Căn cước công dân gắn chip là gì? Một số điều cần biết về CCCD gắn chip

Giúp NTDVN sửa lỗi

Căn cước công dân gắn chip là gì là thắc mắc của nhiều người dân khi các tỉnh, thành và Bộ Công an phối hợp thực hiện. Làm căn cước công dân gắn chip cần lưu ý những gì? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp căn cước công dân gắn chip là gì và một số lưu ý khi làm căn cước công dân gắn chip.

1. Loại thẻ căn cước công dân gắn chip là gì?

Theo quy định cụ thể về căn cước công dân tại khoản 1 Điều 3 Luật Căn cước công dân 2014:

“Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này”.

Vậy loại thẻ căn cước công dân gắn chip là gì?

Đây là loại thẻ căn cước công dân nhưng được gắn thêm một mã QR code nằm ở góc trên mặt trước của thẻ và một chip điện tử ở mặt sau của thẻ.

Mã QR Code

Mã QR Code nằm ở mặt trước, phía góc phải bên trên của thẻ căn cước công dân gắn chip. QR Code này lưu thông tin của số thẻ căn cước công dân; mã hóa toàn bộ các thông tin cá nhân như: họ và tên; năm sinh; địa chỉ; và ngày cấp thẻ căn cước công dân.

Chip điện tử

Chip điện tử ở mặt sau của thẻ căn cước công dân gắn chip chứa các thông tin: số căn cước công dân; họ tên - họ tên khác; ngày/ tháng/ năm sinh; quốc tịch; giới tính; quê quán; dân tộc; tôn giáo; đặc điểm nhận dạng; nơi đăng ký thường trú; ngày cấp, ngày hết hạn của thẻ; họ và tên cha/mẹ, vợ/chồng; số CMND đã được cấp; ảnh chụp chân dung; đặc điểm vân tay của 2 ngón trỏ; dự phòng cho ảnh mống mắt cùng các thông tin cá nhân khác (mở rộng ứng dụng cho các bộ, ngành khác).

Hai thành phần này trên thẻ căn cước công dân gắn chip còn được tích hợp thêm một số thông tin cá nhân của người sở hữu thẻ như: sổ hộ khẩu; bằng lái xe; bảo hiểm;...

Mặc dù được tích hợp đa chức năng nhưng thẻ căn cước công dân gắn chip có kích thước giống như một thẻ ATM bình thường.

2. Tại sao phải làm thẻ căn cước công dân gắn chip?

Hiện tại, Việt Nam đang lưu hành cùng lúc các loại giấy tờ tuỳ thân là: CMND 9 số; CMND 12 số; căn cước công dân mã vạch, căn cước công dân gắn chip.

Thẻ căn cước công dân gắn chip có khả năng lưu trữ lớn

Theo Bộ Công an Việt Nam, thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử có dung lượng lưu trữ lớn. Loại thẻ này cho phép tích hợp nhiều tính năng đi kèm như: Ứng dụng chữ ký số; ứng dụng mật khẩu một lần; ứng dụng sinh trắc học…

Căn cước công dân gắn chip tích hợp được nhiều thông tin của công dân hơn. Trong đó có thể tích hợp các thông tin khác của cá nhân như: bằng lái xe; thuế; bảo hiểm y tế…

Các dữ liệu này có thể được sử dụng và tích hợp rộng rãi cho các dịch vụ công và tư khi người dân thực hiện các thủ tục, giao dịch.

Với căn cước công dân gắn chip, thông tin của người dân sẽ được cập nhật lên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Vì vậy, khi làm các thủ tục hành chính, người dân chỉ cần mang theo căn cước công dân gắn chip; không cần mang nhiều loại giấy tờ khác như trước đây. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí công chứng, chứng thực giấy tờ; đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả trong việc quản lý của Chính phủ.

Thẻ căn cước công dân gắn chip có khả năng bảo mật cao

Cơ quan công an cũng cho rằng căn cước công dân gắn chip có mức độ bảo mật cao nên thông tin định danh của công dân trên thẻ không thể giả mạo được. Chỉ có chủ sở hữu của thẻ mới sử dụng được; nên nếu có bị mất thì chủ sở hữu thẻ cũng không bị ảnh hưởng gì.

Bên cạnh việc cho phép nhà chức trách có thể truy suất dữ liệu công dân nhanh, chính xác; thẻ căn cước công dân gắn chip còn cho phép người dân có thể truy cập và sử dụng hệ thống dịch vụ công.

3. Ai phải đổi sang căn cước công dân gắn chip?

Không phải tất cả mọi công dân đều bắt buộc phải đổi sang căn cước công dân gắn chip mới.

Trường hợp phải đổi sang căn cước công dân gắn chip mới

Những trường hợp bắt buộc phải đổi sang căn cước công dân gắn chip là những công dân có CMND 9 số; CMND 12 số; và căn cước công dân mã vạch hết hạn, hỏng.

Những trường hợp không bắt buộc

Những công dân có CMND 12 số; căn cước công dân mã vạch còn hạn sử dụng; không bị hỏng, rách vẫn tiếp tục được sử dụng cho đến khi thẻ hết hạn.

Ngoài ra, những công dân có nhu cầu đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip cũng có thể đăng ký làm thủ tục đổi thẻ.

Quy trình làm thẻ căn cước công dân gắn chip được thực hiện rất nhanh chóng. Mỗi công dân chỉ mất khoảng chưa đến 10 phút để đăng ký làm thẻ. Thời gian nhận thẻ có thể lâu hơn so với quy định do nhiều nguyên nhân và tuỳ tình hình thực tế ở mỗi địa phương.

Bài viết trên đã làm rõ "căn cước công dân gắn chip là gì" và một số điều cần biết khi làm căn cước công dân gắn chip. Hiện, các tỉnh, thành trong cả nước đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công an thực hiện cấp; trả thẻ căn cước công dân gắn chip cho người dân.

Hoàng Thái

Xem thêm:

Việt Nam Xã hội

Căn cước công dân gắn chip là gì? Một số điều cần biết về CCCD gắn chip