Chủ tịch Phan Văn Mãi: Nếu dịch diễn biến xấu, TP.HCM sẽ siết chặt hoạt động

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cho biết, khi dịch Covid-19 giảm, vùng xanh được mở rộng, các hoạt động sẽ được mở nhiều hơn; còn khi dịch diễn biến xấu thì bắt buộc hạn chế các hoạt động lại.

Sáng 12/11, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố có xu hướng phức tạp lại. Điều này thể hiện qua việc, số ca F0 gia tăng những ngày gần đây.

Theo ông Mãi, việc F0 gia tăng nằm trong dự kiến của thành phố vì khi mở cửa, việc giao thương, tiếp xúc, đi lại nhiều hơn. TP. HCM và các quận, huyện, phường, xã luôn theo dõi sát, thấy chỗ nào bất thường thì có phương án xử lý. Chủ tịch UBND thành phố lấy ví dụ, khi huyện Hóc Môn, Nhà Bè nhận diện nguy cơ, các biện pháp truy vết nhanh, xử lý kịp thời đã được đưa ra.

"Công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP. HCM vẫn diễn ra hằng ngày, ngành y đã có hướng dẫn cụ thể trong vấn đề xử lý khi xuất hiện F0. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 vẫn theo dõi sát tình hình tại thành phố và đưa ra chỉ đạo", Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết.

Chủ tịch thành phố nhấn mạnh, thành phố luôn phải chủ động trong phòng, chống dịch, không lơ là và coi đây là việc thường xuyên.

Hiện tại, thành phố chia công tác phòng, chống dịch thành 2 nhóm là trước khi có F0 và sau khi phát hiện F0. Trong đó, trước khi xuất hiện F0, từng người dân, gia đình, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp cần thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, hình thành các thói quen tích cực mới.

Khi xuất hiện các F0, ngành y tế cùng các đơn vị phải xử lý kịp thời để hạn chế sự lây nhiễm. Khi bị nhiễm, bệnh nhân cần được tiếp xúc với thuốc điều trị kịp thời nhằm ngăn chặn ca chuyển nặng, tử vong.

Chủ tịch UBND TP. HCM nhấn mạnh thành phố đang thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt. Do vậy, độ mở của các hoạt động kinh tế, xã hội sẽ tùy thuộc vào tình trạng của dịch bệnh. "Nếu dịch Covid-19 giảm, vùng xanh được mở rộng, các hoạt động sẽ được mở nhiều hơn. Còn khi dịch xấu đi thì bắt buộc các hoạt động cần hạn chế lại", ông Mãi nói.

Hiện nhiều địa bàn có nguy cơ dịch bệnh ở cấp độ 3 - nguy cơ cao, có nơi ở cấp độ 2 - nguy cơ trung bình, có nơi ở cấp độ 1 - nguy cơ thấp, còn chung toàn thành phố đang ở cấp độ 2. “Số ca nhiễm hằng ngày đang tăng, nếu tới mức phải siết lại thì thành phố sẽ siết chặt”, ông Mãi thông tin, đồng thời cho biết việc đánh giá cấp độ dịch được thực hiện hằng tuần.

Thêm 15 tuyến xe buýt tại TP. HCM hoạt động trở lại

Trung tâm quản lý giao thông công cộng vừa tổ chức hoạt động thêm 15 tuyến xe buýt trợ giá từ ngày 12/11, nâng tổng số tuyến hoạt động trở lại lên 55 tuyến.

Cụ thể, 15 tuyến hoạt động trở lại gồm: số 7 (Bến xe Buýt Chợ Lớn – Gò Vấp); số 30 (Chợ Tân Hương – Đại Học Quốc Tế); số 38 (Khu Dân Cư Tân Quy – Bến Thành – Đầm Sen); số 39 (Bến Thành – Võ Văn Kiệt – Bến xe Miền Tây); số 43 (Bến xe Miền Đông – Phà Cát Lái); số 55 (Công Viên Phần Mềm Quang Trung – Khu Công Nghệ Cao); số 62 (Bến xe Buýt Quận 8 – Thới An); số 64 (Bến xe Miền Đông – Đầm Sen); số 71 (Bến xe An Sương – Phật Cô Đơn); số 91 (Bến xe Miền Tây – Chợ nông sản Thủ Đức); số 93 (Bến Thành – Đại học Nông Lâm); số 103 (Bến xe Buýt Chợ Lớn – Bến xe Ngã 4 Ga); số 126 (Bến xe Củ Chi – Bình Mỹ); số 139 (Bến xe Miền Tây – Khu tái định cư Phú Mỹ) và số 148 (Bến xe Miền Tây – Gò Vấp).

Như vậy đến nay, TP. HCM đã có 55 tuyến xe buýt trợ giá được khôi phục hoạt động. Dự kiến đến 15/11, toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá sẽ được hoạt động trở lại để phục vụ người dân.

Các tuyến buýt không trợ giá liên tỉnh, việc mở lại sẽ được phối hợp các địa phương để triển khai.

TP. HCM hiện có 126 tuyến xe buýt, gồm 90 tuyến trợ giá và 36 tuyến không trợ giá. Trước đó, từ ngày 20/6, toàn bộ xe buýt ở TP. HCM phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch.


Chủ tịch Phan Văn Mãi: Nếu dịch diễn biến xấu, TP.HCM sẽ siết chặt hoạt động