Chuyên gia: Việt Nam cần phản ứng sáng tạo, nếu không sẽ hứng chịu lũ lụt liên tiếp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các chuyên gia quốc tế cho rằng Việt Nam đang hứng chịu những tác động thời tiết tồi tệ nhất thế giới.

Ông Grahame Madge, người phát ngôn Văn phòng Khí tượng Anh (Met), cơ quan khí tượng quốc gia của Anh, nói với báo VnExpress: "Theo đánh giá toàn cầu của chúng tôi về các điều kiện khí tượng hiện nay, Việt Nam đang hứng chịu những tác động thời tiết tồi tệ nhất thế giới".

Met được thành lập từ năm 1854, là một trong những cơ quan cung cấp thông tin thời tiết và khí hậu hàng đầu thế giới.

Vào ngày 11/10, bão Linfa đổ bộ vào các tỉnh miền Trung Việt Nam khiến khu vực này liên tiếp có mưa lớn, gây lũ lụt và lở đất. Tính đến 19/10, mưa lũ làm ít nhất 122 người chết mà mất tích, gần 53.000 hộ dân phải sơ tán. Địa bàn bị thiệt hại rải khắp 10 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên làm 12 tuyến quốc lộ, hơn 17.400 m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng, trong đó nặng nề nhất là Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Nam.

The ông Madge, trong hai đến ba ngày tới, các khu vực miền Trung Việt Nam có thể có thêm mưa bất thường, một số nơi có thể có lượng mưa đến 1.200 mm. Diễn biến này do rãnh áp thấp gió mùa hoạt động mạnh, có khả năng phát triển thành bão nhiệt đới yếu, khiến tổng lượng mưa tăng lên.

Về dài hạn, khả năng hình thành một cơn bão nhiệt đới mạnh hơn ở Biển Đông có thể đẩy rãnh áp thấp gió mùa xuống miền nam Việt Nam, giúp thời tiết ở miền Trung tạnh ráo hơn.

Phó giáo sư Kei Yoshimura, thuộc Khoa nghiên cứu môi trường tự nhiên, Đại học Tokyo, Nhật Bản, cho biết bão Linfa đổ bộ vào miền Trung Việt Nam là nguyên nhân chính gây mưa lớn bất thường. Bên cạnh đó, áp thấp nhiệt đới ở gần Philippines xuất hiện ngay sau bão Linfa, khiến tình hình càng thêm xấu.

Ông Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson, Hoa Kỳ, lo ngại những trận lụt tương tự sẽ trở thành hiện tượng "bình thường mới" ở khu vực ven biển miền Trung Việt Nam. Ông lo ngại rằng khi mực nước biển dâng và tiến sâu vào đất liền, nước lũ sẽ dâng cao hơn so với trước đây.

Ông Eyler cảnh báo khu vực ven biển sẽ bị xuống cấp thêm qua mỗi năm, do đó Việt Nam cần tính đến các phương án xử lý, ví dụ như xây tường chắn, tìm khu tái định cư cho người dân hoặc tìm sinh kế mới cho họ, quy hoạch lại khu vực nông thôn và thành thị.

Chuyên gia này cũng cho rằng với 30% dân sống ở vùng ven biển dễ bị lũ lụt, Việt Nam cần có phản ứng sáng tạo để các nước khác có thể coi như bài học kinh nghiệm, nếu không sẽ phải hứng chịu các thảm họa lũ lụt liên tiếp trong tương lai.

Phó giáo sư Yoshimura đề xuất Việt Nam nên thúc đẩy hoạt động của hệ thống cảnh báo lũ trong dài hạn, dự đoán lũ trước 24h, có thể giúp người dân sơ tán an toàn.

Mai Nguyễn

Xem thêm:


Chuyên gia: Việt Nam cần phản ứng sáng tạo, nếu không sẽ hứng chịu lũ lụt liên tiếp