ĐBQH: Chồng suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp, chu đáo cũng là bạo lực gia đình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Long An), chồng đi làm về nhưng im lặng không nói gì; hoặc không chê vợ nhưng suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp, chu đáo; hoặc "giận cá chém thớt" cũng là biểu hiện của bạo lực gia đình, gây khủng hoảng về tâm lý, tinh thần trong gia đình.

Chiều 31/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Xem xét bổ sung thêm các hành vi bạo lực gia đình

Đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) cho biết, mô hình trong xã hội Việt Nam cũng như mối quan hệ từng gia đình hiện có thay đổi rất lớn; đã xuất hiện nhiều hành vi bạo lực đa dạng, phức tạp với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn, càng lúc càng khó xử lý.

Ông Sinh dẫn tờ trình của Chính phủ có đề cập đến số liệu điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ. Theo đó, cứ 3 phụ nữ thì có một người bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục; trong đó có tới 90% phụ nữ không dám hoặc không muốn nhờ can thiệp giúp đỡ. Ông Sinh cho rằng đây là số liệu rất đáng báo động và lo ngại, cần có bước xử lý nghiêm khắc hơn.

Ông Sinh nói: “Kết quả điều tra này cho thấy bạo lực gia đình ở Việt Nam đang tăng lên so với năm 2009, làm thiệt hại 1,8% GDP của đất nước…”

Theo ông Sinh, có hành vi bạo lực bằng thể xác và bạo lực bằng tinh thần. Bạo lực thể xác có dấu vết, có thể chứng minh được nhưng bạo lực tinh thần gây ra khủng hoảng cho người bị bạo hành rất lớn.

Ông Sinh đề nghị xem xét bổ sung thêm các hành vi bạo lực gia đình, vì còn nhiều dạng khó nói được như hành vi bạo lực tinh thần.

Đại biểu Long An: Suốt ngày khen hàng xóm chu đáo, xinh đẹp… cũng là bạo lực gia đình

Theo đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An), có những hành vi bạo lực biểu hiện cụ thể nhận thấy rõ nhưng có những hành vi không nghĩ đó là bạo lực nhưng lại gây khủng hoảng về tâm lý, tinh thần - cũng là biểu hiện của bạo lực gia đình.

Bà Dung lấy ví dụ, chồng đi làm về nhà nhưng im lặng suốt, không nói gì cả; hoặc không chê vợ nhưng suốt ngày khen hàng xóm chu đáo, xinh đẹp, giàu có; hoặc "giận cá chém thớt", giận dỗi vô cớ… cũng là hành vi bạo lực gia đình, làm cho thành viên bị tác động khủng hoảng tâm lý.

Bà Dung cho rằng những hành vi này diễn ra khá phổ biến nhưng rất khó nhận biết.

Bạo lực đối với trẻ em trong gia đình

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương) trao đổi về việc phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình.

Theo bà Thoa, các hành vi bạo lực về thể chất, tinh thần, kinh tế và tình dục đối với trẻ em cần được quy định rõ hơn, đặc biệt là bạo lực về tinh thần.

Bà Thoa cho rằng hành vi ép con học cũng là một hành vi bạo lực tinh thần.

"Cha mẹ ép con học quá nhiều hoặc lăng nhục, chửi mắng khi con không đạt thành tích như kỳ vọng có thể được liệt kê vào các trường hợp bạo lực về tinh thần. Vì từ những thúc ép của cha mẹ, sự kỳ vọng quá cao của cha mẹ dẫn tới căng thẳng tâm lý, gây áp lực đối với trẻ em, dần dần tích tụ. Đó có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh về tinh thần, tâm lý như tình trạng trầm cảm hoặc các hành vi quá khích, tự tử", bà Thoa cho hay.

Bổ sung thêm vai trò của cộng đồng

Dẫn chứng vụ bé gái ở Bình Thạnh (TP. HCM) bị bạo hành đến chết mới xảy ra gần đây, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP. HCM) cho rằng một số người vẫn có quan điểm vợ chồng, cha con bạo lực là việc riêng nên mới có việc các hộ dân xung quanh nghe bé khóc nhiều lần nhưng không quan tâm xem tại sao.

Theo bà Tuyết, nếu có sự quan tâm của cộng đồng nhiều hơn, nhận ra được nguy cơ thì có thể đã không xảy ra sự việc đau lòng. Bà Tuyết đề nghị quy định cụ thể về vai trò của cộng đồng để ngăn chặn bạo lực gia đình.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP. HCM) đề nghị cần có quy định quản lý hình ảnh bạo lực trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

Theo bà Lan, bạo lực trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội tràn lan, coi phim cứ ít phút là hình ảnh chồng đánh vợ, đánh ghen… Việc này phải có quy định quản lý, không nên để việc cổ súy, hình ảnh, mô tả về bạo lực gia đình là bình thường.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, bạo lực về thể xác, về kinh tế thì nhận diện được ngay nhưng bạo lực về tinh thần không hề đơn giản để nhận ra cũng như lượng hóa cho hết.

Ông Hùng đề nghị từ góc độ thực tiễn, góc độ tiếp cận, các đại biểu có thể đóng góp thêm, nhất là góc độ bạo lực tinh thần.

Trần Phong

Xem thêm:

Việt Nam Chính trị

ĐBQH: Chồng suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp, chu đáo cũng là bạo lực gia đình