Đề xuất khôi phục bùng binh lâu đời nhất Sài Gòn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bùng binh Cây Liễu ở ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi (quận 1) sẽ được khôi phục với kinh phí 500 triệu đồng, sau 8 năm bị dỡ bỏ để xây dựng tuyến metro số 1.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP. HCM vừa có văn bản báo cáo UBND thành phố về phương án tổ chức bùng binh (vòng xoay giao thông) Nguyễn Huệ - Lê Lợi và thiết kế cảnh quan tổng thể khu vực trước chợ Bến Thành.

Trước đó, năm 2014, để thi công ga ngầm Nhà hát thành phố của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), TP. HCM đã dỡ bỏ bùng binh ở ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi.

Đề xuất khôi phục bùng binh tại giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi được đưa ra sau khi ga ngầm Nhà hát thành phố cơ bản đã hoàn tất và hoàn trả mặt bằng.

Theo đề xuất, bùng binh có thiết kế hình tròn, bán kính 11,7 m, nằm lọt trong hình vuông lát nền hiện trạng, bảo đảm phân luồng giao thông tại giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi.

Kết cấu mặt đường tại giao lộ cũng được thiết kế theo đề xuất của Sở GTVT để đáp ứng các phương tiện lưu thông, không ảnh hưởng đến tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

Theo thiết kế đề xuất, bó vỉa bùng binh được làm mới toàn bộ bằng đá granite xám, xếp lên nền hiện trạng tạo thành vòng xoay hình tròn. Phần diện tích giữa bó vỉa và đài phun nước hiện hữu sẽ được trồng cây xanh ngắn ngày phù hợp với các sự kiện, ngày lễ được tổ chức ở khu vực.

Kinh phí thực hiện phương án thiết kế này dự kiến khoảng 500 triệu đồng.

Về việc tái lập mặt bằng, phân luồng giao thông trước khu vực chợ Bến Thành, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất UBND TP. HCM giao Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR) tái lập đường ở mức độ san lấp phẳng, trải nhựa ở khu vực trước chợ Bến Thành; riêng phần công trình phụ trợ khác không cần thực hiện.

Sau khi hoàn tất, Sở GTVT có trách nhiệm tiếp nhận và phân định ranh giới đường giao thông hợp lý, bảo đảm an toàn và khả năng thông xe.

Bùng binh tại ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi là bùng binh đầu tiên ở Sài Gòn, trước đây có tên gọi là bùng binh Bồn Kèn bởi nơi đây thường có lính kèn người phương Tây biểu diễn các bài hành khúc Pháp và nhạc châu Âu. Sau đó, nơi này được sửa thành một vòng xoay giao thông có đài phun nước ở giữa, xung quanh trồng cây liễu rủ xuống, nên còn được gọi với tên khác là bùng binh Cây Liễu.

Mạnh Hùng

Xem thêm:

Việt Nam Xã hội

Đề xuất khôi phục bùng binh lâu đời nhất Sài Gòn