28 tỉnh thành tiếp tục 'cách ly xã hội' đến 22/4

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kết luận của Chính phủ là 28 tỉnh thành phải thực hiện cách ly xã hội đến ngày 22/4, không chỉ 12 địa phương của nhóm nguy cơ cao.

Hôm 16/4, Văn phòng Chính phủ đã phát đi thông báo về việc Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Theo đó:

  • Nhóm địa phương có nguy cơ cao gồm 12 tỉnh thành sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg đến ngày 22 hoặc 30/4 và có thể xem xét kéo dài tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh.
  • Nhóm địa phương “có nguy cơ” gồm 16 tỉnh thành được yêu cầu cần thực hiện Chỉ thị 16 đến hết ngày 22/4 và sẽ điều chỉnh sau đó tùy diễn biến dịch bệnh.

Như vậy, thông báo kết luận đã yêu cầu số tỉnh thành phải thực hiện Chỉ thị 16 (nội dung chính là cách ly xã hội) đến ngày 22/4 là 28 địa phương, theo Cổng thông tin Chính phủ.

Thực hiện Chỉ thị 16 (Cách ly xã hội đến ngày 22/4)

"Nguy cơ cao" gồm 12 tỉnh thành: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, Tây Ninh.

“Có nguy cơ” gồm 16 tỉnh thành: Hải Phòng, Cần Thơ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Hà Giang.

Còn lại 35 địa phương thuộc nhóm nguy cơ thấp, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện phòng chống dịch theo Chỉ thị 15/CT-TTg.

Địa phương quyết định các biện pháp giãn cách xã hội

Theo thông báo trên, lãnh đạo các địa phương sẽ quyết định cụ thể việc thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phù hợp theo các cấp độ.

Các địa phương có thể yêu cầu, hạn chế, khuyến cáo theo các mức độ đối với những hoạt động như: Ra khỏi nhà, mở các cửa hàng không thiết yếu, vận chuyển hành khách bằng các phương tiện công cộng, việc tập trung đông người.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng quyết định cụ thể cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa; chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ tại các dự án, công trường, cơ sở sản xuất kinh doanh và yêu cầu ngừng sản xuất, kinh doanh nếu cơ sở không đảm bảo việc phòng chống dịch.

Đường phố Hà Nội vắng vẻ trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, ngày 5/4/2020 (Ảnh: Linh Pham/Getty Images)
Đường phố Hà Nội vắng vẻ trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, ngày 5/4/2020 (Ảnh: Linh Pham/Getty Images)

Tiếp tục hạn chế nhập cảnh đến ngày 30/4/2020

Chính phủ quyết định không nới lỏng chính sách hạn chế nhập cảnh đến ngày 30/4/2020. Kiểm soát chặt người nhập cảnh, tạm dừng cấp visa nhập cảnh với người nước ngoài cả đường bộ, đường không, đường thuỷ (trừ trường hợp ngoại giao, công vụ, chuyên gia, công nhân kỹ thuật cao, nhà đầu tư quốc tế...).

Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo hạn chế các chuyến bay quốc tế đi và đến Việt Nam, hạn chế chuyến bay nội địa.

Xây dựng 63 đội phản ứng nhanh

Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đánh giá về khả năng sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh ở các địa phương, nhất và các địa phương trọng điểm, địa phương có đường biên giới đường bộ.

Đồng thời, Ban chỉ đạo sẽ hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng 63 đội phản ứng nhanh trước đại dịch ở 63 tỉnh, thành; đề xuất nâng cao năng lực xét nghiệm và cơ sở vật chất, hỗ trợ nhân lực cho hệ thống y tế địa phương.

Nguy cơ thấp áp dụng như 'nguy cơ cao'

Dù không nằm trong danh sách những tỉnh thành có nguy cơ cao nhưng một số địa phương tiếp tục áp dụng các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt, theo báo Thanh Niên.

Dù thuộc nhóm có nguy cơ thấp nhưng tỉnh Thái Bình vẫn yêu cầu các cơ sở kinh doanh (trừ mặt hàng thiết yếu) và dịch vụ giải trí vẫn phải đóng cửa. Thái Bình cũng tiếp tục duy trì hoạt động của các tổ công tác liên ngành, tổ tuần tra, tổ tự quản để kiểm soát người và phương tiện ra vào địa phương.

Tương tự, Thanh Hóa cũng ban hành công điện khẩn chỉ đạo tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội từ 16 - 30/4. Thanh Hóa cũng cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến hết kỳ nghỉ lễ 30/4.

Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: “Mặc dù địa phương thuộc nhóm nguy cơ thấp nhưng do nằm giáp ranh với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Bình Thuận là nhóm có nguy cơ cao nên tỉnh đang cân nhắc sẽ cấm tắm biển. Vì để người dân tắm biển sẽ rất khó kiểm soát người địa phương hay ngoài tỉnh đến”.

Kiểm tra phòng dịch ở cửa ngõ thành phố Hải Phòng. (Ảnh: Cổng thông tin TP Hải Phòng)
Kiểm tra phòng dịch ở cửa ngõ thành phố Hải Phòng. (Ảnh: Cổng thông tin TP Hải Phòng)

Hải Phòng: Đến từ nơi “nguy cơ thấp” vẫn phải trình “giấy xác nhận”

Hải Phòng mới có quy định, những người không phải từ 12 địa phương có nguy cơ cao (Bắc Ninh, Bình Thuận, Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Khánh Hòa, Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hà Tĩnh và Tây Ninh) được vào thành phố nhưng phải có xác nhận của cơ quan, chính quyền nơi đi và không phải cách ly y tế tập trung khi đến Hải Phòng.

Tại các chốt kiểm soát cửa ngõ, người đến Hải Phòng phải để họ tên, địa chỉ, lịch trình nơi đi, nơi đến.

Người từ Hải Phòng ra khỏi thành phố và đến các nơi không phải 12 địa phương có nguy cơ cao, khi trở về không phải thực hiện cách ly y tế tập trung, nhưng phải có xác nhận của cơ quan, đơn vị hoặc địa phương nơi đến.

Văn phòng thành phố cho biết: "Giấy xác nhận nhằm chứng minh người đến (về) Hải Phòng không đến từ 12 tỉnh có nguy cơ cao, qua đó không cần phải đi cách ly tập trung. Chính quyền cấp xã hoặc doanh nghiệp, công ty nơi người muốn đến (về) Hải Phòng xác nhận là được. Mẫu giấy xác nhận thì do địa phương, công ty cấp, có đóng dấu đỏ".

Việt Nam


BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

28 tỉnh thành tiếp tục 'cách ly xã hội' đến 22/4