Căn cước công dân và chứng minh nhân dân: Cách sử dụng như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Căn cước công dân và chứng minh nhân dân có đặc điểm khác nhau như thế nào? Cách sử dụng ra sao? Cần lưu ý những gì khi sử dụng hai loại thẻ căn cước này? Bài viết dưới đây sẽ thông tin đến bạn một vài lưu ý khi sử dụng các loại giấy tờ tuỳ thân này.

1. Đặc điểm khác nhau giữa căn cước công dân và chứng minh nhân dân

Căn cước công dân là loại giấy tờ tùy thân thể hiện những thông tin cơ bản về: lai lịch; đặc điểm nhận dạng của cá nhân; được sử dụng trong các giao dịch thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Chứng minh nhân dân là một loại thẻ giấy tờ tùy thân của công dân; do cơ quan công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và thông tin cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định; nhằm bảo đảm thực hiện thuận tiện các quyền, nghĩa vụ của công dân; trong quá trình đi lại và thực hiện các giao dịch thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Theo quy định của Luật Căn cước công dân, từ ngày 1/1/2016, người dân từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước công dân 12 số; từ ngày 1/1/2021, được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip.

Xét về bản chất thì hai loại giấy tờ căn cước này là giống nhau. Đây đều là loại giấy tờ tùy thân thể hiện những thông tin cơ bản của công dân về lai lịch; các đặc điểm nhận dạng; được sử dụng trong các giao dịch thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Đặc điểm khác nhau giữa căn cước công dân và chứng minh nhân dân

Hai loại thẻ căn cước này cùng là loại giấy tờ tuỳ thân nhưng khác nhau về thời hạn sử dụng của thẻ. Thời hạn sử dụng của thẻ chứng minh nhân dân là 15 năm kể từ ngày được cấp. Đối với thẻ căn cước công dân, sau mỗi lần được cấp mới thì công dân phải đi đổi thẻ vào các năm 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Sau độ tuổi 60 thì công dân không cần đổi thẻ căn cước công dân nữa.

Thẻ căn cước công dân gắn chip có thêm một mã QR code và một con chip điện tử. Những tích hợp mới về công nghệ này giúp tăng khả năng lưu trữ các thông tin của công dân; cũng như tăng mức độ bảo mật thông tin trên thẻ.

2. Lưu ý khi sử dụng chứng minh nhân dân và căn cước công dân

Về quy định của pháp luật, Điều 11 Thông tư 59/2021/TT-BCA quy định, công an sẽ thu lại giấy tờ chứng minh nhân dân; hoặc thẻ căn cước công dân đang sử dụng khi công dân đổi từ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân.

Tuy nhiên, có nhiều người vẫn giữ đồng thời cả giấy chứng minh nhân dân và thẻ căn cước công dân.

Do ở Việt Nam đang đồng thời lưu hành chứng minh nhân dân 9 số, 12 số; thẻ căn cước công dân mã vạch; thẻ căn cước công dân gắn chip; nên trong quá trình sử dụng chứng minh nhân dân và căn cước công dân có một số lưu ý.

Nếu giấy tờ chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật Căn cước công dân có hiệu lực: thì chứng minh nhân dẫn vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn 15 năm theo quy định. Trong trường hợp công dân có yêu cầu đổi sang thẻ căn cước công dân: thì làm thủ tục tại cơ quan công an có thẩm quyền.

Đối với trường hợp công dân đã đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip nhưng vẫn còn giữ chứng minh nhân dân cũ:

Nếu CMND hết hạn sử dụng

Nếu chứng minh nhân dân cũ đã hết hạn; hoặc bị cắt góc; hoặc bị mờ; nhoè; không thể đọc chính xác thông tin: thì chứng minh nhân dân đó không còn giá trị sử dụng; sẽ dẫn đến nhiều rủi ro về pháp lý sau này. Người dân cần đổi sang sử dụng căn cước công dân gắn chip trong khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch...

Nếu sử dụng chứng minh nhân dân đã hết hiệu lực sau khi làm thẻ căn cước công dân mới: thì công dân có thể vi phạm lỗi không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân; được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 10 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Với lỗi vi phạm này, công dân có thể bị phạt cảnh cáo; hoặc bị mức phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.

Nếu CMND vẫn còn hạn sử dụng

Nếu chứng minh nhân dân cũ chưa hết hạn (thời hạn 15 năm); vẫn còn rõ nét; không bị cắt góc: thì công dân vẫn có thể sử dụng chứng minh nhân dân đó.

Tuy nhiên, để thuận tiện cho các thủ tục và giao dịch sau này, người dân nên sử dụng căn cước công dân gắn chip; không nên sử dụng đồng thời cả thẻ chứng minh nhân dân cũ và thẻ căn cước công dân mới. Trong căn cước công dân gắn chip cũng đã chứa thông tin số chứng minh nhân dân cũ của công dân.

Trên đây là những lưu ý khi sử dụng căn cước công dân và chứng minh nhân dân. Người dân cần nắm rõ những quy định cụ thể khi sử dụng các loại giấy tờ tuỳ thân này; để bảo đảm thực hiện các thủ tục hành chính và giao dịch an toàn, nhanh chóng; tránh những rủi ro đáng tiếc về mặt pháp lý sau này.

Hoàng Thái

Xem thêm:

Việt Nam Xã hội

Căn cước công dân và chứng minh nhân dân: Cách sử dụng như thế nào?