào vào tất cả người, súc vật và cây cối hoa màu trên đồng. Ông còn làm gió đông thổi mạnh, mang đến một đàn châu chấu đông vô số. Chúng ăn hết hoa màu và trái cây còn lại sau trận mưa đá. Trong vòng ba ngày, sự tối tăm bao trùm khắp xứ Ai Cập. Thượng Đế còn dặn dò Môsê hốt một ít tro và ném lên trời. Tro này sẽ biến thành bụi bặm trên khắp đất Ai Cập, dính lên người và súc vật. Trên người họ sẽ nổi lên ghẻ lở, vô cùng đau đớn.

Liên tục ba ngày ba đêm không hề có ánh mặt trời, cả Ai Cập chìm trong bóng tối, ngay cả khi giơ bàn tay ra cũng không nhìn thấy năm ngón.
Liên tục ba ngày ba đêm không hề có ánh mặt trời, cả Ai Cập chìm trong bóng tối, ngay cả khi giơ bàn tay ra cũng không nhìn thấy năm ngón. (Ảnh: Wikipedia)

Dù như vậy, những tai họa này cũng không đánh động được tấm lòng sắt đá của Pha-ra-ôn. Ông ta hết lần này đến lần khác lật lọng, không chịu để dân Israel ra đi. Có thể nói rằng, Pha-ra-ôn quả thật là “chưa thấy quan tài chưa rơi lệ”. Thế là xuất hiện một tai họa tàn khốc chưa từng có. “Tai họa cho những người con trưởng” cuối cùng cũng đến.

Tai họa cho những người con trưởng

Vừa qua nửa đêm, mọi người đều đang chìm trong giấc ngủ, Đức Jehovah sai Thiên sứ giết tất cả những con trưởng của người Ai Cập. Từ Pha-ra-ôn trên ngai vàng đến phạm nhân đang ở trong ngục, con trưởng của họ và con đầu lòng của tất cả gia súc đều chết trong vòng một đêm.

Tại Ai Cập cổ đại, trưởng nam là chủ gia đình, và khi đại nạn xảy ra, con trưởng của mỗi hộ gia đình xứ Ai Cập đều chết hết!
Tại Ai Cập cổ đại, trưởng nam là chủ gia đình, và khi đại nạn xảy ra, con trưởng của mỗi hộ gia đình xứ Ai Cập đều chết hết! (Ảnh: Wikipedia)

Trước đó, Đức Jehovah đã dặn dò Môsê thông báo cho tất cả người Do Thái. Đêm đó mỗi nhà giết một con cừu non, quét máu lên khung cửa và cánh cửa nhà mình để làm ký hiệu. Thiên sứ thấy máu cừu sẽ “Vượt qua”. Đây là khởi nguồn của một trong những dịp lễ quan trọng nhất của người Do Thái là “Lễ Vượt Qua”

Trong thời Ai Cập cổ đại, trong gia đình con trai trưởng được xem là tôn quý nhất, thế nhưng con trai trưởng của mọi gia đình trong xứ Ai Cập đều chết cả rồi. Người Ai Cập sau khi tỉnh dậy kêu khóc ai oán, đâu đâu cũng nghe tiếng khóc than. Pha-ra-ôn khiếp sợ, đành phải để dân Israel đi ngay trong đêm.

Đến ngày hôm đó, người Israel đã ở Ai Cập hơn 400 năm. Nhưng điều họ không nghĩ đến là Pha-ra-ôn đã lập tức hối hận, lần nữa hạ lệnh cho quân đội đuổi theo người Israel, liên tục truy đuổi cho đến Biển Đỏ, thì xuất hiện cảnh được mô tả trong đoạn đầu.

Không phải thần thoại

Các phát hiện khảo cổ đã chứng minh được rằng, mười tai họa của Ai Cập không phải là câu chuyện thần thoại hư huyễn mà trong lịch sử thực sự đã xảy ra. Khoảng 1200 năm trước Công nguyên, người kế vị của Pha-ra-ôn thực sự không phải là con trưởng. Ai Cập cổ đại cũng thật sự xảy ra mười lần tai họa tự nhiên đều giống với miêu tả trong “Kinh Thánh”.

Có thể có người nghĩ, tai họa cuối cùng quá nặng nề, có phải Thượng Đế đã quá tàn khốc không?

Thực ra, mọi chuyện vốn đều có nhân quả. Pha-ra-ôn của Ai Cập từng hạ lệnh giết tất cả những bé trai mới sinh của người Israel, và người thực hiện lệnh vua chính là người dân Ai Cập. Đây là quả báo mà Pha-ra-ôn và người Ai Cập đáng nhận được. Thế nhưng Thượng Đế cũng không phải lập tức trừng phạt ông ta và Ai Cập.

Người phương Đông thường nói: “Sự bất quá tam”. Ở đây, Thượng Đế đã cho chín lần cảnh cáo, cũng chính là chín lần cơ hội, từ đó có thể thấy được tấm lòng yêu thương, công chính, khoan dung, nhẫn nại và thương xót của Thượng Đế. Nhưng Pha-ra-ôn cứ nhất quyết làm theo ý mình, cuối cùng vẫn không tỉnh ngộ, từ chối hy vọng để bản thân và người Ai Cập được cứu.

Thế nhưng như vậy lại xuất hiện một vấn đề, lẽ nào tất cả người Ai Cập đều có tội sao? Lẽ nào tất cả họ đều phải chịu nỗi đau mất con sao?

Mỗi mệnh lệnh tàn bạo của người cầm quyền, bao gồm cả việc bắt người Israel làm nô lệ, tàn sát những bé trai Israel, đều là do toàn bộ dân Ai Cập triệt để thực hiện mới tạo thành việc ác. Dù họ không trực tiếp tham gia vào việc làm ác nhưng cũng đều có lời nói và tư tưởng phù hợp với những việc ác ấy. Họ trợ giúp kẻ ác hành ác, cũng là đang lựa chọn tương lai của chính mình.

Mười tai họa tái diễn

Lịch sử tuần hoàn lặp lại, đều là để cảnh báo con người. Pha-ra-ôn Ai Cập không tin cảnh báo của Thượng Đế, nhiều lần thay đổi, hoàn toàn không quan tâm đến sự sống chết, dân chúng và sự tồn vong của quốc gia. Những người cầm quyền như vậy, ngày nay chẳng phải chúng ta cũng rất quen thuộc sao?

Trong giới tôn giáo có một cách nói rằng: Mười tai họa của Ai Cập là một lần dự ngôn cho đại kiếp thời kỳ kết thúc của nhân loại. Có thể lúc này chúng ta đã được thấy chín trong mười tai nạn, và cũng có thể cảm thấy, chỉ có như vậy thôi. Ở các nơi trên thế giới ngày nay liên tiếp xuất hiện những thiên tai nhân họa, có cái nào so với tai nạn của người Israel mà không nguy hiểm.

Những điềm báo chẳng lành như ngày máu đêm máu, mùa hè có tuyết, mưa đá, nạn châu chấu, động đất, sóng thần, núi lửa dịch bệnh liên tiếp xuất hiện, bão cát như thảm họa, những trận lũ, hạn hán kỷ lục được ghi nhận trong lịch sử, những cơn lốc xoáy, lũ bùn như đến ngày tận thế, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng chiến tranh. Nếu nói rằng, ở Ai Cập cổ đại, Đức Jehovah cho Pha-ra-ôn chín lần cảnh cáo cũng không thể làm ông ta tin vào uy lực của Thượng Đế, dẫn đến tai họa cho con trưởng.

Như vậy trong thế giới này nếu những tai nạn không ngừng xuất hiện kia vẫn không thể khiến những người xa rời Thần tin vào uy lực của Thần, họ sẽ phải đối mặt với điều gì? Chúng ta liệu sẽ có cách nào để vượt qua những tai nạn ngập trời đó không? Và làm sao có thể tránh được những tai nạn này?

Lịch sử đã cho chúng ta biết, người Israel không có gì cả, họ chỉ dựa vào một ký hiệu bằng máu dê, và một cây thần trượng trong tay Môsê đã có thể thoát khỏi sự nô dịch, bước đến tự do. Môsê dùng quyền trượng rẽ đôi Biển Đỏ, đã tạo thành một lần vượt biển vĩ đại trong lịch sử nhân loại, trở thành biểu tượng tinh thần cho nhiều dân tộc theo đuổi tự do. Điều này nếu dựa vào sức lực của con người thì không làm được, cũng không thể nào hiểu rõ được. Đây là Thần tích hiển hiện ở thế gian.

Thành tâm sám hối, Thần Phật sẽ nhìn thấy rõ ràng, bởi chính người cũng đang đợi con người quay trở về.
Tu tâm hướng thiện, tin Thần kính trời, đó có lẽ là con đường sẽ cứu chúng ta khỏi tai họa. (NTDVN tổng hợp)

Lẽ nào Thần không nhận ra đâu là con dân của mình sao? Vì sao phải cần làm ký hiệu từ máu dê?

Bởi vì kí hiệu này đại biểu cho việc con người tuân theo lời của Thần. Phục hồi lại những giá trị truyền thống, tu tâm hướng thiện, tin Thần kính trời, đó có lẽ là con đường sẽ cứu chúng ta khỏi tai họa.

Đức Nhân
Theo Vườn văn sử



BÀI CHỌN LỌC

Xuất Ai Cập hiển Thần tích: 10 tai họa thời Ai Cập cổ đại đối ứng với ngày nay?