Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Bắt giam một nữ Tổng giám đốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nữ Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình bị cáo buộc đưa hối lộ trong vụ “chuyến bay giải cứu” xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao Việt Nam), Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Ngày 25/3, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an Việt Nam ra Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự "Đưa hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Hà Nội và các tỉnh, thành phố; đồng thời, ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam và khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Hoàng Diệu Mơ (SN 1980, là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình) để điều tra về hành vi "đưa hối lộ" theo quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự.

Bắt giam một nữ Tổng giám đốc trong vụ ‘chuyến bay giải cứu’
Bị can Hoàng Diệu Mơ. (Ảnh: bocongan.gov.vn)

Trước đó, ngày 27/1, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam và thực hiện lệnh khám xét đối với 4 bị can để điều tra về hành vi “nhận hối lộ”, quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Bốn bị can bị khởi tố gồm:

  • Nguyễn Thị Hương Lan (SN 1974, ở Hà Nội) - Cục trưởng Cục Lãnh sự;
  • Đỗ Hoàng Tùng (SN 1980 ở Hà Nội) - Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự;
  • Lê Tuấn Anh (SN 1982, ở Hưng Yên) - Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự;
  • Lưu Tuấn Dũng (SN 1987, ở Hà Nội) - Phó Phòng Bảo hộ công dân (Cục Lãnh sự).

Cùng với việc khởi tố các bị can liên quan, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã gửi văn bản đến Bộ GTVT đề nghị cung cấp danh sách các chuyến bay “giải cứu” công dân Việt Nam để phục vụ điều tra vụ án.

Theo đó, Bộ Công an đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị cung cấp tài liệu làm rõ kế hoạch tổ chức các chuyến bay "giải cứu" (không trả phí) và chuyến bay "combo" (có trả phí) đưa công dân Việt Nam về nước bắt đầu từ thời điểm nào; căn cứ tiêu chí, cơ sở nào để Bộ GTVT xét, duyệt cấp chuyến bay; quy trình, thủ tục xử lý việc xét duyệt cho hãng hàng không bay combo, giải cứu như thế nào...

Bộ Công an đề nghị Bộ GTVT cung cấp danh sách chi tiết hãng hàng không; chuyến bay (thời gian, số hiệu máy bay, sân bay cất/hạ cánh); và các công ty/doanh nghiệp đã được Bộ GTVT cấp phép thực hiện các chuyến bay giải cứu, combo; kế hoạch và văn bản phê duyệt; danh sách công dân đã được đưa từ nước ngoài về trên các chuyến bay này; hợp đồng, chi phí thanh toán của từng chuyến bay; điều kiện để công dân về nước trên các chuyến bay này dựa vào quy định nào...

Phản hồi yêu cầu của Bộ Công an, Bộ GTVT cho hay, theo phân công nhiệm vụ của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng trong việc bảo hộ công dân.

Bộ GTVT với vai trò là cơ quan phối hợp, chịu trách nhiệm chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam thực hiện kế hoạch phục vụ bay cho các chuyến bay theo kế hoạch "giải cứu" công dân được Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) phê duyệt trên cơ sở ý kiến thống nhất của các bộ, ngành liên quan.

Theo Bộ GTVT, đây là quy trình bắt buộc theo pháp luật về hàng không và thông lệ quốc tế đối với tất cả các chuyến bay.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không chịu trách nhiệm thông báo, hướng dẫn các hãng hàng không; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu trong và ngoài nước; doanh nghiệp khai thác cảng hàng không thực hiện kế hoạch bay cũng như các quy định phòng, chống dịch COVID-19 trên các chuyến bay và tại các cảng hàng không tiếp nhận chuyến bay.

Bộ GTVT nêu rõ rằng Bộ không được giao trách nhiệm trong việc đánh giá, tổng hợp nhu cầu, phê duyệt danh sách công dân, cấp phép cho các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay "giải cứu", chuyến bay “combo”. Ngành giao thông trên tinh thần phối hợp trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các chuyến bay một cách sớm nhất nhằm đưa công dân Việt Nam về nước.

Năm 2021, trong giai đoạn đường bay quốc tế về Việt Nam bị hạn chế để phòng chống dịch COVID-19, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao Việt Nam) đã tổ chức 173 chuyến bay, đưa hơn 50.000 công dân thuộc diện ưu tiên về nước; cách ly tập trung tại các cơ sở do quân đội quản lý.

 

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là thành viên Tổ công tác 5 Bộ, tổ chức hơn 400 chuyến bay đưa hơn 70.000 người Việt về nước, cách ly tại cơ sở dân sự theo hình thức tự nguyện trả phí.

Như vậy, tổng số chuyến bay về nước trong năm 2021 là gần 600 chuyến, đưa khoảng 120.000 người về nước.

Trần Duy

Việt Nam Xã hội

Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Bắt giam một nữ Tổng giám đốc