Đà Nẵng gia hạn phong tỏa, Khánh Hòa hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trở lại

Giúp NTDVN sửa lỗi

TP. Đà Nẵng sẽ kéo dài thời gian phong toả cứng thêm 3 ngày nữa để tập trung xét nghiệm cho 100% hộ dân. Tỉnh Khánh Hoà sẽ xem xét một số biện pháp nới lỏng mới để phát triển kinh tế sau ngày 25/8.

TP. Đà Nẵng vừa hết hạn 7 ngày phong toả cứng toàn thành phố vào 8h sáng hôm nay (23/8). Thành phố quyết định sẽ kéo dài việc phong toả thêm 3 ngày nữa.

Trong thời gian kéo dài phong toả, thành phố sẽ tập trung xét nghiệm toàn diện, nhất là tại các điểm nóng như: quận Hải Châu, Sơn Trà… để tách các F0 ra khỏi cộng đồng. Trong thời gian này, thành phố cũng phối hợp với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đà Nẵng phân chia số gạo hỗ trợ gửi đến người dân.

Trước đó, hôm 20/8, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam có quyết định giao Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất cấp hơn 1.630 tấn gạo để hỗ trợ cho những người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 tại TP. Đà Nẵng.

Ngày 23/8, chính quyền TP. Đà Nẵng có văn bản giao các đơn vị liên quan phân bổ số gạo trên đến những người dân gặp khó khăn tại 7 quận, huyện trong thời gian thành phố phong tỏa. Trung bình một hộ khó khăn được phân bổ 15 kg gạo/nhân khẩu.

Theo đó, số gạo này sẽ được phân bổ cho gần 109.000 người dân đang gặp khó khăn; trong đó, phân bổ nhiều nhất cho quận Ngũ Hành Sơn (hơn 350 tấn gạo, tương ứng 23.379 nhân khẩu).

Theo kế hoạch của TP. Đà Nẵng, trước ngày 28/8, các phường, xã phải hoàn thành việc hỗ trợ cho người dân để Sở LĐ-TB-XH báo cáo UBND thành phố.

Khánh Hòa xem xét không để dịch bệnh kìm hãm phát triển kinh tế

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Khánh Hòa đang kiến nghị tỉnh tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trong đó có vấn đề về cơ cấu trả nợ, lãi suất ngân hàng, giãn thu thuế đất cho doanh nghiệp du lịch; có chính sách ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động tại các doanh nghiệp.

Đối với vấn đề đầu tư công, các chủ đầu tư dự án đề nghị tỉnh nới lỏng, cho phép mở lại các cửa hàng vật liệu xây dựng và tạo điều kiện cho các xe vận chuyển vật liệu vào công trường để tiếp tục thi công công trình sau khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng.

Trước những đề xuất của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Hải Ninh - Bí thư tỉnh Khánh Hòa đã giao các ban ngành tỉnh nghiên cứu xem xét các điều kiện cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trở lại trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại địa phương còn phức tạp và ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Ninh cho biết, trong thời gian tới, phải xem xét nới lỏng giãn cách theo từng vùng, không để kìm hãm sự phát triển kinh tế; sau ngày 25/8, tỉnh Khánh Hòa có thể sẽ áp dụng một số biện pháp nới lỏng mới cho toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu cho doanh nghiệp tự thành lập bộ phận y tế để test nhanh và gửi kết quả về CDC tỉnh để cơ quan này gửi giấy chứng nhận qua hệ thống điện tử, mạng xã hội...

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà cũng cần có hướng dẫn rõ ràng đối với một số vấn đề như: người lao động tại các công trình được phép đi làm sau ngày 25/8; việc lưu thông hàng hóa, có số đường dây nóng để doanh nghiệp phản ánh về việc các chốt gây khó dễ; trường hợp F0 xuất hiện trong doanh nghiệp, phân xưởng, công trường…

Tiếp tục phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” đối với các doanh nghiệp, đồng thời nghiên cứu nới lỏng từ “3 tại chỗ” xuống còn “2 tại chỗ” (ăn, làm tại chỗ) với một số doanh nghiệp.

Tính đến 7h ngày 23/8, tỉnh Khánh Hòa ghi nhận thêm 97 trường hợp dương tính mới với COVID-19. Toàn tỉnh đã ghi nhận 5.472 trường hợp dương tính, lấy mẫu xét nghiệm, cách lý 5.834 trường hợp F1 và cho cách ly tại nhà 12.230 trường hợp F2; phong tỏa tạm thời 125 địa điểm có liên quan đến các ca dương tính.

Thành Trung


Đà Nẵng gia hạn phong tỏa, Khánh Hòa hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trở lại