Bộ Y tế: Đã thỏa thuận hợp đồng 200 triệu liều vaccine, sẽ tiêm mũi 3 từ cuối năm 2021

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại phiên họp của Quốc hội Việt Nam chiều 8/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã giải trình các vấn đề về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; trong đó có thông tin về thỏa thuận hợp đồng mua 200 triệu liều vaccine và việc tiêm vaccine mũi 3.

Bộ Trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay, Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới 200 triệu liều vaccine; đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều. Đẩy nhanh tốc độ đưa vaccine về trong cuối năm nay để phục vụ tiêm cho người dân.

Tính đến ngày 7/11 đã tiêm được hơn 90 triệu liều với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều và hơn 40% số người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 liều. Số lượng vaccine hiện tại đã đảm bảo bao phủ đủ liều vào cuối năm nay, đồng thời triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm nay và đầu năm sau.

Về tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, đến nay đã triển khai tiêm tại TP.HCM, Bình Dương, Ninh Bình, Sóc Trăng, Đồng Nai, Quảng Ninh, Kiên Giang… Tất cả các địa phương đều tiêm an toàn, chưa có trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm. Hiện đã tiêm khoảng 850.000 liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em…

"Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia) và đứng thứ 7 trong châu Á và là một trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liều tiêm theo ngày và theo tuần" , ông Long nói.

Bộ Trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin thêm, hiện đang tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vaccine trong nước với 2 loại vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 3, 1 vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 2 cùng với các thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành y tế cũng thừa nhận, y tế cơ sở, y tế dự phòng hiện vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đáp ứng năng lực phòng, chống dịch, nhất là khi xảy ra tình huống đại dịch như trong thời gian vừa qua.

Do đó, thời gian tới Bộ sẽ tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới; cơ cấu lại hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tăng cường đầu tư, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế tài chính và mở rộng việc cung ứng dịch vụ y tế cơ sở.

Bộ Y tế cũng cho biết, hiện cũng đang hoàn thiện chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.

Hơn 20.000 người chết vì COVID-19 là "bài học xương máu"

Cũng trong phiên họp, Đại biểu Quốc hội TP. HCM Phạm Khánh Phong Lan phát biểu từ điểm cầu TP. HCM (do mắc COVID -19) đề nghị có biện pháp phòng chống dịch COVID -19 hiệu quả hơn.

Theo Đại biểu TP. HCM, gần 20.000 người tử vong vì COVID-19 là mất mát quá nhiều. Đó là chưa kể rất nhiều bệnh không được chăm sóc tốt về y tế dẫn đến có thể ra đi gián tiếp vì COVID-19.

"Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là tại TP. HCM, có những kinh nghiệm thực tế, không làm được nên dẫn tới hậu quả như vậy. Đó là bài học hết sức xương máu", bà Lan nói.

Theo bà Lan, "bài học xương máu" đầu tiên đó là xem lại hệ thống y tế cơ sở. Vấn đề y tế cơ sở không chỉ vấn đề về tiền mà còn nhân lực, làm sao thu hút nhân lực có trình độ cao, có đủ hiểu biết để hoạt động cho tốt.

Vấn đề thứ hai bà Lan nêu ra đó là hệ thống điều trị. "Chỉ một cơn dịch qua thôi là tan tác hết. Chúng ta chỉ tập trung cấp cứu bệnh nhân mắc COVID-19", đại biểu Lan nêu.

Đại biểu đoàn TP. HCM nhấn mạnh, tất cả những gì chúng ta đã phải trả giá trong thời gian vừa qua là hệ quả để lại của hệ thống y tế chưa đủ mạnh, bên cạnh lỗi của mỗi người, lỗi chủ quan còn có lỗi của chủ trương, chính sách.


Bộ Y tế: Đã thỏa thuận hợp đồng 200 triệu liều vaccine, sẽ tiêm mũi 3 từ cuối năm 2021