Cắn cá bị cá nhảy vào cổ họng, nam thanh niên ở Kon Tum suy hô hấp nặng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi bắt được cá, nam thanh niên 23 tuổi ở Kon Tum đưa lên miệng cắn cho cá chết thì bất ngờ, con cá sống nhảy vào cổ họng khiến người này bị suy hô hấp nặng được đưa đi cấp cứu.

Theo thông tin được đăng tải trên báo Thanh Niên, tối 13/3, anh A Mun (23 tuổi, trú xã Đăk La, H.Đăk Hà, Kon Tum) đi đánh cá.

Sau khi bắt được cá, anh Mun đưa lên miệng cắn cho cá chết thì bất ngờ, con cá sống nhảy vào cổ họng khiến anh thấy khó thở nên trở về nhà.

Đến khoảng 23h, anh A Mun được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum trong tình trạng khó thở, suy hô hấp nặng.

Tại bệnh viện, qua nội soi, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có dị vật đường thở là con cá còn sống khiến bệnh nhân khó thở dẫn đến suy hô hấp, đe dọa tính mạng.

Sau gần 2 giờ nội soi, con cá sống mới được gắp ra khỏi đường thở của bệnh nhân.

Hiện, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, đang tiếp tục được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Triệu chứng của suy hô hấp cấp

Suy hô hấp cấp là tình trạng phổi đột nhiên không đảm bảo chức năng trao đổi khí gây ra thiếu oxy máu, kèm theo hoặc không kèm theo tăng CO2 máu.

Người cao tuổi là đối tượng dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, trong đó có bệnh suy hô hấp ở người già.

Suy hô hấp cấp là một cấp cứu thường gặp nhất, cần phải can thiệp ngay. Các triệu chứng của suy hô hấp cấp gồm:

Nhịp thở: Thiếu oxy và/hoặc tăng CO2 máu khiến bệnh nhân thở nhanh, tần số thở khoảng 40 lần/phút phối hợp với sự co kéo các cơ hô hấp, thấy rõ ở hõm trên xương ức và các khoảng gian sườn; ở trẻ em có thể kèm theo cánh mũi phập phồng. Trong những trường hợp có tổn thương do liệt (viêm đa rễ thần kinh, liệt tứ chi do tổn thương tủy sống, bệnh nhược cơ nặng...), tần số thở thường giảm, biên độ hô hấp yếu, bệnh nhân không ho được, do đó gây nên ứ đọng đờm dãi trong phế quản.

Tím tái: đây là triệu chứng chủ yếu, xuất hiện ở môi, đầu ngón tay, chân, mặt hay toàn thân. Tím rõ hơn khi hemoglobin máu cao (trong suy hô hấp mạn); không thấy rõ tím khi thiếu máu nặng. Tím thường phối hợp với tăng khí carbonic máu, tím đi kèm giãn mạch ở đầu chi, đôi khi có vã mồ hôi.

Triệu chứng tuần hoàn: mạch nhanh, có cơn tăng huyết áp và tăng cung lượng tim, có thể có loạn nhịp trên thất, giai đoạn sau huyết áp có thể hạ.

Triệu chứng suy tim phải cấp tính: Đặc biệt thường gặp trong đợt cấp của suy hô hấp mạn. Triệu chứng chính là: gan to, phản hồi gan tĩnh mạch cổ (+), nặng hơn là tĩnh mạch cổ nổi tự nhiên (ở tư thế 45), những triệu chứng này giảm khi suy hô hấp cấp giảm.

Triệu chứng thần kinh tâm thần: Triệu chứng này chỉ gặp trong suy hô hấp cấp nặng; đó là trạng thái kích thích, vật vã, rối loạn tri giác như lơ mơ hay hôn mê.

Phòng tránh suy hô hấp cấp như thế nào?

Không phải tất cả các nguyên nhân gây suy hô hấp cấp tính đều có thể phòng ngừa được, tuy nhiên, trong trường hợp suy hô hấp do viêm phổi và một số bệnh liên quan đến đường thở khác, mỗi người đều có thể thực hiện một số cách phòng tránh dưới đây để bảo vệ phổi của mình:

  1. Hạn chế hút thuốc lá, vì khói thuốc có thể làm hỏng phổi;
  2. Gặp bác sĩ khi có dấu hiệu nhiễm trùng do vi khuẩn, chẳng hạn như sốt, ho và tăng tiết dịch nhầy;
  3. Tuân thủ tốt việc uống thuốc điều trị suy hô hấp để giữ cho tim và phổi khỏe mạnh;
  4. Duy trì hoạt động thể chất thích hợp để tăng cường chức năng phổi.

Suy hô hấp cấp tính là một tình trạng y tế nghiêm trọng có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn. Các triệu chứng bao gồm nhầm lẫn, thở nhanh, khó thở, xanh tím. Bệnh nhân cần nhập viện ngay khi có các dấu hiệu đầu tiên của suy hô hấp để ngăn ngừa bệnh nặng hơn.


Cắn cá bị cá nhảy vào cổ họng, nam thanh niên ở Kon Tum suy hô hấp nặng