Dự thảo Luật giao thông đường bộ 2020: Những thay đổi gây tranh cãi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các xe lưu thông phải bật đèn cả ban ngày, gặp đèn xanh cũng phải dừng lại nếu phía trước ùn tắc… là các quy định gây tranh cãi trong dự thảo Luật giao thông mới.

Rất có thể nhiều thói quen giao thông từ nhiều năm nay của chúng ta sẽ phải thay đổi nếu Dự thảo Luật Giao thông đường bộ 2020 được áp dụng.

Dự thảo luật bao gồm 151 điều, bổ sung thêm rất nhiều quy định mới so với Luật Giao thông đường bộ hiện hành ban hành năm 2008 chỉ có 89 điều.

Các quy định mới đáng lưu ý

1. Việc bấm còi inh ỏi, bậc nhạc lớn sẽ bị hạn chế để không làm ảnh hưởng những người khác đang tham gia giao thông (Khoản 6, Điều 10). Trong khi, Luật Giao thông đường bộ hiện hành chỉ yêu cầu không bấm còi liên tục, đảm bảo âm lượng còi và tiếng ồn, khí thải theo đúng quy chuẩn môi trường.

2. Các phương tiện gặp đèn xanh vẫn phải dừng lại nếu hướng đi phía trước đang bị ùn tắc để tránh gây ùn tắc tại các nút giao. Đặc biệt, nếu tiến vào nút giao sẽ không thoát ra khỏi nút giao cho đến khi đèn tín hiệu giao thông chuyển màu (Khoản 1, Điều 13).

3. Các phương tiện mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện bắt buộc phải bật đèn xe bất cứ khi nào tham gia giao thông. Như vậy, các phương tiện nêu trên phải bật đèn cả ngày lẫn đêm khi di chuyển trên đường (theo Khoản 3, Điều 27).

4. Xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về hệ thống xả khí thải bởi cơ quan đăng kiểm (Khoản 6, Điều 93). Trong luật hiện hành, chỉ có ô tô và rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô phải đăng kiểm định kỳ.

5. Người lái xe máy dước 50cc, xe đạp điện không quá 4KW phải có bằng lái xe A0 (Khoản 3, Điều 103).

6. Về khái niệm dừng xe, Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ định nghĩa chung chung dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết. Khoản 1 Điều 24 của dự luật đã quy định rõ thời gian dừng xe là quá 5 phút và người điều khiển phương tiện không rời vị trí điều khiển, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện xuống để đóng mở cửa xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật xe.

7. Người điều khiển và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây an toàn tại những chỗ có trang bị dây an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ thay vì chỉ yêu cầu người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước thắt dây an toàn như quy định tại luật cũ.

8. Việc dùng tay sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là một trong những hành vi bị cấm.

11 điểm quy định mới trong dự thảo Luật giao thông đường bộ 2020. (Nguồn: TTXVN)
11 điểm quy định mới trong dự thảo Luật giao thông đường bộ 2020. (Nguồn: TTXVN)

Những vấn đề gây tranh cãi

Đặc điểm giao thông ở Việt Nam là lượng xe máy quá lớn, thay vì chỉ lác đác một vài chiếc như ở nước ngoài. Vào giờ cao điểm, nếu hàng nghìn chiếc xe cùng bật đèn sẽ gây cảm giác nóng nực, ngột ngạt. Vậy quy định bật đèn ban ngày có phù hợp?

Một vấn đề khác cũng được quan tâm là quy định đèn xanh cũng phải dừng lại khi phía trước có ùn tắc. Khái niệm ùn tắc thế nào thì dừng lại, ùn tắc thế nào thì đi tiếp? Lực lượng nào sẽ giám sát việc dừng - đi của các phương tiện?

Ý kiến của một số bạn đọc:

  • "Ở Hà Nội, các đèn đỏ đều kết nối hệ thống điều khiển trung tâm. Vậy tại sao tắc đường thì không chủ động điều khiển sang đèn đỏ, mà lại yêu cầu người tham gia giao thông tự quyết định. Trong khi khái niệm "ùn tắc" rất cảm tính theo quan điểm của mỗi người, trong mắt người này thì đã tắc, người khác thấy vẫn có thể đi tiếp" (Anh Vu)
  • "Việc dừng xe 5 phút chuyển sang trạng thái đỗ xe không khả thi, việc này rất khó kiểm soát. Tài xế có thể dừng gần 5 phút rồi tiến lên 1m rồi lại dừng tiếp." (Đỗ Quyển)
  • "Tôi thấy cái nào cũng có điểm tích cực, duy nhất chỉ có vụ bật đèn vào ban ngày thấy không hợp lí. Trước đây ít hôm vô tình tôi ngược chiều với cả 2 xe máy cùng bật đèn trước vào ban ngày (chắc có lẽ họ quên tắt) thì chói mắt thật. Thử tưởng xem ra phố mà cả vài trăm xe như thế thì sẽ thế nào?" (Quang Trung)
  • "Bất hợp lý nhất là dừng đèn xanh khi tắc đường, cực kì thiếu rõ ràng. Đáng lẽ trách nhiệm phải thuộc về cơ quan quản lý giao thông: Thấy tắc thì điều chỉnh kéo dài đèn đỏ. Đằng này lại đẩy trách nhiệm quyết định đi/dừng về người tham gia giao thông phải." (Nhan)
  • "Về việc thắt dây an toàn thì tài xế thường chấp hành rất nghiêm chỉnh, nhưng còn hành khách nhiều lúc rất khó thuyết phục họ thắt dây." (Tiến Điệp)
  • "Khí hậu nhiệt đới mà kêu bật đèn, cái này không phù hợp. Không nên thấy nước khác làm rồi áp dụng làm theo." (Roger)
  • "Ở Việt Nam xe chạy như rùa bò mà cũng buộc thắt dây an toàn tất cả các vị trí là không cần thiết." (Tran Pham Gia Huy)

(Tổng hợp ý kiến từ Vnexpress)

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi được Bộ Giao thông Vận tải tổ chức soạn thảo và thực hiện lấy ý kiến góp ý từ 21/4 đến 21/6.

Người dân có thể góp ý trực tiếp cho dự thảo Luật tại đây.

Xem thêm:

Việt Nam

Dự thảo Luật giao thông đường bộ 2020: Những thay đổi gây tranh cãi