Yêu con hãy để con trải qua 5 nỗi khổ này

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Các bậc phụ huynh nên hiểu rõ rằng cho dù yêu thương con đến đâu, chúng ta cũng cần để con chịu chút khổ. Hãy để trẻ chịu năm loại khổ này, sẽ giúp trẻ trưởng thành lành mạnh.

Những câu này được lan truyền trên mạng:

Tuổi 20 ham chơi đã tạo nên tuổi 30 không tự lo liệu được;
Tuổi 30 không tự lo liệu dẫn đến tuổi 40 không có chí tiến thủ;
Tuổi 40 không có chí sẽ đặt nền móng cho sự thất bại ở tuổi 50;
Thất bại ở tuổi 50 tạo nên một cuộc đời long đong.

Con người sống cả đời, nếu hiện tại không chịu khổ thì tương lai sẽ phải khổ; nếu bây giờ nhất thời chịu khổ, sẽ được hưởng lợi cả đời.

Các bậc phụ huynh nên hiểu rõ rằng, cho dù yêu thương con đến đâu, chúng ta cũng cần để con chịu chút khổ. Hãy để trẻ chịu năm loại khổ này, sẽ giúp trẻ trưởng thành lành mạnh.

1. Chịu khổ tự lập

Một du học sinh lần đầu tiên đến Mỹ, muốn làm món trứng bắc cà chua để chiêu đãi các bạn cùng lớp. Tuy nhiên, cậu không biết đánh trứng, cũng không biết thái cà chua, và càng không biết nên cho trứng hay cà chua vào nấu trước.

Vì vậy, cậu đã gửi tin nhắn âm thanh cho mẹ ở trong nước để nhờ giúp đỡ, người mẹ nhanh chóng gửi lại tin nhắn hướng dẫn, nhưng cậu vẫn không hiểu.

Không còn cách nào khác, người mẹ phải tự mình làm mẫu một lượt, rồi quay video và gửi cho con trai. Dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của mẹ, cuối cùng cậu đã hoàn thành món ăn truyền thống cơ bản và phổ biến nhất của dân tộc, và được các bạn trong lớp khen ngợi.

Mãi đến cuối video, cậu bé mới nhận ra mẹ mình đã dậy từ 4 giờ sáng và chỉ cho cậu cách làm món trứng bắc cà chua.

Ngày nay trẻ em ở độ tuổi tiểu học cũng biết rằng, có điều gì không hiểu thì chúng có thể tìm kiếm trên Google. Một số người cảm thấy xót xa cho người mẹ trong câu chuyện trên, không thể phủ nhận rằng cô rất thương con, nhưng cũng phải thừa nhận rằng chính những bậc cha mẹ như thế lại là người gây ra tình trạng như hiện nay.

Khi trẻ ở bên cha mẹ, trẻ không được dạy tính tự lập, khi chúng xa gia đình, cha mẹ phải gánh nỗi khổ con ‘không biết tự lập’.

Tình Mẫu Tử, Con Trai, Gia Đình, Yêu Và Quý, Quan Tâm
Khi trẻ ở bên cha mẹ, trẻ không được dạy tính tự lập, khi chúng xa gia đình, cha mẹ phải gánh nỗi khổ con ‘không biết tự lập’. (Ảnh: Pixabay)

Một chuyên gia giáo dục cho biết: Nuôi dạy con thực sự không phải là trồng cây trong nhà kính, mà là xây dựng nhân cách đầy đủ cho trẻ trong khi dạy chúng đối diện với thế giới một cách độc lập.

Nhưng các bậc cha mẹ thường yêu thương con quá, và thường nói: Con chỉ cần học thôi, việc còn lại không phải lo. Vì vậy mọi việc cha mẹ đều làm thay con, mọi việc đều thay con suy xét. Điều này không sai nhưng liệu cha mẹ có thể nuôi con cả đời được không? Nếu không, tốt hơn hết các bậc cha mẹ nên buông bỏ và dạy cho trẻ tính tự lập, để trẻ có đủ khả năng và dũng khí độc lập đối mặt với thế giới.

Như vậy ngay cả khi tới một ngày mất đi sự hậu thuẫn vững chắc của cha mẹ, đứa trẻ vẫn có thể tiếp tục bước tiến về trước theo quỹ đạo ban đầu của cuộc sống.

2. Nỗi khổ học tập

Trên đường trở về quê, tôi gặp một người cùng làng, hàn huyên vài câu thì được biết cậu vừa thi xong đại học. Khi tôi hỏi cậu cảm thấy thế nào về bài thi, cậu nói rằng, làm tốt hơn nhiều so với năm ngoái.

Cũng vào thời điểm này năm ngoái, cậu đã hoàn thành kỳ thi tuyển sinh đại học, nhưng điểm chỉ đủ vào trường trung cấp nghề kỹ thuật, bố mẹ nói cho cậu học lại nhưng cậu không chịu. Thay vào đó, cậu cùng một nhóm bạn đi làm thuê. Vốn cậu cũng không có nhiều kỳ vọng trong lòng, chỉ là muốn kiếm tiền học trước khi học kỳ bắt đầu vào tháng 9. Nhưng không ngờ thù lao ít như vậy. Họ làm việc chăm chỉ mỗi ngày và chỉ có thể kiếm được 3 triệu một tháng.

Vài ngày sau, một số bạn của cậu đã bỏ về, khi đó cậu nghĩ, mình vẫn có thể kiên trì tiếp tục. Một tháng sau, khi đến ngày nhận tiền lương, nhà máy nói với cậu rằng lương sẽ trả chậm thêm một tháng nữa, và cậu cảm giác như sụp đổ. Đúng lúc bố mẹ cậu nói chuyện và yêu cầu cậu học lại lần nữa, và cậu đã quay lại. Học lại không dễ, nhưng dù vất vả đến đâu cũng không vất vả như lúc đi làm thuê.

Cậu nói: “Học hành đọc sách là vất vả, nhưng đó là nó có tôn nghiêm. Khi đi làm thuê, tôi thường cảm thấy mình không phải là một con người, mà là một cỗ máy làm việc”.

Năm đó cứ sáng 5h30 cậu thức dậy, 12h30 đêm đi ngủ, kiên trì suốt 365 ngày, các bài làm thi thử của cậu xếp cao tới một thước.

Tuổi trẻ và phù phiếm, luôn cảm thấy rằng đọc sách là điều khó nhất trên thế giới, sau khi dần vượt qua giai đoạn đó, mới nhận ra rằng đọc sách là con đường tốt nhất.

Trẻ em đọc sách hàng ngày, điểm số các bài kiểm tra ở trường sẽ cao hơn
Tuổi trẻ và phù phiếm, luôn cảm thấy rằng đọc sách là điều khó nhất trên thế giới, sau khi dần vượt qua giai đoạn đó, mới nhận ra rằng đọc sách là con đường tốt nhất. (Ảnh: Pexels)

Con trẻ chưa biết gì, nhưng cha mẹ là người từng trải. Khi trẻ muốn lười biếng, hãy thúc ép trẻ, và khi trẻ muốn bỏ cuộc, hãy động viên trẻ, một ngày nào đó, trẻ sẽ biết ơn việc đã chịu khó học tập để có được ngày hôm nay.

3. Nỗi khổ của lao động

Anh D năm nay 48 tuổi, từ nhỏ đã đạt điểm xuất sắc, sau khi tốt nghiệp đại học anh ấy đi du học và lấy bằng thạc sĩ của một trường nổi tiếng nước ngoài, có thể nói lý lịch của anh ấy rất tốt. Nhưng sau khi trở về nước, cuộc đời anh rẽ ngoặt 180 độ.

Sau khi tốt nghiệp, D không chịu ra đi làm, ban ngày ngủ nướng, ban đêm chơi game, suốt 6 năm trời, anh dựa vào người mẹ già 80 tuổi mắc bệnh tiểu đường cưu mang.

Lương hưu hàng tháng của mẹ David là 5 triệu thì 2 triệu dùng để điều trị bệnh, số tiền còn lại bà phải nuôi bản thân và con trai. Để buộc con trai phải làm việc, mẹ anh thậm chí đã nghĩ đến việc đưa anh ta ra tòa để yêu cầu anh ta trả tiền nuôi dưỡng.

Mẹ D kiệt quệ về thể chất và tinh thần: “Trước đây cái gì nó muốn cũng đều có, ỷ lại đã thành quen rồi”.

Điều tồi tệ hơn nữa là D còn đổ lỗi cho tình trạng hiện tại của mình là do mẹ trước đây quá cưng chiều mình.

Trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ chỉ lo sợ con mình sẽ mệt mỏi và tổn thương, cứ ôm đồm lo liệu mọi thứ cho con từ nhỏ, từ ăn ở đi lại đều ‘chăm sóc’ từng chút một. Họ không nhận ra rằng, việc cưng chiều quá mức là liều thuốc độc, có thể hủy hoại tương lai của một đứa trẻ và cuộc sống của chúng.

Phẩm chất siêng năng, tự lập không bao giờ lỗi thời, đồng thời cũng là cái khổ mà trẻ cần phải chịu đựng. Như nhà giáo dục Mỹ Dale Carnegie đã nói: “Để sống thành công, người trẻ phải học cách tự lập, gỡ bỏ những chướng ngại ở khắp nơi”.
“Nuông chiều con chẳng khác nào hại con”, câu nói này đáng để cảnh tỉnh tất cả các bậc cha mẹ.

4. Nỗi đau của lời phê bình

Tôi đã từng đọc một báo cáo rằng, một cậu bé 10 tuổi công khai đi tiểu trong thang máy công cộng. Sau khi nhân viên quản lý tài sản phát hiện, họ đã nói vài lời với cháu bé và nói với mẹ cháu bé. Người mẹ này đã làm gì?

Cô lập tức nghiêm khắc phê bình đứa trẻ, yêu cầu đứa trẻ viết bản kiểm điểm, dán vào thang máy để xin lỗi mọi người, đồng thời dọn dẹp thang máy trong một tháng.

Không thể không khen người mẹ này. Trẻ mắc lỗi không bao giờ bảo vệ mà cần phê bình, cần dạy dỗ con có kỷ luật, không được cẩu thả.

Con Gái, Cha, Chân Dung, Gia Đình, Tình Phụ Tử, Cha Mẹ
Trẻ mắc lỗi không bao giờ bảo vệ mà cần phê bình, cần dạy dỗ con có kỷ luật, không được cẩu thả. (Ảnh: Pixabay)

Cha mẹ dạy con cái biết phép tắc từ nhỏ, để con biết lắng nghe những lời phê bình chỉ trích, giống như cây nhỏ cứ không ngừng uốn nắn, khi lớn lên nó sẽ cao lớn, xum xuê.

Ngược lại, nếu từ nhỏ đứa trẻ gây rắc rối, nghĩ đến việc dùng tiền để giải quyết, thậm chí là nhắm mắt làm ngơ, thì khi lớn lên, cái ác nhỏ sẽ biến thành cái ác lớn, và tất yếu sẽ gây ra hậu quả.

Khi con trẻ đang ở độ tuổi chưa phân biệt được đúng sai, cha mẹ hãy làm gương, cảnh tỉnh bằng lời nói và hướng con đi đúng con đường. Đối với một số sai lầm, nhất định không được bỏ qua.

5. Nỗi khổ của giáo dục

Một giáo sư đại học từng phẫn nộ nói: Tệ nạn lớn nhất trong nền giáo dục là giáo dục sung sướng, giáo dục vô bổ và phóng túng thiên tính của trẻ em. Nó đang từng bước bóp méo sự trưởng thành của trẻ em.

Biết bao bậc cha mẹ làm ngơ trước những hành vi không có giáo dục của con cái với lý do “con còn nhỏ chưa hiểu chuyện”, “nó vẫn còn là con nít”.

Trên một chuyến tàu, một đứa trẻ chân đi giày dẫm lên ghế ngồi, có người nhìn thấy liền bước tới can ngăn. Mẹ của đứa trẻ bất ngờ còn mắng người hành khách nhắc nhở đó: “Sao vậy? Có luật nào cấm trẻ đứng trên ghế?”. Đứa trẻ nghe thấy mẹ ủng hộ mình, lại càng chẳng kiêng dè gì.

Có người nói rằng 99% vấn đề ở trẻ đều xuất phát từ gia đình, và tương lai của trẻ ẩn chứa trong thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan của cha mẹ. Nếu hôm nay cha mẹ dung túng con trẻ, tương lai cha mẹ có thể sẽ phải gánh hậu quả của việc trẻ không được giáo dục.

Có một câu nói cổ: người có lễ thì an, vô lễ thì nguy. Bạn có thể chiều con và dung túng con mình cả đời, nhưng khi đã bước vào xã hội, người khác sẽ không chiều chúng.

Giáo dục là vô cùng quan trọng. Nếu cha mẹ để con mình chịu được cái khổ trong quá trình nuôi dạy, thì đứa trẻ sẽ có một tương lai thuận lợi, và nó sẽ dễ dàng được người khác và xã hội chấp nhận.

Cuộc đời còn dài, cha mẹ không thể che chở cho con cái cả đời. Cha mẹ tốt là người dạy con cách “đánh cá”, chứ không phải là ôm chặt bảo vệ con. Cuộc sống cũng giống như uống trà, biết chịu đựng gian khổ mới cảm nhận được vị ngọt hậu.

Cha mẹ dù có yêu thương con cái đến đâu cũng nên buông tay đúng lúc, cố gắng để con gánh chịu 5 nỗi khổ cực này.

Yêu thương nhất định cần biết đúng mực, có nguyên tắc.

Minh An
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Yêu con hãy để con trải qua 5 nỗi khổ này