Đằng sau con số 45 ca nhiễm Covid-19 ngày 31/7

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việt Nam đã ghi nhận số ca nhiễm dịch cao kỷ lục trong ngày, ngoài ra còn có những yếu tố đáng lo ngại khác.

Sáng 31/7, Bộ Y tế công bố một con số "giật mình": thêm 45 ca nhiễm mới dịch Covid-19 trong cộng đồng sau một đêm. Điểm lại tình hình dịch bệnh gần đây, thống kê cho thấy những chi tiết đáng lo ngại sau:

Số ca nhiễm cao nhất trong ngày ở Việt Nam

Tính đến nay, 45 bệnh nhân mới là số ca nhiễm cao nhất trong ngày ở Việt Nam từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay.

Theo biểu đồ thống kê của Bộ Y tế dưới đây, con số ca nhiễm dịch ngày 31/7 tạo lên một đỉnh cao nhất trong lịch sử dịch bệnh này ở Việt Nam.

Thống kê tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam theo ngày (Ảnh: Bộ Y tế)
Thống kê tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam theo ngày (Ảnh: Bộ Y tế)

Trước đó, số ca nhiễm cao nhất trong ngày là 25 trường hợp vào ngày 25/5, và chỉ là các ca từ nước ngoài về. Trong khi các ngày khác đều có dưới 20 bệnh nhân mới.

Như vậy, 45 ca nhiễm dịch Covid-19 ngày 31/7 là con số kỷ lục trong ngày và tất cả đều là ca nhiễm trong cộng đồng.

Đặc biệt, từ khi dịch quay lại trong cộng đồng ở Việt Nam từ ngày 25/7 đến nay, con số ca nhiễm theo ngày đều đang tăng dần.

Các ca nhiễm đều liên quan đến các bệnh viện

Thông tin từ Bộ Y tế cho thấy, phần lớn các ca nhiễm dịch gần đây có liên quan đến các cơ sở y tế ở Đà Nẵng. Tính đến nay, các cơ sở đó bao gồm: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viên C Đà Nẵng, Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Trung tâm Y tế Sơn Trà, Trung tâm Y tế Cẩm Lệ,...

Riêng trong 45 ca sáng nay, đã phát sinh thêm 3 cơ sở y tế có bệnh nhân nhiễm dịch Covid-19, đó là Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Trung tâm Y tế Sơn Trà và Trung tâm Y tế Cẩm Lệ (Đà Nẵng).

Đến nay, 7 nhân viên y tế được phát hiện mắc Covid-19 gồm các bệnh nhân số 421, 423, 424, 425, 435, 451, 465.

Các bệnh viện và cơ sở y tế là nơi đông người, dễ lây lan bệnh dịch. Vì vậy có thể nói tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng có thể đã lan khá rộng.

Chưa tìm được F0

Dù các nỗ lực truy vết trong gần 1 tuần qua, nhưng hiện nay chưa có dấu hiệu về ca nhiễm F0 (khởi nguồn). Một số thông tin cho rằng, bệnh nhân 449 (võ sư người Mỹ) có thể liên quan đến F0.

Nhưng thông tin dịch tễ cho thấy bệnh nhân này ở Việt Nam trong suốt 3 tháng qua. Vì vậy hiện cũng chưa rõ nguồn nhiễm dịch của bệnh nhân 449 này từ đâu?

Giáo sư Schaffner cho rằng việc Việt Nam chưa rõ nguồn lây nhiễm của ca mới ở Đà Nẵng là đáng lo ngại.

"Có thể Việt Nam có lây nhiễm cộng đồng nhiều hơn con số thống kê, dẫn tới có thêm ca nhiễm khi xét nghiệm thêm nhiều người", Schaffner nói với báo Vnexpress.

Đối với đợt dịch đang bùng phát, chỉ trong vòng 7 ngày (25-31/7), 93 ca mắc Covid-19 đã được phát hiện. Trong khi đó, số ca bệnh đang tăng nhanh nên số lượng trường hợp F1, F2 sẽ tăng nhanh theo cấp số nhân.

Dịch Covid-19 ở Trung Quốc cũng tăng trở lại

Đồng thời với thời điểm dịch Covid-19 quay lại trong cộng đồng ở Việt Nam, số ca bệnh ở Trung Quốc cũng tăng trở lại.

Vào ngày 29/7, chính quyền Trung Quốc công bố có thêm 101 ca nhiễm Covid-19 trong ngày, con số cao nhất kể từ ngày 13/4. Trong đó, 98 trường hợp là lây nhiễm trong cộng đồng. Sau đó, con số mỗi ngày đều tăng lên. Đến hôm nay, Trung Quốc công bố có thêm 105 ca nhiễm mới.

Ngoài ra, Việt Nam liên tục bắt được những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong thời gian gần đây.

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Đằng sau con số 45 ca nhiễm Covid-19 ngày 31/7