Bí thư TP.HCM: Không thể 'đóng cửa' mãi

Giúp NTDVN sửa lỗi

TP. HCM đã đến giới hạn của sức chịu đựng, nền kinh tế đã bị tổn thương nghiêm trọng. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, thành phố phải chuẩn bị kỹ chiến lược y tế trong thời kỳ "bình thường mới" để mở cửa phục hồi kinh tế.

Ngày 17/9, tại cuộc họp bàn về kế hoạch phòng dịch và phục hồi kinh tế, các chuyên gia ở TP. HCM cùng Bí thư Nguyễn Văn Nên đã thống nhất quan điểm về việc thành phố cần sớm mở cửa nền kinh tế, sống chung với COVID-19.

Trong cuộc họp, có 5 vấn đề nổi cộm mà các chuyên gia nhận định là cần nhìn nhận thẳng thắn gồm:

Thứ nhất: Không thể loại hẳn dịch COVID-19 ra khỏi cộng đồng.

Thứ hai: Sức chịu đựng của xã hội gần như tới giới hạn, sức chịu đựng của nền kinh tế bị tổn thương, cần phục hồi nền kinh tế, sống chung với COVID-19 chứ không thể đóng cửa mãi.

Thứ ba: Tiếp tục thực hiện giãn cách, tuy nhiên cần có lộ trình, đảm bảo độ an toàn, quản lý rủi ro.

Thứ tư: Điều kiện tiếp cận y tế cho người dân đã cơ bản, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập.

Thứ năm: Các ý kiến đóng góp đều đề nghị cần phải thống nhất chuyển chiến lược sang giai đoạn "bình thường mới", sống chung, sống thích nghi… trong môi trường có dịch bệnh, chuẩn bị mọi điều kiện để ứng phó.

Ông Nên tán đồng quan điểm với các chuyên gia là đã đến lúc TP. HCM phải từng bước mở cửa dần, đảm bảo an toàn, quản lý rủi ro.

“Không thể tưởng tượng là một quận có 700.000 dân mà danh sách đưa lên có hơn 600.000 người cần hỗ trợ, điều đó cho thấy người dân gặp rất nhiều khó khăn, cần hỗ trợ kịp thời”, ông Nên chia sẻ.

TP. HCM hiện đã xây dựng kế hoạch củng cố với 14 chiến lược phòng dịch, trong đó trụ cột là chiến lược y tế. Theo ông Nên, chiến lược y tế sắp tới phải quy định rõ ràng các bước phải làm khi phát hiện trong một tập thể có F0, trong một dây chuyền có F0 hoặc F0 trong cộng đồng.

Trước đây, nếu phát hiện một F0 thì cả đơn vị phải đóng cửa nhưng sắp tới phải tính lại cách ứng phó trong tình hình mới.

Thành phố cần củng cố khả năng ứng phó của y tế cộng đồng, tư nhân, bác sĩ gia đình, hệ thống nhà thuốc tây… Cần phải hình thành mạng lưới y tế đủ sức lo cho dân, chứ không thể dựa mãi vào lực lượng chi viện.

Tại cuộc họp, TS. Trần Du Lịch cho hay, khi đã mở cửa thì mở xuyên suốt, không vì có ca F0 mà dao động, thành phố phải giữ được quan điểm này.

TS. Vũ Thành Tự Anh cũng cho rằng, không thể không mở cửa, thành phố phải học cách thích nghi với hoàn cảnh mới.

Còn TS. Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM - đề xuất, thành phố có hai tuần thí điểm và tập dần để mở cửa an toàn trước khi đến thời điểm 30/9.

Hiện, TP. HCM mỗi năm đóng góp cho ngân sách Trung ương hơn 300.000 nghìn tỉ đồng, nên khi bản thân thành phố gặp khó thì Trung ương cũng gặp khó, do đó, cần phải xây dựng chiến lược mở cửa, ông Ngân cho biết thêm.

Theo PGS. TS Đỗ Văn Dũng (Trưởng khoa Y tế cộng đồng, Đại học Y Dược TP. HCM), thành phố không nên tiếp tục xét nghiệm diện rộng và truy vết vì rất tốn kém, chỉ tập trung lấy mẫu những người có nguy cơ cao, triệu chứng.

GS Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược TP. HCM đặt vấn đề, nếu thành phố tiếp tục xét nghiệm để tách và chuyển F0 đi nơi khác nhằm giữ khu dân cư xanh thì việc truy vết sẽ phải thực hiện mãi vì kết quả xét nghiệm chỉ giá trị trong 3 ngày. Vì vậy, thành phố cần thống nhất quan điểm không cần thiết xét nghiệm diện rộng. Nguồn lực lúc này cần tập trung vào việc bao phủ vắc xin tới người dân, nhất là người có nguy cơ cao, trên 65 tuổi.

Thành Trung


Bí thư TP.HCM: Không thể 'đóng cửa' mãi