Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời việc đã tiêu bao nhiêu tiền để làm sách giáo khoa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sáng 6/11, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trả lời chất vấn về việc đã tiêu bao nhiêu tiền từ nguồn vay Ngân hàng thế giới (WB) để thực hiện chương trình giáo dục chương trình mới, biên soạn sách giáo khoa và tài liệu bồi dưỡng cán bộ.

Tại buổi chất vấn trực tiếp sáng 6/11 của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đã chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về chi phí thực hiện chương trình giáo dục chương trình mới, biên soạn sách giáo khoa và tài liệu bồi dưỡng cán bộ, theo báo Công luận.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đặt câu hỏi: Khi Bộ tham mưu Chính phủ bài toán kinh phí thay, đổi mới chương trình giáo dục trước Quốc hội khóa XIII là 462 tỷ đồng. Hiện nay, chúng ta đã đầu tư chi trả bao nhiêu tiền ngân sách quốc gia và vay từ Ngân hàng thế giới để thực hiện chương trình giáo dục chương trình mới, biên soạn sách giáo khoa và tài liệu bồi dưỡng cán bộ?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Chính phủ phê duyệt dự án cho đổi mới chương trình sách giáo khoa, đổi mới tổng thể là 80 triệu USD, trong đó 77 triệu USD vay ODA, 3 triệu USD là ứng.

Việc biên soạn sách giáo khoa, Bộ trưởng nói: "Trong cấu phần dành cho biên soạn một bộ sách giáo khoa như thiết kế ban đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ đã báo cáo Quốc hội là không sử dụng khoản tiền này nữa. Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lại 16,5 triệu USD xây dựng bộ sách giáo khoa và để trong tài khoản của World Bank. Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa sử dụng số tiền này".

Về số tiền còn lại là xây dựng chương trình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã triển khai xây dựng chương trình vào các hoạt động phát triển chương trình tổng thể môn học. Cho đến tháng 12 năm nay, cố gắng phấn đấu tiêu được 12 triệu USD, tức hơn 200 tỷ đồng.

"Còn lại số tiền sau khi rà soát, đợt vừa rồi chúng tôi rà soát tất cả những chi phí không thiết thực như tập huấn, tăng cường… không hiệu quả, chúng tôi trả lại Chính phủ và tổng số tiền trả lại là 29,7 triệu đô la, số tiền tiết kiệm sẽ trả lại", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết thêm.

Chủ đề về sách giáo khoa thời gian qua rất được dư luận quan tâm. (Ảnh: gov.vn)

Trước đó tại phiên thảo luận kinh tế – xã hội chiều 3/11, đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo (tỉnh Nam Định) cho rằng, sách giáo khoa khi mới đưa vào giảng dạy khó tránh khỏi sai sót như tình trạng thiếu logic, ngôn ngữ thiếu trong sáng, chưa khai thác được kho tàng văn học Việt Nam, nhưng việc sai sót lần này kéo theo nhiều bất cập thì cần phải xem xét, thậm chí là thu hồi lại toàn bộ chương trình SGK mới.

Đối với thắc mắc của bà Thảo, Bộ trưởng Nhạ cho biết: Theo điều 9, thông tư 33 về sách giáo khoa, kinh nghiệm các bộ sách trước và kinh nghiệm thế giới cho thấy, sách giáo khoa được chỉnh sửa thường xuyên, phù hợp với thực tiễn chứ không phải ban hành xong là xong. Bộ yêu cầu tất cả phải rà soát lại. Căn cứ vào thực tiễn 1 năm thực hiện, Bộ GDĐT sẽ có tổng kết để rút kinh nghiệm và hoàn thiện SGK.

Việt Nam Chính trị

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời việc đã tiêu bao nhiêu tiền để làm sách giáo khoa