Doanh nghiệp chi tiền 'bôi trơn' để trúng thầu: 'Không chi không được'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo kết quả khảo sát của VCCI, trong hoạt động đấu thầu mua sắm công, các doanh nghiệp đều cho rằng chi phí “bôi trơn” là “không cần phải nói mà ai cũng biết”. Có đến 58,9% doanh nghiệp nói chung và 50,8% doanh nghiệp đấu thầu trong lĩnh vực y tế cho đó là “luật bất thành văn”.

Ngày 16/6, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) công bố báo cáo khảo sát sơ bộ “Đấu thầu mua sắm công từ góc nhìn của doanh nghiệp”.

Khảo sát nhận được sự phản hồi của hơn 9.200 doanh nghiệp; 1.100 doanh nghiệp từng tham gia hoạt động đấu thầu; 154 doanh nghiệp tham gia cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho cơ sở y tế công lập. Doanh nghiệp tham gia khảo sát phần lớn là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và đã có kinh nghiệm kinh doanh một số năm.

Báo cáo khảo sát cho thấy doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia đấu thầu công tại địa phương.

Những khó khăn mà doanh nghiệp thường gặp nhiều nhất bao gồm:

  • Thời gian chuẩn bị (nộp) hồ sơ dự thầu quá ngắn: 17%;
  • Thư mời thầu không công bố rộng rãi: 15,9%;
  • Điều kiện thực hiện hợp đồng quá khó: 15,1%;
  • Khó/không mua được hồ sơ mời thầu: 7,2%;
  • Các vấn đề khó khăn càng phổ biến hơn đối với các doanh nghiệp tham gia các gói đấu thầu của các cơ sở y tế công lập.

'Không chi không được!'

Đáng chú ý, kết quả khảo sát cho thấy, cứ khoảng 3 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp sẵn sàng chi trả chi phí ngoài quy định để tăng khả năng trúng thầu.

Theo kết quả khảo sát, các doanh nghiệp đều cho rằng, chi phí ngoài quy định là “không cần phải nói mà ai cũng biết”. Có đến 58,9% doanh nghiệp nói chung và 50,8% doanh nghiệp đấu thầu trong lĩnh vực y tế cho đó là “luật bất thành văn”.

25,2% doanh nghiệp nói chung và 32,8% doanh nghiệp đấu thầu trong lĩnh vực y tế chủ động thực hiện chi phí ngoài quy định.

10,3% doanh nghiệp nói chung và 21,3% doanh nghiệp đấu thầu trong lĩnh vực y tế nói cán bộ phụ trách đấu thầu gợi ý.

Một doanh nghiệp tham gia khảo sát chia sẻ, doanh nghiệp phải chi trả các khoản chi phí này để các bước chuẩn bị và nộp hồ sơ dự thầu được trơn tru hơn. Có những trường hợp doanh nghiệp từ chối không chi trả những chi phí này khiến cho tiến độ hoàn thành hồ sơ bị chậm trễ, không nộp được hồ sơ dự thầu gây tổn thất lớn hơn khoản chi trả này. Không chỉ vậy, tình trạng “hoạnh họe” của cơ quan liên quan cũng gây ảnh hưởng tới dự án. “Không chi không được!”, doanh nghiệp tham gia khảo sát chia sẻ.

E dè khi kiến nghị vướng mắc

Theo báo cáo khảo sát, doanh nghiệp vẫn còn e dè khi kiến nghị xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu và những vấn đề liên quan. Khi gửi kiến nghị, khiếu nại, phản ánh, các doanh nghiệp lâu năm được giải quyết vướng mắc thỏa đáng hơn so với các doanh nghiệp mới thành lập.

Ông Trương Đức Trọng - Ban Pháp chế VCCI cho biết, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến doanh nghiệp lựa chọn giải pháp không kiến nghị xem xét lại khi có vướng mắc là họ e ngại thủ tục kiến nghị phức tạp.

Các lý do khác được doanh nghiệp đưa ra bao gồm: chi phí và công sức kiến nghị tốn kém so với lợi ích thu lại; lo ngại bị đối xử bất công trong tương lai; chưa tin tưởng vào việc giải quyết kiến nghị của bên mời thầu, người có thẩm quyền; và việc xử lý của cơ quan quản lý nhà nước.

Báo cáo khảo sát khuyến nghị cần sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng tăng cường tính công khai và minh bạch trong mua sắm đấu thầu công thông qua việc sử dụng các biểu mẫu đấu thầu công mang tính cạnh tranh, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và hợp đồng; kết hợp với việc tối ưu hóa sử dụng công nghệ cao (hệ thống đấu thầu công điện tử) trong hoạt động tổ chức và quản lý đấu thầu.

Trần Phong

Xem thêm:

Việt Nam Xã hội

Doanh nghiệp chi tiền 'bôi trơn' để trúng thầu: 'Không chi không được'