Bệnh nhân phi công người Anh đã tỉnh và ngưng can thiệp ECMO

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Bệnh nhân có cơ hội hồi phục phổi và sống mà không cần phải ghép phổi”, một thành viên của hội đồng chuyên môn nói về bệnh nhân 91.

Bệnh nhân 91 (phi công người Anh) đã có thể xoay đầu, cầm ly nước... với sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Ngày 2/6, hơn 1/2 phổi bên trái của bệnh nhân đã hồi phục gần như hoàn toàn, phổi phải có cải thiện về chức năng hô hấp, chức năng thận đã hồi phục, thần kinh tỉnh táo.

Hồi phục kỳ diệu

Nửa tháng trước, bệnh nhân 91 được chẩn đoán là phải ghép phổi và có khi ghép cả thận. Khi ghép phổi đã gần như phương án cuối cùng, thì sau đó phổi bệnh nhân bắt đầu hồi phục dần, đầu tiên là 20-30% (khi bệnh nhân còn điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM), hiện nay là 40%.

Chức năng thận cũng đã hồi phục. Ngày 3/6 bệnh nhân 91 đã được ngưng ECMO, cơ hoành phải bắt đầu hoạt động, cơ chi trên và chi dưới đang hồi phục.

ECMO là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Với nguyên lý hoạt động tương tự như máy tim phổi nhân tạo, mục tiêu của ECMO là tạo thời gian cho tim và phổi được nghỉ ngơi, hồi phục và giảm chấn thương áp lực cũng như ngộ độc oxy ở phổi.

Tuy nhiên, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Phó trưởng Tiểu Ban điều trị phòng, chống dịch COVID-19 khẳng định: "Mặc dù đã được ngưng sử dụng ECMO, nhưng tình trạng của Bệnh nhân 91 vẫn còn nặng, cần được chăm sóc, theo dõi sát các chỉ số và tình trạng nhiễm trùng nặng, kháng thuốc. Bệnh nhân còn cần nhiều tuần để cai máy thở và phục hồi chức năng vận động và các chức năng khác," theo báo Sức khỏe Đời sống.

Bệnh nhân phi công người Anh với ly nước trên tay. (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy)
Bệnh nhân phi công người Anh với ly nước trên tay. (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy)

Điều trị sắp tới

Về hướng điều trị trong những ngày tới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân sẽ tiếp tục được sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm trùng của vi khuẩn Burkholderia cepacia (một trong những tác nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm) và phòng ngừa những nguy cơ có thể nhiễm khuẩn mới.

Đồng thời, bệnh nhân 91 sẽ tiếp tục được tập vật lý trị liệu tích cực để sớm phục hồi cải thiện về sức cơ cũng như chức năng hô hấp, dinh dưỡng để đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục. Đồng thời bệnh nhân cần cân bằng đầy đủ rối loạn nước điện giải để tránh nguy cơ tổn thương thận có thể tái phát.

Dự kiến hôm nay (4/6), Tiểu ban Điều trị và Hội đồng chuyên môn sẽ tổ chức cuộc hội chẩn 3 miền lần thứ 4 để tiếp tục có phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân 91.

Lịch sử điều trị bệnh nhân 91:

  • Ngày 18/3, nam phi công người Anh phát hiện nhiễm virus corona Vũ Hán sau khi đến quán bar Buddha (Quận 2, TP Hồ Chí Minh).
  • Dù nhập viện trong tình trạng khỏe mạnh nhưng trong quá trình điều trị bệnh nhân này đột ngột trở nặng, trong đó có thời điểm phổi gần như bị đông đặc, phải sử dụng đến kỹ thuật ECMO (ngày 6/4).
  • Bệnh nhân có yếu tố béo phì, bị phản ứng miễn dịch dữ dội, rối loạn đông máu nặng, các bác sĩ đã phải đặt mua thuốc từ nước ngoài về điều trị cho bệnh nhân này.
  • Bệnh nhân cũng đã được Hội đồng chuyên môn chỉ định ghép phổi.
  • Đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 78 ngày điều trị (hiện là bệnh nhân có số ngày điều trị dài nhất), trong đó quá trình điều trị tại BV bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 18/3- 22/5; tại Khoa Hồi sức tích cực – BV Chợ Rẫy từ ngày 22/5 đến nay.

Xem thêm:

Việt Nam


BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

Bệnh nhân phi công người Anh đã tỉnh và ngưng can thiệp ECMO