Cựu Hiệu trưởng ĐH Đông Đô khai ‘không cấp bằng giả sẽ bị đuổi việc’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cựu hiệu trưởng ĐH Đông Đô Dương Văn Hoà cho rằng, việc cấp bằng giả chỉ làm theo chỉ đạo của chủ tịch HĐQT, nếu không bị cáo sẽ bị đuổi việc.

Ngày 23/11, TAND TP. Hà Nội bắt đầu xét xử 10 bị cáo trong vụ án bằng giả xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô. 10 bị cáo này cùng bị truy tố về tội "Giả mạo trong công tác", theo Điều 359, Bộ luật Hình sự Việt Nam.

10 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm:

  • Dương Văn Hòa - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô;
  • Trần Kim Oanh - nguyên Phó Hiệu trưởng, kiêm Phó Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục, Trường Đại học Đông Đô;
  • Lê Ngọc Hà - nguyên Phó Hiệu trưởng, kiêm Phó Viện trưởng Viện 4.0, Trưởng ban in bằng Trường Đại học Đông Đô;
  • Trần Ngọc Quang - nguyên Phó Trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên, Trường Đại học Đông Đô;
  • Nguyễn Thị Huệ - nguyên Trưởng phòng Tài vụ, Trường Đại học Đông Đô;
  • Phạm Vân Thùy, Nguyễn Thị Ngọc Thái, Ngô Quang Hiển: Nguyên nhân viên Viện Đào tạo liên tục;
  • Lê Thị Thanh Tâm, Lê Thị Lương: Nguyên nhân viên Viện 4.0.

Người đầu tiên trả lời HĐXX, bị cáo Dương Văn Hòa - cựu Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô, thừa nhận cáo trạng VKSND tối cao truy tố mình là đúng, không oan. Các bị cáo còn lại cũng không có người nào kêu oan sau khi đại diện Viện Kiểm sát đọc bản cáo trạng.

Ông Hòa cho biết, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) trường Đại học Đông Đô là bị can Trần Khắc Hùng (hiện đang bỏ trốn). HĐQT có 7 thành viên. Các thành viên HĐQT không phải góp vốn, bản chất trường Đại học Đông Đô là của Trần Khắc Hùng. Việc lập HĐQT chỉ là lập cho có ban bệ, cho đầy đủ.

Cựu Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô thừa nhận, chủ trương đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh của trường là không hợp pháp, bởi theo quy định thì phải xin phép Bộ GD-ĐT, được đồng ý thì mới được đào tạo.

Chủ tọa phiên tòa Phạm Năng Thành hỏi: "Cứ đủ tiền là làm thủ tục cấp bằng thôi, đúng vậy không?" . Bị cáo Hòa thừa nhận là đúng.

Ông Hòa cho biết, bản thân ông chỉ tham gia ký hồ sơ, việc thu tiền, hợp pháp hóa hồ sơ của người khác, ông không được bồi dưỡng hay ăn chênh lệch ngoài. Cho rằng bản thân thấy được hành vi của mình là vi phạm nghiêm trọng, bị cáo Hòa đã rất tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Ở thời điểm vụ việc xảy ra, ông Hòa nói tin tưởng vào Trần Khắc Hùng vì nghe ông Hùng tuyên bố, những vi phạm đó không đến mức nghiêm trọng.

Bà Trần Kim Oanh - cựu Phó Hiệu trưởng cũng khai nhận như ông Dương Văn Hòa. Các thành viên HĐQT không phải góp vốn bởi theo quy định của Luật Giáo dục, không nhất thiết thành viên góp vốn mới nằm trong HĐQT.

Về việc cấp văn bằng 2 tiếng Anh không qua đào tạo, bà Oanh nói rằng ông Trần Khắc Hùng không đưa nội dung này ra khi họp HĐQT mà đưa ra ở cuộc họp với Ban Giám hiệu, các Viện, phòng, ban.

Bà Oanh khai, theo quy định của nhà trường, khi cán bộ mời được học viên tham dự sẽ được nhà trường trích lại một số tiền cụ thể để thưởng, quy định 7 triệu đồng/hồ sơ.

Theo bà Oanh, ngay từ đầu bà đã thắc mắc với ông Trần Khắc Hùng về chủ trương cấp bằng không qua đào tạo. Tuy nhiên, ông Hùng nói đã tìm hiểu, tham khảo ý kiến luật sư và nói không vấn đề gì, có chăng chỉ phạt hành chính, cán bộ nhân viên không phải chịu trách nhiệm.

Phiên tòa xét xử dự kiến sẽ kết thúc ngày 25/12/2021.

Theo cáo trạng, Chủ tịch HĐQT Trần Khắc Hùng chỉ đạo Hiệu trưởng Dương Văn Hoà ký ban hành các quy định về mức thu học phí toàn khoá với hệ văn bằng hai ngôn ngữ Anh. Mức tiền từ 29,8 đến 35 triệu đồng một khoá trên một học viên.

Khi tuyển sinh thấy nhiều người có nhu cầu, cuối năm 2017, ông Hùng ra chủ trương cấp văn bằng hai chính quy tiếng Anh cho người muốn lấy bằng mà không phải thi tuyển, không học theo đúng quy định.

Từ tháng 4/2018 đến 3/2019, Đại học Đông Đô đã cấp 429 văn bằng và hai giấy chứng nhận giả, thu hơn 7 tỷ đồng. Trong 210 người được cấp bằng giả, 67 người dùng làm nghiên cứu sinh, 9 người để dùng để học thạc sĩ, nộp thi ngạch công chức, thi thăng hạng viên chức...

Việt Nam Xã hội

Cựu Hiệu trưởng ĐH Đông Đô khai ‘không cấp bằng giả sẽ bị đuổi việc’