Hồ Kẻ Gỗ hiện đã đầy nước, kịch bản nào nếu đập hồ gặp tình huống xấu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chiều 19/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh đã gửi công văn khẩn đề nghị hỗ trợ trong tình huống xấu nhất.

Truyền thông Việt Nam đưa tin, theo một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Thuỷ lợi và Viện Thuỷ văn, môi trường và biến đổi khí hậu như sau:

  • Trong trường hợp xấu nhất, thời gian từ khi vỡ đập chính hồ Kẻ Gỗ đến khi xuất hiện lưu lượng đỉnh lũ sau hồ Kẻ Gỗ là 1 giờ gây nguy hiểm cho khu vực hạ lưu. Dòng nước lũ sẽ cuốn trôi toàn bộ những gì mà dòng chảy đi qua khu vực của các xã Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Thạch và vùng ngập sẽ mở rộng dần về phía khu vực TP. Hà Tĩnh;
  • Sau 3 giờ thì độ sâu ngập vùng hạ du là lớn nhất, chủ yếu là trên 5m chiếm khoảng 50% vùng bị ngập;
  • Sau 6 giờ kể từ khi vỡ đập thì diện tích ngập lớn nhất có tất cả 55 xã của 3 huyện bị ngập tổng diện tích là 345 km2;
  • Sau 48 giờ thì hiện tượng ngập chỉ còn lại một số xã vùng trong nằm ven sông Ngàn Mọ và một số vùng trũng chưa tiêu thoát kịp. Vùng có dòng phá hoại trường hợp vỡ đập chính hồ Kẻ Gỗ đi qua các thôn xóm của xã Cẩm Mỹ đoạn sông Ngàn Mọi với lưu tốc dòng chảy lớn thường 5 -6 m/s.

Tính đến 8h ngày 19/10, mực nước hồ Kẻ Gỗ ở cao trình (+33,6m), cao hơn mực nước dâng bình thường 1,0m (cao trình mực nước dâng bình thường là 32,5m), hiện tại đang xả tràn với lưu lượng 950m3/s và tiếp tục xả tối đa với lưu lượng 1.100m3/s.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Hà Tĩnh, lượng mưa trong thời gian tới dự kiến khoảng 350 đến 400 mm, nếu mưa vẫn còn tiếp diễn thì khoảng 8 giờ nữa mực nước trong hồ rất lớn.

Hiện tỉnh đang có phương án phá tràn sự cố (tràn cầu chì) để xả lũ với lưu lượng qua tràn cầu chì và qua tràn Dốc Miếu khoảng 4.100m3/s; đây là tình huống khẩn cấp cần phải tính đến.

Trong chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, tình hình nguy cấp nhất hiện nay là nhiều hồ thủy điện, thủy lợi tại miền Trung đã đầy nước. Nguy hiểm nhất là hồ Kẻ Gỗ, hiện đã đầy nước, nguy cơ xả thẳng xuống TP. Hà Tĩnh.

Ông Cường nhấn mạnh, nếu một hồ thủy điện, thủy lợi nào bị vỡ là gây ra thảm hoạ. Do đó, Bộ NN&PTNT đã cử các chuyên gia thủy lợi vào các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế hỗ trợ điều hành hồ chứa, không để xảy ra rủi ro với hệ thống hồ. Việc vận hành các hồ phải tuân thủ nghiêm quy trình vận hành.

Trước đó, chiều ngày 18/10, do mưa lớn kết hợp với nước lũ thượng nguồn đổ về, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bị ngập sâu trong nước, có nơi ngập tới 1 m. Bên cạnh đó mưa lũ còn gây ra tình trạng sạt lở đất ở nhiều nơi.

Tại xã Hương Lâm, huyện Hương Khê, tình trạng sạt lở đất, nứt núi đã xuất hiện. Tại xã Hương Liên, huyện Hương Khê, người dân phát hiện vết nứt lớn trên núi Vò Vò với đường nét kéo dài. Lực lượng chức năng đã di dời khẩn cấp 2 hộ dân gần khu vực cùng nhiều hộ dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở cao.

Hà Tĩnh: Xuất hiện các vết nứt trên núi.
Hà Tĩnh xuất hiện các vết nứt trên núi. (Ảnh chụp màn hình)

Đến chiều ngày 18/10, gần 3.000 hộ dân ở các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Hương Khê, Kỳ Anh… đã được sơ tán, di dời đến nơi tránh trú an toàn. Đồng thời Hà Tĩnh đã cho 200.000 học sinh trên địa bàn nghỉ học từ ngày 19/10.

Hồ chứa nước Kẻ Gỗ là hồ nhân tạo trên sông Rào Cái thuộc xã Cẩm Mỹ huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, cách TP. Hà Tĩnh 20km về phía Tây. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 26/3/1976 đến tháng 2 năm 1978 bắt đầu tích nước.

Năm 1983 công trình hoàn thành và chính thức đưa vào khai thác. Hồ có nhiệm vụ tích nước tưới cho 21.136 ha đất canh tác của hai huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên, cấp nước cho công nghiệp, kết hợp phát điện, nuôi cá và phòng chống lũ cho hạ du.

Từ năm 1988 đến nay hồ chứa không còn phục vụ cho nhiệm vụ phát điện. Hồ có dung tích 346 triệu mét khối nước tại cao trình mực nước dâng bình thường.


Hồ Kẻ Gỗ hiện đã đầy nước, kịch bản nào nếu đập hồ gặp tình huống xấu