Gỡ khó ách tắc lưu thông trong tiêu thụ lúa gạo tại ĐBSCL

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thứ trưởng Trần Thanh Nam – Tổ trưởng Tổ công tác 970 đề xuất thu mua tạm trữ lúa hè thu để nông dân ĐBSCL yên tâm sản xuất vụ thu đông trong bối cảnh khâu lưu thông tiêu thụ hàng hoá bị ách tắc, thương lái ép giá, trục lợi...

So với thời điểm cách đây 2 tuần, diện tích lúa hè thu tại ĐBSCL đã thu hoạch được 820.000 ha, tăng 200.000 ha; giá lúa cũng đã tăng từ 300 đồng - 500 đồng/kg; diện tích còn lại khoảng 690.000 ha hiện đang tiếp tục được thu hoạch. Tuy nhiên quá trình thu mua, tiêu thụ tại đây vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn.

Tại cuộc họp trực tuyến giữa các giới chức thuộc Bộ, Tổ công tác 970 và các Sở NN&PTNT 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL diễn ra ngày 17/8 vừa qua, ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết, tuần qua, giá lúa trên địa bàn tỉnh An Giang đã tăng 200 - 500 đồng/kg tùy loại, thì đầu tuần này đã chững lại, có giống lại giảm 100 - 200 đồng/kg.

Mặc dù tỉnh đã gửi nhiều văn bản để đề nghị hỗ trợ thu mua nhưng doanh nghiệp thu mua rất ít, giảm 50% so với năm trước. Hiện nay, địa phương đang lo lắng về việc tiêu thụ lúa Thu Đông với khoảng 1 triệu tấn.

Còn theo ông Nguyễn Tấn Nhơn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ, trên địa bàn thành phố có 45 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo trực tiếp. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có 26 doanh nghiệp xuất khẩu đảm bảo đủ điều kiện hoạt động tại chỗ, trong đó, công suất cũng chỉ được khoảng 50% do phải thực hiện giãn cách xã hội… nên các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, hiện địa phương đã thu hoạch được sản lượng lúa với 600.000 tấn, dự kiến đến hết 15/9 sẽ thu hoạch hết diện tích lúa Hè Thu còn lại với sản lượng khoảng 800.000 tấn. Từ khi có chủ trương hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hiện giá lúa trên địa bàn đã tăng lên với lúa chất lượng cao từ 5.500 - 5.900 đồng/kg.

Hiện nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã giới thiệu 9 doanh nghiệp xuống Kiên Giang để tiến hành thu mua, trong đó có 1 doanh nghiệp đã cam kết thu mua với diện tích 1.000 ha. Tuy nhiên, giá lúa chưa được như kỳ vọng, trong khâu tiêu thụ còn gặp một số khó khăn.

Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, việc khó khăn trong lưu thông hàng hóa do không có sự thống nhất giữa các địa bàn dẫn tới một số địa phương yêu cầu bắt buộc phải có kết quả PCR, không chấp nhận chỉ có giấy test nhanh hoặc có nơi chỉ công nhận thời gian giấy xét nghiệm COVID-19 trong 24 giờ hay 48 giờ đều không đúng quy định (72 giờ).

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho rằng các xe chở nông sản từ Tây Nam Bộ ra các tỉnh biên giới phía Bắc để xuất khẩu, thời gian vận chuyển dài, trên đường không tiếp xúc ai vì nhiều tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội, vì vậy nên có sự nới thời hạn hiệu lực giấy xét nghiệm COVID-19 cho lái xe đường dài, áp dụng một cung đường hai điểm đến…

Hiện đang vào mùa mưa, nếu vấn đề vận chuyển không thống nhất giữa các địa phương, sẽ dẫn đến hạt lúa nảy mầm trên bông, hư hỏng, như vậy rất có thể bà con nông dân lưỡng lự sản xuất vụ thu đông.

Vụ Thu Đông 2021 vùng ĐBSCL dự kiến gieo sạ 700.000 ha. Vụ này cung ứng sản lượng khoảng 3,864 triệu tấn và cung cấp giống cho vụ Đông Xuân cuối năm.

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng: Về vấn đề "luồng xanh" đường thủy, Sở NN&PTNT các tỉnh có thể phối hợp với các cơ quan chức năng bố trí thực hiện, trên cơ sở như đã triển khai "luồng xanh" đường bộ, để các doanh nghiệp thuận lợi hơn cho việc đi lại thu mua nông sản.

Ðối với Tổ công tác 970, sớm hình thành cổng thông tin về kết nối cung - cầu nông sản để tiếp tục thực hiện việc kết nối mà không cần đến trực tiếp vùng sản xuất. Ở đó không chỉ có thông tin hàng hóa, người mua, người bán mà về lâu dài sẽ cập nhật cả thông tin thị trường, mã số vùng trồng… Riêng đối với mặt hàng lúa gạo, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tiêu thụ lúa hè thu.

Theo đó, các sở NN&PTNT nên đề xuất lãnh đạo tỉnh có cuộc trao đổi giữa các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại về vấn đề cho vay vốn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua lúa.

Việt Nam Xã hội

Gỡ khó ách tắc lưu thông trong tiêu thụ lúa gạo tại ĐBSCL