Hà Nội dự kiến thu phí ô tô vào nội đô cao nhất 60.000 đồng/lượt

Giúp NTDVN sửa lỗi

TP. Hà Nội dự kiến sẽ thu phí các phương tiện vào nội đô với mức: xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ từ 25.000 - 60.000 đồng/lượt; xe ô tô từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại từ 15.000 - 40.000 đồng/lượt.

Như NTDVN đã đưa tin, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TP. Hà Nội cùng với đơn vị tư vấn vừa xây dựng xong phương án thiết lập 87 trạm thu phí phương tiện đi vào khu vực nội đô.

Theo kế hoạch, 87 trạm thu phí được đề xuất xây dựng tại các vị trí như: Nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, nút giao Big C Thăng Long, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Giải Phóng, Cổ Linh - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hoàng Quốc Việt, Võ Chí Công, cầu Đông Trù, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì…

Sau khi đơn vị tư vấn hoàn thành kế hoạch xây dựng các vị trí thu phí, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP. Hà Nội đã đưa ra mức phí dự kiến với các loại xe vào khu vực nội đô.

Theo đó, TP. Hà Nội dự kiến các mức thu:

Xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ (là nhóm thu chính): 25.000 - 60.000 đồng/lượt.

Xe ô tô từ 9 chỗ trở lên và xe tải: 15.000 - 40.000 đồng/lượt.

Thời gian thực hiện thu phí từ 5h - 21h có phân biệt mức thu theo giờ. Trong đó, giờ cao điểm (giờ cao điểm sáng từ 6h - 9h, chiều từ 16h - 19h30). Giờ thấp điểm sẽ thu thấp hơn hoặc miễn phí hoàn toàn cho tất cả các phương tiện.

Các ngày cuối tuần và ngày lễ: không thu phí, vì trong các ngày nghỉ và ngày lễ, mức độ ùn tắc giao thông thấp hơn so với các ngày làm việc.

Các phương tiện được giảm phí theo đề xuất là xe ô tô kinh doanh vận tải gồm: xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe tuyến cố định, xe tải các loại; xe ô tô dưới 9 chỗ của người dân trong khu vực; xe ô tô của cơ quan công sở trong khu vực (sẽ được miễn phí một số lượt nhất định, ngoài số đó sẽ phải trả phí bình thường).

Các phương tiện được miễn phí gồm: xe ưu tiên theo quy định hiện hành (xe cảnh sát, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe quân đội...), xe công vụ và xe buýt công cộng.

Mặc dù được miễn phí nhưng các loại xe này vẫn phải đăng ký trong hệ thống, được lắp thiết bị trên xe và cài đặt chế độ miễn thu phí để đảm bảo phân biệt với các loại xe ô tô cùng chủng loại những vẫn chịu phí.

Theo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP. Hà Nội, qua khảo sát, có 55% người dân chấp nhận đóng phí để di chuyển bằng xe ô tô cá nhân vào nội đô, số còn lại sẽ chuyển sang sử dụng các loại phương tiện công cộng khác.

Trung tâm cho rằng, việc thu phí này nhằm hạn chế số lượng phương tiện vào khu vực nội đô, thay đổi hành vi lựa chọn phương tiện đi lại để hạn chế ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong khu vực thu phí.

Theo kế hoạch, dự án thu phí được thực hiện theo 3 giai đoạn:

  • Từ năm 2021 – 2025: nghiên cứu, hoàn thiện đề án và các điều kiện thu phí.
  • Từ năm 2025 – 2030: xây dựng dự án và thu phí thí điểm tại một số vị trí, sau đó có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm.
  • Từ năm 2030: xây dựng dự án và bổ sung các điểm thu phí theo danh sách để dần khép kín vành đai thu phí theo mục tiêu của đề án.

Cần khoảng 2.646 tỉ đồng để xây 87 trạm thu phí

Theo dự kiến, dự án thiết lập 87 trạm thu phí có tổng kinh phí đầu tư khoảng 2.646 tỷ đồng. Trong đó, chi phí thiết bị chiếm nhiều nhất với 2.155 tỷ đồng. Các chi phí còn lại bao gồm: phí xây dựng, phí quản lý, chi phí dự phòng và chi phí khác.

  • Giai đoạn 1: đầu tư thí điểm 15 trạm tại 9 vị trí khoảng 456,27 tỷ đồng;
  • Giai đoạn 2: đầu tư xây dựng 59 trạm tại 46 vị trí khoảng 1.794 tỷ đồng;
  • Giai đoạn 3: hoàn chỉnh đầu tư xây dựng 13 trạm tại 13 vị trí có kinh phí khoảng 395,43 tỷ đồng.

Trong đó, giai đoạn 1 (thí điểm) sử dụng vốn đầu tư công từ ngân sách thành phố, lắp đặt các trạm thu phí tại các nút giao trọng điểm, thường xuyên ùn tắc. Giai đoạn 2 và 3 đầu tư bằng ngân sách hoặc thu hút nhà đầu tư.

Đề án tạm thời xác định tổng tiền phí xe vào nội đô hàng năm trên cơ sở mức phí dự kiến là 50.000 đồng/lượt đối với xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ và 30.000 đồng/lượt đối với xe ô tô khách từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại. Dự kiến với mức phí này:

  • Giai đoạn 1: thành phố sẽ thu được khoảng 769 tỷ đồng/năm;
  • Giai đoạn 2: thu khoảng 1.175 tỷ đồng/năm;
  • Giai đoạn 3: thu khoảng 1.326 tỷ đồng/năm.

Bế tắc có hoàn bế tắc?

Theo TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia tư vấn cao cấp về quy hoạch giao thông của JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản), việc thu phí sẽ khiến cho hàng hoá đưa vào nội đô tăng cao vì phải gánh thêm loại phí này. Hà Nội đã có hàng chục giải pháp chống ùn tắc từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả, phải chăng Hà Nội bế tắc trong việc giải quyết ùn tắc nên nghĩ ra việc thu phí này.

TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia cho rằng, đây là giải pháp không khả thi, thậm chí sẽ khiến giao thông thủ đô càng trở nên hỗn loạn.

Theo TS Khương Kim Tạo, vấn đề thu phí xe cơ giới vào nội đô được đề xuất nhiều lần và nhiều lần dừng lại. Điều đó thể hiện sự bế tắc trong công tác quản lý giao thông để giải quyết vấn nạn ùn tắc của thành phố.

“Việc thu phí ô tô vào nội đô không giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông của TP. Hà Nội hiện nay, đây là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ lại, không nên quẩn quanh”, TS Khương Kim Tạo nêu rõ.

Mạnh Hùng (Tổng hợp)

Việt Nam Xã hội

Hà Nội dự kiến thu phí ô tô vào nội đô cao nhất 60.000 đồng/lượt