Bộ trưởng Y tế: Tình hình dịch Covid-19 tại TP. HCM khá phức tạp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ trưởng Y tế cho biết dịch đã lan ra cộng đồng tại TP. HCM và ngành y tế rất lo lắng vì chưa bắt được nguồn lây lan virus.

Sáng 8/2, trong cuộc họp trực tuyến với TP. HCM, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết với đợt dịch lần này tại thành phố, các ca lây nhiễm có thể xuất hiện trước đây nhưng không phát hiện được bằng phương pháp rRT-PCR.

Ông Long nói: “Nhận định của chúng tôi với tình hình tại TP. HCM là khá phức tạp. Chúng tôi rất lo lắng vì ta chưa bắt được điểm đầu. Với Hải Dương chúng ta còn xác định được. Thành phố có thể thêm trường hợp nhiễm bệnh mới mà không dừng ở con số 29”, theo báo Zing.

“Bệnh nhân 1970 hay 2002 không phải bệnh nhân đầu tiên. Do đó, chúng ta phải truy vết bằng được các trường hợp này. Thứ 2, chúng ta phải khoanh vùng thật nhanh trường hợp này, lấy mẫu triệt để diện rộng, tất cả trường hợp liên quan ca bệnh. Sau đó, sẽ thu hẹp lại khoảng cách phong tỏa, để đỡ ảnh hưởng đến người dân”, ông Long cho biết.

Đối với các nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất mắc Covid-19, Bộ trưởng Y tế nhận định dù không tiếp xúc hành khách nhung những người này giao lưu trong thành phố với rất lớn.

Để đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, theo bộ trưởng, TP. HCM cần lấy mẫu gộp theo cụm gia đình. Các trường hợp F1 phải xử lý xét nghiệm đơn.

Do dịch đã lan ra cộng đồng, ông Long yêu cầu TP. HCM áp dụng Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với từng khu vực.

Lúc 10h ngày 8/2, TP. HCM tổ chức cuộc họp về phòng, chống dịch Covid-19. Sở Y tế cho biết thành phố vừa ghi nhận thêm 24 ca dương tính với virus gây dịch Covid-19.

Trong 24 trường hợp này, có 3 người là F1 của bệnh nhân 2003, 6 người là F1 của bệnh nhân 1979. Ngoài ra, 2 trường hợp đã đến quán lẩu dê ở quận Tân Phú và 15 người là F1 của 16 trường hợp âm tính.

F1 âm tính nhưng F2 dương tính

Trong số các ca bệnh mới, có trường hợp F1 làm cùng với bệnh nhân 1979 đã có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng F2 lại cho kết quả dương tính.

Báo Tuổi trẻ đưa tin:

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. HCM đang phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM thực hiện các xét nghiệm kháng thể để xác định tính chất lây nhiễm của các trường hợp trên.

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, không loại trừ khả năng những trường hợp F1 này nhiễm bệnh nhưng nay đã khỏi bệnh.

Trao đổi tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế rất lo lắng vì chưa xác định được điểm khởi đầu chùm lây nhiễm tại TP. HCM.

“Chúng tôi yêu cầu các đơn vị của Bộ Y tế, nhất là Viện Pasteur nâng công suất xét nghiệm tối đa. Nếu gộp mẫu, cần nâng công suất lên 2.500 mẫu mỗi ngày. Việc điều phối là hết sức quan trọng. Đồng thời, cần khoanh nhanh, xét nghiệm nhanh để có thể kiểm soát sớm tình hình”, Bộ trưởng Y tế nói.

Chỉ thị 16 yêu cầu giãn cách xã hội thế nào?

Chỉ thị 16 yêu cầu bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết:

  • Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác;
  • Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,…
  • Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao.

Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m.

(Theo Bộ Y tế)

Xem thêm:


Bộ trưởng Y tế: Tình hình dịch Covid-19 tại TP. HCM khá phức tạp