Bình Thuận: Chuẩn bị mặt bằng và thi công sân bay Phan Thiết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 5/4, lễ chuẩn bị mặt bằng và triển khai dự án đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết đã diễn ra tại tỉnh Bình Thuận.

Bộ Quốc phòng phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức lễ chuẩn bị mặt bằng và xây dựng dự án sân bay Phan Thiết.

Dự án được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 2009, rộng 543 ha, được khởi công đầu năm 2015, dự kiến hoàn thành năm 2018 nhưng sau đó tạm dừng.

Năm 2017, UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất nâng cấp sân bay Phan Thiết 4C lên cấp 4E, với một đường cất hạ cánh có chiều dài 3.050m để có thể khai thác các chuyến bay quốc tế trong tương lai.

Dự án được Thủ tướng phê duyệt là một trong 15 cảng hàng không nội địa trong cả nước có quy mô cấp 4E dân dụng kết hợp với sân bay quân sự cấp 1.

Theo ông Lê Tuấn Phong – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, việc xây dựng sân bay quân sự tại TP. Phan Thiết là tiền đề quan trọng để tỉnh Bình Thuận thực hiện đầu tư xây dựng các hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT đưa vào khai thác đồng bộ Cảng Hàng không.

Thượng tướng Trần Đơn – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết trước đây dự án phải chờ đấu giá sân bay Nha Trang cũ để lấy nguồn vốn đầu tư sân bay Phan Thiết. Nhưng sau đó, Thủ tướng đã đồng ý đầu tư dự án này theo hình thức đầu tư công.

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.

Sân bay Phan Thiết được kỳ vọng sẽ giúp thành phố biển này trở nên gần gũi hơn với du khách miền Bắc yêu thích du lịch tại các vùng biển miền Trung.

Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, cả nước có 28 cảng hàng không (15 cảng hàng không quốc nội và 13 cảng hàng không quốc tế). Trong đó, Phan Thiết là một trong 6 cảng hàng không quốc nội ở khu vực phía Nam (cùng với Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Côn Đảo và Cà Mau).

Cùng với đường hàng không, tỉnh Bình Thuận cũng đang thực hiện đồng bộ nhiều dự án hạ tầng giao thông đường sắt, đường thuỷ, đường bộ để phát triển kinh tế nói chung và phát triển du lịch nói riêng.

Dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đã được khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2022. Khi tuyến cao tốc hoàn thành sẽ giúp rút ngắn gần một nửa thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Phan Thiết (chỉ còn chưa đến 2 tiếng). Bên cạnh đó, Cảng Vĩnh Tân – cảng biển quốc tế đầu tiên ở khu vực Nam Trung Bộ đã được đưa vào vận hành khai thác.

Ngày 5/1 vừa qua, sân bay Long Thành (chỉ cách Bình Thuận hơn 1 giờ di chuyển) cũng đã được khởi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Hệ thống sân bay được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao tỉ lệ khách quốc tế cao cấp, đón các đoàn khách charter trong tương lai, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Bình Thuận.

Du lịch Bình Thuận đang hướng tới mục tiêu đón 9 triệu lượt khách (trong đó có khoảng 1,5 triệu lượt khách quốc tế), mang lại tổng doanh thu 24.000 tỉ đồng vào năm 2025.

Trần Phong

Việt Nam Xã hội

Bình Thuận: Chuẩn bị mặt bằng và thi công sân bay Phan Thiết