Y Đạo Thần truyền: Hoa Đà, Biển Thước dùng thiên mục trị bệnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đông bắt nguồn từ "Y Đạo" được Hoàng Đế truyền lại từ hơn 5000 năm trước. Một trong những tác phẩm kinh điển lâu đời nhất của Đông y còn được lưu lại đến ngày nay chính là “Hoàng Đế nội kinh”. Thế nhưng,  chương đầu tiên “Thượng cổ thiên chân luận" của “Hoàng Đế nội kinh” lại không thảo luận về các phương pháp trị bệnh mà bàn về cách thức để thuận với Đạo.

Hơn nữa, trong chương này, Hoàng Đế và Kỳ Bá còn nhắc đến những bậc Chân nhân, chí nhân, Thánh nhân và hiền nhân. Chân nhân, chí nhân ở đây chính là Thần. Như vậy, ngay từ phần đầu tiên của tác phẩm kinh điển này đã giảng về Thần, giảng về Đạo. Điều đó nói lên rằng, Đông y truyền thống chính là một nền "y học Thần truyền".

Trong lời tựa của kiệt tác "Thiên kim yếu phương", đại y học gia Tôn Tư Mạc đã giải thích rõ ràng về sự sáng tạo và truyền thừa Y đạo. Tôn Tư Mạc viết rằng: "Hoàng Đế thụ mệnh, sáng chế cửu châm, cùng phương sĩ Kỳ Bá, Lôi Công đàm luận, luận về kinh mạch, giải đáp khúc mắc, tường tận nghĩa lý, được cho là kinh điển, nên hậu thế dựa đó mà thông thuận học theo….Vào thời Xuân Thu, lương y có Y Hòa , Y Hoãn, vào thời Lục Quốc thì có Biển Thước, thời Hán có Thương Công, Trọng Cảnh, thời Ngụy có Hoa Đà, đều dụng công tìm tòi nghiên cứu thâm sâu, thấu hiểu được nghĩa lý".

Những lời này của Tôn Tự Mạc đã nói rõ rằng Y Đạo là do Hoàng Đế, Kỳ Bá và Lôi Công sáng tạo và những người đời sau tiếp nhận truyền thừa gồm có Y Hòa, Y Hoãn, Biển Thước thời Chiến Quốc, Thương Công thời Hán, Trương Trọng Cảnh và Hoa Đà.

Y Đạo bắt nguồn từ "Thượng Đế" sau đó truyền lại cho Hoàng Đế

Trong chương thứ 9 "Tố Vấn. Lục tiết tạng tượng luận" của "Hoàng Đế nội kinh" có chép rằng:

"Hoàng Đế hỏi rằng: Trò được nghe cái tiết ‘sáu sáu’ và cái số ‘chín chín’ rồi. Trên kia phu tử nói: ‘tích khí doanh nhuận’. Vậy chẳng hay thế nào là khí?

Kỳ Bá nói: Đây là bí mật của Thượng Đế, được Tiên sư truyền lại”.

"Thượng Đế" ở đây chính là chỉ vua của Thiên giới. Trong tín ngưỡng Đạo giáo của Trung Quốc, chúng ta có thể bắt gặp "miếu Thượng Đế", lễ bái "Huyền Thiên Thượng Đế". Đó chính "Thần".

Kỳ Bá là thầy của Hoàng Đế, được Hoàng Đế gọi là Thiên Sư. Kỳ Bá cũng nhiều lần nhắc đến thầy của mình (Tiên sư). "Y Đạo" mà Tiên sư truyền lại cho Kỳ Bá được bắt nguồn từ "Thượng Đế". Vì vậy truyền thừa của "Y Đạo", là từ Thượng Đế truyền cho Tiên sư, sau đó Tiên sư truyền cho Kỳ Bá, Kỳ Bá lại truyền cho Hoàng Đế.

"Hoàng Đế nội kinh" được chia làm hai phần là "Tố Vấn" và "Linh Khu". Phần lớn các chương (112 thiên) là ghi chép phần hỏi đáp giữa Hoàng Đế và Thiên sư Kỳ Bá.

Hoàng Đế. (Tranh zhengjian)

Hoàng Đế truyền lại "Y Đạo" cho Lôi Công là khởi nguồn của Đông y sau này.

Từ "Y Đạo" được tìm thấy đầu tiên trong "Tố Vấn - Trước chí giáo luận". Trong chương này, Hoàng Đế hỏi Lôi Công rằng Lôi Công đã thông hiểu Y Đạo hay chưa. Lôi Công đáp rằng, ông có thể đọc thuộc và hiểu được một chút, nhưng vẫn không thể thấu hiểu toàn bộ. Hoàng Đế liền nói với Lôi Công rằng Y Đạo có thể "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, ở giữa biết được việc của con người", rồi truyền thụ Y Đạo cho Lôi Công.

Hoàng Đế nói: “Lành thay, những thứ này không mất đi, mà đều là âm dương, trong ngoài, cao thấp tương ứng, có thể trong Đạo mà trên biết thiên văn, dưới biết địa lý, giữa biết chuyện người, có thể lâu dài, có thể dạy cho dân chúng, không có điều nghi ngờ. Phần luận của Y đạo, có thể truyền cho hậu thế, có thể xem là báu vật".

Lôi Công đáp rằng: "Xin nhận chỉ dạy, ngâm tụng để thấu hiểu".

Sau đó, Hoàng Đế truyền thụ Y Đạo cho Lôi Công. Cách thức truyền thừa cũng vô cùng đặc biệt, long trọng, trang nghiêm, còn có nghi thức cắt máu cánh tay để thề.

Nghi thức truyền thừa long trọng trang nghiêm

Trong "Linh khu. Cấm phục" của “Hoàng Đế nội kinh” có chép lại quá trình truyền thừa "Y Đạo" của Hoàng Đế.

Hoàng Đế nói: "Thật là một câu hỏi khéo thay! Đây là vấn đề mà bậc Tiên sư cấm, chỉ truyền ra một cách riêng tư, cần phải cắt tay uống máu ăn thề (mới truyền được), nay đệ tử muốn đắc được, tại sao không lo đến việc trai giới?”.

Lôi Công lạy hai lạy rồi đứng lên tâu rằng: “Xin nghe theo mệnh của thầy về việc này”.

Nói xong, Lôi Công bèn trai và giới trong 3 ngày, rồi tâu với Hoàng Đế: “Dám xin với thầy, hôm nay là ngày chính Dương, đệ tử mong nhận được sự thề nguyền”.

Hoàng Đế bèn cùng với Lôi Công đi vào trai thất, cắt tay uống máu ăn thề. Hoàng Đế đích thân khấn rằng: “Ngày nay là ngày chính Dương, uống máu để truyền phương, nếu ai dám phản bội lời thề, sẽ bị tai ương”.

Lôi Công lạy 2 lạy nói: “Đệ tử xin thọ nhận”.

Hoàng Đế tay trái nắm lấy tay của Lôi Công, tay phải trao sách, nói: “Nên thận trọng! Nên thận trọng! Ta sẽ giảng cho trò”.

Năm nghìn năm trước, khi Hoàng Đế truyền thụ "Y Đạo" cho đệ tử Lôi Công, đã tiến hành một nghi thức truyền thừa rất đặc biệt, vô cùng long trọng trang nghiêm. Đệ tử Lôi Công phải cắt tay uống máu ăn thề, Hoàng Đế cũng phải dâng hương để cầu xin "Thượng Đế".

Bởi vì Thần là người sáng tạo ra "Y Đạo", nên trước khi tiến hành truyền thừa "Y Đạo" phải trai giới ba ngày, để thể hiện sự cung kính. Hơn nữa còn phải chọn ngày chính dương để lập ra lời thề, chọn lúc chính ngọ, dương khí cực thịnh để cử hành nghi thức trang nghiêm này.

"Chúc" chính là nghi thức dâng hương cầu nguyện. Khi truyền thừa "Y Đạo Thần truyền” cho đệ tử Lôi Công, Hoàng Đế phải cầu nguyện với người sáng tạo nên "Y Đạo" là "Thượng Đế", cung kính cầu nguyện. Đồng thời đệ tử Lôi Công cũng phải cắt máu cánh tay ăn thề, nếu vi phạm lời thề, sẽ phải chịu sự trừng phạt của Trời.

Ở phần cuối cùng, Hoàng Đế nói với Lôi Công rằng: "Nên thận trọng! Nên thận trọng! Ta sẽ giảng cho trò".

Thần truyền thụ y thuật cho Biển Thước

Sau khi Hoàng Đế truyền thụ "Y Đạo" cho Lôi Công, trải qua 2500 năm, truyền đến Biển Thước ở thời Chiến quốc, rồi lại truyền cho Hoa Đà vào những năm cuối thời Đông Hán (cách nay 1800 năm). Biển Thước và Hoa Đà đều được xưng tụng là "Thần y". Cả hai người đều có y thuật vô cùng cao thâm, có thể cách tường khán vật, thấu thị nhân thể, ngoài ra còn có thể làm dùng dao làm phẫu thuật. Có thể làm được điều này là bởi vì cả hai người đều là đệ tử chân truyền của "y học Thần truyền" (truyền thừa của Thượng Đế và Hoàng Đế).

Biển Thước. (Tranh Epoch Times)

Trong "Sử ký - Biển Thước liệt truyện" có chép lại một câu chuyện như thế này. Khi còn trẻ, Biển Thước làm việc trong một quán trọ. Có một vị khách là Trường Tang Quân thường xuyên đến quán trọ này, mỗi lần đến, Biển Thước đều vô cùng cung kính đối với ông. Trường Tang Quân ra vào ở đó hơn 10 năm, đã quan sát đức hạnh của Biển Thước trong một thời gian dài.

Một hôm Trường Tang Quân lấy từ trong ngực ra một bọc thuốc trao cho Biển Thước, bảo ông dùng nước chưa chạm đất sắc thuốc uống, sau 30 ngày có thể thấy những vật bí ẩn. Đồng thời đem tất cả thư tịch các phương thuốc bí truyền trao cho Biển Thước. Biển Thước chiểu theo lời dặn uống thuốc 30 ngày thì “nhìn thấy người sau bức tường. Với con mắt như thế xem bệnh, nhìn thấy hết các chứng bệnh trong ngũ tạng, do đó nổi tiếng xem mạch khám bệnh”. Lúc này Biển Thước có thể nhìn thấy người bên kia bức tường, đã có công năng thấu thị vật thể. Khi dùng công năng này khám bệnh, có thể nhìn thấy lục phủ ngũ tạng của con người, đồng thời biết được bệnh tật ở phủ tạng nào.

Sau khi Trường Tang Quân dặn dò hết liền “bỗng nhiên biến mất, mới biết đó không phải là người thường”. Từ đó Biển Thước bắt đầu hành nghề y ở nước Tề hoặc nước Triệu, nổi tiếng xem mạch khám bệnh. Do đó có thể nói Biển Thước là Sư tổ của mạch học Đông y. Câu chuyện này cho thấy, y thuật của Biển Thước là do Thần nhân Trường Tang Quân truyền thụ. Trường Tang Quân truyền thụ cho Biển Thước là vì Biển Thước là người có đạo đức cao thượng.

Các đời "Thần y" đều có "Thần kỹ"

Trong quá trình hành nghề y, các danh y thời cổ đại đã thể hiện ra rất nhiều "Thần kỹ", khiến người đời sau cảm thán không thôi. Mà những "Thần kỹ" này không phải là do học trong học hay đọc sách y học mà có thể đạt được.

Biển Thước có công năng thấu thị

Trong “Sử ký - Biển Thước Thương Công liệt truyện” của Tư Mã Thiên có ghi chép, Biển Thước đi qua nước Quắc thấy nước Quắc đang cử hành tang lễ, một viên quan Trung thứ tử yêu thích y thuật nói với ông rằng Thái tử nước Quắc ‘bỗng hôn mê rồi chết’, sắp sửa nhập quan. Biển Thước đứng trước cổng cung điện nước Quắc, nói rằng Thái tử là chết giả, rằng Thái tử có thể hồi sinh sống lại. Trung thứ tử không tin, Biển Thước nói thêm: “Hãy thử cho người kiểm tra Thái tử, khi nghe thấy tai Thái tử kêu, mũi căng thì lần theo hai đùi đến chỗ kín thì vẫn còn ấm”. Người ta kiểm tra, quả nhiên là như vậy, và cuối cùng Thái tử đã được Biển Thước cứu sống.

Công năng thấu thị của Biển Thước không chỉ là điều kỳ diệu vào thời kỳ đó, mà còn khiến con người hiện đại vô cùng kinh ngạc.

Hoa Đà dùng "Thiên mục" để thực hiện thủ thuật ngoại khoa

Có thể xem Hoa Đà là ông tổ của lĩnh vực ngoại khoa Đông y. Chính sử "Tam Quốc Chí" cùng "Hậu Hán Thư" đều có chép lại câu chuyện về "Thần kỹ" làm thủ thuật mổ bụng của Hoa Đà.

Cũng giống với Biển Thước, Hoa Đà cũng có công năng thấu thị nhân thể mà người đời sau gọi là "thiên mục". Sau khi khám bệnh, Hoa Đà biết được trong bụng người bệnh có khối u, liền dùng ma phí tán để gây mê. Sau khi người bệnh không còn cảm giác, liền tiến hành thủ thuật mở bụng, lấy ruột ra đoạn ruột mắc bệnh, tìm được khối u rồi lấy dao cắt đi, sau đó khâu lại và bôi cao. Sau 1 tháng người bệnh đã hồi phục hoàn toàn.

Hoa Đà. (Tổng hợp)

Trong "Tam Quốc diễn nghĩa" có rất nhiều câu chuyện về Hoa Đà, như câu chuyện Hoa Đà cạo xương để trị thương cho Quan Vũ, hay Hoa Đà nhìn thấy khối u trong đầu của Tào Tháo, v.v...

Công năng tiên đoán của Trương Trọng Cảnh.

Sử sách có ghi chép, Trương Trọng Cảnh gặp quan Thị trung là Vương Trọng Tuyên. Lúc đó Trọng Tuyên mới có 20 tuổi, nhưng đã có hiểu biết thâm sâu về Y Đạo. Trương Trọng Cảnh bảo với Trọng Tuyên rằng: trong mình ông có bệnh, đến năm 40 tuổi thì lông mày sẽ rụng hết. Sau khi lông mày rụng được nửa năm, sẽ chết. Nên uống bài Ngũ thạch thang sẽ khỏi. Nói rồi liền trao bài thuốc cho Trọng Tuyên.

Trọng Tuyên có ý không hài lòng lời nói của Trọng Cảnh, tuy nhận đơn thuốc mà không uống. Sau đó 3 ngày Trọng Cảnh lại gặp Trọng Tuyên. Trọng Cảnh hỏi "Ông đã uống thuốc chưa?".

Trọng Tuyên đáp: "đã uống rồi".

Trọng Cảnh nói: "Coi sắc khí của ông không có gì biểu hiện là đã uống thuốc, sao lại coi rẻ tính mệnh của mình như vậy?... Trọng Tuyên không trả lời. Sau đó 20 năm, quả nhiên Trọng Tuyên tự nhiên rụng hết lông mày, rồi qua 117 ngày nữa thì chết. Đúng như dự đoán của Trọng Cảnh"

Văn hóa Thần truyền, tạo nên Thần y

Vào thời cổ đại, Thần y khi trị bệnh đều có Thần kỹ, là bởi vì Đông y chính văn hóa Thần truyền. Điều này thể hiện chủ yếu ở hai phương diện: y lý hữu hình của Y Đạo (văn tự) được Thần (Thượng Đế) truyền lại và nội hàm vô hình của Y Đạo thể hiện ở "Thần kỹ" của tu luyện (công năng đặc dị). Ngay trong "Hoàng Đế nội kinh" cũng có phần bàn về "tu luyện".

Những y học gia vĩ đại trong lịch sử đều lấy đạo đức làm căn bản, lấy "Hoàng Đế nội kinh" làm tâm pháp, tĩnh tâm tu trì, sau khi đạt đến cảnh giới thiên nhân hợp nhất, tâm không còn tạp niệm, thì có thể khai huệ, khai ngộ và khai thiên mục. Đến lúc này, họ đã có thể ảnh hưởng đến sinh tử của con người, đạt tới cảnh giới "chưa trị bệnh đã khỏi", "thấy bệnh biết căn nguyên", trở thành một "Thần y" chân chính.

Lâm Nghiên - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Y Đạo Thần truyền: Hoa Đà, Biển Thước dùng thiên mục trị bệnh