Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn là ai? Bị bắt chưa? Tài sản?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Cựu Chủ tịch Công ty AIC bị khởi tố trong vụ án thứ 2 để điều tra những sai phạm liên quan đến đấu thầu thiết bị y tế tại tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 18/8, cảnh sát điều tra (C03 - Bộ Công an) đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) và Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh (tỉnh Quảng Ninh).

Khởi tố các bị can ở công ty AIC và Sở Y tế Quảng Ninh

Đồng thời, C03 đã khởi tố 8 bị can gồm:

  • Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty AIC;
  • Đỗ Văn Sơn - Kế toán trưởng của AIC;
  • Nguyễn Hồng Sơn - Phó tổng giám đốc Công ty AIC;
  • Trương Thị Xuân Loan - Trưởng ban 3 Công ty AIC;
  • Nguyễn Thị Tích - Tổng giám đốc Công ty Mopha;
  • Hoàng Đình Sơn - nguyên Phó giám đốc Ban quản lý dự án các công trình y tế (Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh);
  • Phạm Ngọc Dũng - Chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh, nguyên chuyên viên Phòng Kế hoạch tài chính (Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh);
  • Và Nguyễn Quý Thịnh - chuyên viên Phòng Kế hoạch tài chính (Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh).

Vì sao bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị truy nã?

Trong đó, 6 bị can đã bị bắt tạm giam, riêng bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn, cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã để phục vụ điều tra.

Theo kết quả điều tra bước đầu, C03 xác định năm 2012, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản nhi với tổng mức đầu tư hơn 238 tỷ đồng do Sở Y tế làm chủ đầu tư.

Trong quá trình thực hiện, các bị can đã thông đồng với công ty tư vấn thẩm định giá, ban hành chứng thư thẩm định giá theo giá cao hơn giá thị trường, móc ngoặc với nhà thầu và Công ty AIC để nâng giá thiết bị y tế, gây thiệt hại tài sản nhà nước 73 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 29/4, C03 đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai; đồng thời khởi tố bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 8 bị can khác do có liên quan đến sai phạm xảy ra tại dự án này.

Cơ quan điều tra cáo buộc bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng các bị can khác đã gian lận, thông thầu để Công ty AIC trúng 12 gói thầu, gây thiệt hại cho nhà nước 152 tỷ đồng.

Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã đưa hối lộ 43 tỷ đồng
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. (Ảnh: Bộ Công an)

Bắt cựu Ủy viên Trung ương vì vụ bà Thanh Nhàn AIC

Ông Trần Đình Thành, sinh năm 1955, ủy viên trung ương đảng hai khóa, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai bị bắt, cùng với ông Đinh Quốc Thái, sinh năm 1959, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an (C03) đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam hai bị can, theo BBC Việt Nam.

Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình điều tra vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) và các đơn vị liên quan.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn (AIC) là ai? Tiểu sử thế nào?

  • Nguyễn Thị Thanh Nhàn (sinh năm 1969) là một nữ doanh nhân, Viện sĩ, Tiến sĩ người Việt Nam. Bà là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).
  • Bà Nhàn sinh ra và lớn lên ở Bắc Ninh, trong gia đình giáo chức có đến 7 người con. Bà từng theo học hai trường gồm trường Đại học Ngoại ngữ và Đại học Ngoại thương.
  • Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) của bà Nhàn kinh doanh nhiều lĩnh vực. Từ giáo dục, y tế cho đến công nghệ.
  • Năm 2015, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn được Viện Hàn lâm Quốc tế IASS trao tặng 2 danh hiệu gồm: Viện sĩ có thành tích xuất sắc nhất (2004-2014) và Ngôi sao Vernadski. Bà Nhàn là Viện sĩ, Tiến sĩ, người phụ nữ đầu tiên của châu Á nhận được giải thưởng này.
  • Đến năm 2017, bà Nhàn lọt vào danh sách 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam do tạp chí Forbes Việt bình chọn. Vào tháng 11/2018, bà Nhàn nhận được Huân chương Mặt trời mọc – Tia sáng Vàng do Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio trao tặng. Bà Nhàn là cá nhân đầu tiên trong lịch sử dưới tuổi 50 nhận được huân chương này.
  • Ngoài ra, trong sự nghiệp, bà Nhàn còn nhận về nhiều giải thưởng khác trong cơ nghiệp khủng. Kể đến như: Sao đỏ, Doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu nhất, Thương hiệu quốc gia xuất sắc nhất, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu nhất,… Cùng với đó là nhiều bằng khen, huân chương do cán bộ, thủ tướng ban tặng.
  • Năm 1999, bà Nhàn gia nhập vào công ty Xây dựng và Thương mại Traenco. Nắm giữ bộ phận chuyên phụ trách mảng xuất khẩu lao động.
  • Đến năm 2005, khi công ty Traenco đã lớn mạnh và được cổ phần hóa. Bà Nhàn đã giành được ghế chủ tịch. Bà đổi tên công ty thành công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC. Mở rộng hướng kinh doanh sang cung cấp nhân lực cho khu công nghiệp.
  • AIC phất lên nhanh chóng và có gần 30 công ty con. Công ty AIC mở rộng sang nhiều lĩnh vực y tế, giáo dục. Trong lĩnh vực y tế, AIC tham gia nhiều dự án thầu. Cụ thể là cung cấp thiết bị và công trình xây dựng hệ thống xử lý chất thải bệnh viên. Về giáo dục, AIC đảm nhận cung cấp trang thiết bị dạy học và đào tạo bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh.

Tóm tắt lý lịch, tiểu sử của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Tên đầy đủ: Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Ngày sinh: 01/01/1969
Bao nhiêu tuổi: 53 tuổi (Tính đến năm 2022)
Quê quán: Bắc Ninh
Học vấn: Đại học Ngoại Ngữ
Đại học Ngoại Thương
Ngôn ngữ thông thạo: Tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nga và tiếng Nhật
Nghề nghiệp: Doanh nhân
Công ty: Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC (2005 – 2022)

Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị bắt chưa? Hiện đang ở đâu?

Ngày 11/11, Bộ Công an Việt Nam phát thông báo yêu cầu 8 người bị truy nã trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu xảy ra tại Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) đến cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an hoặc cơ quan công an gần nhất đầu thú. Như vậy bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn chưa bị bắt và đang được kêu gọi ra đầu thú.

Bộ Công an cho hay, nếu tiếp tục bỏ trốn, người liên quan coi như từ bỏ quyền tự bào chữa. Trong trường hợp các bị can không ra đầu thú trong giai đoạn điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an sẽ điều tra, kết luận vụ án theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Bộ Công an vào đầu tháng 5/2022 đã phát lệnh truy nã với bà Nhàn vì “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và cho biết nữ doanh nhân này đã bỏ trốn từ ngày 19/6/2021.

Một nhân vật sân sau?

Trong kết luận điều tra của Bộ Công an liên quan đến vụ án ở Đồng Nai được báo Tuổi Trẻ trích dẫn, cơ quan cảnh sát điều tra cho rằng bà Nhàn, ngoài vi phạm về quy định đấu thầu, còn mắc tội nhận hối lộ.

Cơ quan này kết luận rằng bà Nhàn, còn được cho là một “nhân vật sân sau của nhiều quan chức” ở Việt Nam, đã trực tiếp và chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho các lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và cựu giám đốc Sở Y tế tỉnh này tổng số tiền lên đến gần 44 tỷ đồng.

Theo truyền thông Israel, Bà Nhàn là một “nhân vật quan trọng” trong việc thúc đẩy cũng như môi giới các hợp đồng mua bán vũ khí giữa Israel và Việt Nam trong thập niên qua. Báo chí Pháp vào năm 2021 cũng đưa tin rằng bà Nhàn có liên quan đến việc buôn bán vũ khí giữa Việt Nam và Israel.

Hiện không rõ bà Nhàn đang ở đâu nhưng Việt Nam trong tháng này yêu cầu Mỹ phối hợp truy bắt tội phạm kinh tế, những người được cho là “lợi dụng Hoa Kỳ làm địa bàn lẩn trốn.”

Bắt Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, khởi tố Tổng giám đốc Công ty AIC
Ông Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC. (Ảnh: dongnai.gov.vn/thaibinhtv.vn)

Tài sản của Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Ngày 13/11, Bộ Công an đã kê biên 2 căn biệt thự, 6 căn hộ chung cư của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn ở Hà Nội, phong tỏa hơn 107,3 tỷ đồng trong 4 tài khoản của công ty AIC mở tại ngân hàng.

Theo đó, để bảo đảm thi hành án và thu hồi tài sản, trong quá trình điều tra, C03 đã phong tỏa, kê biên nhiều tài sản của bà Nhàn gồm:

  • Kê biên căn biệt thự có diện tích 357 m2 trên phố Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) mà bà Nhàn nhờ bố đẻ đứng tên;
  • Kê biên căn biệt thự có diện tích 453 m2 ở phố Nguyễn Huy Tự (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đứng tên bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn;
  • 6 căn hộ chung cư đứng tên bà Nhàn ở các tầng 11 và 17 chung cư Pacific Place, phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội);
  • Phong toả hơn 107,3 tỷ đồng trong 4 tài khoản của công ty AIC mở tại ngân hàng.
  • Kê biên lô đất có diện tích hơn 4.000 m2 tại phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã được Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội cấp sổ đỏ cho công ty AIC.

Theo kết luận điều tra của C03, để đối phó với hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra, xác minh của các cơ quan chuyên môn, bà Nhàn đã yêu cầu nhiều nhân viên, lãnh đạo chủ chốt xuất cảnh khỏi Việt Nam, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ.

Trần Duy

Xem thêm:

Việt Nam Xã hội

Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn là ai? Bị bắt chưa? Tài sản?