Bình Dương: Cảnh sát phá cửa nhà, cưỡng chế người dân đi xét nghiệm COVID-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tối 28/9, nhiều đoạn video ghi lại cảnh một phụ nữ bị lực lượng chức năng phá khóa cửa căn hộ chung cư để cưỡng chế đi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 lan truyền trên mạng xã hội.

Sự việc xảy ra tại Chung cư Ehome 4, phường Vĩnh Phú, TP. Thuận An (tỉnh Bình Dương) được một người quay lại, đưa lên mạng xã hội. Video ghi cảnh thợ phá khóa cửa, cảnh sát ập vào cưỡng chế, đưa người phụ nữ (tên là H.T.P.L.) ra sân chung cư, khóa tay để lấy mẫu, trong khi con trai khóc thét vì sợ.

Theo trình bày của chị P.L., khoảng 10h30 ngày 28/9, khi chị L. đang dạy yoga trực tuyến thì thấy có người đập cửa, đề nghị ra lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Tuy nhiên, chị L. cho rằng, mình đang dạy và mình tự test rồi, đến giờ vẫn an toàn, không có nhu cầu tụ tập test hoài ở chỗ đông người vì lo sợ bị lây truyền bệnh và không muốn cắt ngang buổi giảng dạy.

Đại diện Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 phường Vĩnh Phú xác nhận có sự việc như trong video ghi lại. Giải thích về việc phá khóa, đại diện phường Vĩnh Phú cho rằng, do chị L. không hợp tác nên phải cưỡng chế. Đại diện phường cho rằng trước đó chị L. có nhiều lần không ra lấy mẫu, trong khi căn hộ của chị L. tại tầng trệt từng có ca F0 nên nguy cơ rất cao.

Chị L. cũng thừa nhận trước đó có vài lần khi lực lượng y tế xuống lấy mẫu ở chung cư, chị không ra ngoài nên có một lần nhân viên y tế phải vào tận nơi để lấy mẫu cho chị.

Chị L. cho rằng, không nghe đoàn thông báo phát hiện 2 trường hợp dương tính qua test nhanh ở khu vực trong sáng nay. "Việc phá cửa vào nhà khống chế tôi là sai. Mấy ngày trước họ tự ý vào nhà tôi lấy mẫu xét nghiệm", chị Lan nói và cho biết khi đoàn đứng ngoài cửa vận động, bà đang dạy yoga, mở loa to nên không nghe rõ.

Sau khi video được lan truyền trên mạng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Thuận An đã yêu cầu báo cáo sự việc; trong đó có chi tiết lực lượng chức năng phá khóa cửa căn hộ, cưỡng chế người dân lấy mẫu có đúng quy định pháp luật hay không.

Bình luận về việc này, báo Tuổi trẻ dẫn lời luật sư Phạm Hoài Nam nói: "Hành vi cưỡng chế này rất phản cảm vì trong nhà có phụ nữ và trẻ con. Người phụ nữ bị cưỡng chế không hề được nhận bất kỳ văn bản thông báo nào về việc buộc phải chấp hành quy định xét nghiệm COVID-19, trong nhà lại có trẻ con. Họ phá khóa cửa xông vào nhà bắt giữ người mẹ làm cháu bé khóc và la hét do hoảng loạn, sốc tâm lý có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm sinh lý lâu dài của cháu bé.

Cơ quan chức năng cần phải xem xét xử lý trách nhiệm của những người liên quan vì đây là hành vi trái pháp luật, có dấu hiệu xâm phạm chỗ ở và bắt giữ người trái pháp luật".

Còn luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) thì nói rằng ông rất sốc khi xem clip cơ quan chức năng cho người phá khóa cửa cưỡng chế chị L. ra sân xét nghiệm trong tiếng khóc thét của trẻ em.

"Lúc mới xem tôi tưởng là bắt tội phạm đặc biệt nguy hiểm vì thấy có sự hiện diện của cảnh sát cơ động, công an phường và rất đông cán bộ. Khi phá khóa vào được nhà họ cũng không thông báo, trao đổi gì với người bị cưỡng chế nên tôi càng tin rằng họ bắt tội phạm phạm tội quả tang hoặc tội phạm truy nã.

Tiếng trẻ con khóc thét và tiếng chị L. la lên là tôi đang làm việc, tôi còn đang làm việc khiến tôi bàng hoàng. Người ta đã bẻ cánh tay áp giải người phụ nữ này ra ngoài trong tiếng khóc váng của đứa trẻ khiến tôi rất sốc.

Nhưng tôi còn sốc hơn nữa khi 2 cảnh sát áp giải chị L. ra ghế để buộc xét nghiệm. Tôi không thể tin được là người ta cưỡng chế một người dân như áp giải tội phạm chỉ để đi xét nghiệm, không hề tuân thủ các quy định phòng chống dịch", ông Hướng nói.

Luật sư Hướng nói thêm: "Phải khẳng định đây là hành vi trái pháp luật và vi phạm nghiêm trọng quyền con người mà Hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Bởi việc thực hiện một hành vi cưỡng chế một người phải thực hiện theo một quy trình hành chính. Clip về nội dung vụ việc cho thấy việc cưỡng chế không tuân theo một quyết định và một quy trình nào".


Bình Dương: Cảnh sát phá cửa nhà, cưỡng chế người dân đi xét nghiệm COVID-19