Bình Dương, Tiền Giang dừng phương án '3 tại chỗ' vì có nhiều công nhân mắc COVID-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

150 doanh nghiệp ở Bình Dương, 9 khu và cụm công nghiệp tại Tiền Giang sẽ dừng thực hiện phương án "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ tại chỗ) do phát hiện nhiều công nhân nhiễm COVID-19.

Ngày 29/7, theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Dương cho biết, quá trình tổ chức lao động ở lại nhà máy, 150 doanh nghiệp còn gặp khó khăn về thực phẩm, thiếu hụt nguyên vật liệu, công nhân hoang mang không chịu làm việc khi xuất hiện ca nhiễm. Doanh nghiệp muốn dừng phương án "3 tại chỗ" phải xét nghiệm cho tất cả người lao động. Những người kết quả âm tính sẽ cách ly ở nhà máy ít nhất 3 ngày, sau đó test lại kết quả âm tính mới cho về.

Ban quản lý các khu công nghiệp Bình Dương vừa có hướng dẫn cụ thể về việc ngừng tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" gửi các doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, doanh nghiệp phải gửi văn bản đến nơi họ sinh sống, thông báo tình trạng sức khỏe, thời gian đi lại trên đường để các chốt kiểm soát dịch biết, địa phương tiếp nhận.

Tỉnh Bình Dương hiện có hơn 1,2 triệu công nhân lao động làm việc tại 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp. Tính đến ngày 28/7, tỉnh có gần 3.600 doanh nghiệp với khoảng 390.000 công nhân đăng ký ăn nghỉ, sản xuất tại nhà máy. Ở đợt dịch thứ 4, tỉnh phát hiện gần 10.000 ca nhiễm, trong đó hơn 2.000 trường hợp là công nhân. Tỉnh này đang là vùng dịch xếp thứ 2 ở phía Nam, chỉ sau TP. HCM.

Tại Tiền Giang

Ngày 29/7, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã quyết định tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp kể từ ngày 5/8 cho đến khi có thông báo mới. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh có nhiều doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” trong các khu, cụm công nghiệp nhưng vẫn xảy ra bùng phát dịch bệnh.

Trước khi chính thức tạm dừng hoạt động, từ ngày 29/7 đến 4/8, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp khẩn trương sắp xếp hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với yêu cầu hoạt động của doanh nghiệp; tổ chức xét nghiệm tầm soát RT-PCR cho toàn bộ công nhân và người quản lý.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Ban quản lý các khu công nghiệp chịu trách nhiệm và thường xuyên kiểm tra, theo dõi các doanh nghiệp trong việc thực hiện tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Lập danh sách cụ thể công nhân, người lao động sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, thông báo về địa phương để theo dõi, quản lý.

Ngày 29/7, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang cho biết, tại Công ty cổ phần Gò Đàng (Khu công nghiệp Mỹ Tho) đã ghi nhận 180 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Công ty này thực hiện “3 tại chỗ” từ ngày 15/7. Toàn bộ công nhân được bố trí sản xuất, ăn, nghỉ, sinh hoạt tại công ty theo quy định.

Thời gian gần đây, có một số doanh nghiệp ở địa bàn tỉnh Tiền Giang dù thực hiện phương án “3 tại chỗ” nhưng vẫn xảy bùng phát dịch. Ngoài công ty cổ phần Gò Đàng thì công ty Thép không gỉ Quảng Thượng Việt Nam tại khu công nghiệp Long Giang (huyện Tân Phước) cũng có gần 100 ca dương tính SARS-CoV-2.

Theo Sở Y tế Tiền Giang, chiều ngày 28/7, tỉnh ghi nhận 192 ca dương tính SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc ở tỉnh này lên 2.378 ca; trong đó có 342 ca điều trị khỏi, 38 trường hợp tử vong với 126 ổ dịch.


Bình Dương, Tiền Giang dừng phương án '3 tại chỗ' vì có nhiều công nhân mắc COVID-19