Cập nhật: Bão số 10 được dự báo có diễn biến tương đối phức tạp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đài khí tượng Nhật Bản đã phát tin bão Goni ở ngoài khơi Philippines, cơn bão có khả năng vào Biển Đông thành bão số 10 và ảnh hưởng tới miền Trung.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, khoảng sáng 3/11 bão Goni sẽ vào Biển Đông.

Dự báo xa cho thấy bão Goni có khả năng ảnh hưởng Trung Bộ vào tuần sau với diễn biến tương đối phức tạp do khi vào gần biển Đông, bão Goni sẽ có tương tác với không khí lạnh.

Các dự báo cho thấy, cơn bão có xu hướng di chuyển hướng lên phía Bắc, gần khối không khí lạnh.

Theo mô hình dự báo của Nhật Bản, đường đi của bão Goni có sự "đánh võng" theo hướng tây nam từ vị trí cơn bão hình thành, sau đó đổi hướng tây bắc khi vào Biển Đông và hướng vào các tỉnh miền Trung.

Mô hình dự báo của Hải quân Hoa Kỳ cho thấy, đỉnh điểm của bão Goni có thể đạt mức Cat.3 theo thang bão Saffir-Simpson với sức gió có thể đạt gần 200 km/h vào ngày 31/10 ở gần Philippines. Tuy nhiên khi vào Biển Đông, cơn bão này giảm cấp. Vào ngày 2/11 sức gió của bão Goni giảm còn khoảng 120 km/h khi còn cách rất xa đất liền Việt Nam.

Các chuyên gia nhận định, cơn bão Goni có hướng đi và vị trí đổ bộ thấp hơn so với bão số 9 (Molave) và sức mạnh cũng không bằng. Nguyên nhân do không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống áp chế khiến vùng biển nó đi qua bị khô lạnh và giảm dần năng lượng.

Dự báo nếu cơn bão này vào đất liền có thể đổ bộ tại khu vực từ Phú Yên đến Nha Trang với cấp gió khoảng cấp 7-8 (50-75 km/h).

Cùng thời điểm bão số 10 được hình thành, trên khu vực Thái Bình Dương lại xuất hiện thêm một số vùng thấp, trong đó, một vùng sẽ mạnh lên thành bão nhưng hướng di chuyển có xu hướng vào khu vực Đài Loan.

Siêu bão Goni sáng 1/11: Gió giật trên cấp 17

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 1h sáng 1/11, vị trí tâm của siêu bão Goni ở cách miền trung Philippines khoảng 70km về phía đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/h), giật trên cấp 17.

Đến 1h sáng 3/11, vị trí tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/h), giật cấp 13.

Lý giải về nguyên nhân bão giảm cấp nhanh khi vào Biển Đông, các chuyên gia cho biết, sau khi ma sát với đảo Luzon của Philippines, siêu bão Goni đã giảm năng lượng đáng kể. Khi đi vào Biển Đông, do tác động của không khí lạnh khiến mặt nước biển lạnh nên bão giảm sức mạnh. Ngoài ra, khi vào đến Biển Đông bão đã di chuyển qua một đường đi khá dài, qua thời kỳ mạnh nhất theo chu kỳ một cơn bão. Các yếu tố động lực học khác cũng khiến siêu bão Goni giảm cấp nhanh.

Tại Philippines, nhà chức trách đã sơ tán hơn 1 triệu dân để ứng phó khi Goni dự báo sẽ tàn phá nghiêm trọng đảo Luzon- hòn đảo lớn nhất, đông dân nhất và là vùng kinh tế quan trọng của quốc đảo Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, bão Goni sẽ là cơn bão số 10, có đường đi và cường độ rất phức tạp, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam và gây mưa lớn cho miền Trung.

Bão Goni trở thành siêu bão, dự kiến là cơn bão số 10

Siêu bão Goni trở thành cơn bão mạnh nhất thế giới trong năm 2020 chỉ sau một ngày, dự kiến đi vào biển Đông vào ngày 2/11.

Tính đến 1h sáng ngày 31/10, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão Goni gần 290 km/h. Goni mạnh lên và trở thành siêu bão mạnh nhất thế giới chỉ sau một ngày nhờ nền nhiệt ấm trên vùng biển ở phía đông Philippines.

Trung tâm Cảnh báo bão Liên hợp (JTWC) ở Trân Châu Cảng tại bang Hawaii, Mỹ, mô tả Goni là "một cơn rất mạnh". Ảnh vệ tinh cho thấy Goni có hình dạng đối xứng "gần như hoàn hảo" với tâm rõ ràng, đặc trưng của những cơn bão nhiệt đới mạnh nhất.

Goni được dự báo sẽ suy yếu khi quét qua đảo Luzon của Philippines, có thể mạnh trở lại khi vào Biển Đông. Bão Goni có thể đổ bộ vào Việt Nam ngày 4/11.

Như vậy, bão Goni dự kiến sẽ trở thành cơn bão số 10 vào Việt Nam với diễn biến rất phức tạp.

Dự báo hướng đi của siêu bão Goni. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai
Dự báo hướng đi của siêu bão Goni. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai

Tình hình mưa ở Trung Bộ tiếp tục phức tạp

Tại cuộc họp sáng 29/10, ông Lâm cho biết, tình hình mưa ở Trung Bộ tiếp tục phức tạp trong nửa đầu tháng 11. Hiện các sông ở Quảng Trị và Quảng Nam tiếp tục dao động ở mức cao và đang xuống.

Sông Thu Bồn và Kiến Giang dao động ở mức BĐ3, trưa sẽ xuống; sông Gianh ở Quảng Bình trưa nay sẽ lên nhanh. Tình hình ngập ở hạ du các sông tại Quảng Ngãi sẽ giảm, hạ lưu sông Thu Bồn vẫn diễn ra diện rộng.

Do ảnh hưởng của bão số 9, hệ thống quốc lộ một số tuyến bị sạt lở như đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 49, quốc lộ 1A.

Để giải toả phương tiện chống ùn tắc giao thông, Bộ GTVT tạm dừng thu phí dịch vụ đường bộ tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, hầm đường bộ Bắc Hải Vân (Thừa Thiên Huế) đến 6h tối nay ngày 29/10.

Về hàng không, có sân bay Chu Lai bị tốc mái tạm dừng hoạt động đến hết ngày 30/10, sân bay Đà Nẵng hoạt động từ tối 28/10. Đường sắt, hàng hải không ảnh hưởng nhiều.


Cập nhật: Bão số 10 được dự báo có diễn biến tương đối phức tạp