Bị ong vò vẽ đốt hơn 100 nốt, cụ ông 80 tuổi ở Phú Thọ nguy kịch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đang đi trên đường, cụ ông ở TP. Việt Trì (Phú Thọ) bị 1 đàn ong vò vẽ lao vào tấn công. Về đến nhà, cụ đau nhức tại các vết đốt, nổi ban đỏ toàn thân, khó thở và được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Cụ ông được nói đến ở trên là Nguyễn Xuân Đ. (sinh năm 1941) ở TP. Việt Trì, Phú Thọ.

Tại khoa Cấp cứu bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh nhân Đ. nhập viện trong tình trạng phản ứng phản vệ mức độ nguy kịch (độ 3): lơ mơ, tiếp xúc chậm, khó thở, mạch nhanh nhỏ, huyết áp không đo được, vệ sinh không tự chủ, sưng nề, đau dữ dội tại vị trí các vết đốt vùng đầu, mặt, cổ, gáy, lưng. Nhiều vòi chích của ong vẫn còn dính trên da người bệnh.

Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã cấp cứu tại chỗ cho bệnh nhân: dùng adrenalin, truyền dịch và điện giải qua catheter tĩnh mạch trung tâm, giảm đau, corticoid, kháng histamin, huyết thanh kháng uốn ván.

Có khoảng hơn 100 nốt ong trên khắp vùng đầu, mặt, cổ, gáy, lưng bệnh nhân, các bác sĩ đã gắp nhiều nọc ong ra khỏi cơ thể bệnh nhân.

Sau khoảng 3 giờ cấp cứu liên tục, tình trạng người bệnh dần ổn định, đã tỉnh táo hoàn toàn, đỡ đau nhức, mạch và huyết áp đã đo được. Một tuần sau điều trị, người bệnh đã ổn định hoàn toàn và có thể ra viện.

Người nhà bệnh nhân chia sẻ, khi cụ Đ, đang đi trên đường thì bị một đàn ong vò vẽ lao vào đốt. Về nhà, cụ Đ. xuất hiện đau nhiều tại các vết đốt, nổi ban đỏ toàn thân, khó thở, đi vệ sinh không tự chủ.

Ong vò vẽ là loại ong vùng rừng núi rất độc và nguy hiểm. Nọc của loài ong này rất độc, gây tổn thương da và để lại vết thương, sẹo ở vùng bị đốt. Nó còn độc với cơ, thận, máu. Nọc độc ong vò vẽ còn có thể gây tử vong nếu như không được sơ cứu và cấp cứu kịp thời. Những gia súc lớn bị đốt nhiều nốt cũng có thể chết.

Các mỹ phẩm có mùi thơm và ngọt sẽ thu hút ong. (Nguồn: Pxhere)

Khi bị ong đốt, người bị nạn phải hết sức bình tĩnh và nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong. Nhanh chóng sơ cứu ban đầu bằng một trong những cách sau: Lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra. Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm, uống nhiều nước để loại thải các độc tố. Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng, sau đó, phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.

Cảnh báo

  • Ong vò vẽ bị thu hút bởi mùi mồ hôi của người và khi thấy người chạy. Vì vậy, nếu bạn bỏ chạy, chúng sẽ đuổi theo bạn, và thường sẽ phát tín hiệu pheromone cho những con khác cùng đuổi theo.
  • Không đến gần tổ ong vò vẽ hoặc đe dọa chúng. Tốt nhất là bạn nên để chúng yên.
  • Qua việc giao tiếp bằng pheromones, ong vò vẽ có khả năng đốt ồ ạt một mục tiêu khiến đối tượng kinh hãi.
  • Nếu có một con ong vò vẽ vo ve xung quanh, bạn hãy rời đi. Không xua, đập hoặc trêu tức nó bằng bất cứ cách nào. Nếu cảm thấy như bị tấn công, ong vò vẽ sẽ tấn công lại và báo cho đồng bọn trong tổ cùng bay ra tấn công.
  • Dù bạn dị ứng với nọc của ong mật thì điều đó cũng không có nghĩa là bạn dị ứng với nọc của ong bắp cày hay ong vò vẽ; nếu nghi ngờ, bạn nên đi xét nghiệm phản ứng dị ứng với nọc ong bắp cày trước khi mạo hiểm đi vào vùng thường có ong vò vẽ.
  • Nếu phải giết một con ong vò vẽ, bạn hãy thực hiện điều này ở cách xa tổ của chúng và sau đó đi càng xa càng tốt. Chất pheromone mà ong vò vẽ phát ra khi tấn công có thể truyền sang da hoặc quần áo của bạn và sẽ thu hút những con ong vò vẽ khác cho đến khi được gột sạch hoặc nhạt đi.
  • Các vết chích đau và nguy hiểm là do tỷ lệ lớn chất acetylcholine.
  • Ong vò vẽ là các thành viên trong họ ong bắp cày, do đó nếu bạn bị dị ứng với nọc của ong bắp cày thì bạn cũng sẽ dị ứng với nọc của ong vò vẽ. Nếu sắp đi vào vùng mà bạn biết là có ong vò vẽ, bạn cần đem theo bút tiêm epinephrine (adrenaline) chẳng hạn như EpiPen, và đến bệnh viện càng sớm càng tốt sau khi bị đốt.


Bị ong vò vẽ đốt hơn 100 nốt, cụ ông 80 tuổi ở Phú Thọ nguy kịch