Cách phòng cháy chữa cháy giảm nguy cơ cháy nổ trong nhà ống

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những vụ cháy thương tâm tại các gia đình sống trong những ngôi nhà ống bị bịt kín không có lối thoát làm dấy lên nhiều lo ngại về phòng cháy chữa cháy. Nhằm giảm thiểu những mất mát về người và tài sản, mỗi gia đình cần trang bị những kiến thức và cách phòng cháy chữa cháy (PCCC) để hạn chế tối đa các nguy cơ tiềm ẩn gây ra cháy nổ.

Nhà ống là kiểu kiến trúc thường thấy ở các thành phố, đô thị Việt Nam. Dù ở trong hẻm hay ở ngoài mặt đường, nhà ống thường được thiết kế có một cầu thang duy nhất. Vì vậy, khi xảy ra hoả hoạn, khói và khí độc rất dễ lan nhanh theo trục đứng lên các tầng phía trên.

Nhà ống cũng thường được thiết kế với ba mặt nhà là tường đặc, chỉ có mặt trước là cửa ra vào và cửa ra ban công, cửa sổ ở tầng trên. Do vậy, khả năng thông gió hoặc thoát khói của nhà ống thường rất hạn chế.

Ngoài ra, do những lo ngại về tình trạng kẻ gian đột nhập vào nhà trộm cắp tài sản nên khi xây nhà hiện nay, các gia đình thường xây kín đáo, khoá cửa nhiều lớp, không làm cửa hậu hay lối lên mái nhà hoặc xây khung sắt, lưới thép (chuồng cọp) rào kín ban công.

Điều này khiến cho nhà ống trở thành không gian bị bịt kín, không lối thoát, trở thành không gian tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, gây nên những trở ngại cho việc ứng cứu từ bên ngoài khi có hoả hoạn xảy ra. Đặc biệt là với những ngôi nhà nằm trong ngõ hẻm nhỏ, lực lượng chữa cháy cứu nạn, cứu hộ khó có thể tiếp cận cứu người và tài sản nhanh chóng.

Để hạn chế tối đa sự mất mát về người và tài sản trong các vụ hoả hoạn, cháy nổ, mỗi thành viên trong gia đình cần có kiến thức và luôn chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn cho cả gia đình.

Thiết kế nhà ở

Khi xây dựng nhà ống, gia chủ cần thiết kế lối thoát (cửa thoát) hiểm. Nếu không gian cho phép thì xây dựng cửa thoát hiểm ở hai đầu nhà là tốt nhất. Trong trường hợp không gian hạn hẹp, thì cần thiết kế một vị trí hợp lý để xây cửa thoát hiểm. Cần lưu ý để chìa khoá mở cửa thoát hiểm ở vị trí mà các thành viên trong gia đình đều biết và dễ lấy để cả nhà có thể sử dụng ngay lập tức khi cần.

Đối với những ngôi nhà hình ống, sau khi phát hiện ra cháy, người trong nhà nên tìm đường thoát hiểm ở phía đằng trước của ngôi nhà như thoát qua ban công, rồi trèo qua lan can sang nhà bên cạnh hoặc xem xét độ cao xem có thể dùng dây hoặc chăn vải kết thành sợi dây thoát xuống phía dưới hay không.

Nếu lắp đặt lồng sắt, lưới sắt ở lan can, ban công thì cân nhắc làm khung lưới có cửa thoát (làm cửa chốt trong để người bên ngoài không thể vào nhưng người ở trong nhà có thể ra được); hoặc chuẩn bị sẵn bộ dụng cụ phá lồng sắt ở gần khu vực đó để có thể thực hiện phá lồng sắt, thoát ra trong tình huống khẩn cấp.

Nếu ngôi nhà có nhiều khoá thì nên sử dụng các loại khoá có kiểu chìa khác nhau để dễ dàng phân biệt khi mở.

Việc sử dụng các vật liệu chống cháy giúp bảo vệ an toàn cho ngôi nhà hơn. Những vật liệu chống cháy phổ biến hiện nay như: trần, vách thạch cao; sơn chống cháy; cửa chống cháy… giúp giảm thiểu nguy cơ cháy lan khi hoả hoạn xảy ra.

Nhiều vụ hoả hoạn xảy ra vào ban đêm khi cả gia đình đang ngủ nên không kịp thời phát hiện khiến cả nhà bị ngạt khói. Do vậy, chủ nhà nên lắp đặt các thiết bị báo khói, báo cháy trong nhà để có cảnh báo sớm và thường xuyên kiểm tra hệ thống báo động này nhằm bảo đảm chúng vẫn hoạt động tốt.

Trang bị các dụng cụ thoát nạn, phương tiện chữa cháy

Mỗi gia đình nên tự trang bị các vật dụng, thiết bị cần thiết tại chỗ để phòng chống cháy nổ và thoát hiểm nhanh chóng. Mỗi thành viên trong gia đình cần học cách sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy này.

Trang bị bình chữa cháy mini (xách tay) đặt trong nhà để có thể dập tắt những đám cháy nhỏ trước khi chúng lan ra.

Chuẩn bị hộp dụng cụ thoát nạn để ở vị trí gần ban công. Một số dụng cụ cần thiết như: kìm, búa (để phá khoá khi cửa không mở được)…

Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát hiểm khi xảy ra cháy.

Theo thống kê, số lượng người tử vong do hít phải khói độc trong đám cháy nhiều hơn số người tử nạn do lửa. Vì vậy, mỗi gia đình nên mua sẵn những dụng cụ như: kính, mũ trùm đầu, mặt nạ chống độc cho các thành viên trong gia đình.

Trang bị dụng cụ trữ nước vừa để phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy.

Tạo thói quen tốt trong phòng chống cháy nổ tại gia đình

Có nhiều thói quen trong cuộc sống hàng ngày tiềm ẩn nguy cơ gây ra cháy nổ nhưng thường bị bỏ qua. Dưới đây là một số chú ý trong sinh hoạt gia đình giúp hạn chế xảy ra hoả hoạn, cháy nổ.

Không cắm quá nhiều thiết bị vào ổ cắm điện.

Không hút thuốc trên giường hay đồ nội thất dễ cháy.

Để diêm, bật lửa ngoài tầm với của trẻ em.

Nếu gia đình có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì không khoá cửa phòng của những người này để trong tình huống hoả hoạn xảy ra sẽ kịp thời có phương án di chuyển, thoát hiểm.

Kiểm tra thường xuyên hệ thống điện trong nhà: đường dây dẫn điện, các thiết bị bảo vệ điện như: công tắc, cầu chì, aptomat. Không để các thiết bị tiêu thụ điện gần chất liệu dễ cháy như: rèm, màn…

Khi sử dụng bếp điện, bàn là, lò sấy: phải có người trông coi. Không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị tàn tật, người bị tâm thần sử dụng các thiết bị điện.

Không để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy ở nơi đun nấu. Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy.

Nếu dùng bếp gas: phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas. Khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van xả gas.

Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy trong nhà ở. Trong trường hợp cần phải dự trữ thì chỉ để với số lượng ít.

Ô tô, xe máy và các phương tiện, dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để ở trong nhà: cần để cách xa khu vực bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt. Các thiết bị chứa, dẫn xăng dầu… phải để trong thùng, hộp kín.

Không sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan.

Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần nhà phía trên bàn thờ cần được sử dụng vật liệu không cháy. Đèn, nến, hương phải đặt chắc chắn trên các vật liệu không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa để vàng mã, nến, hương trên bàn thờ. Khi đốt vàng mã, phải có che chắn tránh cháy lan hoặc tránh gió cuốn tàn lửa gây cháy.

Trước khi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ cần kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

Khi xảy ra cháy, nổ, cần thực hiện các kỹ năng cơ bản dưới đây:

Không hoảng sợ, hãy bình tĩnh suy xét tình hình và các phương án thoát hiểm.

La to hoặc ấn chuông báo cháy để thông báo cho mọi người biết là có cháy xảy ra.

Ngắt điện hoặc báo cho chi nhánh điện lực để cắt điện tại khu vực xảy ra cháy, nổ.

Nếu đám cháy còn nhỏ hoặc mới phát sinh thì nhanh chóng sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ như: bình chữa cháy, nước, cát, chăn nhúng nước… để dập tắt đám cháy.

Trong trường hợp không xử lý được đám cháy: phải tìm cách thoát ra ngoài nhanh chóng. Dùng khăn vải, chăn màn thấm nước bịt kín mắt, mũi, miệng và bò sát mặt đất để tránh hít phải khí độc, nhanh chóng thoát ra ngoài.

Đóng cửa phòng bị cháy lại để ngăn khói và nguồn nhiệt thoát ra ngoài, hạn chế không cho gió thổi vào tạo nguồn oxi khiến cháy lan ra to hơn.

Khi phát hiện ra cháy, cần gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC qua số điện thoại 114 và thông tin về đám cháy như: nơi xảy ra cháy, vị trí (tầng mấy, phòng mấy) và có khoảng bao nhiêu người mắc kẹt…

Quang Huy

Xem thêm:

Việt Nam Xã hội

Cách phòng cháy chữa cháy giảm nguy cơ cháy nổ trong nhà ống