Đã có 4 trẻ bị tử vong do tay chân miệng, số ca mắc vẫn đang tăng cao

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận 17.451 trẻ mắc tay chân miệng, trong đó, đã có 4 trẻ tử vong tại Kiên Giang (2), An Giang (1), Long An (1). Số ca mắc vẫn đang tăng cao tại các tỉnh phía Nam.

Thông tin trên vừa được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông báo trong báo cáo gửi sở y tế các tỉnh/thành.

Cụ thể, theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm (Bộ Y tế), so với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc tay chân miệng năm 2021 tăng gấp 4 lần và gia tăng chủ yếu khu vực miền Nam, đặc biệt tại các tỉnh TP. HCM, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang.

Trên báo Sức khỏe và Đời sống, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP. HCM, BS CKII Nguyễn Minh Tiến cho biết, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Bên cạnh đó, virus đường ruột là một loại siêu vi có rất nhiều chủng, nhiều họ và có thể lây lan cho nhau. Chính vì thế, những trẻ đã từng bị mắc tay chân miệng thì vẫn có thể mắc lại căn bệnh này nhưng của những chủng khác.

Bộ Y tế cho biết, bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm, lây truyền qua đường tiêu hóa, gia tăng vào khoảng từ tháng 4-5 và tháng 9-10. Virus gây bệnh tay chân miệng có thể lây lan từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ bọng nước hoặc phân của người bệnh. Bệnh rất khó phòng ngừa nhất là khi trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo.

Trẻ dễ bị nhiễm bệnh tay chân miệng do liên quan đến thực hành vệ sinh cá nhân, kỹ năng rửa tay với xà phòng, trẻ hay đưa tay, đồ chơi vào miệng – khiến virus dễ xâm nhập vào cơ thể. Bệnh phát triển rất nhanh và gây ra các tổn thương ở da và niêm mạc, bên cạnh đó là vệ sinh môi trường không đảm bảo.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những năm gần đây, khu vực Tây Thái Bình Dương cũng đã có báo cáo về những đợt bệnh tay chân miệng ở trẻ em, trong đó những quốc gia châu Á đã ghi nhận số trường hợp mắc tay chân miệng có xu hướng phổ biến gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam.

Biểu hiện và các biện pháp điều trị bệnh

Biểu hiện của bệnh: Các chuyên gia cho rằng, không phải ai nhiễm bệnh tay chân miệng đều có biểu hiện của bệnh.

Thông thường biểu hiện sớm nhất của bệnh là mệt mỏi, sốt nhẹ (38-38,5 độ C), đau họng, sổ mũi diễn ra trong vài ngày. Sau đó sẽ xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi; các mụn nước có kích thước nhỏ (2-3 mm) nằm trên một nền niêm mạc viêm đỏ. Các mụn nước trong miệng dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết loét, đau rát. Mụn nước, bọng nước sẽ tiếp tục xuất hiện ở bàn chân, bàn tay, đôi khi gặp cả mụn nước, bọng nước ở mông.

Tuy nhiên, có một số trường hợp không điển hình và triệu chứng trên không rõ ràng, chỉ có loét miệng, hoặc không rõ dạng bóng nước, chỉ là dạng chấm hoặc hồng ban. Điều này khiến người thân nhầm lẫn với các bệnh khác và thường chỉ phát hiện khi bệnh đã biến chứng quá nặng.

Đặc điểm tiếp theo khiến bệnh dễ gặp nguy hiểm ở trẻ là bệnh thường tấn công ở trẻ có sức đề kháng yếu và thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và rất ít thấy ở trẻ trên 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn.

Nguy cơ “trẻ lây cho trẻ” mạnh nhất trong tuần đầu tiên sau khi một trẻ nhiễm bệnh nhưng giai đoạn lây nhiễm có thể kéo dài vài tuần do virút còn trong phân.

Thực tế, dù trẻ bị nhiễm bệnh và cách ly ở nhà 1-2 tuần cho tới khi hết bệnh thì khi đi học, trẻ vẫn có thể lây bệnh cho các bạn khác.

Các biện pháp điều trị: Chủ yếu là chăm sóc bệnh nhân, cho bệnh nhân dùng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau; bù đủ nước cho bệnh nhân nếu có sốt cao. Bệnh nhân cần được ăn đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu; vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn…


Đã có 4 trẻ bị tử vong do tay chân miệng, số ca mắc vẫn đang tăng cao