3 điểm chung của 6 bệnh nhân ở Việt Nam tử vong vì virus viêm phổi Vũ Hán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ Y tế ngày 3/8 cho biết, 6 bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong đã công bố đều có 3 điểm chung là: Độ tuổi cao, nền bệnh lý nặng và đều đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Cụ thể theo Bộ Y tế, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận 6 trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong. Các bệnh nhân đều có 3 điểm chung sau:

1. Có độ tuổi trung bình cao

Bệnh nhân COVID-19 cao tuổi nhất tử vong vào sáng 2/8 là bệnh nhân 524 là nữ 86 tuổi, quê Quảng Nam. Nguyên nhân tử vong được công bố: Choáng nhiễm trùng, nhiễm độc, suy hô hấp cấp không hồi phục trên bệnh nhân suy đa tạng nhiễm COVID-19.

Tiếp theo là bệnh nhân 475 tử vong vào sáng 2/8. Bệnh nhân này 83 tuổi, quê quán Đà Nẵng. Nguyên nhân tử vong được công bố: Hội chứng mạch vành cấp, viêm túi mật, thoái hóa đa khớp, tăng huyết áp và COVID-19.

Bệnh nhân 428 là nam, 70 tuổi, có địa chỉ thường trú tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đây là bệnh nhân COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam tử vong vào chiều 31/7. Nguyên nhân tử vong: Ngưng tim.

Cùng ngày 31/7, bệnh nhân 437 tử vong. Bệnh nhân là nam, 61 tuổi, trú ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng. Nguyên nhân tử vong được công bố: "Sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, ngừng tuần hoàn hô hấp trên bệnh nhân viêm phổi, suy thận mạn đang chạy thận định kỳ có bệnh kèm tăng huyết áp, gout, mắc COVID-19".

Trường hợp viêm phổi Vũ Hán thứ 3 tử vong ở Việt Nam được xác nhận vào sáng 1/8 là bệnh nhân 499, là nữ 68 tuổi. Nguyên nhân tử vong của bệnh nhân 499 được công bố là: "Ung thư đường máu ác tính không đáp ứng hoá chất giai đoạn cuối, viêm phổi nặng và COVID-19".

Bệnh nhân thứ 6 tử vong ở Việt Nam là bệnh nhân 429. Đây là bệnh nhân 429 là nữ, 53 tuổi. Nguyên nhân tử vong được công bố: "Suy tim cấp, nhồi máu cơ tim, suy thận mạn, đái tháo đường type 2 và COVID-19".

2. Nền bệnh lý nặng

6 ca bệnh COVID-19 tử vong đều có nền bệnh lý nặng. Cụ thể:

  • Bệnh nhân 524: Suy thận mạn, suy tim;
  • Bệnh nhân 475: Thoái hóa đa khớp nằm tại chỗ 6 năm, phẫu thuật dạ dày;
  • Bệnh nhân 428: Suy thận mạn, suy tim, tăng huyết áp, thiếu máu cục bộ;
  • Bệnh nhân 437: Suy thận mạn, tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ, gout;
  • Bệnh nhân 499: Ung thư đường máu ác tính, tăng huyết áp, đái tháo đường;
  • Bệnh nhân 429: Suy thận mạn, suy tim, đái tháo đường.

3. Đều điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng

6 bệnh nhân trên đều được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng tại các khoa: Khoa Huyết Học, Khoa Nội Thận, Khoa Nội - Tiết Niệu, Khoa Nội Tổng hợp, Khoa Cấp cứu.

Trước đó, một công trình nghiên cứu có tên “Clinical characteristics of 113 deceased patients with coronavirus disease 2019: retrospective study” được đăng trên Tạp chí BMJ, ngày 26 tháng 3 năm 2020.

Công trình này đánh giá những đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của 113 trường hợp tử vong đã được mổ tử thi ở bệnh viện Tongji tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Những kết quả chính của công trình nghiên cứu này, theo Sở Y tế TP. HCM

  • Tuổi trung bình của nhóm bệnh nhân tử vong (68 tuổi) lớn hơn đáng kể so với nhóm hồi phục (51 tuổi).
  • Giới tính nam chiếm ưu thế ở những bệnh nhân tử vong (83; 73%) so với những bệnh nhân hồi phục (88; 55%).
  • Bệnh tăng huyết áp mạn tính và các bệnh tim mạch khác kèm theo được ghi nhận là thường gặp hơn ở những nhóm tử vong (54 (48%) và 16 (14%)) so với bệnh nhân hồi phục (39 (24%) và 7 (4%)).
  • Khó thở, tức ngực và rối loạn ý thức là những dấu hiệu lâm sàng phổ biến hơn ở những bệnh nhân tử vong (70 (62%), 55 (49%) và 25 (22%)) so với những bệnh nhân hồi phục (50 (31%), 48 (30% ) và 1 (1%)).
  • Thời gian trung bình từ lúc khởi phát bệnh đến khi tử vong là 16 ngày (dao động từ 12 đến 20 ngày).
  • Tăng bạch cầu ghi nhận ở 56 (50%) bệnh nhân tử vong và 6 (4%) hồi phục, và giảm bạch cầu cũng được ghi nhận ở cả hai nhóm lần lượt là ở 103 (91%) và 76 (47%).
  • Nồng độ trong máu của alanine aminotransferase, aspartate aminotransferase, creatinine, creatine kinase, lactate dehydrogenase, cardiac troponin I, N-terminal pro-brain natriuretic peptide, and D-dimer ở nhóm tử vong cao hơn rõ rệt so với nhóm hồi phục.

Các biến chứng thường gặp được ghi nhận khá phổ biến ở những bệnh nhân tử vong bao gồm:

  • Hội chứng suy hô hấp cấp tính (113; 100%);
  • Suy hô hấp type I (18/35; 51%);
  • Nhiễm trùng huyết (113; 100%);
  • Chấn thương tim cấp tính (72/94; 77 %);
  • Suy tim (41/83; 49%);
  • Kiềm máu (14/35; 40%);
  • Tăng kali máu (42; 37%);
  • Chấn thương thận cấp tính (28; 25%);
  • Bệnh não do thiếu oxy (23; 20% ).

Bệnh nhân mắc bệnh tim mạch có nhiều khả năng bị biến chứng tim. Bất kể tiền sử bệnh tim mạch, chấn thương tim cấp tính và suy tim là phổ biến hơn ở những bệnh nhân đã tử vong.

Sự xuất hiện các biến chứng về hô hấp, tim và thần kinh có liên quan mạnh mẽ đến tiên lượng xấu ở những bệnh nhân nhiễm COVID-19. Bệnh nhân mắc bệnh tim mạch có nhiều khả năng bị biến chứng tim, nhưng biến chứng tim mạch không chỉ xảy ra ở nhóm bệnh nhân tử vong có bệnh lý tim mạch trước đó mà cả ở những bệnh nhân không mắc bệnh tim mạch, do đó biến chứng tim ở nhóm bệnh nhân tử vong không thể hoàn toàn quy cho bệnh tim mạch đã có sẵn.

Hình ảnh CT ngực ở những bệnh nhân tử vong do nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện Tongji tại Vũ Hán, Trung Quốc. (Nguồn: Bộ Y tế)

Thời gian trung bình từ khi xuất hiện triệu chứng đến lúc tử vong (nhóm tử vong) là 16 ngày và thời gian trung bình từ triệu chứng đầu tiên đến lúc xuất viện (nhóm hồi phục) là 26 ngày.

Sự tiến triển của viêm phổi và viêm nhiễm toàn thân thường xảy ra trong hai tuần đầu tiên và có thể quyết định sự tiến triển của bệnh (bệnh tự phục hồi hoặc tiến triển nặng) và kết quả của bệnh (tử vong hoặc sống sót).

Có ít bệnh nhân hơn trong nhóm tử vong so với nhóm hồi phục được điều trị bằng một thuốc kháng vi-rút (antiviral monotherapy) hoặc thuốc kháng vi-rút kết hợp (combination antiviral therapy), cũng như hít interferon α.

Tình trạng viêm phổi nặng và cơn bão cytokine được quan sát thấy ở nhóm tử vong, trong đó có nhiều bệnh nhân đã được điều trị bằng glucocorticoid. Nhiều bệnh nhân trong nhóm tử vong được giúp thở do thiếu oxy máu mặng.

Tuy nhiên, nhóm tác giả khẳng định không thể kết luận từ nghiên cứu này về tác dụng của thuốc kháng vi-rút, sử dụng steroid có lợi hay không, các tác giả đề nghị những vấn đề này cần được nghiên cứu thêm.

Tính đến 6h sáng 3/8, Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi liên quan đến tâm dịch Đà Nẵng, nâng tổng số ca bệnh lên 621, trong đó, 6 người đã tử vong (đều là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền nghiêm trọng).


3 điểm chung của 6 bệnh nhân ở Việt Nam tử vong vì virus viêm phổi Vũ Hán