Yến Anh: trung thần một ngày can vua ba lần chẳng màng vinh nhục sống chết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Yến Anh là tể tướng hiền lương thời Xuân Thu, khi một vị đại thần khuyên ông bỏ người vợ già lấy người trẻ đẹp, ông nói: "Ta nghe nói, bỏ rơi một người vợ già là loạn đạo, thú vui lấy thêm thê thiếp trẻ tuổi là dâm đãng. Thấy sắc đẹp quên điều đại nghĩa, thấy phú quý vứt bỏ nhân luân, đó là vô đạo đức..."

Yến Anh tự là Bình Trọng, sinh năm 578 TCN ở Sơn Đông, mất năm 501 TCN ở Truy Bác. Ông là một nhân vật lịch sử nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc, sinh thời sống và làm quan hai triều vua Tề Trang Công và Tề Cảnh Công thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc. Ông có dáng thấp nhỏ nhưng có trí tuệ thông minh hơn người và là một vị quan tài ba của nước Tề. Ông có tài xử thế và ngoại giao rất tốt. Có một số sách đọc lái tên ông thành Án Anh.

Yến Anh
Yến Anh. (Ảnh minh hoạ)

Một ngày ba lần can gián vua

Tương truyền một hôm Tề Cảnh công cùng quần thần đến ngọn núi nhỏ bên ngoài thành du ngoạn. Tề Cảnh công ngoảnh lại nhìn đô thành phồn hoa tráng lệ cách đó không xa cảm thán nói: “Ôi, nếu như tự cổ chí kim, con người đều trường sinh bất tử, vậy thì tốt biết mấy!”.

Yến Anh nghe xong đáp: “Đế vương thượng cổ cho rằng người chết là việc tốt. Người nhân đức chết rồi có thể được an nghỉ, kẻ hung tàn chết rồi, xã hội bớt đi tai hoạ. Giả như người cổ đại không chết, nước Tề sẽ vĩnh viễn thuộc về tiên quân, còn đại vương sẽ là nông dân bách tính, đầu đội nón lá, mình mặc áo thô, tay cầm cào cuốc, lao động ngoài đồng, còn tâm chí đâu mà nhàn rỗi đi lo đến chuyện sống chết nữa!”.

Tề Cảnh công nghe xong cảm thấy không vui. Một lúc sau, sủng thần của Tề Cảnh công là Lương Khâu Cứ ngồi trên xe lớn cao có 6 ngựa kéo băng băng từ xa chạy đến, Tề Cảnh công hỏi tả hữu hai bên: “Là ai đang đến?"

Yến Anh đáp: “Là Lương Khâu Cứ”.

Tề Cảnh công: “Làm sao biết đó là ông ấy?”.

Yến Anh: “Trời nắng to, xe lớn phi nhanh như bay, nhẹ thì làm ngựa mệt tổn thương, nặng thì khiến ngựa mệt mà chết. Có thể làm ra loại việc này, không phải Lương Khâu Cứ thì còn ai nữa?”.

Tề Cảnh công: “Lương Khâu Cứ là người tương hòa với ta!”.

Yến Anh: “Ông ấy và đại vương chỉ có thể nói là tương đồng, không phải tương hoà. Cái gọi là tương hoà, nên là quân chủ ngọt, thì bề tôi chua; quân chủ nhạt, thì bề tôi mặn. Bây giờ Lương Khâu Cứ ngọt mà đại vương cũng lại ngọt đây gọi là tương đồng”.

Tề Cảnh công nghe xong càng thêm không vui, quay người bỏ mặc Yến Anh.

Yến Anh can gián vua
Yến Anh một ngày ba lần can gián vua. (Ảnh: 志清/Epochtimes)

Quần thần lại cùng nhau tiếp tục du ngoạn, mặt trời xuống núi, màn đêm bao phủ, Tề Cảnh công ngước nhìn bầu trời , đột nhiên một vì ngôi sao chổi bay qua. Tề Cảnh công cho rằng đây là điềm không lành liền cho gọi Bá Thường Khiên đến cầu cúng tế tự để mong tiêu tai giải nạn. Yến Anh cũng ở đó liền phản đối nói: “Không thể làm như vậy. Mưa không thuận gió chẳng hòa, sao chổi xuất hiện, đây là Thiên thượng cảnh cáo hành vi của quân chủ không đoan chính, chính trị không trong sạch ắt xuất hiện tai ương. Nếu như đại vương thi hành chế độ lễ nhạc mà tiếp thu lời giáo huấn, trọng dụng hiền tài, rời xa tiểu nhân thì cho dù không cầu cúng, sao chổi cũng tự nhiên tiêu mất".

Tề Cảnh công nghe xong mặt biến sắc tức giận. Sau này khi Yến Anh bị bệnh chết, Tề Cảnh công cũng không còn được nghe những lời giáo huấn của người khác. Lúc này Tề Cảnh công mới cảm nhận được lòng trung thành của Yến Anh mà cảm thán lên rằng: “Trước đây ta cùng Yến Anh du ngoạn, ông ấy một ngày ba lần giáo huấn trách nhiệm của ta, bây giờ ông ấy chết rồi, còn ai có thể giống như ông ấy khuyên nhủ ta nữa? Ta mất đi Yến Anh là hết rồi!”.

Không màng phú quý và nữ sắc, một lòng với người vợ tào khang

Lòng trung thành, đức độ của Yến Anh không chỉ thể hiện ở việc triều chính mà ngay cả cuộc sống cá nhân cũng luôn thể hiện đức độ của một người có tu dưỡng.

Một lần Tề Cảnh công muốn gả con gái yêu của mình cho Yến Anh nên bèn đến nhà Yến Anh uống rượu. Trong lúc thưởng nhạc, men say, Tề Cảnh Công thấy vợ của Yến Anh liền hỏi: “Đây là thê tử của khánh à?”.

Yến Anh trả lời: “Đúng vậy”.

Cảnh Công nói: “Vợ khanh vừa già vừa xấu. Ta có một tiểu nữ, tuổi còn trẻ lại xinh đẹp, muốn xin gả cho tiên sinh”.

Yến Anh lập tức đứng dậy, cung kính trả lời: “Thê tử của thần nay vừa già vừa xấu, nhưng xưa kia khi nàng còn trẻ đẹp tôi đã cùng nàng chung sống lâu dài. Khi nàng còn trẻ đẹp, nàng đã trao thân gửi phận cho tôi nguyện cùng tôi chung sống trọn đời. Nàng đã phó thác cuộc đời cho tôi, và tôi đã tiếp nhận lòng tin cậy của nàng. Nay Quân vương muốn ban con gái của ngài cho thần, nhưng thần làm sao có thể phụ bạc lòng tin của thê tử cho được?”

Nói rồi Yến Anh bái tạ Tề Cảnh Công và từ chối.

Hôn lễ
Yến Anh chung thuỷ với người vợ tào khang. (Ảnh minh hoạ)

Lại có một lần, Điền Vô Vũ gặp Yến Anh ở nhà một mình và một người phụ nữ trong nhà bước ra, quần áo giản đơn, tóc đã điểm sương. Điền Vô Vũ chế giễu Yến Anh: “Người đàn bà đó là ai vậy?”

Yến Anh đáp: “Là thê tử của ta”.

Điền Vô Vũ nói: “Ngài là quan lớn đầu triều, thực ấp điền thuế thu vào bảy mươi vạn, tại sao lại nhận bà lão này làm vợ?”

Yến Anh đáp, “Ta nghe nói, bỏ rơi một người vợ già là loạn đạo, thú vui lấy thêm thê thiếp trẻ tuổi là dâm đãng. Thấy sắc đẹp quên điều đại nghĩa, thấy phú quý vứt bỏ nhân luân, đó là vô đạo đức. Yến Anh ta làm sao có thể hành vi dâm loạn, bất chấp nhân luân, chà đạp đạo đức cổ kim như thế được?”.

Một lần khác, có một cô gái là thợ khéo đến xin làm tôi tớ cho nhà Yến Anh, nói rằng: “Tôi là dân thường đến từ cửa đông thành, mong được gửi thân nơi nhà ngài, xin được làm hầu thiếp”.

Yến Anh đáp: “Đến nay ta mới nhận ra mình không phải là kẻ hiền đức! Thời xưa kẻ nắm việc triều chính, đều để nhân sỹ, nông phu, nhân công, lái buôn ở tại chốn riêng biệt, nam nữ phân biệt không giao vãng với nhau. Thế nên nhân sỹ không phạm điều tà ác, nữ nhân không phạm điều dâm ô. Ngày nay ta quản lý quốc gia trăm họ, lại có nữ nhân muốn làm người của ta, nhất định là do ta có biểu hiện háo sắc, có hành vi không liêm chính”.

Vũ Minh

theo: epochtimes.com



BÀI CHỌN LỌC

Yến Anh: trung thần một ngày can vua ba lần chẳng màng vinh nhục sống chết